Trấn Yên xanh lại vùng dâu

  • Cập nhật: Thứ năm, 16/1/2025 | 12:56:27 PM

YênBái - Cơn bão số 3 khiến nhiều diện tích dâu của Trấn Yên bị thiệt nặng nề song từ sự quan tâm của tỉnh, các bộ, ngành, đặc biệt là sự nỗ lực của người dân trong áp dụng các biện pháp khoa học kỹ thuật vào chăm sóc, phục hồi, hiện cây dâu đã hồi sinh mạnh mẽ để Trấn Yên xanh lại vùng dâu.

Lãnh đạo xã Thành Thịnh kiểm tra diện tích dâu mới trồng lại sau thiên tai tại thôn 1
Lãnh đạo xã Thành Thịnh kiểm tra diện tích dâu mới trồng lại sau thiên tai tại thôn 1


Do hoàn lưu bão số 3, toàn bộ diện tích 0,5 ha dâu khu vực ven sông Hồng của gia đình bà Đỗ Thị Thoa, thôn 1, xã Thành Thịnh bị ngập úng và chết. Ngay sau thiên tai, gia đình bà Thoa tiến hành thu dọn lại đồng ruộng, làm đất, tranh thủ thời tiết thuận lợi để trồng lại dâu theo khung thời vụ mà ngành nông nghiệp huyện hướng dẫn. Đối với diện tích dâu ở các khu vực ít bị ảnh hường, bà Thoa tập trung chăm sóc, sau một thời gian dâu đã cho lá để bà nuôi tiếp lứa tằm cuối vụ. 

Bà Thoa cho biết: "Đối với diện tích dâu bị chết, gia đình đã thuê máy xúc làm lại ruộng, đánh luống để trồng lại bằng giống dâu mới từ Lâm Đồng chuyển ra. Gia đình tôi quyết tâm khôi phục lại 100% diện tích để nhanh chóng nuôi tằm trở lại. Nhiều năm qua, trồng dâu nuôi tằm đã mang lại nguồn thu nhập ổn định cho gia đình. Đến nay, toàn bộ diện tích dâu trồng mới của gia đình phát triển tốt, đến tháng 3 tới có thể thu lá nuôi tằm vụ mới”. 

Xã Thành Thịnh là địa phương có diện tích trồng dâu nuôi tằm lớn nhất của huyện Trấn Yên. Do ảnh hưởng của bão số 3, 100% diện tích dâu của xã bị ngập, với gần 50% diện tích bị ảnh hưởng nặng. Ngay sau bão, chính quyền xã Thành Thịnh đã phối hợp với các cơ quan chức năng của huyện kiểm tra, đánh giá mức độ thiệt hại, đưa ra giải pháp phù hợp. Đến hết năm 2024, xã đã hoàn thành việc trồng lại dâu bị chết và năm 2025 xã Thành Thịnh phấn đấu trồng mới 10ha, nhằm nâng cao thu nhập bền vững cho người dân. 

Ông Nguyễn Minh Thanh – Bí thư Đảng ủy xã Thành Thịnh chia sẻ: "Sau bão số 3, xã đã tập trung khôi phục lại sản xuất nông nghiệp, trong đó chú trọng khôi phục lại toàn bộ diện tích dâu bị thiệt hại. Nhân dân trong xã cũng đã được lãnh đạo tỉnh, huyện và các ngành quan tâm hỗ trợ phân bón, giống dâu mới để trồng mới lại diện tích dâu bị chết. CHúng tôi rất phấn khởi, nhanh chóng ra đồng để kiến thiết lại vùng dâu nhằm đảm bảo năng suất cũng như sản lượng lá dâu phục vụ nuôi tằm vụ tới”.

Trấn Yên là địa phương có diện tích dâu lớn nhất tỉnh Yên Bái với gần 1.000 ha, 1.500 hộ nuôi tằm, giá trị sản phẩm bình quân đạt 300 triệu đồng/ha. Theo thống kê của huyện, tổng diện tích dâu bị ảnh hưởng và thiệt hại sau bão số 3 là 700 ha, tập trung tại các xã có diện tích lớn nằm ven sông Hồng như: Thành Thịnh, Y Can, Báo Đáp, Minh Quân… Ngay sau bão, huyện Trấn Yên đã phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu dâu tằm tơ Trung ương triển khai tập huấn đầu bờ cho cán bộ nông nghiệp huyện và bà con nhân dân để kịp thời khắc phục diện tích dâu, giảm chi phí trồng mới và ổn định năng suất lá chăn nuôi tằm vụ xuân. 

Trong đợt tập huấn, cán bộ Trung tâm Nghiên cứu dâu tằm tơ Trung ương đã hướng dẫn người dân chia thành các mức độ ảnh hưởng khác nhau, triển khai nhanh việc đào rãnh tiêu úng, tuốt lá và cắt tỉa cành, bổ sung phân bón để kích thích cây ra chồi mới. Sau 1 tháng 600 ha dâu tằm đã hồi sinh xanh tốt, người dân trở lại nuôi tằm. Với diện tích dâu không thể khôi phục được do vùi lấp khoảng 100ha, ngành nông nghiệp đã triển khai việc đăng ký đến các hộ gia đình, chuẩn bị phân bón, cây giống, với nguồn cây giống từ Trung tâm Dâu tằm tơ Trung ương, Công ty cổ phần dâu tằm tơ Yên Bái, hom cây dâu giống ở các xã không bị ngập như: Hồng Ca, Tân Đồng và các vùng lân cận. 

Tính đến hết tháng 12/2024, toàn bộ diện tích dâu trên địa bàn huyện đã được khôi phục hoàn toàn. Ông Trần Anh Tuấn – Bí thư Huyện ủy Trấn Yên thông tin: Được sự quan tâm của tỉnh, đặc biệt là cá nhân đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Trần Huy Tuấn đã về trồng dâu, động viên bà con trong "Ngày thứ bảy cùng dân” đã tạo động lực rất lớn để Trấn Yên khắc phục hậu quả cơn bão số 3, nhất là khôi phục lại toàn bộ diện tích dâu bị thiệt hại. Năm 2024, toàn huyện có hơn 1.000 ha dâu; sản lượng kén tằm đạt 1.500 tấn/năm, giá trị thu nhập đạt gần 300 tỷ đồng. 

Toàn huyện hiện có 25 cơ sở nuôi tằm con tập trung và 1.600 hộ nuôi tằm lớn; đã thành lập được 15 hợp tác xã, trên 100 tổ hợp tác với hơn 1.100 thành viên. Ngoài ra, trên địa bàn xây dựng 12 chuỗi liên kết giữa các hợp tác với Công ty Cổ phần Dâu tằm tơ Yên Bái để sản xuất, thu mua sản phẩm kén tằm, ươm tơ. Năm 2025, huyện Trấn Yên phấn đấu trồng mới và trồng cải tạo 150 ha dâu, sản lượng kén tằm đạt 1.800 tấn.

Nghề trồng dâu nuôi tằm đã và đang góp phần nâng cao mức sống và thu nhập cho người dân. Cây dâu, con tằm đang là cây, con chủ lực giúp nâng cao giá trị trong phát triển kinh tế nông nghiệp. Trấn Yên xanh lại vùng dâu  sẽ là động lực quan trọng để xây dựng Trấn Yên sớm hoàn thành mục tiêu xây dựng huyện nông thôn mới nâng cao, hướng đến xây dựng huyện nông thôn mới kiểu mẫu.

Mạnh Cường

Tags Yên Bái Trấn Yên dâu tằm KHKT Thành Thịnh

Các tin khác

Chào mừng kỷ niệm 95 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2/1930- 3/2/2025) và chuẩn bị đón Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, ngày 16/1, Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) tỉnh tổ chức Chương trình Tết sum vầy năm 2025 với chủ đề “Tết Sum vầy – Xuân ơn Đảng” nhằm động viên, chia sẻ, chăm lo với các đoàn viên, công nhân lao động tại huyện Lục Yên.

Đại tá Trần Công Ứng - Chỉ huy trưởng Bộ CHQS tỉnh phát biểu kết luận tại hội nghị.

Ngày 16/1, Bộ CHQS tỉnh Yên Bái tổ chức hội nghị thông qua Kế hoạch công tác quân sự, quốc phòng năm 2025 cho Ban CHQS các huyện, thành, thị và Trung đoàn 121. Đại tá Trần Công Ứng - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chỉ huy trưởng Bộ CHQS tỉnh chủ trì thông qua.

Phó Thủ tướng Thường trực chỉ đạo với các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã thuộc diện sắp xếp giai đoạn 2023-2025 nhưng chưa sắp xếp, cần thực hiện tối đa trong giai đoạn 2026-2030

Phó Thủ tướng chỉ đạo với đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã thuộc diện sắp xếp giai đoạn 2023-2025 nhưng chưa sắp xếp, cần rà soát, sắp xếp tối đa trong giai đoạn 2026-2030.

Tổng Bí thư Tô Lâm điện đàm với Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình.

Hai nhà lãnh đạo đánh giá cao ý nghĩa quan trọng của cuộc điện đàm, là sự khởi đầu quan trọng và rất tốt đẹp của Năm giao lưu nhân văn Việt Nam-Trung Quốc.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục