Xứng đáng là người đại diện cho ý chí, nguyện vọng của nhân dân các dân tộc tỉnh Yên Bái
- Cập nhật: Thứ hai, 5/1/2009 | 12:00:00 AM
YênBái - YBĐT - Thời gian qua, trong hoạt động của mình Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Yên Bái luôn tranh thủ sự lãnh đạo của Tỉnh uỷ, phối hợp chặt chẽ với Thường trực Hội đồng nhân dân, ủy ban nhân dân, ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh và các cấp chính quyền, đoàn thể tại địa phương cải tiến đổi mới phương thức hoạt động, nỗ lực phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ được giao.
Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh tiếp xúc cử tri tại thôn Ngòi Tu, xã Vũ Linh (Yên Bình)
|
Cách đây 63 năm, ngày 6/1/1946, cuộc Tổng tuyển cử lần đầu tiên trong cả nước được tiến hành. Tất cả công dân Việt Nam từ 18 tuổi trở lên không phân biệt nam, nữ, giàu, nghèo, dân tộc, tôn giáo, chính kiến .... đã tham gia cuộc Tổng tuyển cử, tự lựa chọn người đại diện cho mình vào Quốc hội.
Cơ quan quyền lực cao nhất của Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hoà non trẻ được sự tán thành, ủng hộ của toàn thể đồng bào cử tri từ Bắc tới Nam. Cuộc tổng tuyển cử đầu tiên của Nhà nước ta đã thành công. Từ đó, ngày 6/1/1946 đã trở thành mốc son chói lọi đánh dấu bước tiến vượt bậc của Nhà nước Việt Nam từ phong kiến thuộc địa trở thành Nhà nước dân chủ cộng hoà, XHCN đầu tiên của Đông Nam Á.
Kỷ niệm ngày Tổng tuyển cử đầu tiên của đất nước, chúng ta ghi lòng tạc dạ công lao trời biển của Đảng kính yêu, Bác Hồ vĩ đại. Chúng ta kính cẩn tưởng nhớ công lao của các anh hùng, liệt sỹ và các bậc tiền bối đã vì nền độc lập, tự do, dân chủ, bình đẳng của đất nước mà hy sinh phấn đấu.
Từ khi ra đời đến nay, với tư cách là cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất, Quốc hội Việt Nam đã đóng góp tích cực vào sự nghiệp cách mạng của đất nước, của dân tộc. Do hoàn cảnh đặc thù của đất nước trong nhiều thập kỷ, đặc biệt là 30 năm đầu (1946 - 1975) cùng với việc xây dựng chế độ dân chủ của Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hoà dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, Quốc hội đã cùng với Chính phủ đề ra các chủ trương, chính sách, tổ chức và động viên toàn dân “kháng chiến, kiến quốc” giành thắng lợi trong hai cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc và giành độc lập, thống nhất Tổ quốc. Chế độ dân chủ XHCN được xây dựng, củng cố và ngày càng hoàn thiện.
Trên nền tảng tư tưởng cốt lõi của Hiến pháp năm 1946 :“ Tất cả quyền lực trong nước Việt Nam dân chủ cộng hoà đều thuộc về nhân dân. Nhân dân sử dụng quyền lực của mình thông qua Quốc hội và hội đồng nhân dân các cấp do nhân dân bầu ra và chịu trách nhiệm trước nhân dân”, kế thừa Hiến pháp năm 1946, Hiến pháp năm 1959, Hiến pháp năm 1980; Hiến pháp năm 1992 đã tiếp tục được bổ sung, hoàn thiện Nhà nước của dân, do dân, vì dân, phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ phát triển của đất nước.
Nhiều đạo luật quan trọng đã được Quốc hội các khóa thông qua nhằm thể chế hoá quyền làm chủ của nhân dân và thực hiện quản lý xã hội theo Hiến pháp và pháp luật xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN. Quốc hội thực hiện quyền giám sát tối cao trong quá trình thực thi Hiến pháp và pháp luật, kiểm tra sự chỉ đạo, điều hành của bộ máy Nhà nước trên tất cả các lĩnh vực; quyết định những vấn đề hệ trọng của đất nước trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Năm 2008 là năm thứ hai của nhiệm kỳ Quốc hội khoá XII, thực hiện quyền hạn, nhiệm vụ theo quy định của Hiến pháp, Luật Tổ chức Quốc hội và Quy chế hoạt động của đại biểu Quốc hội và đoàn đại biểu Quốc hội. Thời gian qua, trong hoạt động của mình Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Yên Bái luôn tranh thủ sự lãnh đạo của Tỉnh uỷ, phối hợp chặt chẽ với Thường trực Hội đồng nhân dân, ủy ban nhân dân, ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh và các cấp chính quyền, đoàn thể tại địa phương cải tiến đổi mới phương thức hoạt động, nỗ lực phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ được giao.
