Phát huy vai trò chủ thể của người dân
Từ nhiều năm nay, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Yên Bái đã khẳng định được vai trò chủ thể của người dân trong các cuộc vận động, theo phương châm "dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân hưởng lợi”. Quá trình thực hiện cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” đã xuất hiện ngày càng nhiều tấm gương điển hình tiên tiến, người hiến công, người hiến đất, người hiến kinh phí, tạo thành phong trào thi đua sôi nổi khắp các địa phương trong tỉnh.
Với mục tiêu hoạt động hướng về cơ sở, trên toàn tỉnh, thành viên Ban công tác Mặt trận đều tham gia Ban chỉ đạo xây dựng nông thôn mới tại cơ sở. Với quan điểm "lấy sức dân để lo cho dân", người dân vừa là chủ thể vừa là người hưởng lợi trong xây dựng nông thôn mới. MTTQ các cấp vận động người dân tham gia xây dựng nông thôn mới thông qua sự gương mẫu, đi đầu của cán bộ, đảng viên cơ sở; lựa chọn những hình thức tuyên truyền, vận động, đóng góp phù hợp từng đối tượng, từng địa bàn; đảm bảo tính hiệu quả thiết thực để nhân dân dễ học tập và làm theo.
Xã Nghĩa Lộ, thị xã Nghĩa Lộ là một trong nhiều điển hình hoạt động MTTQ hướng về cơ sở. Bà Phạm Thị Thanh An, Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã cho biết, nhận thức rõ lợi ích của xây dựng hạ tầng mang lại, trong 5 năm qua, cùng với sự đầu tư của Nhà nước, nhân dân trong xã đã đóng góp xây dựng 850m đường giao thông nông thôn với tổng trị giá trên 9 tỷ đồng; đường điện chiếu sáng trị giá 2,5 tỷ đồng; xây dựng trung tâm văn hóa xã trị giá 5,6 tỷ đồng. Đặc biệt, người dân ở 9/9 thôn đã hiến đất, cây cối, đóng góp ngày công, tiền của để làm 30,8 km đường nông thôn... trị giá hàng chục tỷ đồng.
Ông Giàng A Tông, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Yên Bái cho biết, thời gian qua, MTTQ các cấp đã triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp trong tham gia xây dựng nông thôn mới, thông qua các phong trào vận động nông dân giúp nhau phát triển kinh tế; đóng góp nguồn lực xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn; hiến đất dịch rào để làm đường và các công trình dân sinh nông thôn; bảo vệ môi trường, giữ gìn an ninh trật tự trên địa bàn nông thôn... mang lại hiệu quả thiết thực, nhanh chóng thay đổi bộ mặt nông thôn miền núi.
Trong 5 năm qua, MTTQ các cấp của tỉnh Yên Bái đã vận động đoàn viên, hội viên và nhân dân hiến trên 200 ha đất, 550.000 ngày công lao động và trên 500 tỷ đồng để sửa chữa, làm mới đường giao thông nông thôn, thủy lợi và các công trình phúc lợi; tham gia đóng góp làm trên 100 công trình cơ sở hạ tầng nông thôn, kiên cố hóa trên 1.000 km đường giao thông nông thôn... góp phần tích cực đưa toàn tỉnh đến nay có
110/150 xã đạt chuẩn nông thôn mới; 18/23 phường, thị trấn đạt chuẩn văn minh đô thị; 4/9 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn nông thôn mới.
Bên cạnh đó, Ủy ban MTTQ tỉnh đã phát động phong trào xây dựng mô hình "thôn, bản hạnh phúc” gắn với mô hình "gia đình hạnh phúc”. Đến nay, toàn tỉnh có trên 70% thôn, bản hạnh phúc và trên 80% gia đình hạnh phúc. Toàn tỉnh cũng vận động thành lập gần 650 tổ tự quản bảo vệ môi trường. Đặc biêt, vận động trên 55 nghìn nông dân tham gia hoạt động trong gần 5.500 tổ hợp tác và trên 750 hợp tác xã nông nghiệp kiểu mới; hỗ trợ tổ chức liên kết giữa các hợp tác xã và hộ nông dân với doanh nghiệp để phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị.
