Đổi mới tư duy, huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực, xây dựng huyện Văn Chấn phát triển nhanh, bền vững
- Cập nhật: Thứ hai, 16/8/2010 | 9:24:28 AM
YBĐT - Những năm qua, đặc biệt trong nhiệm kỳ 2005 - 2010, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc huyện Văn Chấn đã đoàn kết, thống nhất, nỗ lực phấn đấu, vượt qua nhiều khó khăn, thử thách và đạt được những kết quả quan trọng.
Đồng Chí Dương Văn Thống - Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Huyện ủy Văn Chấn (đứng giữa) cùng các đồng chí lãnh đạo huyện kiểm tra chất lượng cải tạo chè giống mới LDP1, LDP2 tại thị trấn Nông trường Nghĩa Lộ.
(Ảnh: Minh Hằng)
|
Huyện Văn Chấn là cửa ngõ phía tây của tỉnh Yên Bái, có chiều dài trên 100km, địa bàn rộng, dân đông, gồm nhiều dân tộc chung sống. Văn Chấn được biết đến với những đặc trưng riêng với cánh đồng Mường Lò lớn thứ nhì Tây Bắc, gạo nếp Tú Lệ dẻo thơm, chè Shan tuyết Suối Giàng ở độ cao trên 1.000m hàng trăm năm tuổi đã nức tiếng bốn phương. Nhân dân các dân tộc Văn Chấn cần cù trong lao động, sản xuất và dũng cảm, kiên cường trong chống giặc ngoại xâm, bảo vệ quê hương, một lòng đi theo Đảng.
Những năm qua, đặc biệt trong nhiệm kỳ 2005 - 2010, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc huyện Văn Chấn đã đoàn kết, thống nhất, nỗ lực phấn đấu, vượt qua nhiều khó khăn, thử thách và đạt được những kết quả quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng - an ninh, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị, tạo sức bật mới để huyện tiếp tục phát triển, vững vàng đi lên. Các mục tiêu chủ yếu của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XVIII cơ bản hoàn thành, nhiều chỉ tiêu hoàn thành vượt mức kế hoạch. Tốc độ tăng trưởng kinh tế liên tục duy trì ở mức cao, đạt bình quân 12,9%/năm; cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực. Sản xuất nông, lâm nghiệp phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa, nhiều tiến bộ khoa học kỹ thuật được áp dụng vào sản xuất, hàng chục giống lúa mới, chủ yếu là lúa chất lượng cao được khảo nghiệm và đưa vào sản xuất đại trà.
Năm 2010, sản lượng lương thực có hạt đạt 55.000 tấn, lương thực bình quân đầu người đạt 363kg; nhiều mô hình sản xuất, liên kết hợp tác có hiệu quả trong sản xuất nông - lâm nghiệp được xây dựng, phát triển. Cây chè, cây ăn quả được tập trung chỉ đạo phát triển, sản lượng chè búp tươi năm 2010 đạt 40.000 tấn. Sản xuất lâm nghiệp được chú trọng, từng bước thay đổi tư duy trồng rừng từ vụ thu sang trồng rừng vụ xuân hè và xây dựng được các vườn ươm giống cây tại huyện, năm 2010 tỷ lệ tán che phủ rừng đạt 54%. Huyện tập trung chỉ đạo quyết liệt cải tạo, tăng đàn gia súc; một số thủy đặc sản có giá trị kinh tế cao như ba ba, cá tầm phát triển mạnh. Cơ sở hạ tầng nông thôn từng bước được xây dựng; kinh tế vùng cao được quan tâm đầu tư phát triển; đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân được nâng lên.
Công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp phát triển nhanh, đúng hướng, tốc độ tăng trưởng công nghiệp bình quân 5 năm đạt 18,3%; giá trị sản xuất năm 2010 đạt 167 tỷ đồng, tăng 67 tỷ đồng so với năm 2005; hình thành được Cụm công nghiệp Sơn Thịnh, thu hút một số doanh nghiệp vào đầu tư xây dựng cơ sở sản xuất, kinh doanh. Các ngành thương mại, dịch vụ sôi động, phát triển đa dạng; tiềm năng du lịch được quan tâm đầu tư. Huyện huy động được nhiều nguồn lực đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng; tổng vốn đầu tư phát triển trên địa bàn 5 năm đạt 2.900 tỷ đồng.
