Kỷ niệm 110 năm Ngày sinh đồng chí Lý Tự Trọng (20/10/1914 - 20/10/2024)

Sáng mãi con đường cách mạng của thanh niên

  • Cập nhật: Chủ nhật, 20/10/2024 | 9:41:36 AM

“Con đường của thanh niên chỉ là con đường cách mạng, không thể có con đường nào khác”. Câu nói của Anh hùng Lý Tự Trọng, người đoàn viên thanh niên cộng sản đầu tiên được Đảng và Bác Hồ kính yêu dìu dắt, giáo dục từ tuổi thiếu niên, như một chân lý, có sức hiệu triệu, thôi thúc các thế hệ đoàn viên, thanh niên cùng nhau nỗ lực viết tiếp những trang sử vàng của thế hệ cha anh đi trước.

Đoàn viên, thanh niên Thủ đô trong buổi sinh hoạt truyền thống kỷ niệm 110 năm Ngày sinh đồng chí Lý Tự Trọng.
Đoàn viên, thanh niên Thủ đô trong buổi sinh hoạt truyền thống kỷ niệm 110 năm Ngày sinh đồng chí Lý Tự Trọng.

Người đoàn viên thanh niên cộng sản đầu tiên

Anh hùng Lý Tự Trọng tên thật là Lê Hữu Trọng, sinh ngày 20-10-1914 tại Bản Mạy, tỉnh Nakhon Phanom, Vương quốc Thái Lan (vùng Đông Bắc nước Xiêm, tỉnh Lạc Hòn - địa giới đầu thế kỷ trước) trong gia đình giàu truyền thống yêu nước. Cha của Lý Tự Trọng là ông Lê Hữu Đạt, quê ở làng Kẻ Vẹt (nay là xã Việt Tiến), huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh; mẹ là bà Nguyễn Thị Sờm, quê ở huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh.

Lớn lên trong tinh thần, truyền thống yêu nước của gia đình và bà con Việt kiều, hơn 6 tuổi, Lê Hữu Trọng được đến trường do các nhà lãnh đạo Việt Nam Quang phục Hội mở ở Bản Mạy. Tại đây, anh được học lịch sử nước Nam, văn thơ yêu nước của Phan Bội Châu và các nhà yêu nước khác, cũng như học tiếng Hán, tiếng Thái...

Cuối năm 1926, anh được tổ chức Việt Nam thanh niên cách mạng đồng chí Hội chọn sang Quảng Châu (Trung Quốc) học tập và được đồng chí Nguyễn Ái Quốc đưa vào nhóm "Thiếu niên tiền phong Việt Nam”, một hình thức tổ chức thanh thiếu niên cộng sản đầu tiên của cách mạng Việt Nam.

Đến giữa năm 1929, tình hình cách mạng đã có chuyển biến mới. Các tổ chức cộng sản ở Việt Nam lần lượt ra đời. Lý Tự Trọng được cử về nước hoạt động tại Sài Gòn - Chợ Lớn, đảm nhận nhiệm vụ liên lạc trong và ngoài nước cho Xứ ủy Nam kỳ. Đồng thời, Lý Tự Trọng được giao một nhiệm vụ đặc biệt, vận động, tập hợp thanh niên trong các nhà máy, trường học để thành lập Đoàn thanh niên Cộng sản.

Lý Tự Trọng bị thực dân Pháp bắt vào năm 1931. Dù bị tra tấn dã man nhưng anh vẫn một lòng kiên trung với cách mạng. Anh bị kết án tử hình. Trong những ngày cuối cùng ở xà lim án chém, Lý Tự Trọng vẫn lạc quan yêu đời, tin tưởng vào sự thắng lợi của cách mạng. Thực dân Pháp đã không dám xử công khai Lý Tự Trọng. Lợi dụng lúc trời chưa sáng ngày 21-11-1931, chúng đã hèn hạ dựng máy chém ở ngay Khám lớn Sài Gòn giết anh trong im lặng.

Lý Tự Trọng anh dũng hy sinh khi mới 17 tuổi, nhưng tinh thần cách mạng bất khuất của anh đã làm cho kẻ thù vô cùng khiếp sợ, đồng thời đã động viên, cổ vũ mạnh mẽ phong trào cách mạng trong cả nước lúc bấy giờ. Tự hào về tinh thần quả cảm và sự hy sinh quên mình của Anh hùng Lý Tự Trọng, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định, anh là "Người Đoàn viên đầu tiên của Đoàn thanh niên Cộng sản nước ta, cũng là người cộng sản oanh liệt đã đấu tranh đến hơi thở cuối cùng cho Đảng, cho sự nghiệp cách mạng”.

