Trạm Tấu không nặng về cơ cấu mà bỏ qua tiêu chuẩn
- Cập nhật: Thứ sáu, 15/4/2011 | 9:42:20 AM
YBĐT - Đánh giá thực tế thì vẫn còn trường hợp đại biểu nhiều mặt hạn chế về trình độ học vấn và chuyên môn, năng lực hoạt động thực tiễn không đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ của người đại biểu nhân dân.
Đoàn đại biểu Quốc hội khóa XII tỉnh Yên Bái tiếp xúc cử tri các xã Minh Bảo, phường Yên Thịnh, Đồng Tâm (thành phố Yên Bái).
|
Hội đồng nhân dân (HĐND) các cấp nhiệm kỳ 2004 - 2011 đã sắp kết thúc. Cùng với, các địa phương trong tỉnh, huyện Trạm Tấu đang tích cực chuẩn bị cho công tác bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIII, bầu cử HĐND các cấp và bầu cử đại biểu HĐND huyện khóa XVI (nhiệm kỳ 2011 - 2016).
Nhiệm kỳ qua, HĐND huyện Trạm Tấu đã luôn có sự cải tiến, đổi mới phương thức hoạt động theo hướng ngày càng có hiệu lực và hiệu quả hơn... Tuy nhiên, trong kỳ họp tổng kết nhiệm kỳ 2004 - 2011 tổ chức vào trung tuần tháng 3 vừa qua, Thường trực HĐND huyện cũng đã thẳng thắn nêu ra một số hạn chế, tồn tại ... trong đó có vấn đề chất lượng đại biểu HĐND các cấp.
Đồng chí Giàng A Thào - Phó bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Trạm Tấu cho biết: “Đại biểu là nhân tố quan trọng để đảm bảo hoạt động của HĐND, trong đó chất lượng của đại biểu sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng hoạt động của HĐND trong cả nhiệm kỳ”.
Trong nhiệm kỳ qua, huyện Trạm Tấu được bầu 278 đại biểu HĐND các cấp, trong đó 30 đại biểu HĐND cấp huyện, 248 đại biểu HĐND cấp xã, cơ bản đảm bảo cơ cấu, tiêu chuẩn. Đến cuối nhiệm kỳ, HĐND huyện còn 22 đại biểu do có 7 đại biểu điều động, thuyên chuyển công tác. Nhìn chung các đại biểu đã thực hiện đúng chức năng là người đại diện cho ý chí và nguyện vọng của cử tri, có tham gia quyết định các vấn đề về kinh tế, xã hội, an ninh quốc phòng, các chủ trương, chính sách của địa phương theo thẩm quyền của HĐND tại các kỳ họp; có liên hệ với cử tri nơi mình bầu cũng như nơi cư trú; tham gia nhiều đợt giám sát tại kỳ họp và giám sát của Thường trực HĐND và các ban HĐND khi yêu cầu.
Đoàn đại biểu Quốc hội khóa XII tỉnh Yên Bái tiếp xúc cử tri các xã Tân Hương, Đại Đồng, Bảo Ái, Tân Nguyên huyện Yên Bình. (Ảnh:Q.N)
Tuy nhiên, theo đánh giá thực tế thì vẫn còn trường hợp đại biểu nhiều mặt hạn chế về trình độ học vấn và chuyên môn, năng lực hoạt động thực tiễn không đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ của người đại biểu nhân dân. Thậm chí có những đại biểu cả nhiệm kỳ không tham gia phát biểu lần nào tại thảo luận tổ cũng như tại các kỳ họp, không tự báo cáo được trước cử tri về kết quả các kỳ họp hoặc không trao đổi và thảo luận được với cử tri về những vấn đề mà cử tri quan tâm...
Tìm hiểu nguyên nhân mới thấy trong quá trình hiệp thương, lựa chọn đại biểu ứng cử để bầu vào đại biểu HĐND đã không giải quyết chặt chẽ một cách hợp lý giữa cơ cấu và tiêu chuẩn của đại biểu, có khi còn có biểu hiện nặng về cơ cấu mà bỏ qua tiêu chuẩn nên đã làm ảnh hưởng đến chất lượng hoạt động của HĐND. Ông Mai Huy Nhuần - nguyên Phó chủ tịch HĐND huyện Trạm Tấu khóa XV (nhiệm kỳ 2004 - 2011) cũng chung quan điểm: "Không nên quá nặng về cơ cấu mà để ảnh hưởng đến chất lượng hoạt động của một nhiệm kỳ". Đây có lẽ là một trực trạng không riêng gì với một huyện vùng cao như Trạm Tấu.
