HĐND huyện Văn Yên Nâng cao chất lượng giám sát ở cơ sở
- Cập nhật: Thứ ba, 9/12/2008 | 12:00:00 AM
YênBái - YBĐT - Năm 2008, HĐND huyện Văn Yên (Yên Bái) luôn đổi mới về nội dung và phương thức hoạt động ở cơ sở, đặc biệt công tác giám sát là một trong những vấn đề trọng tâm của HĐND.
Nông dân xã An Thịnh (Văn Yên) chăm sóc rau màu vụ đông.
(Ảnh: Trường Phong)
|
Chính vì vậy trước và sau các kỳ họp các ban, các tổ đại biểu đều tiến hành bàn bạc triển khai các chương trình giám sát theo hàng quý, bám sát vào kết quả thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội (KTXH), những vấn đề bức xúc mà cử tri quan tâm, góp phần thực hiện tốt các chỉ tiêu cho phát triển kinh tế- xã hội của địa phương.
Từ đầu năm đến nay, HĐND huyện đã tiến hành 19 cuộc giám sát, tập trung vào các chuyên đề như: tình hình triển khai thực hiện nghị quyết của HĐND huyện thông qua việc giao chỉ tiêu kế hoạch năm 2008 của UBND huyện cho các đơn vị trực thuộc; giám sát việc thực hiện các biện pháp khắc phục thiên tai do đợt rét đậm, rét hại kéo dài đầu năm 2008; kết quả thực hiện chỉ tiêu gieo trồng vụ đông xuân; công tác quản lý sử dụng nước sản xuất tại các công trình thuỷ lợi; việc thực hiện chính sách hỗ trợ gạo cứu đói giáp hạt tại các xã vùng cao…
Ngoài việc thực hiện chương trình giám sát, các ban của HĐND huyện còn cùng các ban của HĐND tỉnh thực hiện một số nội dung giám sát trên địa bàn về chất lượng thực hiện xây dựng đời sống văn hoá ở cơ sở; việc thực hiện dự án hỗ trợ sản xuất thuộc Chương trình 135 giai đoạn 2 của Chính phủ; tình hình khắc phục hậu quả của cơn bão số 4; việc thực hiện chính sách ưu đãi của Nhà nước đối với người có công và người bị nhiễm chất độc hoá học trong chiến tranh. Năm 2008, do ảnh hưởng của thời tiết, thiên tai, giá cả thị trường có nhiều biến động, đợt rét đậm, rét hại đầu năm đã làm cho 770 ha lúa trên địa bàn huyện phải cấy lại, gần 20 ha lúa nước phải chuyển sang trồng màu, 608 con trâu bò bị chết…
Đến tháng 8 do ảnh hưởng của cơn bão số 4 gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản, toàn huyện có 13 người chết, 4 người bị thương, 80 ngôi nhà bị lũ cuốn trôi và sập đổ hoàn toàn, 400 ngôi nhà bị hư hỏng, 631 hộ dân phải di dời ra khỏi vùng nguy hiểm, 707 ha lúa, 290 ha ngô, 73 ha rau màu bị ngập úng, 30 con trâu bò và nhiều gia cầm khác bị lũ cuốn trôi, nhiều tuyến đường bị sạt lở chia cắt, một số công trình giao thông và thuỷ lợi bị phá huỷ hoàn toàn… Tiếp sau đó là cơn bão số 6, lũ chồng lũ làm cho hàng trăm ha cây vụ đông vừa mới khôi phục sau cơn bão số 4 lại ngập úng.
Trước những khó khăn, nhưng với tinh thần đoàn kết tự lực tự cường, nhân dân các dân tộc trong huyện cùng với sự quan tâm giúp đỡ của các cấp, các ngành của tỉnh, Trung ương đã tạo mọi điều kiện để nhân dân sớm khắc phục khó khăn ổn định đời sống. Qua công tác giám sát tại các địa bàn bị thiệt hại cho thấy: mọi chế độ hỗ trợ tại các địa bàn đều đảm bảo đúng người, đúng đối tượng, không để xảy ra sai phạm.