Trong suốt cuộc đời mình, người thanh niên - Anh hùng Lý Tự Trọng đã không ngừng tận tâm, tận hiến và tận trung với con đường cách mạng. Sự hy sinh của anh là ngọn lửa thổi bùng tinh thần yêu nước trong trái tim của biết bao thế hệ thanh niên. Câu nói: "Con đường của thanh niên chỉ là con đường cách mạng, không thể có con đường nào khác” của anh mãi mãi ghi vào lịch sử đấu tranh cách mạng của dân tộc, đã trở thành lý tưởng sống và vũ khí chiến đấu, kim chỉ nam hành động của thanh niên Việt Nam qua các thời kỳ cách mạng.

Tinh thần Lý Tự Trọng tiếp nối trong thanh niên Thủ đô

Kế thừa truyền thống cách mạng của dân tộc, noi gương Anh hùng Lý Tự Trọng, trong công cuộc đổi mới đất nước hiện nay, cùng với tuổi trẻ cả nước, tuổi trẻ Thủ đô đã triển khai hiệu quả nhiều phong trào hành động cách mạng. Đặc biệt, câu nói: "Con đường của thanh niên chỉ là con đường cách mạng, không thể có con đường nào khác” đã trở thành ngọn đuốc soi đường, kim chỉ nam hành động cho lớp lớp thế hệ thanh niên Thủ đô.

Noi gương anh, các cấp bộ Đoàn Thủ đô đăng ký đảm nhận thực hiện các công trình, phần việc thanh niên phù hợp với điều kiện thực tế, gắn với việc thực hiện nhiệm vụ chung của địa phương, đơn vị, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XVII, nghị quyết Đại hội Đoàn các cấp. Các phong trào hành động cách mạng như phong trào Thanh niên tình nguyện, phong trào Tuổi trẻ sáng tạo, phong trào Thanh niên xung kích bảo vệ Tổ quốc, Tôi yêu Hà Nội... đã phát huy hiệu quả vai trò xung kích, sáng tạo và bản lĩnh của thanh niên Thủ đô. Chỉ tính riêng mùa hè năm nay đã có 101.598 đoàn viên, thanh niên Thủ đô tham gia các hoạt động tình nguyện. Các cấp bộ Đoàn Thủ đô thực hiện 423 công trình, phần việc thanh niên, với tổng giá trị gần 34 tỷ đồng.

Bí thư Thành đoàn Hà Nội Chu Hồng Minh cho hay, hướng tới kỷ niệm 110 năm Ngày sinh của Anh hùng liệt sĩ Lý Tự Trọng (20/10/1914 - 20/10/2024), Đoàn thanh niên thành phố đã triển khai nhiều hoạt động ý nghĩa hưởng ứng đợt sinh hoạt truyền thống "Sáng mãi con đường cách mạng của thanh niên” do Trung ương Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh phát động; tổ chức Hành trình Tuổi trẻ "Tiếp lửa truyền thống - Cống hiến sức trẻ”, thiết thực kỷ niệm 60 năm phong trào "Ba sẵn sàng", 70 năm Giải phóng Thủ đô… Cùng với đó, Thành đoàn Hà Nội đã triển khai nhiều đợt sinh hoạt chính trị, sinh hoạt truyền thống trong các cấp bộ Đoàn, như: "Hành trình theo dấu chân những người anh hùng”, "Thanh niên Thủ đô làm theo lời Bác”, "Tuổi trẻ Thủ đô tự hào tiến bước dưới cờ Đảng”, "Tuổi trẻ Thủ đô sắt son niềm tin với Đảng”… gắn với công tác giáo dục truyền thống cách mạng, lòng yêu nước, tinh thần tự hào, tự tôn dân tộc cho thanh thiếu nhi.

Là địa phương vinh dự được đặt Tượng đài Anh hùng Lý Tự Trọng, trong những ngày này, tuổi trẻ quận Tây Hồ cũng đã và đang triển khai nhiều công trình, phần việc cũng như các hoạt động kỷ niệm 110 năm Ngày sinh của đồng chí Lý Tự Trọng. Với tinh thần xung kích, nhiều công trình, phần việc thanh niên tiêu biểu đã được tuổi trẻ quận Tây Hồ thực hiện, như: Mô hình "Điểm trông giữ phương tiện miễn phí cho nhân dân đi lễ và tham quan tại các di tích lịch sử, đình chùa”, "Lắp camera cảm biến nhắc nhở nhân dân để rác đúng nơi quy định”, "Ứng dụng công nghệ thông tin trong tuyên truyền, quảng bá du lịch Tây Hồ”... Đoàn thanh niên các phường đã chủ động sáng tạo thực hiện những công trình như bích họa, tủ điện nở hoa, hàng cây thanh niên, góp phần làm đẹp cảnh quan đô thị trên địa bàn. Bên cạnh đó, Quận đoàn xây dựng các ấn phẩm tuyên truyền và đẩy mạnh tuyên truyền kỷ niệm 110 năm Ngày sinh của Anh hùng Lý Tự Trọng; tổ chức ra quân vệ sinh môi trường khu vực Tượng đài Anh hùng Lý Tự Trọng; tổ chức sinh hoạt truyền thống, trao Huy hiệu Đoàn cho đoàn viên, học sinh ưu tú...

