Thẳng thắn, dân chủ và trách nhiệm trước dân
- Cập nhật: Thứ sáu, 14/11/2008 | 12:00:00 AM
Đó là đánh giá của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng trong phiên trả lời chất vấn ngày 13/11 của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại kỳ họp thứ tư, Quốc hội khóa XII.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.
|
Dành trọn cả buổi sáng giải trình làm rõ các vấn đề mà các đại biểu Quốc hội và cử tri cả nước quan tâm, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã trả lời chất vấn của 12 vị đại biểu Quốc hội liên quan đến chỉ đạo điều hành của Chính phủ trong công tác cải cách hành chính, xuất khẩu gạo, đầu tư cho nông nghiệp và nông thôn, hiệu quả của các doanh nghiệp nhà nước...
Phong cách tự tin khi giải trình và trả lời những vấn đề “hóc búa” của Người đứng đầu Chính phủ đã làm thỏa mãn mong muốn của các vị đại biểu Quốc hội và cử tri cả nước.
Tiếp tục tập trung đầu tư cho nông nghiệp nông thôn
Tạm dừng ký bán thêm gạo là cần thiết ! Việc tạm dừng ký bán thêm gạo giao ngay trong tháng 4, 5, 6 là cần thiết nhằm bảo đảm đủ tiêu dùng trong nước, giữ giá gạo trong nước hợp lý, không bị đẩy lên quá cao, góp phần quan trọng, thiết thực vào việc thực hiện mục tiêu ưu tiên hàng đầu là kiềm chế lạm phát và bảo đảm an ninh lương thực cho đất nước trong tình huống bất trắc rất khó lường. (Trích báo cáo giải trình của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng) |
Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm tới vấn đề này, minh chứng sau hơn 20 năm đổi mới đất nước ta đã đạt được nhiều thành tựu trên tất cả các lĩnh vực, trong đó khu vực nông nghiệp, nông thôn cũng đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ. Mới đây, Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương khóa X đã có Nghị quyết riêng về vấn đề này, Chính phủ xây dựng chương trình hành động cụ thể nhằm huy động mọi nguồn lực đầu tư vào khu vực nông thôn.
Thủ tướng cho biết, để giảm bớt khó khăn cho nông dân, Chính phủ chủ trương khoanh, giãn nợ và cho vay tiếp với lãi suất thấp để bà con tiếp tục đầu tư sản xuất, đồng thời hỗ trợ cho các doanh nghiệp đẩy mạnh tiêu thụ hàng hóa cho nông dân, nhất là lúa và thủy sản ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long.
Nhà nước bố trí đủ kinh phí để thực hiện các chính sách an sinh xã hội đã có trong dự toán ngân sách của từng Bộ và địa phương; khẩn trương chuyển các khoản hỗ trợ đến đúng đối tượng thụ hưởng; tăng cường công tác kiểm tra giám sát, không để thất thoát; xử lý nghiêm những tổ chức, cá nhân thiếu tinh thần trách nhiệm, làm sai các quy định, những trường hợp để tiêu cực, tham nhũng; thực hiện minh bạch, công khai các chính sách an sinh xã hội để mọi người thực hiện và giám sát.
Chính phủ tập trung chỉ đạo triển khai lập quỹ bảo hiểm thất nghiệp, xây dựng và triển khai nhanh đề án hỗ trợ 61 huyện có tỷ lệ nghèo cao, trong đó xây dựng chính sách đặc thù để người dân bảo vệ và phát triển rừng... "Với mục tiêu là phát triển bền vững trong khu vực nông thôn, Chính phủ đã xác định có 3 trụ cột chính là tăng trưởng kinh tế, xóa đói giảm nghèo và bảo về môi trường", Thủ tướng nhấn mạnh.
Liên quan đến tình trạng ô nhiễm môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm, hàng kém chất lượng... Thủ tướng khẳng định sẽ rà soát để làm rõ chức năng nhiệm vụ để xử lý có hiệu quả những vấn đề này.
