Xem xét lại quy định nhà giáo là người dân tộc thiểu số và nhà giáo ở ngành nghề đặc thù được ưu tiên tiền lương và phụ cấp cao hơn
Tham gia phát biểu về Luật Nhà giáo, đại biểu Nguyễn Quốc Luận cho rằng, hệ thống pháp luật hiện hành đã quy định cơ bản các quan hệ đối với đội ngũ nhà giáo (Nhà giáo công tác tại cơ sở giáo dục công lập thực hiện theo Luật Viên chức, Luật Cán bộ, công chức; nhà giáo công tác tại các cơ sở giáo dục ngoài công lập thực hiện theo Bộ luật Lao động; các luật trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo cũng có nội dung quy định về nhà giáo). Việc ban hành các chính sách mới về nhà giáo có thể được thực hiện thông qua việc sửa đổi, bổ sung các luật chuyên ngành và các luật liên quan, không nhất thiết phải ban hành Luật Nhà giáo, không công bằng với các ngành nghề khác (ví dụ: y tế….)
Về vấn đề tiền lương và phụ cấp đối với nhà giáo (Điều 27), tại điểm c khoản 1 quy định: "Nhà giáo cấp học mầm non; nhà giáo công tác ở nơi đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo; nhà giáo trường chuyên biệt, trường chuyên biệt khác; nhà giáo thực hiện giáo dục hòa nhập; nhà giáo là người dân tộc thiểu số và nhà giáo ở một số ngành nghề đặc thù được ưu tiên trong chế độ tiền lương và phụ cấp cao hơn so với các nhà giáo khác”, đại biểu Luận đề nghị xem xét lại quy định nhà giáo là người dân tộc thiểu số và nhà giáo ở một số ngành nghề đặc thù được ưu tiên trong chế độ tiền lương và phụ cấp cao hơn so với các nhà giáo khác.
Trong thực tế, tại các trường học ở vùng thấp, hay thành phố thị xã, có rất nhiều nhà giáo là người dân tộc thiểu số. Họ cũng làm việc và hoạt động tương tự như người đa số. Ngoài ra, Nhà nước cũng có rất nhiều chế độ ưu tiên khác đối với người dân tộc thiểu số trong các lĩnh vực hoạt động, xã hội. Nếu có chế độ ưu đãi về tiền lương đối với họ thì sẽ tạo ra sự bất cập trong quy định về tiền lương của cán bộ, công chức, viên chức nói chung và trong ngạch giáo viên nói riêng. Do vậy, chỉ nên quy định ưu đãi đối với giáo viên người dân tộc thiểu số làm việc, công tác ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo hoặc người dân tộc thiểu số rất ít người thì sẽ phù hợp hơn.
Tại điểm d, khoản 1 quy định: "Nhà giáo tuyển dụng, xếp lương lần đầu được xếp tăng 01 bậc lương trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp”. Theo quy định này, đại biểu Luận đề nghị cơ quan soạn thảo xem lại việc tăng 01 bậc lương cho nhà giáo khi tuyển dụng có cần thiết không, hoặc nên chăng chỉ áp dụng cho nhà giáo khi tuyển dụng công tác ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, biên giới hải đảo thì hợp lý hơn, đồng thời, tránh lợi ích nhóm trong xây dựng ban hành luật.
Về chính sách hỗ trợ nhà giáo (Điều 28), tại điểm b, khoản 2 quy định: "Thanh toán tiền tàu xe trong thời gian làm việc ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn khi nghỉ hằng năm, nghỉ ngày lễ, tết, nghỉ việc riêng về thăm gia đình theo quy định”, Phó trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Yên Bái Nguyễn Quốc Luận đề nghị bỏ cụm từ "nghỉ việc riêng” tại khoản trên tạo ra sự không công bằng quá lớn với các đối tượng khác cùng địa bàn .
