Năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu được nâng lên
- Cập nhật: Thứ sáu, 29/6/2012 | 9:58:12 AM
YBĐT - Một tổ chức Đảng, mỗi cán bộ, đảng viên thuộc Đảng bộ phải thực sự tự giác, trung thực, xem xét, nhìn lại mình để phát huy ưu điểm, tự thấy rõ khuyết điểm và tự mình sửa chữa.
Đồng chí Hà Thị Hải - Ủy viên Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh, Bí thư Đảng ủy Khối các cơ quan tỉnh và lãnh đạo các chi, Đảng bộ cơ sở bỏ phiếu quy hoạch cán bộ giai đoạn 2010 - 2015.
|
Đảng bộ Khối các cơ quan (CCQ) tỉnh - nơi có các chi, Đảng bộ cơ sở đều là các cơ quan đầu não gồm các sở, ban ngành, đoàn thể giữ vị trí trọng yếu trong thực hiện nhiệm vụ chính trị của tỉnh. Để tìm hiểu về tình hình thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XI: “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”, phóng viên YBĐT có cuộc trao đổi với đồng chí Hà Thị Hải - Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Bí thư Đảng ủy Khối CCQ tỉnh.
PV: Xin đồng chí cho biết tình hình triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khoá XI) ở Đảng bộ khối CCQ tỉnh đang được tiến hành như thế nào?
Đồng chí Hà Thị Hải: Trước hết, Đảng bộ xác định phải quán triệt, phổ biến sao cho cán bộ, đảng viên trong Đảng bộ nắm vững, hiểu rõ ý nghĩa, tầm quan trọng, quan điểm chỉ đạo và những nội dung cơ bản của Nghị quyết; tổ chức phổ biến, quán triệt và thực hiện Nghị quyết một cách nghiêm túc, quyết tâm cao đưa Nghị quyết vào cuộc sống, tạo được sự chuyển biến rõ rệt, khắc phục được những hạn chế, yếu kém trong công tác xây dựng Đảng.
Việc học tập, quán triệt là trách nhiệm của mỗi cán bộ, đảng viên, các cấp, các ngành, đặc biệt là người đứng đầu cấp ủy Đảng, chi bộ trực thuộc phải chỉ đạo chặt chẽ việc hướng dẫn phổ biến, quán triệt thực hiện. Kế hoạch phổ biến, quán triệt và triển khai thực hiện Nghị quyết phải gắn liền với việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ chính trị của cơ quan, đơn vị, bám sát nội dung Nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương, Chỉ thị và Kế hoạch của Bộ Chính trị và Kế hoạch của Tỉnh ủy, kế hoạch của Đảng ủy khối CCQ tỉnh.
Trong phổ biến, quán triệt Nghị quyết, Đảng bộ khối và các chi, Đảng bộ cơ sở đã làm rõ tình hình và nguyên nhân. Trên cơ sở xác định những vấn đề đang nổi lên, quán triệt sâu sắc những nhiệm vụ cấp bách cần tập trung giải quyết nhằm tạo sự chuyển biến rõ rệt, nâng cao ý thức, trách nhiệm của mỗi đảng viên trong công tác chuyên môn và xây dựng sự đoàn kết nội bộ; khắc phục được những hạn chế, yếu kém; củng cố được niềm tin của cán bộ, viên chức đối với Đảng và trong Đảng.
Trên cơ sở khái quát các chủ trương, nghị quyết, chỉ thị, các quy định đã có về xây dựng Đảng, cần tập trung luận giải và nắm vững, cụ thể hóa thành các công việc cần làm với 4 nhóm giải pháp gồm: nhóm giải pháp về kiểm điểm, tự phê bình và phê bình, nêu cao tính tiền phong, gương mẫu của các đồng chí đảng viên giữ các cương vị lãnh đạo trong cơ quan; nhóm giải pháp về tổ chức, cán bộ và sinh hoạt Đảng; nhóm giải pháp về cơ chế, hình thức quyền lợi, khen thưởng và xử phạt; nhóm giải pháp về công tác giáo dục chính trị, tư tưởng; yêu cầu các chi, Đảng bộ cơ sở nắm vững để đưa vào xây dựng kế hoạch thực hiện của Đảng bộ, chi bộ mình cụ thể, sát thực.
Các tài liệu như: Nghị quyết “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”; các tài liệu do Ban Tuyên giáo Trung ương biên soạn và tài liệu học tập, quán triệt do Tỉnh ủy, Đảng ủy Khối cấp phát đều đã được chuyển tới cơ sở. Kể từ cuối tháng 4 cho đến hết tháng 5/2012, Đảng ủy Khối CCQ tỉnh và các chi, Đảng bộ cơ sở đều đã tổ chức xong việc nghiên cứu, quán triệt và triển khai kế hoạch thực hiện Nghị quyết.
