Quy trách nhiệm từng thành viên Chính phủ
- Cập nhật: Thứ bảy, 10/5/2008 | 12:00:00 AM
Hai buổi thảo luận tại hội trường về tình hình kinh tế - xã hội diễn ra trong ngày 9-5 đã khuấy động không khí Quốc hội, khi đại biểu Quốc hội tập trung mổ xẻ nguyên nhân gây nên “cơn bão giá”, lạm phát tăng cao
|
Dù đánh giá cao việc nghiêm túc nhận trách nhiệm của Chính phủ, song các đại biểu (ĐB) đòi làm rõ hơn trách nhiệm của từng thành viên Chính phủ.
Dự báo kém, xử lý chậm!
“Phải rõ ràng như vậy thì mới biết công tác chỉ đạo, thực hiện từ trên xuống dưới bị hổng ở đâu để còn “trám” lại, chứ nếu không, sau kỳ họp này, tình hình giá cả vẫn như cũ, thậm chí còn tăng lên nữa thì người dân càng khổ sở hơn”- ĐB Lê Văn Cuông (Thanh Hóa) thẳng thắn. ĐB Nguyễn Văn Hợp (Hải Dương) cho rằng nhiệm vụ kiểm soát lạm phát của Chính phủ chưa rõ và thực tế xử lý tình huống rất chậm và hiệu quả không cao. ĐB Hợp ví von: Sức khỏe nền kinh tế cũng như sức khỏe con người, khi có bệnh phải kê đơn bốc thuốc nhưng tốc độ lạm phát quá cao đang diễn ra đã có triệu chứng từ năm 2007 nhưng Chính phủ và các bộ, ngành lại không nhận biết sớm, công tác dự báo quá kém. Để kiềm chế lạm phát, Chính phủ phải giải trình trước Quốc hội (QH) về giải pháp. ĐB Nguyễn Minh Thuyết (Lạng Sơn) tỏ ra gay gắt khi dẫn chứng việc dự báo quá kém của cơ quan tham mưu cho Chính phủ thể hiện rõ tại kỳ họp trước. Chính phủ dự báo giá dầu năm 2008 là 60 USD/thùng và QH đã thống nhất là 62 USD. “Nhưng thực tế giá dầu thế giới đã tăng trên 100 USD, vậy ai chịu trách nhiệm?” - ĐB Thuyết bức xúc.
Ngày 10-5, Quốc hội thảo luận tại hội trường về quyết toán ngân sách Nhà nước năm 2006 và thảo luận tổ về dự án luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống ma túy và Nghị quyết 16 ngày 17-6-2003 của QH về việc thí điểm tổ chức, quản lý và dạy nghề cho người sau cai nghiện ở TPHCM và một số tỉnh, TP trực thuộc Trung ương. |
Trái với sự đòi hỏi của các ĐB khác, ĐB Nguyễn Đức Kiên (Sóc Trăng) đã làm nghị trường “giật mình”, khi cho rằng ngoài Chính phủ thì... QH cũng phải có trách nhiệm trong việc để xảy ra tình hình trên. Nếu tại kỳ họp trước, QH thẩm định kỹ lưỡng, phản biện sâu sắc và làm hết trách nhiệm thì sẽ thấy rằng những chỉ tiêu mà Chính phủ trình là chưa ổn. “Với tư cách là ĐBQH, tôi nhận thấy mình chưa làm tròn trách nhiệm do cử tri ủy quyền”- ĐB Kiên thẳng thắn “soi” lại mình.
Kiểm toán các tập đoàn, tổng công ty
ĐB Đoàn Xuân Nhiên (Gia Lai) đề nghị Thủ tướng cần nghiêm khắc kiểm điểm, phê bình các tập đoàn kinh tế, các tổng công ty đã dàn trải đầu tư, mở rộng ra quá nhiều ngành. Nhà nước cần khống chế 80% vốn đầu tư vào chuyên ngành của tập đoàn. Đồng tình, ĐB Huỳnh Văn Đáng (Bình Dương) bày tỏ: Hàng loạt tập đoàn kinh tế, tổng công ty mới được thành lập, Chính phủ và nhân dân kỳ vọng vào những “quả đấm” mạnh này. Nhưng thực tế đã làm người dân thất vọng vì các tập đoàn thay vì là “quả đấm” mạnh trong mỗi lĩnh vực mũi nhọn thì lại lan man đầu tư đa ngành dẫn đến nở rộ ngân hàng, dự án bất động sản, chứng khoán với đủ mọi lý do. Đây cũng có thể là nguyên nhân dẫn đến lạm phát, đề nghị Chính phủ truy cứu rõ. “Tập đoàn Điện lực VN suốt ngày kêu thiếu điện và cắt điện luân phiên nhưng mới đây lại đầu tư 260 triệu USD cho khu resort rồi đưa ra lý do lấy ngắn nuôi dài” – ông Đáng bức xúc.
