Những anh hùng ở Căng Nghĩa Lộ
- Cập nhật: Thứ tư, 14/4/2010 | 6:49:05 PM
YBĐT - Tháng 2 năm 1944, thực dân kiên cố lại trại giam tù thường phạm ở Nghĩa Lộ thành căng. Căng xây vững chắc gồm 3 dãy nhà dài để giam giữ tù chính trị, vây chặt bằng những lớp rào tre nứa cắm dày, đan chéo nhau chắc chắn; xung quanh căng có hào sâu, dưới hào có cắm chông, có trạm gác của lính khố xanh, tay cầm súng.
Du khách tham quan khu di tích lịch sử Căng Đồn.
|
Từ “Căng” nếu viết đầy đủ theo tiếng Pháp là Camp de con cen traa Hon des subpecs prolitique, có nghĩa là “Trại tập trung tù chính trị”. Vào năm 1944, phong trào vùng căn cứ địa Việt Bắc đã khá mạnh. Chính quyền thực dân thấy Căng Bá Vân (Thái Nguyên) không ổn, muốn chuyển đi nơi khác. Tháng 2 năm 1944, thực dân kiên cố lại trại giam tù thường phạm ở Nghĩa Lộ thành căng. Căng xây vững chắc gồm 3 dãy nhà dài để giam giữ tù chính trị, vây chặt bằng những lớp rào tre nứa cắm dày, đan chéo nhau chắc chắn; xung quanh căng có hào sâu, dưới hào có cắm chông, có trạm gác của lính khố xanh, tay cầm súng. Căng do đích thân viên Đồn trưởng Xi-vê (Civer) chỉ huy. Dưới quyền của hắn còn có Quản Nhượng, Đội Mai, Cai Trúc...
Đầu năm 1945, gần một trăm tù cộng sản từ Căng Bá Vân đưa về Yên Bái bằng xe lửa. Trong cái rét cắt da cắt thịt của núi rừng, nói là đưa đi “an trí” nhưng các chiến sỹ bị xiềng xích, đánh đập, giải đi bằng đủ ngón đòn hiểm ác. Nhưng trước họng súng của kẻ thù, các chiến sỹ cách mạng vẫn tươi cười, hễ gặp dân tụ tập là đoàn tù đi chậm lại hát vang. Ông Phạm Gia Từ, ở thôn Cống Đá xã Âu Lâu, khi về già vẫn nhớ rõ khí thế hiên ngang, nhịp điệu bài hát:
“Dân chúng cơ hàn, nước điêu tàn/Nỗi căm hờn chứa chan lòng ta/Đồng bào há cam tâm làm tôi tớ/Dưới muôn ngàn áp chế/Chìm sâu trong bóng tối/Còng lưng đóng biết bao tầng sưu thuế/Máu xương mình còn chi đâu/Kìa, quốc sử bốn nghìn năm còn sáng chói”...
Đoàn tù sắp vào đến Nghĩa Lộ, viên đồn trưởng cho lính đi thông sức cho dân chúng: Không được họp chợ. Mọi nhà phải đóng cửa, không ai được ra đường... Vào khoảng 3 giờ chiều ngày 1-2-1945, đoàn tù vào đến nơi, dân chúng vẫn mở cửa, vẫn họp chợ, nhiều người tụ tập đông bên đường đón gặp đoàn tù. Các chiến sĩ cách mạng đi chậm lại, vang lên lời chào thân thiết: “Chúng tôi là những người yêu nước, chẳng may bị bắt đưa về đây giam cầm, xin gửi lời chào đến toàn thể đồng bào”. Trong đoàn tù, chợt vang lên giọng sang sảng vạch mặt thực dân Pháp, phát xít Nhật đều là lũ cướp nước, hà hiếp, cướp bóc dân mình, gây ra nạn đói khủng khiếp. Các chiến sỹ còn nói về mười chính sách của Việt Minh, quyết giành lại nền độc lập...
Những ngày đầu vào căng, nhiều chiến sỹ bị tra tấn giã man. Bọn cai ngục thì hèn hạ đày đoạ, bỏ đói, bỏ mặc cho bệnh tật không chữa. Một số chiến sỹ đã hy sinh, chúng đưa ra vùi thây trong rừng ổi cạnh căng. Dù vậy, các đảng viên Đảng Cộng sản vẫn thành lập Chi bộ trong căng, thành lập Ủy ban Nhà tù, gồm các đồng chí: Phạm Quang Thẩm, Nguyễn Sĩ Nghiêm, Nguyễn Văn Đỗi (Vương Thừa Vũ), Trần Huy Liệu, Trần Đức Sắc. Trong căng còn thành lập Tiểu ban Quân sự, Ban Tuyên truyền - Ấn loát, Ban Địch vận - Binh lương, Ban Tham mưu, Ban Y tế, thành lập cả Trung đội Thường trực.