Tuy nhiên, Thủ tướng cho rằng, luật pháp hiện hành vẫn có thể kiểm soát xử lý được tình trạng trên, bởi vì ở địa phương đều có bộ máy thanh tra về môi trường, quản lý thị trường...và Chủ tịch UBND tỉnh được quyền đình chỉ các doanh nghiệp để xảy ra sai phạm về ô nhiễm môi trường.
Thủ tướng cũng cho rằng: công tác dự báo đã có nhiều cố gắng. Nhiều chủ trương chính sách đúng của Đảng và Nhà nước là do công tác dự báo chính xác. Tuy nhiên, so với yêu cầu cần phải cố gắng nhiều hơn nữa.
Kiên quyết xử lý những cán bộ có hành vi tiêu cực, sách nhiễu dân
Trả lời câu hỏi của đại biểu Vũ Hồng Anh (Hà Nội) về chính sách đổi mới bộ mày hành chính nhà nước, Thủ tướng đánh giá: "chúng ta đã có một bước tiến dài trong lĩnh vực này. Chúng ta đã làm được nhiều việc trong cải cách hành chính nhà nước, góp phần vào việc thúc đẩy kinh tế- xã hội.”. Tuy nhiên, Thủ tướng cũng thừa nhận so với yêu cầu thực tế những kết quả làm được chưa thực sự là khâu đột phá, cần chú trọng đầu tư vào lĩnh vực này góp phần thúc đấy quá trình hội nhập và phát triển của đất nước.
Thủ tướng nhấn mạnh, Chính phủ sẽ tập trung sức đẩy mạnh cải cách nền hành chính quốc gia, góp phần xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 5 (khoá X) của Đảng; đặc biệt là kiên quyết đấu tranh ngăn chặn và đẩy lùi bằng được tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí; tập trung chỉ đạo cải cách tốt thủ tục hành chính, phân cấp mạnh và làm rõ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của từng tổ chức và của mỗi cá nhân, khắc phục nhanh sự chậm trễ, phiền hà đối với người dân và doanh nghiệp...
Trước mắt tập trung xử lý có kết quả những vấn đề nổi cộm, bức xúc về kinh tế - xã hội, phấn đấu hoàn thành thắng lợi các nhiệm vụ của năm 2008 mà kỳ họp lần thứ 4 của Quốc hội khoá XII đã đề ra.
Thủ tướng cho biết, thời gian tới Chính phủ sẽ tiếp tục rà soát để hoàn thiện thể chế phù hợp với nền kinh tế thị trường và hội nhập kinh tế quốc tế, giúp nền kinh tế vận hành năng động hiệu quả; tiếp tục rà soát để hoàn thiện tổ chức bộ máy, sử dụng hiệu quả hơn; nâng cao chất lượng công chức, rà soát để tiếp tục cải cách hành chính trên các lĩnh vực; tiếp tục cải cách về hành chính công...
Trả lời câu hỏi của đại biểu Trần Thị Quốc Khánh (Hà Nội) về thực trạng một bộ phận cán bộ, công chức không quan tâm tới quyền lợi của người dân, sách nhiễu, gây khó khăn cho người dân. Thủ tướng cho rằng, đa phần cán bộ đều vì lợi ích chung của đất nước, số cán bộ nhũng nhiễu chỉ là “con sâu bỏ rầu nồi canh “.
Về việc này, Thủ tướng khẳng định, hiện tượng "cán bộ tiêu cực là không chấp nhận được" và cơ quan nào, cán bộ nào có hành vi tiêu cực sẽ phải xử lý nghiêm. "Đây là thái độ dứt khoát của Chính phủ"- Thủ tướng nêu rõ.
Để hoàn thiện thể chế nhà nước, Chính phủ tập trung vào kiện toàn bộ máy hành chính, xây dựng đội ngũ cán bộ công chức trong sạch giỏi về chuyên môn và hết lòng phục vụ nhân dân, đồng thời tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý kiên quyết những sai phạm xẩy ra, Thủ tướng nhấn mạnh.