PV: Mục đích, yêu cầu của đợt kiểm điểm tự phê bình và phê bình là gì, thưa đồng chí?
Đồng chí Hà Thị Hải: Kiểm điểm tự phê bình và phê bình nhằm thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Trung ương 4 "Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay", trọng tâm là ngăn chặn, đẩy lùi, khắc phục tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên, nhằm nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các tổ chức Đảng và vai trò tiền phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên, trước hết là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, củng cố niềm tin của cán bộ và nhân dân với Đảng.
Chuẩn bị và tổ chức kiểm điểm chu đáo, chỉ đạo chặt chẽ, tiến hành nghiêm túc, thận trọng, bảo đảm đạt kết quả thực chất, tránh làm lướt, qua loa, hình thức, chiếu lệ; khắc phục tình trạng xuê xoa, nể nang cũng như lợi dụng để "đấu đá", trù dập, vu cáo lẫn nhau với những động cơ không trong sáng; nghiêm khắc xử lý những trường hợp trù dập phê bình hoặc vu cáo.
Phải thật sự phát huy dân chủ trong Đảng, người đứng đầu phải gương mẫu, phải có các hình thức dân chủ để quần chúng đóng góp phê bình cán bộ, đảng viên và phải nghiêm túc tiếp thu những ý kiến đóng góp, phê bình đúng. Mỗi tổ chức Đảng, mỗi cán bộ, đảng viên thuộc Đảng bộ phải thực sự tự giác, trung thực, xem xét, nhìn lại mình để phát huy ưu điểm, tự thấy rõ khuyết điểm và tự mình sửa chữa, không chờ đến khi tổ chức hội nghị kiểm điểm; phải thực sự cầu thị, khách quan với ý thức xây dựng trong kiểm điểm, tự phê bình và phê bình.
Tiến hành kiểm điểm với phương châm phòng ngừa, ngăn chặn, giúp nhau cùng tiến bộ, vì sự trong sạch, vững mạnh của mỗi cá nhân, tổ chức và sự nghiệp chung của Đảng; tự phê bình và phê bình phải vừa giữ đúng nguyên tắc, vừa có tính thuyết phục, có lý, có tình; kiên trì, bền bỉ, thường xuyên, liên tục, không chủ quan, nóng vội, máy móc, cứng nhắc, đồng thời kiên quyết xử lý nghiêm những trường hợp cố tình không tự giác nhận và sửa chữa khuyết điểm, những trường hợp cố tình bao che sai phạm, khuyết điểm. Cấp trên gương mẫu kiểm điểm trước để cấp dưới noi theo; tập thể kiểm điểm trước, cá nhân kiểm điểm sau; cấp ủy viên, cán bộ giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý kiểm điểm trước, đảng viên kiểm điểm sau; chỉ đạo, kiểm tra, giám sát, hướng dẫn chặt chẽ quá trình kiểm điểm, tự phê bình và phê bình.
PV: Vậy đối tượng kiểm điểm là những ai và kiểm điểm ở đâu?
Đồng chí Hà Thị Hải: Các cấp ủy, tổ chức Đảng, tập thể lãnh đạo cơ quan đơn vị và mỗi cán bộ, đảng viên trong toàn Đảng bộ từ tỉnh đến cơ sở đều phải tiến hành kiểm điểm tự phê bình và phê bình. Các đồng chí ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy Khối kiểm điểm ở tập thể Ban Thường vụ Đảng ủy, Ban chi ủy Chi bộ Văn phòng Đảng ủy Khối, chi bộ đang sinh hoạt.
Các đồng chí ủy viên Ban chấp hành Đảng bộ Khối, lãnh đạo các ban, cơ quan xây dựng Đảng, đoàn thể khối kiểm điểm ở Đảng ủy hoặc chi ủy nơi công tác. Đối với các đồng chí lãnh đạo các ban Đảng, đoàn thể không tham gia cấp ủy thì kiểm điểm trước tập thể lãnh đạo cơ quan, đơn vị và chi bộ đang sinh hoạt.
Đối với cấp cơ sở, các đồng chí ủy viên ban chấp hành kiểm điểm ở ban thường vụ hoặc ban chấp hành Đảng bộ, chi bộ (nơi không có ban thường vụ) và chi bộ đang sinh hoạt. Các đồng chí lãnh đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể các hội cấp tỉnh (không phải là cấp ủy viên kiểm điểm theo Kế hoạch số 37 - KH/TU ngày 06/4/2012 của Tỉnh ủy Yên Bái. Các đồng chí đảng viên khác kiểm điểm ở chi bộ đang sinh hoạt.