Bí thư Quận đoàn Tây Hồ Đinh Ngọc Thanh chia sẻ: "Cuộc đời của Anh hùng Lý Tự Trọng là tấm gương sáng về tinh thần yêu nước, ý chí kiên cường của tuổi trẻ Việt Nam. Mỗi thanh niên trong chúng tôi luôn xác định dù ở thời kỳ, giai đoạn nào cũng cần lựa chọn và kiên định lý tưởng sống cao đẹp, quyết tâm thực hiện lý tưởng ấy bằng hành động cụ thể, bằng khát vọng và ý chí vươn lên, khắc phục khó khăn, phấn đấu hết mình vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.

Bày tỏ niềm tự hào khi là một trong những học sinh vinh dự nhận Sổ đoàn và Huy hiệu đoàn đúng dịp kỷ niệm 110 năm Ngày sinh Anh hùng Lý Tự Trọng, em Nguyễn Ngọc Bảo Thy (Trường Trung học phổ thông Tây Hồ) chia sẻ: "Em sẽ nỗ lực rèn luyện, học tập thật tốt để không phụ lòng mong mỏi của thầy cô, cha mẹ và để noi gương Anh hùng Lý Tự Trọng, góp phần xây dựng, bảo vệ đất nước Việt Nam ngày càng giàu đẹp hơn”.

Tiếp bước Anh hùng Lý Tự Trọng, các thế hệ thanh niên Việt Nam nói chung, thanh niên Thủ đô nói riêng hôm nay vẫn không ngừng vun bồi lòng yêu nước, thể hiện trách nhiệm công dân; ra sức học tập, lao động, sáng tạo trên mọi lĩnh vực; kế tục xứng đáng con đường cách mạng, nỗ lực viết tiếp những trang sử của thế hệ cha anh đi trước, kiến thiết và phát triển đất nước bằng những công trình, phần việc cụ thể, góp phần xây dựng một Việt Nam phồn vinh, hùng cường, một thành phố Hà Nội "Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”, một Thủ đô thanh bình và thịnh vượng.

(Theo HNMO)

Các tin khác

Với phương châm “Không để ai bị bỏ lại phía sau”, năm 2024, Trung ương Hội LHPN Việt Nam mở rộng đối tượng tham gia cuộc thi thông qua sự phối hợp với 6 bộ, ngành: Bộ Công an, Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch, Bộ Y tế, Liêp hiệp Hội người khuyết tật Việt Nam, Hội Người cao tuổi Việt Nam, Hội Nữ trí thức Việt Nam, để lan tỏa tinh thần khởi nghiệp, đến nhiều hơn đối tượng chị em phụ nữ có yếu tố đặc thù trong xã hội.

Các đồng chí trong Thường trực Tỉnh uỷ chụp ảnh lưu niệm cùng các nữ cán bộ lãnh đạo thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh uỷ quản lý trong buổi gặp mặt nhân dịp kỷ niệm 94 năm Ngày thành lập Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam.

Đến nay, Yên Bái đạt tỷ lệ cán bộ nữ tham gia cấp ủy các cấp là 22,5%, cao hơn nhiệm kỳ trước và thuộc nhóm cao trong 63 tỉnh, thành phố.

Chiều 19/10, đồng chí Lương Quốc Đoàn - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam cùng đoàn công tác của Trung ương Hội đã đến chia sẻ và trao kinh phí hỗ trợ tỉnh Yên Bái khắc phục hậu quả bão số 3.

Đoàn công tác của tỉnh Tiền Giang trao  2 tỉ đồng hỗ trợ tỉnh Yên Bái khắc phục hậu quả bão số 3.

Ngày 19/10, đồng chí Võ Văn Bình – Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh Tiền Giang cùng đoàn công tác của tỉnh đã đến thăm hỏi, động viên, chia sẻ và trao 2 tỉ đồng hỗ trợ tỉnh Yên Bái khắc phục hậu quả bão số 3.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục