Cách mạng Tháng 8 năm 1945 như một mốc son chói lọi đưa đất nước ta bước vào một kỷ nguyên mới: kỷ nguyên độc lập gắn liền với chủ nghĩa xã hội. Với Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Yên Bái, thắng lợi của cuộc Cách mạng Tháng 8 như một mốc son chói lọi trong lịch sử đấu tranh xây dựng và bảo vệ quê hương. Bởi đó là lần đầu tiên nhân dân các dân tộc trong tỉnh dưới sự lãnh đạo của Đảng đã viết lên trang sử vẻ vang nhất, oanh liệt nhất, làm rạng rỡ truyền thống đấu tranh kiên cường, bất khuất anh dũng và đoàn kết của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân trên quê hương Yên Bái anh hùng.
Cách đây 79 năm, hưởng ứng lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh và lời hiệu triệu của Ủy ban Giải phóng dân tộc Việt Nam, nhân dân cả nước đứng lên làm cuộc cách mạng giành độc lập tự do cho dân tộc. Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đề ra đường lối cách mạng đúng đắn, sáng tạo, tập hợp mọi tầng lớp người Việt Nam yêu nước để tiến hành cuộc tổng khởi nghĩa thành công. Thắng lợi đó có ý nghĩa quan trọng với Yên Bái.
Từ một tỉnh nghèo, đến nay, Yên Bái đã có bước phát triển mạnh mẽ, vượt bậc, tiềm lực kinh tế - xã hội được tăng cường, đời sống nhân dân không ngừng được cải thiện và nâng cao.
Với mục tiêu đưa Yên Bái phát triển nhanh, bền vững theo hướng "Xanh, hài hòa, bản sắc và hạnh phúc”, trở thành tỉnh khá vào năm 2025 và nằm trong nhóm các tỉnh phát triển hàng đầu của vùng trung du và miền núi Bắc Bộ vào năm 2030, ngay sau Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã chỉ đạo xây dựng, ban hành kế hoạch và lãnh đạo tổ chức học tập, quán triệt, tuyên truyền rộng rãi, thường xuyên, liên tục Nghị quyết với các hình thức đa dạng, phong phú.
Bước vào thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm, giai đoạn 2021 - 2025, dưới dự chỉ đạo, điều hành quyết liệt của lãnh đạo tỉnh, sự vào cuộc của các cấp, ngành, địa phương, sự đồng lòng của cộng đồng doanh nghiệp, người dân, kinh tế - xã hội của tỉnh Yên Bái từ đầu nhiệm kỳ đến nay đạt nhiều kết quả quan trọng, thể hiện trên một số lĩnh vực, cụ thể: giai đoạn 2021 - 2023, kinh tế tỉnh Yên Bái tăng trưởng khá, chất lượng tăng trưởng được nâng lên, quy mô nền kinh tế tiếp tục được mở rộng, cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng.
Năm 2021, tốc độ tăng trưởng GRDP đạt 7,11%; năm 2022 đạt 8,62%; năm 2023 đạt 6%; bình quân từ đầu nhiệm kỳ, tốc độ tăng GRDP đạt 7,28%/năm. Phát triển nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới hiệu quả, bền vững; tốc độ tăng trưởng ngành nông nghiệp năm 2023 đạt 5,29%.
Đến nay, toàn tỉnh có 106/150 xã đạt chuẩn nông thôn mới; 37 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; 11 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu, 4/9 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn, hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới. Lĩnh vực công nghiệp tiếp tục phát triển, trở thành động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế; hạ tầng khu, cụm công nghiệp được quan tâm đầu tư. Tốc độ tăng trưởng khu vực công nghiệp - xây dựng năm 2023 đạt 6,46%.
Lĩnh vực dịch vụ, thương mại có bước phát triển khá, năm 2023, tốc độ tăng trưởng khu vực dịch vụ đạt 6%. Phát triển du lịch theo hướng "xanh, bản sắc, hấp dẫn”; xây dựng hình ảnh và thương hiệu "Yên Bái - Nơi hội tụ sắc màu Tây Bắc”, "điểm đến an toàn, thân thiện, đặc sắc, hấp dẫn, ấn tượng”.
Chỉ số hạnh phúc người dân năm 2023 đạt 65,62%; năm 2023, thành phố Yên Bái được công nhận đạt đô thị loại II. 7 tháng năm 2024, nhiều chỉ tiêu kinh tế tăng so với cùng kỳ năm 2023 như: chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 9,36%; giá trị sản xuất công nghiệp tăng 10,5%; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 10,5%; tổng mức đầu tư phát triển tăng 5%... Kinh tế - xã hội vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh tiếp tục có bước chuyển biến tích cực, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được nâng lên.
Để thực hiện thành công mục tiêu xây dựng Yên Bái trở thành tỉnh phát triển khá trong khu vực, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc trong tỉnh cần phát huy trí tuệ tập thể trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị. Xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cán bộ chủ chốt có đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, ngang tầm nhiệm vụ.
Tăng cường vai trò nòng cốt chính trị gắn với nâng cao hiệu quả hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị xã hội trong xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Tập trung cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, huy động, lồng ghép và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng theo hướng đồng bộ, trọng điểm, có sức lan tỏa, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội, kết nối phát triển vùng, liên vùng; triển khai các dự án, công trình thuộc chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Kịp thời rà soát, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ triển khai, giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản, nhất là tại các dự án trọng điểm. Phát triển toàn diện kinh tế - xã hội vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, từng bước thu hẹp dần khoảng cách phát triển giữa các vùng.
Thanh Tân