Ngoài những nơi kiểm điểm nêu trên, đảng viên tham gia các tổ chức khác với cương vị là người đứng đầu thì kiểm điểm ở tập thể lãnh đạo các tổ chức đó về trách nhiệm của cá nhân trước những thiếu sót, khuyết điểm trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của tập thể lãnh đạo tổ chức đó.
PV: Nội dung kiểm điểm tập trung vào những vấn đề gì?
Đồng chí Hà Thị Hải: Căn cứ 3 vấn đề cấp bách mà Nghị quyết Trung ương 4 đã nêu và Quy định về những điều đảng viên không được làm, đối chiếu với tình hình hiện tại của tổ chức và cá nhân, có liên hệ đến những năm trước đó để kiểm điểm, tự phê bình và phê bình; làm rõ tại sao những khuyết điểm, yếu kém đã chỉ ra từ nhiều năm nay nhưng chậm khắc phục, có mặt lại yếu kém, phức tạp thêm.
Trước hết, đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên, mà đầu tiên là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp để nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng bộ, chi bộ.
Các biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị là: phai nhạt lý tưởng cách mạng, không kiên định mục tiêu độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội, sa sút ý chí chiến đấu, thấy đúng không bảo vệ, thấy sai không đấu tranh, không làm tròn bổn phận, chức trách được giao, không thực hiện đúng các nguyên tắc tổ chức sinh hoạt Đảng; dao động, mơ hồ, mất phương hướng, cho rằng theo con đường nào, xã hội nào cũng được, phụ họa theo nhận thức sai trái, quan điểm lệch lạc; nói và làm trái Cương lĩnh, Điều lệ, nghị quyết, quy định của Đảng, thậm chí a dua, xuyên tạc, bôi đen...
Biểu hiện suy thoái về đạo đức, lối sống là: sa vào chủ nghĩa cá nhân, sống ích kỷ, thực dụng, vụ lợi, lo vun vén cho bản thân và gia đình, không còn ý thức hết lòng vì nước vì dân, để vợ (chồng), con và người thân lợi dụng chức quyền của mình để trục lợi, tiến thân; cơ hội, hám danh, chạy chức, chạy quyền, chạy chỗ, chạy tội, chạy tuổi, chạy bằng cấp ...; đố kỵ, kèn cựa, địa vị, cục bộ, bè phái, gây mất đoàn kết nội bộ; quan liêu, xa dân, vô cảm trước khó khăn, nỗi khổ của nhân dân, bất chấp đạo lý, dư luận vì lợi ích cục bộ, lợi ích nhóm; kiêu ngạo, tự phụ, gia trưởng, độc đoán, tùy tiện, vô tổ chức, tham nhũng, lãng phí, sống xa hoa, hưởng lạc.
Cần kiểm điểm làm rõ những biểu hiện, mức độ suy thoái về tư tưởng chính trị, về đạo đức, lối sống của tổ chức Đảng và cán bộ, đảng viên; kiểm điểm việc thực hiện Quy định những điều đảng viên không được làm; phân tích nguyên nhân, xác định trách nhiệm của tập thể, cá nhân và phương hướng đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái.
Thứ hai, về xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý, đáp ứng yêu cầu của thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Phải kiểm điểm làm rõ những yếu kém của tập thể và cá nhân trong công tác tổ chức, cán bộ. Kiểm điểm việc thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ trong công tác cán bộ.
Làm rõ tình trạng có phải vì người mà sinh thêm tổ chức, sinh thêm chỉ tiêu, biên chế không? Có tình trạng độc đoán, mất dân chủ, cục bộ, địa phương trong đánh giá, quy hoạch, bổ nhiệm, bố trí, sử dụng cán bộ không? Có tác động hoặc bị tác động trong bổ nhiệm cán bộ, nhất là đối với những người thân, quen không? Đã thực sự kiên quyết đấu tranh với những biểu hiện sai trái trong công tác cán bộ chưa? Xác định trách nhiệm của tập thể, của cá nhân và giải pháp khắc phục những thiếu sót, khuyết điểm trong công tác cán bộ của đơn vị, cơ quan, tổ chức Đảng các cấp.
Thứ ba về xác định rõ thẩm quyền, trách nhiệm người đứng đầu cấp ủy, chính quyền trong mối quan hệ với tập thể cấp ủy, tập thể lãnh đạo cơ quan, đơn vị; tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, phải kiểm điểm chỉ rõ những hạn chế, khuyết điểm trong thực hiện nguyên tắc "tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách".