Thực tế cũng cho thấy, để nâng cao chất lượng hoạt động của HĐND các cấp thì tất yếu chất lượng đại biểu phải được quan tâm, chú trọng. Như vậy, trước khi bước vào bầu cử đại biểu HĐND nhiệm kỳ mới đòi hỏi cần phải có sự chuẩn bị kỹ lưỡng đối với công tác quy hoạch cán bộ cũng như hiệp thương ứng cử đại biểu HĐND ở các cấp, sẽ vừa đảm bảo cơ cấu, tiêu chuẩn, lại vừa đạt chất lượng về trình độ học vấn, có sự nhận thức và hiểu biết về kiến thức xã hội để có kỹ năng nói, viết tốt khi thuyết trình trước cử tri. Chính vì thế, việc nâng cao chất lượng đại biểu hội đồng nhân dân sẽ là nhân tố quan trọng góp phần nâng cao chất lượng hoạt động của HĐND các cấp.
Xác định được vấn đề đó, căn cứ vào quy định của Luật Bầu cử HĐND các cấp và dân số, huyện Trạm Tấu có tổng số 564 đại biểu ứng cử vào hội đồng nhân dân các cấp. Cấp huyện 60 đại biểu: trình độ chuyên môn cao đẳng, đại học chiếm 45%, lý luận chính trị từ trung cấp đến cử nhân chiếm 35%; cơ cấu đại biểu nữ chiếm 33,33%, đại biểu người dân tộc thiểu số 53,33%, đại biểu trẻ dưới 35 tuổi chiếm 13,33%, đại biểu người ngoài Đảng chiếm 16,66%.
Cấp cơ sở 504 đại biểu, tỷ lệ nữ chiếm 25%, tuổi trẻ dưới 35 tuổi chiếm 49,21%. Toàn huyện có 52 đơn vị bầu cử với 30 đại biểu HĐND huyện được bầu tại 6 đơn vị bầu cử; HĐND cấp xã được bầu 252 đại biểu, 46 đơn vị bầu cử. Quá trình chuẩn bị tổ chức và triển khai thực hiện đảm bảo đúng Luật, đúng quy trình, chấp hành nghiêm các văn bản hướng dẫn, chỉ đạo của cấp trên.
Ông Lò Đức Ơn - Phó chủ tịch Hội đồng bầu cử của huyện cho biết thêm: “Đến ngày 23/3/2011, những người được giới thiệu ứng cử đại biểu HĐND cấp huyện và cấp xã, thị trấn đã hoàn chỉnh xong việc nộp hồ sơ cho ủy ban bầu cử ở nơi người đó ứng cử. Toàn huyện đã tiến hành bước 4 lấy ý kiến nhận xét của cử tri nơi cư trú, hoàn thành vào ngày 10/4/2011.
Các bước tiến hành đảm bảo đúng luật bầu cử và quy trình”. Với những nỗ lực đó, nhân dân các dân tộc huyện Trạm Tấu tin tưởng, ngày 22/5/22011 tới đây, mọi cử tri đi bầu cử sẽ sáng suốt lựa chọn được những đại biểu có đức, có tài, có đủ năng lực, trình độ nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả hoạt động của HĐND các cấp trong nhiệm kỳ mới.
Thu Hiền
Các tin khác
YBĐT - Nhìn lại hoạt động trong cả nhiệm kỳ 2004 - 2011, HĐND huyện Yên Bình đã có nhiều đổi mới, tổ chức chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ đúng quy định của luật, bảo đảm phát huy dân chủ, trí tuệ tập thể và từng cá nhân.
YBĐT – Ngày 15/4, tại Trung tâm Hội nghị tỉnh Yên Bái, kỳ họp thứ 21 – kỳ họp cuối cùng của Hội đồng nhân dân tỉnh khóa XVI, nhiệm kỳ 2004 – 2011 chính thức diễn ra.
Ông Nguyễn Duy Thăng, Thứ trưởng Bộ Nội vụ cho biết, tỷ lệ nữ ứng cử đại biểu QH khóa XIII (2011-2016) qua kết quả Hội nghị hiệp thương lần 2 là 338/1.086 người ứng cử, đạt 31,12%.
Đại tướng Phùng Quang Thanh, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng khẳng định Việt Nam hết sức coi trọng quan hệ hợp tác với Slovakia trên nhiều lĩnh vực, trong đó có quan hệ về kinh tế quốc phòng.