Công tác dân tộc, tôn giáo được quan tâm; nhân dân các dân tộc đoàn kết theo Đảng. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ổn định; quốc phòng được củng cố và giữ vững. Hoạt động chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và đoàn thể các cấp có hiệu lực, hiệu quả hơn. Phương thức lãnh đạo của Đảng có nhiều đổi mới, bao quát, toàn diện và có trọng tâm, trọng điểm.
Đến nay, tất cả 31/31 xã, thị trấn có điện lưới quốc gia, có đường giao thông đến trung tâm xã; 92% số hộ được sử dụng điện. Văn hóa - xã hội có chuyển biến tích cực; chất lượng giáo dục, y tế, dân số có nhiều tiến bộ; đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân được cải thiện rõ nét; thu nhập bình quân đầu người đạt 9,7 triệu đồng; tỉ lệ hộ nghèo còn 17,67%. |
Văn Chấn phấn đấu duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân 5 năm đạt 15%; cơ cấu kinh tế chuyển dịch mạnh theo hướng công nghiệp - xây dựng, nông - lâm nghiệp, dịch vụ. Phấn đấu đến năm 2015, thu nhập bình quân đầu người của huyện đạt 22 triệu đồng trở lên; tổng sản lượng lương thực có hạt 62.000 tấn; sản lượng chè búp tươi 45.000 tấn; trồng 2.300 ha cao su; tỷ lệ che phủ của rừng 62,5%; đàn trâu đạt 29.000 con, đàn bò 11.000 con, đàn lợn 85.000 con; tổng vốn đầu tư phát triển trên địa bàn 5 năm là 4.000 tỷ đồng trở lên; giá trị sản xuất công nghiệp năm 2015 đạt 400 tỷ đồng trở lên; thu ngân sách trên địa bàn đạt 80 tỷ đồng trở lên; tỷ lệ hộ nghèo giảm hàng năm 4%; xây dựng số xã đạt tiêu chuẩn nông thôn mới từ 6 xã trở lên; mỗi năm kết nạp 350 đảng viên trở lên.
Để đạt được các mục tiêu chủ yếu trên, Đảng bộ xác định: Tập trung phát triển toàn diện nông nghiệp, nông thôn, nâng cao đời sống nông dân; tăng cường chuyển giao, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất; nhân rộng mô hình liên kết bốn nhà trong sản xuất nông nghiệp; hình thành và phát triển một số vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa, tập trung vào các sản phẩm lúa, rau màu cao cấp, hoa cao cấp; tiếp tục thực hiện chủ trương dồn điền, đổi thửa tại các xã vùng thấp gắn với việc qui hoạch và bố trí lại dân cư trên cánh đồng Mường Lò; thay đổi tư duy phát triển chăn nuôi theo hướng công nghiệp và bán công nghiệp, khuyến khích chăn nuôi gia súc, gia cầm địa phương và nuôi trồng thủy đặc sản; đầu tư thâm canh, cải tạo, phát triển các vùng nguyên liệu chè sạch, chất lượng cao phục vụ công nghiệp chế biến và xuất khẩu; tập trung thực hiện dự án trồng cây cao su.
Trong nhiệm kỳ xây dựng 2 dự án: Dự án trồng chè ở xã Suối Giàng và Dự án di chuyển một số cụm dân cư ra khỏi cánh đồng Mường Lò. Huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, nhất là giao thông. Công nghiệp tập trung phát triển các ngành chế biến nông - lâm sản, sản xuất vật liệu xây dựng, khai thác, chế biến khoáng sản, phát triển thủy điện, lấp đầy Cụm công nghiệp Sơn Thịnh; quy hoạch, phát triển thêm hai cụm công nghiệp ở vùng thượng huyện và vùng ngoài.
Mặt khác khuyến khích, tạo điều kiện phát triển các thành phần kinh tế; đẩy mạnh phát triển thương mại, dịch vụ; đầu tư khai thác tiềm năng để đưa du lịch dần dần trở thành ngành kinh tế quan trọng; hướng tập trung vào phát triển du lịch sinh thái gắn với bản sắc dân tộc.