Với tinh thần trách nhiệm cao trước cử tri, các vị đại biểu Quốc hội trong Đoàn đã tham gia vào các dự thảo dự án luật, phát biểu tham gia 64 lượt ý kiến tại các phiên họp tổ và hội trường, đề xuất những kiến nghị, giải pháp vào các báo cáo quan trọng của Chính phủ, Quốc hội, có nhiều ý kiến đã được Quốc hội nghiên cứu đưa vào nghị quyết chung, bổ sung vào các dự án luật trình Quốc hội thông qua.
Trong hoạt động tiếp xúc cử tri, Đoàn luôn cải tiến phương thức tổ chức, đối tượng tiếp xúc rộng rãi với phương châm sát cơ sở, lắng nghe được nhiều ý kiến từ cử tri trực tiếp công tác, sản xuất, đi đến những địa bàn khó khăn, vùng sâu, vùng xa kết hợp giữa lắng nghe ý kiến cử tri nơi đại biểu được bầu với ý kiến cử tri nơi đại biểu cư trú, công tác, nhờ đó đã tiếp nhận được nhiều ý kiến, kiến nghị của cử tri sát thực tế và mang tính đại diện hơn.
Với nhiều hình thức khác nhau, tại nhiều địa phương trong tỉnh, trong 2 năm qua, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh đã tổ chức 35 cuộc tiếp xúc cử tri với hơn 5000 lượt cử tri đại diện cho cử tri trong tỉnh tham dự và tổng hợp được 76 ý kiến, kiến nghị. Các ý kiến, kiến nghị của cử tri trong tỉnh đã được Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh tổng hợp gửi tới Quốc hội. Nhiều ý kiến, kiến nghị của cử tri Yên Bái đã được Chính phủ và các Bộ, ngành Trung ương quan tâm xem xét, từng bước giải quyết.
Thực hiện Chương trình xây dựng luật của Quốc hội, Đoàn đã xây dựng kế hoạch tổ chức lấy ý kiến tham gia của các vị đại biểu Quốc hội trong Đoàn và các cơ quan liên quan vào 15 dự án luật được thông qua và cho ý kiến tại hai kỳ họp của Quốc hội trong năm 2008.
Giám sát là chức năng quan trọng trong hoạt động của các cơ quan dân cử. Thấy rõ được tầm quan trọng của công tác này, trong năm qua, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh và các đại biểu trong Đoàn đã tích cực tham gia và có nhiều cải tiến về phương pháp tổ chức giám sát. Trên cơ sở Nghị quyết của Quốc hội về Chương trình giám sát năm 2008, căn cứ vào vấn đề cử tri địa phương đang quan tâm, Đoàn đã chọn nội dung giám sát phù hợp với nguyện vọng chính đáng của cử tri, tiến hành xây dựng kế hoạch, phân công đại biểu thực hiện và mời các ngành của tỉnh tham gia.
Kết quả, Đoàn đã tổ chức 4 cuộc giám sát theo chuyên đề và nhiều cuộc giám sát thường xuyên, đột xuất từ những vấn đề theo chương trình của ủy ban Thường vụ Quốc hội như việc thi hành pháp luật về bảo đảm trật tự an toàn giao thông; việc triển khai thực hiện chính sách, pháp luật về xã hội hoá công tác chăm sóc sức khoẻ nhân dân; việc triển khai và kết quả thực hiện Chương trình 135 giai đoạn 2 và về tổ chức và hoạt động của trường dân tộc nội trú.
Ngoài ra, các vị đại biểu Quốc hội trong Đoàn còn tham gia các chương trình giám sát của Hội đồng Dân tộc và các ủy ban của Quốc hội ở địa phương, tham gia đoàn giám sát của các ủy ban mà đại biểu là thành viên, tham gia các đoàn giám sát của Hội đồng nhân dân, các ban của Hội đồng nhân dân tỉnh khi có yêu cầu ...
Tại các kỳ họp trong năm, thực hiện quyền giám sát tối cao của Quốc hội, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh đã có 7 lượt đại biểu gửi 11 câu hỏi chất vấn đến một số Bộ ngành Trung ương như Bộ Giao thông vận tải, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Y tế, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Tài chính, Bộ Xây dựng, Ngân hàng Nhà nước…, các đại biểu trong Đoàn đã tích cực tham gia chất vấn tại hội trường. Các ý kiến chất vấn của đại biểu trong Đoàn có nội dung cụ thể, phản ánh những nguyện vọng chính đáng của cử tri, các ý kiến chất vấn của đại biểu được các Bộ, ngành Trung ương tiếp thu và trả lời nghiêm túc.
Nhìn chung, công tác giám sát việc thi hành Hiến pháp, pháp luật, nghị quyết của Quốc hội và của ủy ban Thường vụ Quốc hội của Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Yên Bái trong năm qua đã được tăng cường và chú trọng hơn, hiệu quả các cuộc giám sát được nâng lên. Thông qua hoạt động giám sát, Đoàn đều có báo cáo kết quả gửi các cấp có thẩm quyền, kèm theo những đề xuất, kiến nghị về những tồn tại, khó khăn, vướng mắc trong quá trình tổ chức thực hiện chính sách pháp luật của Nhà nước, nghị quyết của Quốc hội tại địa phương. Nhiều ý kiến, kiến nghị đã được cấp có thẩm quyền xem xét giải quyết.