Về thực trạng còn sự chồng chéo giữa các bộ chủ quản, Thủ tướng cho biết, có những việc cần phải phối hợp liên ngành, tuy nhiên trên nguyên tắc là mỗi việc có một cơ quan chịu trách nhiệm chính. Chính phủ sẽ tiếp tục làm rõ về chức năng , nhiệm vụ, quyền hạn, cơ chế phối hợp giữa các Bộ và giữa Bộ với điạ phương để hạn chế tình trạng chồng chéo góp phần xây dựng thể chế rõ ràng, minh bạch.
Nâng cao hiệu quả các doanh nghiệp nhà nước
Trả lời chất vấn của đại biểu Nguyễn Đăng Trừng ( TP Hồ Chí Minh) về những giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước, Thủ tướng cho biết:
Trong những năm qua, hệ thống doanh nghiệp nhà nước đã được sắp xếp, đổi mới, từ trên 12.000 nay còn trên 1.700 doanh nghiệp. Đã hình thành các tổng công ty nhà nước, một số tập đoàn kinh tế (được tổ chức thí điểm) hoạt động đa ngành, đa lĩnh vực, trong đó có ngành chính, theo đúng Nghị quyết của Đảng, phù hợp với quy định của pháp luật.
Các doanh nghiệp nhà nước, nhất là các tập đoàn và tổng công ty đã được cơ cấu lại, thích ứng tốt hơn với cơ chế thị trường và hội nhập kinh tế quốc tế, hiệu quả và khả năng cạnh tranh được nâng lên, đóng góp lớn vào phát triển kinh tế xã hội của đất nước (khoảng 40% GDP).
Hệ thống doanh nghiệp nhà nước đang giữ vai trò chủ lực trong phát triển kết cấu hạ tầng, sản xuất tư liệu sản xuất và kinh doanh những dịch vụ quan trọng, nhiều lĩnh vực đã mang lại hiệu quả chung cho nền kinh tế.
Trong thời gian gần đây, các doanh nghiệp nhà nước, nhất là các Tập đoàn và Tổng công ty đã góp phần bình ổn giá cả. Chẳng hạn vừa qua trong điều hành của Chính phủ về chính sách tiền tệ về hỗ trợ nông dân, tỷ giá, hỗ trợ doanh nghiệp tham gia xuất khẩu...mà không có các ngân hàng thương mại quốc doanh thì không thể làm được, Thủ tướng dẫn chứng.
Thủ tướng cũng thẳng thắn chỉ rõ những yếu kém, bất cập của doanh nghiệp nhà nước: Tổng giá trị tài sản và vốn sở hữu lớn nhưng tỷ suất lợi nhuận trên vốn là chưa tương xứng và khả năng tạo việc làm còn thấp; chưa phát huy thật tốt vai trò tiên phong trong việc tổ chức thị trường nội địa, đổi mới công nghệ, phát triển công nghiệp hỗ trợ; tính liên kết và hợp tác giữa các doanh nghiệp nhà nước với khu vực dân doanh còn yếu, vì vậy, chưa thực hiện tốt vai trò đầu tàu và khả năng dẫn dắt các doanh nghiệp dân doanh. Một số doanh nghiệp còn buông lỏng quản lý, để xẩy ra thất thoát, tham nhũng....
Để khắc phục những yếu kém và hạn chế của doanh nghiệp nhà nước, phát huy vai trò và nâng cao hiệu quả của khu vực này, Thủ tướng cho biết cần phải tiếp tục hoàn thiện thể chế luật pháp, tạo dựng môi trường kinh doanh bình đẳng giữa các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế. Doanh nghiệp nhà nước phải tự chủ kinh doanh, tự chịu trách nhiệm về tài chính, cạnh tranh lành mạnh để phát triển bền vững trên các lĩnh vực kinh doanh mà nhà nước phân công.
