Công tác dân tộc góp phần xây dựng Yên Bái thành tỉnh phát triển toàn diện, bền vững
- Cập nhật: Thứ sáu, 29/4/2011 | 8:10:42 AM
YBĐT - Với những chủ trương, chính sách đúng đắn của Đảng và Nhà nước đối với vùng đồng bào dân tộc và miền núi nói chung và Yên Bái nói riêng là cơ sở vững chắc để cán bộ, nhân dân các dân tộc tỉnh Yên Bái tiếp tục phát huy thành tích đã đạt được...
Đồng chí Đào Ngọc Dung - Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy gặp gỡ, trao đổi với các đại biểu dân tộc thiểu số dự Đại hội Đảng bộ huyện Văn Chấn lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2010 - 2015, tháng 8/2010.(Ảnh: Hoàng Nhâm)
|
Cách đây 65 năm, ngày 3.5.1946, Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã ký Sắc lệnh số 58 về tổ chức của Nha Dân tộc thiểu số; Chính phủ có Nghị định số 359 ngày 9.9.1946 quy định về nhiệm vụ và tổ chức của Nha Dân tộc thiểu số - ngày đó được lấy là ngày thành lập cơ quan làm công tác dân tộc.
Ngày 14.10.2008, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1491/QĐ-TTg về ngày truyền thống cơ quan quản lý Nhà nước về lĩnh vực công tác dân tộc và chính thức từ năm 2009 trở đi, ngày 3 tháng 5 hàng năm là ngày thành lập cơ quan công tác dân tộc.
65 năm qua, một chặng đường lịch sử và đầy gian nan, thử thách, tỉnh Yên Bái ngay từ giai đoạn đầu của cách mạng, công tác dân tộc đã được coi trọng, trở thành sức mạnh mới, khí thế cách mạng mới cùng toàn dân đấu tranh chiến thắng kẻ thù, xây dựng cuộc sống mới.
Phụ nữ vùng cao ngày càng được nâng cao trình độ về mọi mặt
Công tác dân vận dân tộc với đường lối đúng đắn của Đảng và Nhà nước đã cụ thể hóa bằng những chính sách phù hợp với điều kiện, đặc điểm của thời kỳ cách mạng, vận động nhân dân các dân tộc trong tỉnh tin tưởng vào thắng lợi của cách mạng, góp phần xứng đáng cùng quân và dân cả nước đánh thắng thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, thống nhất đất nước, cả nước đi lên xây dựng chủ nghĩa xã hội.
Tổ chức cơ quan làm công tác dân tộc được hình thành và phát triển không ngừng, đáp ứng nhiệm vụ cho từng giai đoạn cách mạng, trải qua nhiều giai đoạn, thời kỳ cách mạng của đất nước với nhiều tên gọi khác nhau, tới tháng 3.2005, Ban Dân tộc tỉnh Yên Bái được kiện toàn lại về tổ chức bộ máy, vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn theo tinh thần Nghị định số 53/2004/NĐ-CP ngày 18.2.2004 của Chính phủ.
Khắc phục những khó khăn vốn có của một tỉnh miền núi nhiều dân tộc, bước vào thực hiện công cuộc đổi mới đất nước do Đảng khởi xướng lãnh đạo, tổ chức cơ quan làm công tác dân tộc từng bước được củng cố và phát triển, làm tốt nhiệm vụ tuyên truyền, vận động quần chúng, tham mưu cho cấp ủy các cấp và quản lý Nhà nước, quan hệ quốc tế về công tác dân tộc.
Kết quả đạt được trong những năm qua vô cùng to lớn, ngoài việc tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, đẩy nhanh phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững ổn định chính trị, đảm bảo quốc phòng - an ninh còn triển khai thực hiện tốt một số chương trình, dự án, chính sách đầu tư phát triển cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Chỉ tính một số dự án, chính sách mang tính đặc thù do Ban Dân tộc quản lý, chỉ đạo và thực hiện từ năm 1999 - 2010, Nhà nước đã đầu tư, hỗ trợ cho nhân dân vùng đồng bào dân tộc với số vốn trên 1.166 tỷ đồng.
Chương trình 135 của Chính phủ từ năm 1999 - 2010 đã xây dựng được 1.578 công trình hạ tầng cơ sở như giao thông, thủy lợi, trường học, trạm xá, điện...; đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ chủ chốt ở cơ sở và cộng đồng được 803 lớp cho 40.013 lượt học viên; hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi, khai hoang ruộng nước phục vụ sản xuất và đời sống nhân dân; qui hoạch và sắp xếp lại các điểm dân cư ở vùng cao... với tổng vốn đầu tư trên 725.637 triệu đồng.