Chế độ nghỉ hưu ở tuổi cao hơn đối với nhà giáo trong các cơ sở giáo dục công lập (Điều 31), tại khoản 1 quy định: " Nhà giáo có chức danh giáo sư, phó giáo sư hoặc có trình độ tiến sĩ và nhà giáo làm việc trong các ngành, lĩnh vực chuyên sâu đặc thù được hưởng chế độ nghỉ hưu ở tuổi cao hơn”, đại biểu Luận nhất trí và đề nghị bổ sung thêm đối tượng nghỉ hưu ở độ tuổi cao hơn là Nhà giáo ưu tú, Nhà giáo nhân dân, đây là những người có uy tín về chuyên môn, ảnh hưởng rộng rãi trong ngành và trong xã hội, có tài năng sư phạm xuất sắc và có tài liệu, sáng kiến khoa học được áp dụng trong giáo dục - đào tạo (vấn đề này được Nghị định số 35/2024/NĐ-CP ngày 2/4/2024 quy định cụ thể). Vì vậy, đối tượng Nhà giáo ưu tú, Nhà giáo nhân dân cần thiết được bổ sung vào khoản 1, Điều 31 là người được nghỉ hưu ở tuổi cao hơn là phù hợp với thực tiễn.
Đại biểu Khang Thị Mào phát biểu tham gia vào Luật Việc làm (sửa đổi)
Đối tượng lao động nên bao gồm cả người nước ngoài
Tham gia vào Luật Việc làm (sửa đổi), đại biểu Khang Thị Mào nhấn mạnh về đối tượng áp dụng (Điều 2): Dự thảo Luật quy định: "Luật này áp dụng đối với người lao động, người sử dụng lao động và cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan đến việc làm". Tuy nhiên, tại khoản 1 Điều 3 về giải thích từ ngữ, dự thảo Luật quy định: "Người lao động là công dân Việt Nam từ đủ 15 tuổi trở lên có khả năng lao động và có nhu cầu làm việc, trừ trường hợp lao động chưa thành niên theo quy định của Bộ luật lao động". Nội dung quy định trên được hiểu là đối tượng điều chỉnh của dự thảo Luật chỉ áp dụng với người lao động là công dân Việt Nam, nhưng thực tế thị trường lao động - việc làm bao gồm cả người nước ngoài làm việc tại Việt Nam. Vì vậy, đại biểu Mào đề nghị nghiên cứu, sửa đổi theo hướng đối tượng lao động bao gồm cả người nước ngoài.
Về chính sách của Nhà nước về việc làm (Điều 5), đại biểu Khang Thị Mào nhất trí với các điều, khoản về chính sách của Nhà nước cho việc làm đã đề cập trong dự thảo Luật. Tuy nhiên, đại biểu Mào đề nghị cần quy định cụ thể hơn các chính sách, đặc thù, chính sách hỗ trợ lao động vùng đồng bào dân tộc thiểu số, hộ nghèo, hộ cận nghèo ở các vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn được tiếp cận vốn, học nghề, chuyển đổi nghề, hỗ trợ khoa học kỹ thuật cho lao động trong các lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, tạo việc làm, tăng thu nhập, xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, bảo đảm an sinh xã hội, an ninh, quốc phòng trên địa bàn vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng kinh tế - xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn.
Về đối tượng vay vốn hỗ trợ tạo việc làm, duy trì, mở rộng việc làm (Điều 8), tại điểm a, khoản 2, đại biểu Khang Thị Mào đề nghị bổ sung thêm đối tượng là lao động nữ vào điểm a, khoản 2, bổ sung đối tượng lao động nữ như trên để đồng bộ, thống nhất với quy định của Luật Hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ góp phần hỗ trợ phụ nữ làm chủ doanh nghiệp, tạo việc làm cho lao động nữ, thúc đẩy bình đẳng giới.
