Lịch sử cách mạng Việt Nam trong sự nghiệp đấu tranh giành độc lập dân tộc, bảo vệ và xây dựng đất nước luôn có sự đóng góp không nhỏ của quân và dân các dân tộc tỉnh Yên Bái, mà thành công của cuộc Tổng Khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945 là một trong những đóng góp quan trọng nhất.
Ngược dòng lịch sử, vào giữa năm 1943, qua chuyến đi nắm tình hình, đồng chí Hoàng Quốc Việt - Ủy viên Ban Thường vụ Trung ương Đảng đã nhận định, khu vực giáp hai tỉnh Yên Bái - Phú Thọ là nơi địch có nhiều sơ hở, không kiểm soát gắt gao, rất thuận lợi cho việc xây dựng cơ sở cách mạng, phát động chiến tranh du kích. Nếu xây dựng được cơ sở, phong trào cách mạng ở đây, không những có ý nghĩa đối với hai tỉnh Yên Bái và Phú Thọ mà còn phát triển được sang Sơn La, lên Lào Cai.
Vì thế, Trung ương có chủ trương phải xây dựng cho được phong trào cách mạng ở Yên Bái, nhằm hai mục đích: lấy Yên Bái làm nơi dừng chân cho các đồng chí vượt ngục Sơn La ra và xây dựng căn cứ cách mạng, chuẩn bị lực lượng khởi nghĩa giành chính quyền ở địa phương.
Cuối năm 1943 đầu năm 1944, lực lượng cách mạng phát triển mạnh mẽ ở Trấn Yên, Văn Chấn và thị xã Yên Bái. Sau khi Nhật đảo chính Pháp, phong trào Việt Minh phát triển thêm một bước mới và ngày 7/5/1945, chi bộ đảng đầu tiên đã được thành lập tại thị xã Yên Bái. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, các cơ sở cách mạng được tăng cường, hàng vạn quần chúng tiến bộ được tập trung vào các tổ chức hội, đoàn thể.
Đặc biệt, LLVT phát triển từ một trung đội lên nhiều đại đội; các đội tự vệ Cổ Văn và du kích Âu Cơ hoạt động có hiệu quả, ngày càng gây thanh thế cho Việt Minh. Ngày 30/6/1945, Ban Cán sự Đảng liên tỉnh Yên Bái - Phú Thọ được thành lập và lãnh đạo LLVT đánh bại các cuộc hành quân của Nhật vào khu căn cứ cách mạng.
Trong vòng hơn một tháng (6/7/1945 - 9/8/1945), LLVT và quần chúng nhân dân Yên Bái đã lật nhào toàn bộ chính quyền tay sai phát xít Nhật ở các châu, phủ và thành lập chính quyền cách mạng. Làn sóng ấy tiếp tục được dâng cao khi Nhật tuyên bố đầu hàng Đồng minh.
Tối 17/8/1945, Yên Bái nhận Lệnh tổng khởi nghĩa của Ủy ban Khởi nghĩa toàn quốc. Ban Cán sự Đảng họp khẩn cấp chủ trương huy động quần chúng vào thị xã đấu tranh chính trị kết hợp với áp lực vũ trang giành chính quyền. Sáng ngày 18/8/1945, Tỉnh trưởng Yên Bái cho 5 người mang cờ trắng, đem thư gửi lãnh đạo ta đề nghị ngừng bắn và tiến hành đàm phán với Nhật.
Tại cuộc đàm phán, ta đưa ra 2 yêu cầu buộc quân đội Nhật không được can thiệp vào việc lập chính quyền Việt Minh ở tỉnh Yên Bái và đi lại ở thị xã Yên Bái phải báo cáo cho quân Việt Minh biết.
Với thành công của lần đàm phán này, cuộc khởi nghĩa của nhân dân Yên Bái đã toàn thắng. Sáng 20/8/1945, các đơn vị vũ trang cách mạng tiếp tục tiếp quản toàn bộ thị xã. Hàng ngàn người già, trẻ, gái, trai từ căn cứ Vần, Đông Cuông, Yên Bình… mang theo cờ, biểu ngữ ào ào tiến vào thị xã với tâm thế hân hoan, phấn khởi của người từ nay được làm chủ vận mệnh đời mình. Sáng ngày 22/8/1945, Ban Cán sự Đảng tổ chức cuộc mít tinh quần chúng tại sân Căng ở thị xã Yên Bái trước sự tham gia của gần một vạn quần chúng nhân dân.
Ủy ban nhân dân Cách mạng lâm thời tỉnh Yên Bái đã làm lễ ra mắt nhân dân, tuyên bố xóa bỏ chế độ thực dân phong kiến, công bố chính sách của Mặt trận Việt Minh, kêu gọi nhân dân các dân tộc trong tỉnh đoàn kết ủng hộ, giúp đỡ chính quyền cách mạng sẵn sàng đập tan mọi âm mưu của đế quốc và các thế lực phản động, vượt qua mọi khó khăn gian khổ quyết tâm bảo vệ thành quả cách mạng, từng bước xây dựng cuộc sống mới.
Thắng lợi của cuộc Tổng Khởi nghĩa Tháng Tám đã đập tan ách thống trị suốt 60 năm của thực dân Pháp tại Yên Bái, lật đổ chính quyền phong kiến từ tỉnh đến xã. Cùng với nhân dân cả nước, đồng bào các dân tộc Yên Bái từ thân phận nô lệ, trở thành người tự do, đứng lên làm chủ quê hương, đất nước.
