Nằm ở vị trí trước Rạp Hồng Hà, thành phố Yên Bái ngày nay, Vườn hoa, Nhà kèn có lịch sử hình thành gắn liền với sự hình thành, xây dựng và phát triển của thị xã Yên Bái do thực dân Pháp xây dựng những năm đầu thế kỷ XX. Đây là vườn hoa duy nhất nằm ở trung tâm thị xã thời Pháp thuộc được xây dựng gần dinh Tuần phủ, trại Giám binh, trại lính khố xanh, đề lao, sân Căng, chợ Yên Bái với mục đích tạo cảnh quan đô thị, làm cho bộ mặt thị xã xanh, đẹp cho mọi người đi dạo, thư giãn và Nhà kèn là nơi tập kèn, biểu diễn nghệ thuật, âm nhạc, phục vụ cho lính Pháp và bọn quan chức. Ngoài ra, người dân thị xã và các vùng lân cận cũng có thể đến xem.
Cách đây 79 năm, Vườn hoa, Nhà kèn là nơi chứng kiến những sự kiện lịch sử quan trọng trong quá trình diễn ra cuộc Tổng khởi nghĩa Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công ở thị xã Yên Bái.
Đêm 16, rạng ngày 17/8/1945, được lệnh của Ủy ban Quân sự Cách mạng tỉnh, 4 trung đội vũ trang từ các bến đò: Âu Lâu, Ngòi Chanh, Bảo Hưng vượt sông Hồng đánh chiếm thị xã Yên Bái. Giao tranh ác liệt giữa quân khởi nghĩa với quân Nhật đã diễn ra ở các phố Hội Bình, Yên Thái, Yên Hòa và Vườn hoa, Nhà kèn. Khi đó, Chi bộ Đảng thị xã mới thành lập chỉ với 3 đảng viên, nhưng đã lãnh đạo lực lượng quần chúng cách mạng nổi dậy, làm hậu thuẫn giúp quân khởi nghĩa đánh vào giải phóng thị xã.
Sáng 22/8/1945, tại Vườn hoa, Nhà kèn, Ban Cán sự Đảng và Ủy ban Khởi nghĩa đã tổ chức mít tinh chào mừng khởi nghĩa Yên Bái thắng lợi và ra mắt UBND Cách mạng lâm thời trước sự chứng kiến đông đảo của nhân dân các dân tộc thị xã và vùng lân cận, chấm dứt ách đô hộ của chế độ thực dân, phong kiến ở Yên Bái. Sau ngày Bác Hồ đọc Bản Tuyên ngôn Độc lập - 2/9/1945, lá cờ đỏ sao vàng đã được treo trên nóc Nhà kèn như một biểu tượng cao đẹp của tinh thần cách mạng, ý chí yêu nước quyết chiến, quyết thắng của quân và dân Yên Bái.
Theo đó, cứ vào thứ Hai đầu tuần, trước Vườn hoa, Nhà kèn, nhân dân các dân tộc thị xã Yên Bái lại chọn cho mình bộ trang phục đẹp nhất và chỉnh tề đứng thành hàng để chào cờ, hát vang bài Quốc ca, thể hiện tinh thần đoàn kết, tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng, Chính phủ và Bác Hồ kính yêu. Đặc biệt, Vườn hoa, Nhà kèn còn là địa điểm tổ chức "Tuần lễ vàng” trong những năm kháng chiến, kiến quốc với gần 20 lạng vàng, 200 lạng bạc, 3.000.000 đồng Đông Dương được nhân dân các địa phương tỉnh Yên Bái đóng góp cho đất nước ngay trong tuần đầu phát động.
Năm 1954, hòa bình lập lại trên miền Bắc, thị xã Yên Bái thực hiện chủ trương hàn gắn vết thương chiến tranh, khôi phục và phát triển kinh tế. Trụ sở các cơ quan của tỉnh và thị xã đều được xây dựng xung quanh khu vực Vườn hoa, Nhà kèn như: trụ sở Tỉnh ủy, UBND tỉnh; Ty Giao thông, Kiến trúc, Thủy lợi, Văn hóa, Giáo dục, Trường cấp II, III; Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Công an tỉnh; trụ sở Thị ủy, UBND thị xã, Ngân hàng Nhà nước tỉnh; Ty Tài chính, Tỉnh đoàn…
Cùng với khu cửa hàng bách hóa tổng hợp, chợ trung tâm tỉnh, rạp chiếu bóng, hiệu sách nhân dân, sân vận động tỉnh được xây dựng, khiến cho Vườn hoa, Nhà kèn trở thành khu trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa lớn nhất thị xã thời đó và cũng là điểm sinh hoạt văn hóa, văn nghệ duy nhất của thiếu nhi thị xã Yên Bái. Năm 1965, đế quốc Mỹ tiến hành leo thang chiến tranh đánh phá miền Bắc, Vườn hoa, Nhà kèn nhiều lần bị máy bay Mỹ ném bom đánh phá ác liệt.
Sau khi thị xã Yên Bái được nâng cấp lên thành phố, Vườn hoa, Nhà kèn được tu sửa, cải tạo với diện tích gần 2.000 m2 có hệ thống đèn chiếu sáng, đài phun nước, các thảm cây xanh… tạo thành khu vui chơi, giải trí, thư giãn của người dân thành phố. Để khẳng định ý nghĩa lịch sử khu "Bảo tàng ngoài trời” này của quân và dân Yên Bái, ngày 15/7/2016, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 1420/QĐ-UBND: công nhận di tích Vườn hoa, Nhà kèn là Di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh.
Hôm nay, Di tích lịch sử - văn hóa Vườn hoa, Nhà kèn vẫn mãi là "địa chỉ đỏ” giáo dục truyền thống cách mạng cho tuổi trẻ các dân tộc trong tỉnh nhận thức sâu sắc về một giai đoạn lịch sử hào hùng với tinh thần yêu nước, ý chí bất khuất đấu tranh chống thực dân Pháp của các thế hệ cha ông đi trước, góp phần bồi đắp truyền thống yêu nước, lòng tự hào dân tộc và ý chí, khát vọng xây dựng quê hương đổi mới, phát triển toàn diện theo hướng "Xanh, hài hòa, bản sắc và hạnh phúc” như Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh khóa XIX đã đề ra.
Thanh Hương