ĐB Cao Sĩ Kiêm ví von: Các tập đoàn, các tổng công ty như các vòi phun nước và lĩnh vực nào các đại doanh nghiệp này cũng phun nước vào từ ngân hàng, bất động sản, chứng khoán... Dẫn chứng Tập đoàn Dầu khí VN đầu tư hàng loạt công trình bất động sản, công trình nào cũng hàng trăm, hàng ngàn tỉ đồng. “Việc đầu tư kinh doanh đa ngành hiện nay như kiểu tất cả cùng cầm vòi phun, mạnh ai nấy phun sẽ không hiệu quả, chỉ làm cho thêm lầy lội bức tranh nền kinh tế quốc gia” – ông Kiêm nói.
Nhằm chấm dứt tình trạng trên, ĐB Nguyễn Đăng Trừng (TPHCM) đề nghị Chính phủ chỉ đạo cơ quan kiểm toán vào cuộc nhằm xác định rõ mức độ đầu tư của một số tập đoàn, tổng công ty lớn.
Chú trọng an ninh lương thực
Nghị trường “nóng” lên khi ĐB Huỳnh Ngọc Đáng đặt câu hỏi: “Sốt gạo vừa qua là ảo hay thật?” và đề nghị Bộ Công Thương, Bộ NN - PTNT trả lời rõ trước QH. ĐB Đáng bức xúc: Giá gạo tăng vào hai ngày nghỉ cuối tuần và các cơ quan quản lý Nhà nước tỏ ra rất lúng túng, thể hiện sự yếu kém trong công tác dự báo, quản lý thị trường, lưu thông phân phối. “Giá lúa thương phẩm hiện cao nhất từ trước đến nay nhưng điều đáng buồn là giá vật tư nông nghiệp lại tăng cao và rốt cuộc nông dân chẳng được gì. Các bộ ngành cần sớm điều chỉnh để giá đầu vào ổn định nếu không gánh nặng tăng giá lại đè lên nông dân” – ông Đáng lo ngại. Đồng tình với ý kiến trên, các ĐB đề nghị Chính phủ cần chú trọng an ninh lương thực, trong đó tăng cường đầu tư cơ sở hạ tầng cho hai vựa lúa lớn của cả nước ở đồng bằng sông Hồng và đồng bằng sông Cửu Long.
Đồng tình với các giải pháp an sinh xã hội đưa ra, nhưng các ĐB đề nghị cần quan tâm nhiều hơn nữa đến người lao động tại các khu công nghiệp tập trung và xem đối tượng này cũng được hưởng chính sách an sinh xã hội. “Cơn bão giá đã làm cho đời sống công nhân càng khó khăn hơn, có lẽ cả đời họ cũng không mua được nhà riêng với mức thu nhập và chi tiêu như hiện nay”- ĐB Đáng tâm tư. Một số ĐB đề xuất Chính phủ cần xây dựng 3 chương trình quốc gia: Nhà ở xã hội cho người lao động các khu công nghiệp tập trung; hàng tiêu dùng giá rẻ; quỹ hỗ trợ thất nghiệp.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Hà Văn Hiền: Điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng xuống 7% là cần thiết Phóng viên: Nhiều đại biểu cho rằng Thủ tướng đã nhận hết trách nhiệm, nhưng không thấy trách nhiệm của các bộ trưởng đâu? Vậy, Quốc hội (QH) sẽ mổ xẻ trách nhiệm cụ thể này như thế nào? - Ông Hà Văn Hiền: Thủ tướng đã nghiêm túc chỉ ra những thiếu sót trong điều hành của mình. Trong đó đã thấy rõ những thiếu sót thuộc trách nhiệm của bộ nào, ngành nào rồi. Tuy nhiên, theo tôi, việc làm rõ trách nhiệm của ngành nào, cá nhân nào là đòi hỏi chính đáng của đại biểu QH và cử tri cả nước. Chắc chắn Chính phủ và QH sẽ làm rõ việc đó. Ông có đồng tình việc Chính phủ đề nghị điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế xuống 7%? - Ủy ban Kinh tế nhận thấy việc điều chỉnh là cần thiết. Tuy nhiên, điều chỉnh xuống bao nhiêu phần trăm thì Chính phủ cần phải giải trình rõ. Mặt khác, ngoài việc điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng, cũng phải tính đến một số chỉ tiêu khác để bảo đảm tính đồng bộ... Nhưng thưa ông, các đại biểu QH cho rằng việc điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng là vấn đề quan trọng, việc này cần được thẩm tra, xem xét với một quy trình chặt chẽ hơn, chứ không chỉ dựa trên cơ sở giải trình của Chính phủ? - Điều này hoàn toàn đúng. Chắc chắn trong kỳ họp này, Chính phủ sẽ có giải trình, làm rõ cơ sở đề nghị giảm chỉ tiêu tăng trưởng xuống 7%. Trên thực tế, phải thấy rằng tình hình từ sau kỳ họp thứ hai đến nay có nhiều biến động bất thường. Chúng ta có thiếu sót lớn trong khâu dự báo, đánh giá tình hình ở giai đoạn đó chưa đầy đủ, chính xác nên quyết định một số chỉ tiêu không thật phù hợp. Bây giờ tình hình biến động, thậm chí biến động rất lớn, ví dụ giá dầu thô không ai có thể dự báo được nó có thể tăng lên đến trên 120 USD/thùng. Việc điều chỉnh là cần thiết, đây là vấn đề vừa kinh tế vừa khoa học. Điều này cho thấy QH thiếu thông tin khi biểu quyết thông qua một vấn đề nào đó. Ngay việc thẩm tra cũng gần như dựa tuyệt đối vào các thông tin do Chính phủ trình. Phải chăng đó là nguyên nhân dẫn đến việc thẩm tra, biểu quyết không chính xác? - Cũng có một lý do là như vậy. Nhưng ở đây cũng còn do lề lối làm việc, quy chế làm việc nữa. Tôi cho rằng cần phải tiếp tục đổi mới hơn nữa để nâng cao hơn chất lượng hoạt động của Hội đồng Dân tộc và các ủy ban trong việc thẩm tra các dự án, kể cả những dự án luật cũng như các vấn đề về kinh tế - xã hội. |
Các tin khác
YBĐT - Vừa qua, tại huyện Văn Chấn, HĐND tỉnh đã khai giảng lớp tập huấn kỹ năng thẩm tra, quyết định và giám sát ngân sách Nhà nước cho gần 90 đại biểu HĐND cấp huyện của 4 huyện, thị phía Tây là Văn Chấn, Trạm Tấu, Mù Cang Chải và thị xã Nghĩa Lộ.
YBĐT - Vừa qua, Đảng ủy Công an tỉnh đã mở hội nghị nghiên cứu, học tập và tổ chức thực hiện các Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6 (khóa X) của Đảng đến 100% đảng viên toàn Đảng bộ.
Ngày 8-5, kỳ họp thứ ba, QH khoá XII vào ngày làm việc thứ ba. Buổi sáng, với sự chủ trì của Phó Chủ tịch QH Huỳnh Ngọc Sơn, các đại biểu đã nghe đại diện Chính phủ trình hai dự án Luật, báo cáo về kết quả năm năm triển khai thực hiện Nghị quyết 16/2003/QH11 về “Tổ chức quản lý, dạy nghề và giải quyết việc làm cho người sau cai nghiện ma tuý” và các báo cáo thẩm tra của các cơ quan của QH về các dự án luật, báo cáo nói trên của Chính phủ.
YBĐT - Ngày 8/5, đồng chí Nguyễn Văn Thơ - Thứ trưởng Bộ ngoại giao và đoàn công tác đã làm việc tại tỉnh Yên Bái. Các đồng chí lãnh đạo tỉnh Yên Bái đã tiếp và làm việc với đoàn.