Nội dung trên được Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến đề cập khi trình bày báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân gửi đến Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV.
Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam cho hay, cử tri và Nhân dân tiếp tục bày tỏ niềm tin tưởng sâu sắc vào công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của Đảng và Nhà nước ta, đứng đầu là Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm.
Nội dung các bài viết, bài phát biểu và những chỉ đạo rất cụ thể của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nhận được sự quan tâm sâu sắc và đồng thuận cao của cử tri, Nhân dân và dư luận trong nước, quốc tế.
Đề cập đến lĩnh vực nội vụ, tiếp công dân, giải quyết kiến nghị, phản ánh, khiếu nại, tố cáo của cử tri và Nhân dân, ông Đỗ Văn Chiến cho biết, cử tri là người hưởng lương từ ngân sách nhà nước vui mừng, phấn khởi khi được tăng lương, giá cả cơ bản ổn định, đời sống được cải thiện.
Cử tri và Nhân dân ghi nhận người đứng đầu các bộ, ngành, cấp ủy, chính quyền địa phương đã có nhiều cố gắng tiếp công dân, giải quyết đơn thư, kiến nghị của Nhân dân. Tình trạng công dân khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh có chiều hướng giảm, không để xảy ra vụ việc lớn, phức tạp về an ninh, trật tự.
"Cử tri và Nhân dân mong muốn Đảng và Nhà nước tiếp tục quan tâm chỉ đạo xử lý một số bất cập trong việc tăng lương đối với một số ngành nghề; tiếp tục điều chỉnh tăng lương hưu tương xứng với tăng lương cho cán bộ, công chức; có hình thức xử lý nghiêm đối với người có trách nhiệm không tổ chức tiếp công dân hoặc tiếp mang tính chất chiếu lệ, chưa chân thành lắng nghe, thật lòng giải quyết kiến nghị của người dân", ông Đỗ Văn Chiến nêu rõ.
Về phát triển kinh tế, theo Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, cử tri và Nhân dân bày tỏ vui mừng, phấn khởi kinh tế đất nước tiếp tục phục hồi và phát triển, quý sau cao hơn quý trước, dưới sự lãnh đạo của Đảng, điều hành quyết liệt, linh hoạt, hiệu quả của Chính phủ, Thủ tướng, đồng hành của Quốc hội, nỗ lực của các cấp, các ngành, các doanh nghiệp và người dân kỳ vọng chúng ta sẽ phấn đấu hoàn thành toàn bộ 15 chỉ tiêu chủ yếu đề ra cho năm 2024...
Song cử tri và Nhân dân còn băn khoăn, lo lắng cơn bão số 3 (bão Yagi) gây ra thiệt hại rất lớn cho 26 tỉnh, thành phố phía Bắc, đời sống của Nhân dân sẽ khó khăn hơn, nguy cơ tái nghèo cao.
Từ đó, cử tri và Nhân dân mong muốn Đảng và Nhà nước có chủ trương, giải pháp, chính sách căn cơ hơn để đảm bảo an toàn cho Nhân dân trước tác động lớn của biến đổi khí hậu, nhất là ở khu vực Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Duyên hải miền Trung, Tây Nam bộ.
Liên quan đến lĩnh vực văn hóa - xã hội, cử tri và Nhân dân đồng thuận, thống nhất cao với Đảng và Nhà nước đã quan tâm hơn trong việc đầu tư cho phát triển văn hóa để giữ gìn hồn cốt của dân tộc, tuy nhiên chưa hài lòng vì hoạt động của các nhà văn hóa, nhất là ở cấp xã, thôn, bản chưa đem lại hiệu quả thiết thực.
"Cử tri và Nhân dân bức xúc về một số "hiện tượng tôn giáo" không bình thường, có biểu hiện lợi dụng tổ chức hoạt động trái luân thường, đạo lý làm ảnh hưởng đến niềm tin của những người theo tôn giáo đúng nghĩa. Kiến nghị Đảng, Nhà nước có giải pháp quản lý hiệu quả hơn nhằm sớm chấm dứt tình trạng này", ông Đỗ Văn Chiến nói.