Ổn định xong tổ chức thì tết Nguyên đán đến, Chi bộ quyết định tổ chức thật chu đáo. Anh em dựng cột cờ, đàng hoàng kéo lá cờ đỏ sao vàng lên cho bay trước gió. Anh em dựng kỳ đài, treo băng khẩu hiệu, đèn lồng, tổ chức diễn kịch mời dân đến vây ngoài rào đứng xem. Anh em còn đòi ra rừng ổi viếng mộ bạn bè. Nhân dân trong vùng được chứng kiến càng khâm phục, quý mến các chiến sỹ cách mạng. Ông Đặng Văn Tám, ông Ngạc, bà Thông... còn bí mật giúp tiền bạc, thuốc men, áo quần...
Ngày 9-3-1945, Nhật đảo chính Pháp. Quân Pháp thua, lũ lượt kéo chạy vào Nghĩa Lộ, lên Gia Hội, trên đường sang Vân Nam (Trung Quốc). Viên tướng Pháp Lơ-gơ-răng, chỉ huy mặt trận Sơn Tây chạy đến Nghĩa Lộ, vứt bỏ cả ô tô, chạy bộ. Còn quân lính, đêm đến nằm la liệt ở đường phố, ở bãi đá bóng. Nao núng, ngày 12-3-1945, viên Đồn trưởng Xi-vê cho gọi đại diện căng đến gặp. Hắn định lợi dụng anh em tù chính trị chống Nhật, đưa đường sang Trung Quốc, nhưng không chịu để ta được tự do. Thương lượng không thành, thấy có thời cơ, Ủy ban Nhà tù thấy anh em đều muốn thoát khỏi tù đầy trở về với cách mạng, nên lập kế hoạch phá căng. Theo kế hoạch, vào đêm 15-3-1945, đợi cho Quản Nhượng ngủ, Cai Sinh (đã được ta giác ngộ) sẽ khóa cửa, nhốt lại. Cai Sinh cùng anh em nội ứng sẽ mở căng, giải thoát cho anh em ta, rồi trang bị súng đạn, rồi cùng chiếm đồn Nghĩa Lộ...
Nhưng đêm hẹn, Cai Sinh bị điều đi vắng, kế hoạch không thực hiện được, Ủy ban Nhà tù, Chi bộ đảng quyết định lui đến đêm 18-3-1945. Chiều ngày 17-3-1945, viên Chánh sứ Yên Bái Pen-li-e (Penlie) chạy qua Nghĩa Lộ, tạt vào kiểm tra căng, cùng vài kẻ tùy tùng. Hắn vào giữa căng, bất ngờ một chiến sỹ xông đến, ôm lấy hắn quật ngã, với ý định buộc chánh sứ ra lệnh thả tù nhân. Không ngờ, tên Quản Nhượng ra lệnh nổ súng. Trong lúc nhốn nháo, nhiều chiến sỹ xông ra cổng, thoát ra ngoài. Một số hy sinh. Lập tức, viên đồn trưởng treo thưởng: Ai bắt được tù trốn đưa về nộp sẽ thưởng 23 đồng bạc trắng, nếu ai giết chết, chặt đầu Việt Minh về nộp thì thưởng hẳn 65 đồng. Dù hắn thâm hiểm, thưởng cao nhưng dân trong vùng không ai làm việc hại đến dân tộc.
Ông Trần Đức Sắc ra đến Khe Thắm gặp dân còn được nuôi ăn, đưa đường ra Chiến khu Vần. Đồng chí Vương Thừa Vũ, thoát căng còn cảnh giác vòng lên Pú Trạng, nằm nghe ngóng ba ngày, đợi yên mới vòng lên Pá Hu, Pá Lau, cũng được dân nuôi, đưa đường tắt về Chiến khu. Một số chiến sĩ thì được dân đưa theo hướng Đông ra Trái Hút, theo sông Hồng xuôi về Chiến khu.
Cuộc phá căng Nghĩa Lộ đến nay đã tròn 65 năm, nhưng tinh thần bất khuất, anh hùng, tinh thần cách mạng của những chiến sĩ cộng sản còn sống mãi.
Trần Cao Đàm
Các tin khác
YBĐT - Tiếp tục chương trình làm việc, ngày 13/4 Hội nghị Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh Yên Bái lần thứ 19 đã hoàn thành chương trình làm việc và tiến hành bế mạc. Đồng chí Hoàng Xuân Lộc – Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh chủ trì hội nghị.
Chiều tối 12/4 theo giờ địa phương (đêm cùng ngày theo giờ Hà Nội), Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết cùng Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã tới thủ đô Tunis, bắt đầu chuyến thăm cấp Nhà nước tới Cộng hòa Tunisia theo lời mời của Tổng thống nước chủ nhà Zeine Al-Abidine Ben Ali.
YBĐT - Ngày 13/4, đồng chí Hoàng Tuấn Anh - Uỷ viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch đã dẫn đầu đoàn công tác của Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch lên thăm và làm việc tại tỉnh Yên Bái.
Y ĐT - Đến nay, huyện Trấn Yên (Yên Bái) đã củng cố và tiến hành huấn luyện được 50% đầu mối dân quân tự vệ (DQTV) trên địa bàn. Phấn đấu đến tháng 6 này, 100% đầu mối DQTV hoàn thành huấn luyện, bảo đảm đạt yêu cầu đề ra.