Yên Bái quyết tâm "không để ai phải ở nhà tạm, nhà dột nát"

  • Cập nhật: Thứ năm, 10/4/2025 | 11:01:16 AM

YênBái - Xác định xóa nhà tạm, nhà dột nát cho người dân là nhiệm vụ chính trị đặc biệt, thể hiện tinh thần đoàn kết, trách nhiệm, sự quan tâm của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội để giúp người dân “an cư lạc nghiệp”, những năm qua, tỉnh Yên Bái đã huy động mọi nguồn lực để xóa nhà tạm, nhà dột nát, giúp hộ nghèo, gia đình chính sách, người có công có nơi ở ổn định. Năm 2025, tỉnh Yên Bái đặt mục tiêu hỗ trợ xóa 100% nhà tạm, nhà dột nát cho các hộ nghèo và hộ gia đình có công với cách mạng. Mặc dù còn gặp nhiều khó khăn về nguồn lực và điều kiện kinh tế - xã hội, song, Yên Bái quyết tâm "không để ai phải ở nhà tạm, nhà dột nát".

Đồng chí Vũ Thị Hiền Hạnh – Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Đề án xóa nhà tạm, nhà dột nát tỉnh Yên Bái năm 2025 kiểm tra tiến độ triển khai thực hiện Đề án xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn huyện Yên Bình.
Đồng chí Vũ Thị Hiền Hạnh – Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Đề án xóa nhà tạm, nhà dột nát tỉnh Yên Bái năm 2025 kiểm tra tiến độ triển khai thực hiện Đề án xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn huyện Yên Bình.


Qua đó, không chỉ hiện thực hóa ước mơ an cư cho người nghèo mà còn thể hiện tinh thần đoàn kết, trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và cộng đồng xã hội trong việc cải thiện đời sống, mang lại hạnh phúc cho nhân dân. Báo Yên Bái có cuộc trao đổi với đồng chí Vũ Thị Hiền Hạnh - Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái về cách làm của tỉnh trong thực hiện hỗ trợ nhà ở cho gia đình có công, hộ nghèo, hộ cận nghèo.

PV: Những năm qua, công tác xóa nhà tạm, nhà dột nát đã trở thành một phong trào rộng khắp trên địa bàn tỉnh Yên Bái và đã đạt được những kết quả tích cực. Xin đồng chí chia sẻ về những cách làm hay, sáng tạo của tỉnh để tạo nên sự lan tỏa và hiệu quả của phong trào?

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vũ Thị Hiền Hạnh: Xuất phát từ điều kiện của một tỉnh miền núi còn nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo còn cao, trong những năm qua, cùng với phát triển KTXH, tỉnh Yên Bái đặc biệt quan tâm đến công tác giảm nghèo, hỗ trợ làm nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo với những giải pháp, cách làm hiệu quả, phù hợp thực tiễn địa phương.

Trước hết, tỉnh đã thành lập Ban Chỉ đạo các cấp để thống nhất chỉ đạo, theo dõi, đôn đốc thực hiện, huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị tham gia. Yên Bái đã sử dụng hết sức linh hoạt, hiệu quả các nguồn lực, trong đó, quan tâm lồng ghép nguồn kinh phí từ các chương trình mục tiêu quốc gia, các chính sách hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo ở vùng khó khăn... với các nguồn kinh phí xã hội hóa huy động từ các doanh nghiêp, tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh tham gia ủng hộ (nguồn kinh phí xã hội hóa chiếm trên 70%...).

Với sự chỉ đạo sát sao của tỉnh, sự vào cuộc của các cấp, các ngành, địa phương trong tỉnh và sự hưởng ứng, tham gia của các tầng lớp nhân dân, công tác xóa nhà tạm, nhà dột nát đã trở thành một phong trào rộng khắp trên địa bàn tỉnh Yên Bái. Đã huy động được sức mạnh và nguồn lực tổng hợp cùng tham gia xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo từ các tổ chức, đoàn thể, cộng đồng, dòng họ dân cư hỗ trợ trực tiếp về nhân công, vật liệu, đất đai... theo đúng phương châm "Nhà nước và nhân dân cùng làm”. Phân công cụ thể cho từng cán bộ ở địa phương theo dõi, hỗ trợ, giúp đỡ từng hộ gia đình trong quá trình làm nhà. Đối với các hộ đặc biệt khó khăn không có khả năng tự làm nhà, chính quyền địa phương và các tổ chức đoàn thể đứng ra tổ chức làm nhà cho hộ nghèo. 