Thông qua các cuộc giám sát, HĐND huyện đã phát hiện biểu dương những điển hình hay. Tuy nhiên từ công tác giám sát cũng phát hiện nhiều sai phạm, vướng mắc cần khắc phục, sửa chữa như: hoạt động của mạng lưới y tế thôn bản và cộng tác viên dân số- KHHGĐ; công tác khám chữa bệnh cho người nghèo, người tham gia bảo hiểm y tế; kết quả xây dựng duy trì chuẩn y tế quốc gia năm 2008 tại một số xã: Châu Quế Thượng, Đại Sơn, Lâm Giang, Yên Hợp…
Về tình hình hoạt động của mạng lưới y tế thôn bản và cộng tác viên dân số cho thấy, hiện nay toàn huyện chỉ còn 48,2 số nhân viên y tế thôn bản và 15% là cộng tác viên dân số tham gia hoạt động. Mức độ hoàn thành nhiệm vụ ở mức trung bình yếu do một số nguyên nhân như: thù lao thấp, áp lực công việc nhiều dẫn tới nhiều người không yên tâm công tác, lơi lỏng trong công việc.
Chất lượng khám chữa bệnh cho người nghèo và người có bảo hiểm y tế tại cơ sở, chưa đáp ứng yêu cầu người bệnh, một số nơi thủ tục hành chính còn phiền hà; việc cấp thẻ bảo hiểm y tế cho người nghèo còn nhiều sai sót như nhầm tên đệm, tên thường gọi với tên trong chứng minh nhân dân, địa chỉ cư trú, năm sinh…do đó gia đình người bệnh phải mất rất nhiều thời gian để xác minh đính chính tư pháp.
Công tác xây dựng và duy trì chuẩn quốc gia về y tế xã cũng còn nhiều hạn chế: một số cấp uỷ, chính quyền cơ sở chưa thật sát sao trong chỉ đạo thực hiện chương trình này, HĐND xã thiếu kiểm tra giám sát, cá biệt một số cán bộ chuyên trách trong ban chỉ đạo chăm sóc sức khoẻ nhân dân của xã còn chưa nắm rõ mục đích, ý nghĩa của nội dung xây dựng chuẩn quốc gia về y tế xã, dẫn tới tình trạng nhiều cơ sở y tế xã bị lãng quên, xuống cấp không được sửa chữa...
Từ việc thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ được giao, thường xuyên đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, tăng cường các hoạt động giám sát ở cơ sở, đa dạng hoá hoạt động tiếp xúc cử tri, tiếp dân, giải quyết đơn thư khiếu nại tố cáo của nhân dân; mở rộng hình thức đối thoại với dân, lắng nghe những phản ánh và cùng các ngành chức năng sớm giải quyết dứt điểm các vụ việc nảy sinh ở cơ sở nên đã giảm thiểu được tình trạng đơn thư khiếu nại vượt cấp trên địa bàn, nhân dân tin tưởng vào người đại biểu của mình, tích cực tham gia lao động sản xuất thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển KTXH của địa phương đề ra.
Thái Hưng
Các tin khác
Chiều 8-12, tại Trụ sở T.Ư Ðảng, Tổng Bí thư Nông Ðức Mạnh đã thân mật tiếp đồng chí Trần Chí Lập, Phó Ủy viên trưởng Ủy ban Thường vụ Ðại hội đại biểu nhân dân toàn quốc Trung Quốc.
YBĐT - Hội đồng nghĩa vụ quân sự (NVQS) tỉnh Yên Bái vừa họp ra nghị quyết lãnh đạo nhằm đánh giá kết quả công tác tuyển chọn, gọi công dân nhập ngũ năm 2008 và triển khai nhiệm vụ công tác tuyển quân năm 2009. Đồng chí Hoàng Thương Lượng- Chủ tịch UBND tỉnh, Chủ tịch Hội đồng NVQS tỉnh chủ trì hội nghị.
Trong ngày thứ hai của Hội thảo quốc tế Việt Nam học lần thứ ba (6-12), các nhà khoa học tiếp tục trình bày các tham luận và thảo luận tại 18 tiểu ban.
YBĐT - Đó là ý kiến chỉ đạo của đồng chí Lê Mạnh Hùng - Phó bí thư Tỉnh ủy Yên Bái ngày 5/12 trong buổi kiểm tra việc thực hiện quy chế dân chủ (QCDC) ở cơ sở tại Phòng Giáo dục - Đào tạo thành phố Yên Bái.