Người dân Yên Bái tích cực tham gia kiên cố hóa đường giao thông nông thôn góp phần thay đổi diện mạo nông thôn miền núi.
Phát huy vai trò giám sát xây dựng nông thôn mới
Phát huy vai trò giám sát và phản biện xã hội, Ủy ban MTTQ các cấp đã phối hợp tổ chức tốt việc giám sát thực hiện những chính sách, quy định, tiêu chí về xây dựng nông thôn mới trên địa bàn, bảo đảm quyền và lợi ích chính đáng của nhân dân. Chương trình, kế hoạch giám sát hằng năm được hiệp thương, phối hợp thống nhất theo nội dung và khối lượng cần giám sát; công khai các hình thức giám sát theo quy định của pháp luật.
Ông Giàng A Tông, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Yên Bái chia sẻ, công tác giám sát thời gian qua được triển khai khá toàn diện trên nhiều lĩnh vực, nhất là chương trình xây dựng nông thôn mới, đạt được nhiều kết quả tích cực, góp phần vào việc phát hiện những điểm chưa tốt, thiếu sót, hạn chế để kiến nghị khắc phục. Đồng thời, phản ánh và kiến nghị nhiều nguyện vọng, tâm tư của người dân tới cấp ủy và chính quyền các cấp, qua đó thể hiện được quyền làm chủ của nhân dân trong xây dựng nông thôn mới.
Trong giai đoạn 2019 – 2024, MTTQ các cấp đã tổ chức 3.917 cuộc giám sát; phối hợp với Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh, HĐND tỉnh, các sở, ban, ngành liên quan thực hiện 1.896 cuộc giám sát; ban thanh tra nhân dân các xã, phường, thị trấn tổ chức giám sát 1.125 cuộc; ban giám sát đầu tư cộng đồng tiến hành giám sát trên 2.212 dự án đầu tư…; trong đó, đặc biệt quan tâm và dành phần lớn cho nội dung giám sát việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.
Ông Giàng A Chang, Chủ tịch Ủy ban MTTQ huyện Trạm Tấu cho biết, phát huy vai trò giám sát của Ban Thanh tra nhân dân, Ban Giám sát đầu tư cộng đồng tại cơ sở, công tác giám sát được thực hiện từ khi bàn bạc thống nhất về chủ trương, huy động nguồn lực và tổ chức thực hiện. Vệc phối hợp giám sát diễn ra công khai, minh bạch, có hệ thống sổ sách ghi chép đầy đủ theo quy định. Kết hợp với giám sát là công tác tuyên truyền, vận động để cho nhân dân hiểu rõ, hiểu đúng về lợi ích của việc xây dựng nông thôn mới và tự giác tham gia.
Nhờ liên tục đổi mới nội dung, phương thức, giải pháp giám sát đối với chương trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn Yên Bái, nhiều kết quả tích cực đã đạt được, thúc đẩy các địa phương nhanh chóng hoàn thành các tiêu chí; nhiều kiến nghị, đề xuất về chính sách đặc thù xây dựng nông thôn mới tại vùng sâu, vùng cao khó khăn được tỉnh Yên Bái và Chính phủ điều chỉnh; nhiều tiêu chí, tiêu chuẩn quy định trong xây dựng nông thôn mới được điều chỉnh phù hợp với văn hóa, phong tục, tập quán và tín ngưỡng của đồng bào địa phương.
Thông qua giám sát, MTTQ các cấp tỉnh Yên Bái đã phối hợp với các cơ quan chức năng giải quyết, tháo gỡ nhiều khó khăn, vướng mắc trong xây dựng nông thôn mới ở cơ sở; phòng ngừa, cảnh báo nhiều tổ chức, cá nhân có dấu hiệu tiêu cực, lợi dụng sự đóng góp của người dân để tư lợi cá nhân, tham nhũng, lãng phí. Nhiều đơn thư, vụ việc liên quan đến chế độ, chính sách trong xây dựng nông thôn mới được giải quyết thỏa đáng, nhiều mâu thuẫn được hòa giải, góp phần giảm tình trạng khiếu kiện vượt cấp, củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng, chính quyền các cấp.
Đức Toàn