Tại điểm b, khoản 2 quy định "Người lao động thuộc hộ nghèo dân tộc thiểu số”, đại biểu cũng đề nghị nghiên cứu bổ sung đối tượng là hộ cận nghèo dân tộc thiểu số. Thực tế hiện nay tại các vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi cho thấy đã là hộ nghèo, hộ cận nghèo thì còn rất nhiều khó khăn, theo tiêu chí chấm điểm hộ nghèo, hộ cận nghèo đa chiều cho thấy hộ cận nghèo không có gì khấm khá hơn hộ nghèo, bổ sung đối tượng hộ cận nghèo vào điểm b, khoản 2 để đảm bảo thuận tiện trong công tác quản lý, triển khai các chế độ vay vốn hỗ trợ đối tượng lao động hộ nghèo, hộ cận nghèo là người đông bào dân tộc thiểu số có điều kiện tiếp cận việc làm, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, xoá đỏi, giảm nghèo tại các vùng này.
Điều này cũng giúp cho cấp uỷ, chính quyền cơ sở thuận tiện trong việc giải quyết các vấn đề vướng mắc, an ninh chính trị liên quan đến việc làm, khi thực tế đời sống, kinh tế của các đối tượng hộ nghèo, hộ cận nghèo cơ bản tương đồng nhau, chênh lệch mức sống không đáng kể.
Bên cạnh đó, đại biểu Khang Thị Mào cũng đề nghị nghiên cứu bổ sung đối tượng là hộ mới thoát nghèo trong thời hạn 36 tháng được thụ hưởng chính sách một lần tại khoản 2 Điều 8 - đối tượng vay vốn hỗ trợ tạo việc làm, duy trì, mở rộng việc làm và khoản 2m, Điều 10 - đối tượng vay vốn hỗ trợ đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng để tạo điều kiện cho các đối tượng lao động thuộc hộ mới thoát nghèo có điều kiện tiếp tục được thụ hưởng chính sách nhằm thoát nghèo bền vững.
Cần bổ sung thêm đối tượng hưởng chính sách hỗ trợ việc làm là thanh niên thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo
Đối với chính sách hỗ trợ việc làm cho thanh niên (Điều 16), tại điểm c, khoản 2 quy định "Đào tạo nghề gắn với tạo việc làm cho thanh niên hoàn thành nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ công an, thanh niên tình nguyện hoàn thành nhiệm vụ thực hiện chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội; trí thức trẻ tình nguyện sau khi hoàn thành nhiệm vụ công tác tại các khu kinh tế - quốc phòng", đại biểu Khang Thị Mào đề nghị bổ sung thêm đối tượng là thanh niên thuộc các hộ nghèo, hộ cận nghèo vào điểm này nhằm tạo điều kiện cho các thanh niên thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo cũng được hưởng chính sách hỗ trợ việc làm để tăng thu nhập, góp phần xoá đói giảm nghèo.
Về hệ thống thông tin thị trường lao động (Chương IV), việc cần phải quy định về hệ thống thông tin thị trường lao động tại Luật Việc làm sửa đổi là rất cần thiết, phù hợp với xu hướng công nghệ số. Tuy nhiên, hiện nay cơ sở dữ liệu khác về dân cư, bảo hiểm, cơ sở dữ liệu lao động, việc làm thời gian qua cũng đã được xây dựng. Do vậy, đại biểu Khang Thị Mào đề nghị nghiên cứu quy định theo hướng phối hợp cập nhật thông tin từ các cơ quan có liên quan đến người lao động đã có quan hệ lao động; làm rõ sự khác biệt, tính liên thông, lộ trình thực hiện liên thông về các thông tin đăng ký lao động, hệ thống chỉ tiêu về thông tin thị trường lao động để không trùng lặp với các trường hợp thông tin đã cập nhật tại các cơ sở dữ liệu khác về dân cư, bảo hiểm, cơ sở dữ liệu lao động, việc làm… nhằm tránh lãng phí, chồng chéo.
Văn Tuấn