Trải qua 79 năm đấu tranh, xây dựng, trưởng thành và qua 19 kỳ đại hội, Đảng bộ tỉnh Yên Bái ngày càng được đổi mới, xây dựng và củng cố vững chắc, đủ sức lãnh đạo công cuộc đổi mới xây dựng, kiến thiết quê hương thêm giàu đẹp, khang trang và hạnh phúc.
Song song với nhiệm vụ xây dựng, chỉnh đốn Đảng, Đảng bộ tỉnh luôn đề cao đạo đức cách mạng, đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với thực hiện các quy định về nêu gương và những điều đảng viên không được làm; thực hiện tốt Quy định số 16-QĐ/TU ngày 15/11/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về "Thực hiện văn hóa, đạo đức trong Đảng và hệ thống chính trị tại Đảng bộ tỉnh Yên Bái” nhằm xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên có bản lĩnh, phẩm chất chính trị vững vàng, có trách nhiệm và động cơ đúng đắn, tiên phong, gương mẫu, góp phần cùng toàn Đảng, hệ thống chính trị và toàn xã hội tạo những đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Nhờ tăng cường đổi mới phương thức lãnh đạo và thắt chặt mối đoàn kết thống nhất trong Đảng, trong hệ thống chính trị, với tinh thần Cách mạng Tháng Tám bất diệt 79 năm qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc Yên Bái đã phát huy truyền thống anh hùng, ra sức phấn đấu thi đua đạt được những thành tựu quan trọng, ấn tượng trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hóa - xã hội. Đời sống vật chất, tinh thần của người dân từ thành thị đến nông thôn, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số có nhiều khởi sắc rõ rệt.
Một góc trung tâm thành phố Yên Bái hôm nay.
Từ một tỉnh miền núi còn nhiều khó khăn, thiếu thốn; thậm chí, nhiều năm Nhà nước phải hỗ trợ gạo cứu đói, Yên Bái đã trở thành điểm sáng của cả vùng Tây Bắc về xây dựng nông thôn mới, với trên 100 xã được công nhận đạt chuẩn, chiếm gần 70% tổng số xã toàn tỉnh; 4/9 đơn vị cấp huyện hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới; trong đó, huyện Trấn Yên vinh dự là huyện nông thôn mới đầu tiên của khu vực Tây Bắc.
Từ điểm xuất phát thấp với kinh tế nông nghiệp tự cung tự cấp, du canh du cư năm xưa, hôm nay Yên Bái đã chuyển sang phát triển nền kinh tế hàng hóa đa dạng, nhiều thành phần. Cụ thể, đến hết năm 2023, toàn tỉnh đã có 234 sản phẩm được chứng nhận tiêu chuẩn OCOP; trong đó, có 25 sản phẩm đạt 4 sao và 209 sản phẩm đạt 3 sao. Chương trình OCOP của tỉnh đã lan tỏa và huy động được 127 doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở, hộ kinh doanh tham gia.
Đến nay, sau gần 3 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, tốc độ tăng tổng sản phẩm trung bình trên địa bàn tỉnh đạt 7,86%/năm, đứng thứ 3/14 tỉnh trong vùng trung du và miền núi Bắc Bộ, cao hơn mục tiêu Nghị quyết Đại hội (7,5%/năm).
Tỉnh đã huy động, sử dụng hiệu quả các nguồn lực để đầu tư phát triển đồng bộ hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, trọng tâm là hạ tầng giao thông, hạ tầng đô thị, hạ tầng khu, cụm công nghiệp, hạ tầng giáo dục, y tế..., tạo động lực mạnh mẽ thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Chất lượng y tế, giáo dục không ngừng được nâng lên. Đặc biệt, từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Yên Bái là tỉnh duy nhất trong cả nước đã phát động ủng hộ, tặng quà tết cho 100% hộ nghèo và các hộ tự nguyện thoát nghèo trong toàn tỉnh từ nguồn vốn xã hội hóa, bảo đảm mọi người, mọi nhà đều được vui xuân, đón tết trong đầm ấm và hạnh phúc. Đây cũng chính là sự lan tỏa từ ánh sáng của ngọn đuốc Tháng Tám 79 mùa Thu trước mà Đảng ta đã lãnh đạo sáng suốt để mang về ấm no, hạnh phúc cho nhân dân.
Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020 - 2025 của tỉnh xác định rõ mục tiêu "Quyết tâm đưa Yên Bái trở thành tỉnh khá vào năm 2025 và nằm trong nhóm các tỉnh phát triển hàng đầu trong vùng trung du và miền núi Bắc Bộ vào năm 2030”. Đồng thời, tỉnh cũng xác định triết lý phát triển nhanh, bền vững theo hướng "Xanh, hài hòa, bản sắc và hạnh phúc”, trở thành tỉnh đầu tiên trong cả nước đưa Chỉ số hạnh phúc của nhân dân là một chỉ tiêu trong Nghị quyết Đại hội.
Điều đó đã, đang và sẽ tiếp tục khẳng định ý chí thống nhất cùng quyết tâm mạnh mẽ của Đảng bộ, chính quyền, LLVT, nhân dân các dân tộc tỉnh Yên Bái trong việc triển khai thực hiện đưa nghị quyết đại hội đảng các cấp ngày càng đi vào cuộc sống vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh với tinh thần bất diệt của cuộc Cách mạng Tháng Tám năm xưa.
Thanh Hương