Tỉnh chỉ đạo Sở Xây dựng thiết kế các mẫu nhà phù hợp với điều kiện, đặc điểm văn hóa của từng dân tộc để các gia đình có thể vận dụng làm nhà. Nhờ có sự ủng hộ, hỗ trợ của cộng đồng mà mỗi căn nhà sau khi hoàn thành đã có chất lượng tốt, có giá trị cao hơn nhiều so với mức hỗ trợ từ ngân sách nhà nước. Vì vậy, mỗi căn nhà làm mới có giá trị bình quân 120 triệu đồng/căn, sửa chữa 40 triệu đồng/căn.

Giai đoạn 2016 - 2020, tỉnh đã hỗ trợ làm 9.000 căn nhà cho hộ nghèo, hộ cận nghèo (kinh phí trên 494 tỷ đồng) và giai đoạn 2021-2024, toàn tỉnh đã hỗ trợ làm trên 7.400 căn nhà (kinh phí trên 700 tỷ đồng). 

Từ kết quả xóa nhà tạm đã góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 32,21% (năm 2026) xuống còn 7,04% (năm 2020), cải thiện 10 bậc so với đầu nhiệm kỳ. Hết năm 2024, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh còn 5,68%, xếp thứ 15/63 tỉnh, thành phố, cải thiện 5 bậc so với đầu nhiệm kỳ.

Năm 2025, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, tỉnh Yên Bái đã tiếp tục rà soát và xây dựng Đề án xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn tỉnh với mục tiêu hoàn thành hỗ trợ làm mới, sửa chữa 2.208 căn nhà (tổng kinh phí dự kiến trên 120 tỷ đồng).

 PV: Tỉnh đặt mục tiêu hoàn thành việc xóa trên 2.200 căn nhà tạm, nhà dột nát vào thời gian nào và kỳ vọng sẽ giảm tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo trên địa bàn như thế nào trong năm nay, thưa đồng chí?

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vũ Thị Hiền Hạnh: Năm 2025, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, tỉnh Yên Bái đã tiếp tục rà soát và xây dựng Đề án xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn tỉnh với mục tiêu hoàn thành hỗ trợ làm mới, sửa chữa 2.208 căn nhà (tổng kinh phí dự kiến trên 120 tỷ đồng).

Nhằm đạt mục tiêu, kế hoạch đề ra, tỉnh đã chỉ đạo các địa phương khẩn trương triển khai làm nhà theo Đề án năm 2025 và kịp thời cấp kinh phí hỗ trợ cho các hộ dân theo tiến độ làm nhà. 

Đến nay, toàn tỉnh đã khởi công 2.174/2.208 nhà, đạt 98,4%, trong đó có 830 nhà đã hoàn thành, như vậy còn 34 nhà chưa khởi công, trong đó có 4/9 địa phương đã hoàn thành khởi công 100% số nhà; Với tiến độ thực hiện như hiện nay, tỉnh Yên Bái dự kiến 100% số nhà sẽ hoàn thành trước 30/6/2025 (vượt so với mục tiêu kế hoạch của Đề án và hoàn thành trước kế hoạch so với mục tiêu chung của cả nước), góp phần hoàn thành mục tiêu chung của cả nước cũng như có ý nghĩa thiết thực chào mừng kỷ niệm ngày thành lập Đảng bộ tỉnh. 

Với những kết quả đạt được về công tác giảm nghèo trong những năm qua, dự kiến hết năm 2025, tỷ lệ nghèo đa chiều trên địa bàn tỉnh còn 6,87%, trong đó tỷ lệ hộ nghèo còn 4,18% (còn trên 9.000 hộ nghèo), cận nghèo còn 2,69%.


