Tổng thanh tra Chính phủ: "Thu nhập không công khai là rất lớn"
- Cập nhật: Thứ năm, 20/11/2008 | 12:00:00 AM
"Chính phủ sẽ xem xét sửa đổi pháp luật, cải cách hệ thống ngân hàng để công khai thu nhập của cán bộ", Tổng thanh tra Chính phủ Trần Văn Truyền trao đổi với báo chí về Chiến lược phòng chống tham nhũng được Chính phủ bàn thảo ngày 18/11.
Ông Trần Văn Truyền.
|
- Dự thảo chiến lược phòng chống tham nhũng từ nay đến năm 2020 của Chính phủ có những điểm chính gì, thưa ông?
- Trong chiến lược phòng chống tham nhũng, các giải pháp phòng ngừa sẽ là nội dung cơ bản, trong đó nhấn mạnh đến hai vấn đề: công khai minh bạch và kiểm soát giải trình. Chính phủ sẽ đẩy mạnh công khai cơ chế chính sách, ngân sách, thông tin, kết quả hoạt động của bộ máy nhà nước... Các cơ quan, cá nhân phải giải trình những vấn đề mà xã hội quan tâm, ví dụ như quản lý tài sản công, thu nhập cá nhân.
Chính phủ cũng sẽ xem xét sửa đổi một số quy định pháp luật, ví dụ Luật thanh tra, trao quyền cho một số cơ quan chức năng có thể áp dụng những biện pháp đặc biệt để điều tra các hành vi tham nhũng. Giai đoạn đầu (từ nay đến năm 2011) sẽ tập trung vào các giải pháp nâng cao năng lực phát hiện, xử lý các hành vi tham nhũng.
- Ông vừa đề cập vấn đề công khai thu nhập cán bộ, vậy đến bao giờ chúng ta mới thực hiện?
- Công khai thu nhập là mục tiêu cơ bản của phòng chống tham nhũng, nhưng việc triển khai phụ thuộc vào điều kiện mỗi nước, trong đó hệ thống kiểm soát tài chính là cơ sở pháp lý.
Hiện nay các giao dịch chủ yếu bằng tiền mặt nên thực chất phần thu nhập công khai rất nhỏ, khoản không công khai khá lớn. Nếu chúng ta yêu cầu công khai ngay thì chẳng qua là hình thức. Khi thu nhập quốc dân được kiểm soát qua hệ thống ngân hàng thì công khai sẽ có tác dụng
Ngoài ra, một số vấn đề liên quan đến tài sản cá nhân hiện nay hiến pháp quy định không công khai. Tới đây, có thể phải xem xét sửa đổi hiến pháp, văn bản pháp luật để mọi người đều có thể giám sát tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức. Khi đó, dù trong quá trình làm việc anh che dấu được tham nhũng, nhưng đến khi anh nghỉ rồi, người ta phát hiện, lúc đó cũng phải giải trình, làm rõ.
- Nhiều ý kiến cho rằng, cần phải giao thêm thẩm quyền cho Ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng trung ương và các địa phương. Vấn đề này được đề cập thế nào trong chiến lược của Chính phủ?
- Chủ trương của chúng ta là phòng chống tham nhũng phải phát huy sức mạnh của xã hội trong đó hệ thống chính trị phải vào cuộc đặc biệt là cơ sở Đảng, người đứng đầu đơn vị. Ban chỉ đạo có nhiệm vụ điều phối công việc để hướng dẫn và đôn đốc chứ không giải quyết trực tiếp, vì đó là việc của các cơ quan chức năng. Trong chiến lược phòng chống tham nhũng, Chính phủ cũng đặt ra vấn đề kiện toàn củng cố Ban chỉ đạo nhưng không phải là giao toàn quyền.
- Trong chiến lược từ năm 2020 có giai đoạn ngắn hạn và dài hạn. Trong vài năm tới, những lĩnh vực nào sẽ là trọng tâm phòng chống tham nhũng của Chính phủ?
- Trong thời gian tới, thanh tra sẽ nhắm đến lĩnh vực quản lý đất đai, tài chính ngân hàng, tín dụng, cổ phần hóa đối với các tập đoàn kinh tế, các tập đoàn tổng công ty.
Nhìn chung trong giai đoạn đầu, Chính phủ tập trung vào khu vực tài sản công. Sau đó, chúng tôi sẽ hướng tới lĩnh vực tư nhân. Ví dụ vì lợi ích, các doanh nghiệp tư nhân sẵn sàng tìm cách bôi trơn công chức trong bộ máy nhà nước để vụ lợi.
- Vừa qua, dư luận xôn xao trước thông tin các cựu lãnh đạo công ty tư vấn Nhật Bản PCI tố cáo đã lót tay 820.000 USD cho một cán bộ dự án ODA ở TP HCM. Vấn đề hợp tác quốc tế trong phòng chống tham nhũng sẽ được đặt ra thế nào, thưa ông?
- Việt Nam đang hướng tới việc ký kết công ước Liên hợp quốc về phòng chống tham nhũng. Trong công ước này có rất nhiều điều ràng buộc, bắt buộc chúng ta phải thi hành, trong đó có vấn đề về hợp tác, tương trợ về các mặt kể cả hợp tác về tư pháp.
Hiện nay, chúng ta cũng đang ký kết với một số nước về sự tương trợ tư pháp, mới đây một số nước đề nghị các cơ quan chức năng của Việt Nam giúp họ điều tra về một số loại tội phạm liên quan đến tham nhũng.
(Theo VnExpress)
Các tin khác
Trong phiên họp giữa tháng hôm 18-11, Chính phủ đã dành nhiều thời gian thảo luận, cho ý kiến Tờ trình Chính phủ về Ðề án cơ chế, chính sách hỗ trợ thực hiện giảm nghèo bền vững đối với các huyện có tỷ lệ nghèo cao do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội trình.
YBĐT - Ngày 17-18/11, đoàn đại biểu Quốc hội khoá XII tỉnh Yên Bái do đồng chí Hoàng Thương Lượng - Phó bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Yên Bái; đồng chí Giàng A Chu - Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Quốc hội; bà Triệu Thị Bình - Đại biểu Quốc hội tỉnh, đã có cuộc tiếp xúc cử tri thành phố Yên Bái, huyện Yên Bình, Văn Yên.
YBĐT - Chuẩn bị cho kỳ họp thứ 14 HĐND tỉnh khoá XVI, Đoàn đại biểu HĐND tỉnh do các đồng chí Nguyễn Văn Ngọc - Phó bí thư Thường trực Tỉnh uỷ; Ngô Thị Chinh - Phó Chủ tịch HĐND tỉnh cùng Thường trực HĐND, UBND thành phố Yên Bái và phường Yên Thịnh đã có cuộc tiếp xúc với cử tri phường Yên Thịnh, thành phố Yên Bái.
YBĐT - Chuẩn bị kỳ họp thứ 14 HĐND tỉnh khóa XVI, ngày 13/11/2008, đoàn đại biểu HĐND tỉnh do đồng chí Hoàng Xuân Lộc - Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh dẫn đầu, đã đi tiếp xúc cử tri tại xã Tân Hương, huyện Yên Bình. Cùng đi có các đồng chí lãnh đạo huyện Yên Bình.