Lớp học nghề may tại huyện vùng cao Mù Cang Chải
Quyết định 134/2004/QĐ-TTg về một số chính sách hỗ trợ đất sản xuất, đất ở, nhà ở và nước sinh hoạt cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo, đời sống khó khăn đã đầu tư (từ năm 2005 - 2009) là 127.540 triệu đồng; hỗ trợ đất sản xuất cho 9.670 hộ; hỗ trợ đất ở cho 458 hộ; hỗ trợ làm 8.684 nhà ở; hỗ trợ nước phân tán cho 29.423 hộ; hỗ trợ xây dựng 105 công trình cấp nước tập trung. Dự án xây dựng trung tâm cụm xã từ năm 1997 - 2010 đầu tư trên 82.147 triệu đồng xây dựng 139 công trình hạ tầng cơ sở các loại.
Dự án định canh định cư, qui hoạch sắp xếp lại dân cư từ năm 1997 - 2010 đã đầu tư, hỗ trợ trên 60.944 triệu đồng xây dựng 114 công trình hạ tầng cơ sở các loại, di chuyển sắp xếp lại 754 hộ dân cư; hỗ trợ trồng, chăm sóc, bảo vệ 137.651 ha rừng; trồng và chăm sóc 6.731 ha chè...
Thực hiện chính sách hỗ trợ hộ dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn, từ năm 2003 - 2006 đã đầu tư 3.000 triệu đồng hỗ trợ sản xuất cho 1.728 lượt hộ; hỗ trợ đời sống và sinh hoạt cho 4.404 lượt hộ.
Thực hiện chính sách trợ giá, trợ cước một số mặt hàng chính sách từ năm 1999 - 2010 đã đầu tư 143.711 triệu đồng thực hiện trợ giá, trợ cước vận chuyển một số mặt hàng thiết yếu phục vụ sản xuất và đời sống nhân dân, hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm khu vực III, xây dựng 21 trạm truyền thanh cụm dân cư; cấp không thu tiền giấy, vở cho học sinh tiểu học các xã đặc biệt khó khăn.
Thực hiện chính sách vay vốn phát triển sản xuất đối với hộ đồng bào dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn từ năm 2007 tới nay, đã cho 3.680 hộ vay 18.398 triệu đồng để phát triển kinh tế gia đình. Các chính sách dân tộc khác như cấp thẻ bảo hiểm y tế cho người nghèo và nhân dân vùng đặc biệt khó khăn, cử tuyển, hỗ trợ dầu hỏa thắp sáng; cấp báo, tạp chí; thu hút cán bộ đến công tác tại vùng khó khăn... đã và đang được triển khai đồng bộ, có kết quả.
Do làm tốt công tác dân tộc và tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả các chương trình, dự án, chính sách đầu tư, hỗ trợ vùng đồng bào dân tộc đã làm cho bộ mặt nông thôn miền núi có sự thay đổi tích cực, toàn diện, góp phần quan trọng vào sự phát triển chung của cả tỉnh.
Nền kinh tế của tỉnh giai đoạn 2000 - 2005 tăng trưởng bình quân 9,55%/năm; giai đoạn 2006 - 2010 tăng trưởng bình quân 12,31%/năm; cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng; thu nhập bình quân đầu người tăng lên 10,75 triệu đồng/người/năm 2010; lương thực bình quân từ 277 kg năm 2005 tăng lên 318 kg/người/năm 2010; độ che phủ của rừng từ 48,63% năm 2005 tăng lên 59,2% năm 2010; số hộ đói nghèo giai đoạn 2006 - 2010 giảm bình quân 4,59% năm (vùng cao, vùng đồng bào dân tộc giảm bình quân 6% năm)...
Tới nay, 100% số xã có đường ô tô đến trung tâm trong mùa khô; một số tuyến đường liên xã, thôn, bản được bê tông hóa. Các công trình: thủy lợi, chợ, trường học, trạm y tế xã, điện, nước sạch... được quan tâm đầu tư; mạng lưới trường lớp được tăng cường, số phòng học được xây dựng kiên cố, bán kiên cố tăng, xóa bỏ tình trạng học ba ca, hệ thống giáo dục từ mầm non đến phổ thông trung học vùng dân tộc thiểu số được củng cố và phát triển; tất cả các xã đều có trạm xá và các thôn, bản có nhân viên y tế, một số trung tâm cụm xã có phòng khám đa khoa khu vực; hoạt động văn hóa, thông tin tuyên truyền đã được tập trung chỉ đạo hướng mạnh về cơ sở, đến vùng cao, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào các dân tộc thiểu số; thực hiện cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa", phong trào xây dựng làng, bản, gia đình văn hóa có nhiều tiến bộ...
Cầu treo Xá Nhù, thôn Làng Mảnh được xây dựng từ nguồn vốn 135
Trải qua 65 năm xây dựng và phát triển, công tác dân tộc tỉnh Yên Bái đã có nhiều đóng góp to lớn vào sự nghiệp phát triển của tỉnh và sự nghiệp công tác dân tộc của cả nước. Ban Dân tộc tỉnh Yên Bái hàng năm đều hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, được UBND tỉnh Yên Bái, Ủy ban Dân tộc tặng bằng khen, cờ thi đua xuất sắc; được Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen vào dịp tổng kết Chương trình 135, tổng kết một số chính sách dân tộc, Đại hội Dân tộc thiểu số; Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba; nhiều cá nhân đã và đang công tác tại Ban Dân tộc được tặng thưởng bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, UBND tỉnh, Ủy ban Dân tộc; 2 cá nhân được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhì, Ba...
Khắc phục những khó khăn, hạn chế, tồn tại, công tác dân tộc trong thời gian tới tập trung nâng cao nhận thức, trách nhiệm của hệ thống chính trị về vị trí, nhiệm vụ của công tác dân tộc; tổ chức tuyên truyền, phổ biến chủ trương, chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước tới đồng bào vùng dân tộc với phương pháp và hình thức phù hợp; nâng cao chất lượng và hiệu quả việc tổ chức thực hiện các chương trình, dự án, chính sách dân tộc; tập trung thực hiện tốt các dự án đầu tư, chính sách đối với vùng đồng bào dân tộc, đảm bảo đúng đối tượng, đạt hiệu quả; vận động đồng bào xóa bỏ các tập tục lạc hậu trong sản xuất và sinh hoạt, có phương pháp, hình thức tổ chức hiệu quả; tăng cường nắm bắt kịp thời diễn biến tình hình ở cơ sở, kiểm soát chặt chẽ và xóa bỏ tình trạng trồng cây thuốc phiện, tình hình di dịch cư tự do ở vùng cao; huy động mọi nguồn lực, lồng ghép các nguồn vốn đầu tư phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số, trong đó ưu tiên cho chương trình xóa đói giảm nghèo, xây dựng cơ sở hạ tầng; tăng cường kiểm tra, giám sát các chính sách đầu tư, hỗ trợ chống lãng phí, tiêu cực, thất thoát, ảnh hưởng đến chính sách của Đảng và Nhà nước đối với đồng bào vùng dân tộc thiểu số; thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở, điều chỉnh, bổ sung qui hoạch, ban hành mới chính sách đầu tư phát triển kinh tế - xã hội ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số một cách bền vững...
Với truyền thống đoàn kết, tương trợ, giúp đỡ nhau cùng phát triển; với những chủ trương, chính sách đúng đắn của Đảng và Nhà nước đối với vùng đồng bào dân tộc và miền núi cùng với kết quả đạt được trong quá trình thực hiện các chính sách dân tộc 65 năm qua là cơ sở vững chắc để cán bộ, nhân dân các dân tộc tỉnh Yên Bái tiếp tục phát huy thành tích đã đạt được, phấn đấu đạt nhiều thành tích mới trong thời gian tiếp theo, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu xây dựng tỉnh Yên Bái phát triển toàn diện, bền vững, cùng cả nước thực hiện mục tiêu chung xây dựng nước Việt Nam giàu mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh như Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII và Đại hội XI của Đảng đã đề ra.
Hoàng Trung Năng - Trưởng ban Dân tộc tỉnh Yên Bái
Ông Phạm Văn Lái - Giám đốc Sở Nông nghiệp & PTNT: Cụ thể hóa bằng những việc làm, kết quả thiết thực Có thể nói, công tác dân tộc những năm qua đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Đặc biệt, Chương trình 135 giai đoạn II về hỗ trợ phát triển sản xuất cơ bản tạo chuyển biến tích cực ở nông thôn vùng đặc biệt khó khăn, chuyển đổi cơ cấu kinh tế trong sản xuất nông - lâm nghiệp theo hướng sản xuất gắn với thị trường, góp phần hình thành một số vùng sản xuất cây lượng thực, chăn nuôi bán công nghiệp và các mô hình kinh tế nhỏ của địa phương. Tới đây, Sở tăng cường công tác phối hợp với Ban Dân tộc tỉnh, các cấp các ngành tuyên truyền, phổ biến các văn bản, chính sách của Nhà nước về công tác dân tộc tới người dân; lồng ghép các nguồn vốn, đầu tư tập trung dứt điểm ở từng xã, thôn, bản để bảo đảm thoát nghèo hiệu quả bền vững. Ông Trần Văn Mộc - Phó bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Văn Chấn: Sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, của tỉnh và phối hợp của các cấp, các ngành, đặc biệt là Ban Dân tộc tỉnh đã giúp Văn Chấn triển khai thực hiện tốt các chương trình, dự án, chính sách dành cho vùng cao, đồng bào dân tộc thiểu số. Việc tăng cường các nguồn lực từ Chương trình 135, Chương trình 134 và các chính sách hỗ trợ đã tạo ra cho Văn Chấn động lực mới trong phát triển kinh tế – xã hội và giảm nghèo. Thời gian tới huyện Văn Chấn tiếp tục tập trung các nguồn lực cho phát triển kinh tế - xã hội, nhất là đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng ở vùng cao, vùng đồng bào dân tộc; đào tạo con em người dân tộc, tạo nguồn cán bộ cho huyện và các xã vùng cao nhằm giảm tỷ lệ hộ nghèo hàng năm trên 4%, đời sống đồng bào dân tộc thiểu số không ngừng được cải thiện… Ông Tạ Xuân Hiếu - Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao & Du lịch: Nổi bật là phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá” Hết năm 2010 có 1.279 làng, bản, tổ dân phố được công nhận tiêu chuẩn văn hoá; phát triển các môn thể thao truyền thống dân tộc nhằm tập hợp cao nhất sức mạnh đại đoàn kết, giành chiến thắng cao (Đoàn vận động viên các dân tộc tỉnh Yên Bái giành giải Nhất toàn đoàn trong Hội thi Thể thao các dân tộc thiểu số toàn quốc lần thứ VI khu vực I năm 2009 do tỉnh Yên Bái đăng cai). Ngành tập trung khai thác tiềm năng văn hoá các dân tộc để phát triển du lịch cộng đồng; tổ chức nhiều sự kiện văn hoá du lịch ở vùng cao và vùng đồng bào các dân tộc thiểu số. Lĩnh vực gia đình, đã áp dụng mô hình thí điểm xây dựng các câu lạc bộ xây dựng gia đình bền vững, phòng chống bạo lực gia đình tại vùng đồng bào các dân tộc thiểu số. Coi trọng hoạt động đối ngoại, Dự án hợp tác giữa tỉnh Yên Bái và tỉnh ValDeMarne (Cộng hoà Pháp) về văn hóa, xe thư viện lưu động đến nay đã đi vào hoạt động và thường xuyên phục vụ bà con và trẻ em vùng đồng bào dân tộc. Có thể nói, trong thành tựu chung của công tác dân tộc, ngành văn hóa - thể thao & du lịch có những đóng góp rất quan trọng với những kết quả to lớn, góp phần nâng cao dân trí và các lĩnh vực văn hóa tinh thần cho đồng bào dân tộc thiểu số của địa phương. P.V |
Các tin khác
Ngày 28/4, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã điện đàm với Thủ tướng Đức Angela Merkel để trao đổi về tình hình và các biện pháp tăng cường quan hệ hai nước.
YBĐT - Những ngày này, xã Bình Thuận, huyện Văn Chấn đang khẩn trương hoàn tất công tác chuẩn bị, đảm bảo cho tất cả cử tri trong xã đều được thực hiện quyền và nghĩa vụ công dân của mình.
YBĐT - Sau khi nghe lãnh đạo thành phố Yên Bái trình bày báo cáo, đề án và ý kiến của các sở, ban, ngành có liên quan, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Yên Bái đã thảo luận và kết luận như sau:
YBĐT - Vừa qua, Ủy ban bầu cử huyện Lục Yên đã tổ chức các đoàn công tác đi kiểm tra công tác chuẩn bị bầu cử ở 14 xã, thị trấn trong huyện.