Ưu tiên việc nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, đặc biệt là giáo dục vùng cao, dần thu hẹp khoảng cách về chất lượng giáo dục giữa vùng cao với vùng thấp; chú trọng giáo dục tiếng phổ thông cho con em đồng bào dân tộc thiểu số; giáo dục cho học sinh, nhất là bậc trung học cơ sở và trung học phổ thông có tầm nhìn vượt ra khỏi làng, bản, thôn, xã; tiếp thu giá trị, truyền thống tốt đẹp các dân tộc anh em khác, xóa bỏ tập quán lạc hậu; giáo dục ý chí vươn lên thoát khỏi nghèo nàn, lạc hậu.
Song song phát triển khoa học và công nghệ, tăng cường hợp tác trong và ngoài huyện, hợp tác với các trung tâm, trường, viện nghiên cứu về lĩnh vực khoa học và công nghệ; làm tốt công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân, dân số, kế hoạch hóa gia đình; chăm lo xây dựng, phát triển, nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần của nhân dân, đặc biệt ở vùng cao, vùng sâu, vùng xa.
Phát triển kinh tế gắn chặt với bảo vệ môi trường; quản lý, khai thác, sử dụng hợp lý các tài nguyên, đặc biệt là tài nguyên nước, khoáng sản, đất đai; thực hiện thật tốt chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đối với đồng bào dân tộc thiểu số và hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo trên địa bàn; quan tâm đào tạo, bồi dưỡng, bố trí, sử dụng cán bộ dân tộc thiểu số; thực hiện tốt nhiệm vụ quân sự - quốc phòng, tăng cường nắm tình hình cơ sở, giải quyết kịp thời những vấn đề phát sinh, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn; tiếp tục đổi mới, cải cách thủ tục hành chính, giảm phiền hà về thủ tục hành chính đối với nhân dân và doanh nghiệp.
Đổi mới mạnh mẽ phương thức lãnh đạo của cấp ủy đối với hội đồng nhân dân, ủy ban nhân dân, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức đoàn thể các cấp; đổi mới công tác cán bộ, công tác kiểm tra và giám sát, công tác vận động quần chúng, phong cách và lề lối làm việc; nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành; đẩy mạnh cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, hướng mạnh cuộc vận động vào khâu “làm theo”. Cán bộ, đảng viên, công chức trong các cơ quan Đảng, Nhà nước, các tổ chức chính trị, xã hội, lực lượng vũ trang phải là những người đi đầu, thực hiện tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống, tác phong, tinh thần trách nhiệm trước Đảng, trước dân, tạo được sức thuyết phục để nhân dân học tập và làm theo.
Nhiệm vụ, mục tiêu những năm tới là rất nặng nề song với truyền thống của quê hương cách mạng, Đảng bộ, nhân dân các dân tộc và lực lượng vũ trang huyện Văn Chấn sẽ đồng tâm hiệp lực, thống nhất ý chí và hành động, tranh thủ thời cơ, thuận lợi, khắc phục mọi khó khăn, khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế, quyết tâm thực hiện thắng lợi nhiệm vụ, mục tiêu đề ra, xây dựng huyện phát triển nhanh và bền vững để đóng góp xứng đáng vào sự phát triển của tỉnh Yên Bái.
Dương Văn Thống - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy - Bí thư Huyện ủy Văn Chấn
Các tin khác
YBĐT - Trên 136 ngàn học sinh phổ thông trong tỉnh Yên Bái bước vào năm học mới/ Yên Bái phát động Tháng hành động vì nạn nhân chất độc da cam/ Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã có cuộc giám sát việc thực hiện chính sách pháp luật về người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài tại tỉnh Yên Bái/
Đài truyền hình Cuba vừa ra mắt bộ phim tài liệu mang tên “Hội tụ” về Chủ tịch Hồ Chí Minh và Lãnh tụ cách mạng Cuba Fidel castro.
Ngày 13/8, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ký Quyết định số 1470 /QĐ-TTg, thành lập Ban Chỉ đạo tái cơ cấu Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam (Vinashin).
YBĐT - Đó là yêu cầu của đồng chí Hoàng Thương Lượng - Phó bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội của tỉnh tại buổi làm việc với ngành Thông tin và truyền thông tỉnh Yên Bái sáng 13/8 (Ảnh).