Theo ông Chiến, Nhân dân đánh giá cao, biết ơn và rất xúc động trước hình ảnh lực lượng vũ trang (quân đội, công an, dân quân tự vệ, an ninh cơ sở) gồng mình giúp đỡ dân phòng, chống bão lũ; qua đó góp phần củng cố, tăng cường niềm tin của nhân dân với Đảng, Nhà nước và lực lượng vũ trang.
"Trong khó khăn hoạn nạn càng sáng ngời bản chất anh Bộ đội cụ Hồ, từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu. Tô đậm thêm truyền thống công an nhân dân vì nước quên thân, vì dân phục vụ", Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đề cập.
Tuy nhiên, ông Đỗ Văn Chiến cũng cho hay vẫn còn những lo lắng về tình hình an ninh, trật tự an toàn xã hội trên một số địa bàn; tội phạm công nghệ cao, lừa đảo qua mạng có xu hướng tăng; vẫn xảy ra nhiều vụ tai nạn giao thông, cháy nổ, làm chết nhiều người.
Trình bày báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 7, Ủy viên Trung ương Đảng, Trưởng Ban Dân nguyện thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội Dương Thanh Bình cho biết, thời gian qua, Chính phủ, các Bộ, ngành Trung ương đã có nhiều cố gắng trong việc giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, việc giải quyết kiến nghị của cử tri còn có một số hạn chế làm ảnh hưởng đến quyền lợi hợp pháp của một số đối tượng và hiệu quả thực hiện một số chính sách ưu đãi của Nhà nước.
Ông Dương Thanh Bình dẫn chứng, từ năm 2022 đến nay, cử tri nhiều địa phương liên tục kiến nghị Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội ban hành hướng dẫn cụ thể về việc xác định "người lao động có thu nhập thấp".
Qua giám sát cho thấy, ngày 18/1/2022 Thủ tướng đã ban hành Quyết định số 90 phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025. "Người lao động có thu nhập thấp" là một trong các đối tượng được thụ hưởng chính sách "Phát triển giáo dục nghề nghiệp vùng nghèo, vùng khó khăn" theo Quyết định số 90. Do không có cơ sở để xác định thế nào là "người lao động có thu nhập thấp" nên các địa phương không thể thực hiện được chính sách này.
Như vậy, sau gần 3 năm Quyết định số 90 có hiệu lực thi hành nhưng vẫn chưa có hướng dẫn xác định "người lao động có thu nhập thấp" nên chính sách ưu đãi này chưa được triển khai trên thực tế, trong khi thời gian thực hiện Quyết định số 90 chỉ còn hơn 1 năm.
"Ủy ban Thường vụ Quốc hội kiến nghị Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội khẩn trương tham mưu xây dựng, trình Chính phủ ban hành hướng dẫn việc xác định "người lao động có thu nhập thấp" làm cơ sở cho các địa phương thực hiện, đồng thời rút kinh nghiệm trong việc tham mưu, xây dựng ban hành chính sách, bảo đảm chính sách đưa ra được thực hiện hiệu quả trên thực tế" ông Dương Thanh Bình nêu.
Bên cạnh đó, Trưởng Ban Dân nguyện nêu số hạn chế được cử tri nhiều địa phương phản ánh là việc thiếu vaccine trong Chương trình tiêm chủng mở rộng tại các cơ sở y tế công lập.
Đến nay, Bộ Y tế chưa ban hành đầy đủ các văn bản hướng dẫn theo thẩm quyền về phương pháp định giá và giá cụ thể dịch vụ khám, chữa bệnh trong khi chỉ còn gần 3 tháng nữa là thời hạn phải áp dụng giá dịch vụ khám, chữa bệnh mới.
Trưởng ban Dân nguyện kiến nghị Bộ Y tế khẩn trương ban hành định mức kinh tế - kỹ thuật, phương pháp tính giá dịch vụ khám, chữa bệnh để áp dụng từ ngày 1/1/2025.
(Theo VTC News)