Đối với những lĩnh vực vì nguyên nhân khách quan còn độc quyền kinh doanh, phải có cơ chế kiểm soát chặt chẽ. Đây là điều kiện tiên quyết, là cơ sở cho việc thực hiện có hiệu quả các yêu cầu khác. Đồng thời đổi mới, hoàn thiện cơ chế chủ sở hữu nhà nước đối với doanh nghiệp nhà nước; phân định rõ trách nhiệm giữa các Bộ, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố đang được phân công là đại diện chủ sở hữu nhà nước với Hội đồng quản trị là đại diện chủ sở hữu trực tiếp tại doanh nghiệp và trách nhiệm của giám đốc điều hành trong quản trị doanh nghiệp.
Tiếp tục thực hiện cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước trong đó có các tập đoàn và tổng công ty nhà nước theo kế hoạch đã xác định và tăng cường và phát huy vai trò của tổ chức Đảng trong doanh nghiệp nhà nước. Tăng cường giám sát hoạt động, thực hiện minh bạch, công khai kết quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước...
Kết thúc hai ngày rưỡi ngày chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng đánh giá kỳ chất vấn lần này sôi động, hấp dẫn, có kết quả thiết thực, thu hút sự quan tâm của đông đảo cử tri trong cả nước.
Đến sáng 13/11 tại phiên chất vấn lần này đã có 307 chất vấn bằng văn bản của 131 đại biệu thuộc 50 đoàn đại biểu Quốc hội; 129 lượt trao đổi và chất vấn trực tiếp tại Hội trường.
Những vấn đề được chất vấn là những nội dung bức xúc của cuộc sống, phản ánh được tâm tư nguyện vọng của đông đảo cử tri cả nước. Việc trả lời của Thủ tướng và thành viên Chính phủ thẳng thắn, dân chủ, trách nhiệm và đi thẳng vào vấn đề được hỏi; có tranh luận để làm sáng tỏ vấn đề...
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng nhận xét những gì đã làm được tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn đã thể hiện sự cố gắng lớn, trách nhiệm trước nhân dân. Chủ tịch đề nghị hoạt động chất vấn của Quốc hội sẽ tiếp tục làm theo mô hình (theo vấn đề) này và có rút kinh nghiệm để kết quả chất vấn ngày càng được tốt hơn.
(Theo TPO)
Các tin khác
YBĐT - Qua 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 (khoá VIII) “Về chiến lược cán bộ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá (CNH-HĐH) đất nước” ở Yên Bái đã tạo ra những chuyển biến quan trọng trong công tác cán bộ; đồng thời cũng bộc lộ những tồn tại cần khắc phục.
Ngày 11-11, tại Phủ Chủ tịch, trong buổi tiếp Bộ trưởng Ngoại giao, Hội nhập khu vực và Pháp ngữ nước Cộng hòa Trung Phi Dieudonne Kombo Yaya đang ở thăm Việt Nam, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết khẳng định, Việt Nam luôn coi trọng phát triển quan hệ hữu nghị và hợp tác cùng có lợi với các nước châu Phi, trong đó có Cộng hòa Trung Phi.
Với thời gian gói gọn trong vòng 100 phút ngắn ngủi trên nghị trường Quốc hội, Bộ trưởng Bộ tài chính Vũ Văn Ninh đã giải quyết xong 16 câu hỏi chất vấn tại hội trường xoay quanh hai nhóm vấn đề mang tính thời sự nóng bỏng nhất hiện nay là việc điều hành thuế và cơ chế giá trong tình hình lạm phát gia tăng.
Tiếp tục phiên chất vấn các thành viên Chính phủ ngày 11-11, các đại biểu quốc hội ở vựa lúa đồng bằng sông Cửu Long thay nhau chất vấn Bộ trưởng bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn Cao Đức Phát về chủ trương cho dừng xuất khẩu gạo hồi tháng 4 khiến nông dân phải chịu nhiều thiệt hại.