Đồng chí Vũ Thị Hiền Hạnh – Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Đề án xóa nhà tạm, nhà dột nát tỉnh Yên Bái năm 2025

PV: Trong quá trình triển khai xóa nhà tạm, nhà dột nát, tỉnh gặp phải những khó khăn gì và cần có thêm sự "trợ lực” nào nữa để hoàn thành mục tiêu, thưa đồng chí?

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vũ Thị Hiền Hạnh: Trong quá trình thực hiện Đề án xóa nhà tạm, nhà dột nát, tỉnh Yên Bái còn gặp một số khó khăn do: đặc điểm địa bàn là tỉnh miền núi, điều kiện đi lại, địa hình khó khăn nên phát sinh chi phí vận chuyển nguyên vật liệu để làm nhà cao hơn so với các tỉnh khác vùng đồng bằng. Yên Bái là địa bàn thường xuyên chịu ảnh hưởng của lũ quét, sạt lở đất nên ảnh hưởng đến việc thực hiện mục tiêu xóa nhà tạm, nhà dột nát. Mặt khác, trên địa bàn tỉnh có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, một số hộ vùng cao có tập quán sinh sống nhiều thế hệ, khi con cái lập gia đình thì tách ra ở riêng dẫn đến tiếp tục phát sinh số hộ có nhà dột nát.

Khắc phục và giải quyết những khó khăn đó, tỉnh Yên Bái đã chỉ đạo triển khai nhiều giải pháp khắc phục, đồng thời tích cực huy động, lồng ghép các nguồn lực, bố trí kịp thời cho các địa phương, huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, cộng đồng dân cư tham gia hỗ trợ làm nhà, vận động nhân dân tích cực hưởng ứng và triển khai khởi công làm nhà, nhờ đó đến nay tiến độ thực hiện đề án đã vượt so với kế hoạch đề ra. Trong quá trình thực hiện, tỉnh chỉ đạo tiếp tục rà soát, trường hợp phát sinh các hộ có nhà dột nát (chủ yếu do tách khẩu) thì phát sinh đến đâu, tỉnh huy động nguồn lực để thực hiện gọn đến đó.

Để hoàn thành mục tiêu xóa 100% nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn tỉnh Yên Bái, cùng với quyết tâm, nỗ lực cao độ, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, nguồn lực huy động từ cộng đồng doanh nghiệp và các tầng lớp nhân dân trong toàn xã hội thì yếu tố quyết định chính là ý chí, quyết tâm, nỗ lực vươn lên của mỗi hộ dân được hỗ trợ làm nhà.

PV: Xin cảm ơn đồng chí!

Thanh Chi (thực hiện)

Tags Yên Bái xóa nhà tạm nhà dột nát giảm nghèo Đề án

Các tin khác
Tổng bí thư Tô Lâm.

Hội nghị lần thứ 11 Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII chính thức khai mạc sáng nay (10/4).

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã quyết định điều chỉnh chương trình lập pháp năm 2025.

Nghị quyết của Quốc hội về Trung tâm tài chính tại Việt Nam do Chính phủ trình, Ủy ban Kinh tế và Tài chính chủ trì thẩm tra, sẽ được Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến trong phiên họp tháng 4/2025 trước khi trình Quốc hội.

Các địa phương đang triển khai lập đề án sắp xếp đơn vị hành chính các cấp. Ảnh minh họa

Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 11 sẽ thảo luận hàng loạt chủ trương lớn mang tính đột phá, bởi như Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh, đứng trước thời điểm lịch sử, đất nước cần những quyết sách lịch sử.

Chiều 9/4, tại tỉnh Yên Bái, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Yên Bái và Ban Thường vụ Tỉnh ủy Lào Cai tổ chức Hội nghị đánh giá kết quả hợp tác giữa 2 tỉnh từ đầu nhiệm kỳ đến nay; thống nhất phương án sắp xếp, hợp nhất đơn vị hành chính cấp tỉnh.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục