Nhận lời mời của Chủ tịch nước Lương Cường và Phu nhân, Nhà Vua Vương quốc Bỉ Philippe và Hoàng hậu Mathilde đã đến thủ đô Hà Nội, bắt đầu chuyến thăm cấp Nhà nước Việt Nam từ ngày 31/3 đến ngày 4/4/2025.
Sáng 1/4, tại Phủ Chủ tịch, Chủ tịch nước Lương Cường và Phu nhân đã chủ trì Lễ đón Nhà Vua Philippe và Hoàng hậu Mathilde thăm cấp Nhà nước đến Việt Nam.
Tham dự Lễ đón có Phó Thủ tướng Chính phủ Hồ Đức Phớc; Phó Chủ tịch Quốc hội Vũ Hồng Thanh; Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước Lê Khánh Hải; Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên; Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng; Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Đỗ Đức Duy; Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh; Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Thượng tướng Lê Huy Vịnh; Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng; Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Ngọc Lâm; Trợ lý Chủ tịch nước Nguyễn Hoàng Anh; Đại sứ Việt Nam tại Bỉ Nguyễn Văn Thảo.
Đông đảo các cháu thiếu nhi Thủ đô có mặt tại Phủ Chủ tịch vẫy cờ hai nước chào đón Nhà Vua Philippe và Hoàng hậu Mathilde cùng Đoàn cấp cao Vương quốc Bỉ.
Đây là chuyến thăm cấp Nhà nước đầu tiên sau hơn 50 năm hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao, đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam đang bước vào Kỷ nguyên mới; là dấu mốc lịch sử quan trọng, đưa quan hệ hai nước bước vào chặng phát triển mới, với tin cậy chính trị cao hơn, hợp tác được thúc đẩy thực chất, hiệu quả hơn. Mặt khác, chuyến thăm thể hiện tình cảm đặc biệt của Nhà Vua Philippe và Hoàng hậu Mathilde đối với Việt Nam.
Trước đây, cả Nhà Vua và Hoàng hậu đều đã từng đến thăm Việt Nam nhiều lần trên những cương vị khác nhau và để lại nhiều dấu ấn. Mặc dù là chuyến thăm cấp Nhà nước đầu tiên tới Việt Nam nhưng với Nhà Vua và Hoàng hậu, thực chất đây là lần "trở lại" Việt Nam, mảnh đất mà Nhà Vua và Hoàng hậu đã có nhiều kỷ niệm và tình cảm trong những lần ghé thăm trước đây.
Chủ tịch nước Lương Cường và Phu nhân đón Nhà vua Vương quốc Bỉ Philippe và Hoàng hậu.
Đoàn xe hộ tống đưa Nhà Vua và Hoàng hậu Bỉ tiến vào Phủ Chủ tịch, Chủ tịch nước Lương Cường và Phu nhân có mặt tại thảm đỏ nồng nhiệt chào đón Nhà Vua Philippe dẫn đầu Đoàn cấp cao Vương quốc Bỉ thăm cấp Nhà nước đến Việt Nam. Sau đó, các cháu thiếu nhi Thủ đô tiến tới trao tặng Nhà Vua Philippe và Hoàng hậu Mathilde những bó hoa tươi thắm.
Trong tiếng nhạc chào mừng, Chủ tịch nước Lương Cường và Nhà Vua Philippe đi dọc thảm đỏ trong tiếng vẫy chào của cháu thiếu nhi để bước lên bục danh dự.
Sau khi nghe Quốc thiều hai nước, hai Nguyên thủ rời bục, bước tới cúi chào quân kỳ và duyệt Đội Danh dự Quân đội nhân dân Việt Nam. Tiếp đó, Chủ tịch nước Lương Cường và Nhà Vua Philippe giới thiệu thành phần Đoàn cấp cao hai nước tham dự Lễ đón.
Việt Nam và Vương quốc Bỉ chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao vào ngày 22/3/1973, chỉ hai tháng sau khi Hiệp định Paris được ký kết. Việt Nam luôn ghi nhớ sự giúp đỡ chí tình của Chính phủ và nhân dân Bỉ cho chương trình tái thiết và phục hồi đất nước sau chiến tranh.
Trải qua chặng đường hơn 50 năm, quan hệ song phương giữa Việt Nam - Vương quốc Bỉ không ngừng được củng cố, phát triển tốt đẹp trên các lĩnh vực, nhất là chính trị - ngoại giao, thương mại, nông nghiệp, giáo dục đào tạo, hợp tác khoa học - công nghệ, hợp tác phát triển... ở cả cấp liên bang, vùng và cộng đồng.
Bỉ luôn coi trọng quan hệ với Việt Nam, đánh giá cao sự phát triển kinh tế của Việt Nam và là một đối tác quốc tế đóng góp tích cực vào sự thành công của Việt Nam qua chương trình hợp tác phát triển. Hai bên phối hợp tích cực trên diễn đàn đa phương, nhất là tại Liên hợp quốc và trong khuôn khổ Diễn đàn Hợp tác Á - Âu (ASEM), ASEAN - EU.
Quan hệ chính trị-ngoại giao giữa Việt Nam và Bỉ triển tích cực, đa dạng và thực chất ở cả cấp liên bang, cấp vùng và cộng đồng, thể hiện qua nhiều chuyến thăm cấp cao.
Trong lĩnh vực giáo dục-đào tạo, từ năm 2003, Chính phủ Bỉ cấp trung bình mỗi năm 40 suất học bổng đào tạo sau đại học cho sinh viên Việt Nam, trong các lĩnh vực Bỉ có thế mạnh như cầu cảng, môi trường, du lịch…
Các hoạt động giao lưu văn hóa, trao đổi các đoàn nghệ thuật, tổ chức triển lãm, tuần lễ phim cũng được tổ chức thường xuyên tại cả Việt Nam và Bỉ.
Những năm gần đây, quan hệ hợp tác kinh tế - thương mại giữa Việt Nam và Bỉ phát triển nhanh chóng và ngày càng được tăng cường. Bỉ hiện là đối tác thương mại lớn thứ lớn thứ 6 của Việt Nam trong EU. Kim ngạch thương mại giữa hai nước tăng nhanh, từ 1,8 tỷ USD năm 2013, lên 4,45 tỷ USD năm 2024.
Về đầu tư, tính đến tháng 1/2025, Bỉ có 99 dự án đầu tư còn hiệu lực tại Việt Nam với tổng vốn đầu tư đăng ký đạt 1,06 tỷ USD, đứng thứ 25/149 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư tại Việt Nam.
Với nền tảng cơ sở hợp tác tốt đẹp sẵn có, cùng với niềm tin, ý chí chính trị của Lãnh đạo hai nước và mong muốn của nhân dân Việt Nam-Bỉ, chuyến thăm cấp Nhà nước của Nhà Vua và Hoàng hậu Bỉ đến Việt Nam được kỳ vọng sẽ đạt nhiều kết quả tích cực, góp phần thúc đẩy hơn nữa hợp tác giữa hai nước, đưa quan hệ Việt Nam-Bỉ sang một chương phát triển mới, đáp ứng nguyện vọng của nhân dân, đóng góp vào hòa bình, ổn định và phát triển tại khu vực và trên thế giới.
Sau Lễ đón, Chủ tịch nước Lương Cường và Nhà Vua Philippe có cuộc gặp hẹp và sau đó là cuộc hội kiến nhằm đánh giá kết quả hợp tác giữa hai nước thời gian qua và đề xuất các phương hướng hợp tác thời gian tới.
Hai nhà lãnh đạo cũng sẽ cùng chứng kiến lễ trao các văn kiện hợp tác.
Chủ tịch nước Lương Cường và Nhà Vua Bỉ Philippe tham quan Hoàng thành Thăng Long
Trong khuôn khổ chuyến thăm cấp Nhà nước đến Việt Nam, trưa 1/4, Chủ tịch nước Lương Cường và Phu nhân Nguyễn Thị Minh Nguyệt cùng Nhà Vua Bỉ Philippe và Hoàng hậu Mathilde có chuyến tham quan Hoàng thành Thăng Long, quần thể di tích gắn với lịch sử kinh thành Thăng Long Hà Nội.
Chủ tịch nước Lương Cường và Phu nhân cùng Nhà vua Vương quốc Bỉ Philippe và Hoàng hậu tại Khu di tích Hoàng thành Thăng Long – Hà Nội.
Khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội là một phần quan trọng còn lại của Cấm thành và Hoàng thành của Kinh đô Thăng Long. Công trình kiến trúc đồ sộ này được các triều vua xây dựng trong nhiều giai đoạn lịch sử và trở thành di tích quan trọng bậc nhất trong hệ thống các di tích Việt Nam. Được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới năm 2010, Khu Trung tâm Hoàng thành Thăng Long là biểu tượng của lịch sử - văn hóa Đại Việt qua nhiều thế kỷ. Đây là trung tâm quyền lực của các vị vua qua triều đại Lý, Trần, Lê Sơ, Mạc, đến Lê Trung Hưng.
Chủ tịch nước Lương Cường và Phu nhân cùng Nhà vua Vương quốc Bỉ Philippe và Hoàng hậu tham quan Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội.
Chủ tịch nước và Phu nhân cùng Nhà Vua Bỉ và Hoàng hậu đi bộ dạo qua cổng Đoan Môn để ghé thăm Hố khảo cổ và bậc rồng đá Điện Kính thiên, nơi còn lưu giữ nhiều dấu tích của Hoàng thành Thăng Long qua các thời kỳ lịch sử. Ngoài ra, đoàn cũng thăm nhà trưng bày Báu vật hoàng cung Thăng Long là nơi trưng bày một số hiện vật được công nhận "Bảo vật quốc gia" gồm đồ kim loại quý, các loại đồ gốm sứ cao cấp do lò quan Thăng Long chế tác phục vụ nhà vua, vương hậu, hoàng tộc và sinh hoạt của triều đình.
Chủ tịch nước Lương Cường và Phu nhân cùng Nhà vua Vương quốc Bỉ Philippe và Hoàng hậu chụp ảnh lưu niệm tại Khu di tích Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội.
Chủ tịch nước và Phu nhân cùng các vị khách quí đã được đại diện Trung tâm bảo tồn Di sản Thăng Long - Hà Nội giới thiệu về lịch sử hàng nghìn năm của dân tộc Việt Nam thông qua những hiện vật được bảo tồn, gìn giữ tại khu di sản Khu trung tâm Hoàng Thành, nơi mang đậm dấu ấn lịch sử của Thủ đô nghìn năm văn hiến. Những công trình kiến trúc từ xa xưa; những dấu tích kiến trúc và những hiện vật khảo cổ tại đây là niềm tự hào vô giá của Thăng Long - Hà Nội nói riêng, của nước Việt Nam nói chung.
Cửa Đoan Môn nguyên là công trình được xây dựng từ đời Lý, là cổng có vị trí rất quan trọng trong các hoạt động mang tính nghi lễ của Hoàng thành. Đoan Môn có cấu trúc hình chữ U, từ Đông sang Tây dài 46,5 m, có 5 vòm cổng, vòm cổng chính giữa dành cho vua đi.
Chủ tịch nước Lương Cường và Phu nhân cùng Nhà vua Vương quốc Bỉ Philippe và Hoàng hậu tham quan Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội.
Hố khảo cổ là nơi đã được khai quật với diện tích 85,2 m2 ngay phía sau Cửa Đoan Môn; ở độ sâu 1,2 m đã phát hiện một đường viền đá gia cố chân tường Đoan Môn và sân gạch vồ thời Lê Sơ. Ở độ sâu 1,9 m là đoạn đường lát gạch kiểu "hoa chanh" thời Trần, đáng chú ý phía dưới có những viên gạch lát đường thời Lý.
Chủ tịch nước và Phu nhân cùng Nhà Vua Bỉ và Hoàng hậu cũng được nghe thuyết minh về di tích Điện Kính Thiên, nơi quan trọng nhất trong Cấm thành Thăng Long xưa, nơi cử hành các nghi lễ long trọng nhất của triều đình, đón tiếp sứ giả nước ngoài và là nơi thiết triều bàn những việc quốc gia đại sự; cũng như phần kiến trúc còn sót lại của thềm Rồng Điện Kính Thiên, những nền đá cũ cùng các bậc thềm để lên tới chính điện, với những con rồng đá chầu ở thềm điện, được điêu khắc từ thế kỷ XV, đại diện cho nghệ thuật điêu khắc đỉnh cao thời Lê Sơ.
Nhà Vua Bỉ và Hoàng hậu bày tỏ sự ấn tượng trước giá trị văn hóa và lịch sử sâu sắc mà Hoàng thành Thăng Long mang lại, đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của việc bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa của mỗi dân tộc.
Chuyến tham quan Hoàng thành Thăng Long của hai nhà lãnh đạo nhằm giới thiệu với Nhà Vua Philippe và Hoàng hậu Mathilde về lịch sử, văn hóa đất nước Việt Nam tươi đẹp, cũng như về con người Việt Nam mến khách, từ đó, thúc đẩy giao lưu nhân dân, tạo nền tảng cho việc mở rộng hợp tác sang các lĩnh vực sâu rộng khác giữa hai nước.
(Theo VTV)