Thực hiện Nghị quyết của ủy ban Thường vụ Quốc hội về công tác tiếp công dân, đôn đốc việc giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân, hàng tháng, Đoàn đều có phân công đại biểu tiếp công dân, đồng thời chỉ đạo Văn phòng giúp Đoàn tiếp dân hàng tháng theo lịch tiếp công dân của tỉnh. Trong năm 2008, Đoàn đã tiếp trên 180 lượt công dân tại Phòng Tiếp công dân của tỉnh. Những ý kiến, kiến nghị tập trung chủ yếu về lĩnh vực đất đai, giải phóng mặt bằng, thực hiện chính sách xã hội. Đoàn đã tiếp nhận và xử lý 36 đơn, đã chuyển 7 đơn khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của công dân đến cơ quan có thẩm quyền xem xét, giải quyết và đã nhận được 5 văn bản trả lời.
Nhìn lại 2 năm, trong quá trình thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình, các vị đại biểu Quốc hội khoá XII và Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Yên Bái đã có nhiều cố gắng, khắc phục mọi khó khăn, đi sâu đi sát cơ sở, không ngừng đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động, đã góp phần đáng kể vào kết quả chung của Quốc hội khoá XII. Có được những thành tích đó, trước hết là sự cố gắng, nỗ lực không mệt mỏi với trách nhiệm cao trước cử tri của các vị đại biểu và sự chỉ đạo thường xuyên của ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Bên cạnh đó là sự lãnh đạo kịp thời của Tỉnh uỷ, sự phối hợp chặt chẽ của Thường trực Hội đồng nhân dân, ủy ban nhân dân, ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh và sự giúp đỡ của các cấp uỷ Đảng, chính quyền, tổ chức đoàn thể và nhân dân các dân tộc trong tỉnh. Nhân dịp này, thay mặt Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Yên Bái, tôi xin chân thành cảm ơn các đồng chí trong Thường trực Tỉnh uỷ, Thường trực Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh và toàn thể nhân dân các dân tộc, lực lượng vũ trang trong tỉnh đã tạo mọi điều kiện thuận lợi để các vị đại biểu Quốc hội và Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Yên Bái hoàn thành tốt chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình và mong rằng sẽ nhận được nhiều sự giúp đỡ hơn nữa.
Phát huy kết quả đã đạt được, trong thời gian tới, các đại biểu và Đoàn Đại biểu Quốc hội của tỉnh sẽ tiếp tục nỗ lực, phấn đấu hoàn thành tốt hơn nữa nhiệm vụ được giao, xứng đáng với niềm tin của cử tri và nhân dân trong tỉnh, cũng như sự tin tưởng và trọng trách của cử tri, nhân dân cả nước trao cho các đại biểu Quốc hội.
Chúng ta đã bước sang năm 2009, tết Kỷ Sửu sắp đến, nhân dịp này cho phép tôi, thay mặt Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh, xin trân trọng gửi đến nhân dân các dân tộc, lực lượng vũ trang tỉnh nhà, các đồng chí lãnh đạo tỉnh, các vị đại biểu Quốc hội các khoá lời chúc sức khoẻ, hạnh phúc, quyết tâm phấn đấu thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2009 và Kế hoạch 5 năm 2006 – 2010!
Hoàng Thương Lượng
(Phó bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Yên Bái)
Các tin khác
YBĐT - Đó là ý kiến chỉ đạo của đồng chí Hoàng Xuân Lộc - Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh trong phiên bế mạc Hội nghị BCH Đảng bộ tỉnh Yên Bái lần thứ 14 diễn ra ngày 2 và 3/1/2009.
YBĐT - Ngày 2/1/2009, Tỉnh uỷ Yên Bái tổ chức Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh mở rộng lần thứ 14 để đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ năm 2008, đề ra phương hướng, nhiệm vụ năm 2009, kiểm điểm sự lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Chấp hành, Ban Thường vụ, Thường trực Tỉnh uỷ và thông qua chương trình hành động thực hiện các Nghị quyết Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá X. Đồng chí Hoàng Xuân Lộc – Bí thư Tỉnh uỷ , Chủ tịch HĐND tỉnh phát biểu khai mạc và chủ trì hội nghị.
“…Không vì chủ trương kích cầu mà buông lỏng quản lý, dễ dãi chấp nhận những dự án kém hiệu quả, không có khả năng cạnh tranh, làm ô nhiễm môi trường, gây nguy cơ tăng lạm phát trở lại… Chuyển từ tư duy quản lý chủ yếu là xác lập trật tự, sang quản lý là để thúc đẩy phát triển …” Đây là những nội dung được nhấn mạnh trong bài viết của Thủ tướng Chính phủ, như một thông điệp đầu năm về tình hình đất nước và những liệu pháp căn cơ để đưa con thuyền Việt Nam vượt qua thử thách khắc nghiệt trong bối cảnh suy thoái kinh tế toàn cầu. Xin trân trọng giới thiệu toàn văn bài viết của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.