Ngày 12/11, Quốc hội bước vào ngày thứ 2 và cũng là ngày cuối cùng diễn ra hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn.
Buổi sáng, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan và các thành viên Chính phủ liên quan tiếp tục trả lời nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực chất vấn thứ 2 tập trung chất vấn về: việc huy động, bố trí lực lượng y tế, bảo đảm thuốc men, vật tư y tế cung cấp cho người dân và công tác phòng, chống dịch bệnh sau thiên tai; việc cấp giấy phép, chứng chỉ hành nghề trong lĩnh vực khám, chữa bệnh; thực trạng quản lý các mặt hàng thực phẩm chức năng, dược mỹ phẩm và giải pháp xử lý các vi phạm; công tác phòng, chống tác hại của thuốc lá, chất kích thích, nhất là trong môi trường học đường.
Sau đó, Quốc hội tiến hành chất vấn nhóm vấn đề thứ 3 thuộc lĩnh vực thông tin và truyền thông gồm các nội dung: Giải pháp nâng cao chất lượng hoạt động của ngành báo chí trong giai đoạn bùng nổ về truyền thông trên mạng xã hội hiện nay, đặc biệt là vai trò của báo chí cách mạng trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội; việc quản lý hoạt động quảng cáo trên báo chí, trên môi trường mạng; việc đầu tư, phát triển và nâng cao chất lượng hạ tầng viễn thông, nhất là khu vực vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Người trả lời chất vấn là Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng. Phó Thủ tướng Chính phủ Hồ Đức Phớc; Bộ trưởng các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Khoa học và Công nghệ, Công an; Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc cùng tham gia trả lời chất vấn, giải trình về những vấn đề có liên quan.
Phiên chất vấn của Quốc hội về lĩnh vực y tế; thông tin và truyền thông được Đài THVN truyền hình trực tiếp từ 8h00 ngày 12/11 trên kênh VTV1 để cử tri và nhân dân theo dõi.
Báo cáo Quốc hội trước phiên chất vấn, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, Bộ Thông tin và Truyền thông đã thực hiện rất nhiều biện pháp, cả về xây dựng thể chế, nguồn lực để thúc đẩy hoạt động báo chí. Trong đó, về thể chế, Bộ đã hoàn thiện đề nghị xây dựng Luật Báo chí (sửa đổi) với 4 chính sách lớn, gồm: tăng cường công tác quản lý đối với hoạt động báo chí; nâng cao chất lượng người làm báo và lãnh đạo cơ quan báo chí; thúc đẩy phát triển kinh tế báo chí; điều chỉnh hoạt động báo chí trên không gian mạng.
Đặc biệt, Bộ đã nỗ lực điều hướng để thúc đẩy nguồn thu quảng cáo "chảy" vào báo chí nhiều hơn; ban hành Thông tư hướng dẫn xây dựng, thẩm định và ban hành định mức kinh tế - kỹ thuật dịch vụ công sử dụng ngân sách nhà nước trong lĩnh vực báo chí thuộc phạm vi quản lý nhà nước của bộ; trình Thủ tướng Danh mục dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước, trong đó đã chi tiết hóa nội dung dịch vụ lĩnh vực báo chí để thuận lợi hơn trong triển khai thực hiện. Bộ cũng đã kịp thời tổng hợp các khó khăn, vướng mắc của cơ quan báo chí và kiến nghị Bộ Tài chính điều chỉnh, bổ sung một số quy định về cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập và cơ chế đặt hàng, định giá dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước, góp phần tháo gỡ khó khăn cho cơ quan báo chí...
Cùng với đó là những dấu ấn của Bộ trong thúc đẩy thực hiện chuyển đổi số báo chí như: xây dựng, công bố Bản đồ công nghệ cho lĩnh vực báo chí; thúc đẩy hình thành và phát triển nền tảng truyền hình số quốc gia VTVgo; thử nghiệm giải pháp công nghệ số để giám sát và báo cáo vi phạm bản quyền báo chí trên môi trường số; ra mắt Trung tâm hỗ trợ chuyển đổi số báo chí; công bố xếp hạng mức độ trưởng thành chuyển đổi số của các cơ quan báo chí; phát hành sổ tay điện tử về chuyển đổi số báo chí.
Bộ Thông tin và Truyền thông dự kiến sẽ trình Quốc hội xem xét, sửa đổi toàn diện Luật Báo chí trong năm 2025; kiến nghị Chính phủ, Quốc hội trong sửa đổi, bổ sung Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp và Luật Thuế giá trị gia tăng xếp báo, đài thuộc nhóm đặc thù để áp dụng mức thuế phù hợp hơn; phối hợp với Bộ Tài chính đánh giá tình hình thực hiện và đề xuất cơ chế, chính sách hỗ trợ báo chí phát triển.
Cùng với đó là nghiên cứu, đề xuất điều chỉnh một số quy định về cơ chế tự chủ tài chính đơn vị sự nghiệp công lập, cơ chế đặt hàng, định giá dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước nhằm tháo gỡ cho cơ quan báo chí. Kiểm soát và điều tiết được nguồn thu quảng cáo trên không gian mạng theo hướng chuyển về các hệ sinh thái nội dung trong nước để báo chí có nguồn thu chính đáng, công bằng hơn từ nguồn quảng cáo "sạch". Đẩy mạnh công tác hỗ trợ, thúc đẩy chuyển đổi số báo chí. Thúc đẩy báo chí trong câu chuyện đồng hành với địa phương, doanh nghiệp trong quảng bá hình ảnh, thương hiệu địa phương, doanh nghiệp; có cơ chế đặt hàng để báo chí có thêm nguồn lực và động lực đầu tư các sản phẩm có nội dung chuyên sâu, chất lượng cao, đáp ứng các tiêu chí truyền thông quốc tế...
(Theo VTV)