Việc cụ thể hóa để thực hiện nguyên tắc "tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách" như thế nào? Làm rõ quyền hạn, trách nhiệm của tập thể và nhất là quyền hạn, trách nhiệm của cá nhân người đứng đầu cấp ủy, chính quyền trong công tác cán bộ; trong chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị với vai trò là cơ quan tham mưu cấp tỉnh trong công tác phát triển kinh tế - xã hội, trong quản lý tài chính; trong đầu tư, mua sắm trang thiết bị, xây dựng cơ bản...
Có tình trạng lợi dụng danh nghĩa tập thể để áp đặt ý đồ cá nhân không? Có tình trạng thành tích thì gắn cho cá nhân, khuyết điểm lại đổ tại tập thể không? Xác định nguyên nhân, trách nhiệm của tập thể, cá nhân và giải pháp khắc phục những thiếu sót, khuyết điểm.
Trong ba nội dung trên, nội dung thứ nhất là trọng tâm, xuyên suốt, chi phối hai nội dung sau, trong đó cần đi sâu kiểm điểm trách nhiệm của tập thể và cá nhân.
PV: Xin đồng chí nói rõ cách tiến hành kiểm điểm, tự phê bình và phê bình?
Đồng chí Hà Thị Hải: Ban Thường vụ, Ban Chấp hành Đảng ủy Khối và các chi, Đảng bộ cơ sở, lãnh đạo các ban, cơ quan xây dựng Đảng của Đảng ủy Khối sẽ chỉ đạo tiến hành kiểm điểm, tự phê bình và phê bình theo ba bước. Bước 1, tổ chức lấy ý kiến góp ý của các tổ chức có liên quan và thuộc cấp mình; lấy ý kiến góp ý của cá nhân đã nghỉ hưu nguyên là cấp ủy viên, nguyên là thủ trưởng các cơ quan, đơn vị trực thuộc; lấy ý kiến góp ý của các đoàn thể; gợi ý kiểm điểm nếu có đối với tập thể cấp dưới và cá nhân thuộc quyền quản lý theo kế hoạch Đảng bộ thực hiện xong trước 31/7/2012.
Hiện Đảng ủy khối đã gửi các biểu mẫu tham gia ý kiến, gợi ý kiểm điểm, nội dung kiểm điểm để các tổ chức cơ sở Đảng tham khảo thực hiện. Bước 2, tiếp thu ý kiến góp ý, gợi ý kiểm điểm (nếu có), xây dựng báo cáo kiểm điểm của tập thể, cá nhân và tiến hành kiểm điểm. Bước 3, báo cáo kết quả kiểm điểm và thông báo tiếp thu góp ý.
Đảng ủy Khối sẽ hoàn thành các bước 2 và 3 trong tháng 8 và tháng 9/2012. Các chi, Đảng bộ cơ sở và đảng viên sẽ tiến hành kiểm điểm hoàn thành trước 30/11/2012. Chi tiết các bước kiểm điểm tự phê bình và phê bình cũng như hướng dẫn về công tác tư tưởng, công tác kiểm tra, giám sát và tổ chức thực hiện đều có trong Kế hoạch số 33-KH/ĐU của Đảng ủy Khối ngày 19/04/2012. Các chi, Đảng bộ cơ sở cần nghiên cứu và triển khai thực hiện hiệu quả nghị quyết, nhằm nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của các tổ chức Đảng và đảng viên trong toàn Đảng bộ.
PV: Xin cảm ơn đồng chí!
Minh Đức (thực hiện)
Các tin khác
Các học giả quốc tế cho rằng, các công ty nước ngoài có ý định tham gia thầu 9 lô do Trung Quốc đưa ra đều sẽ phải chịu rủi ro rất cao.
Sáng 28.6, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ VN tổ chức Hội nghị lần thứ 9 tại Hà Nội thảo luận về nhiều nội dung quan trọng, trong đó có các kiến nghị sửa đổi, bổ sung Hiến pháp 1992.
YBĐT - Ngày 28/6, UBND tỉnh Yên Bái tổ chức đánh giá tình hình phát triển kinh tế xã hội 6 tháng đầu năm, bàn phương hướng nhiệm vụ 6 tháng cuối năm và tham gia vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách năm 2013.
YBĐT - Ngày 28/6, Thường trực Tỉnh ủy Yên Bái tổ chức giao ban với khối các ban, cơ quan xây dựng Đảng và giao ban với Ủy ban MTTQ, các đoàn thể nhằm đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ 6 tháng đầu năm, bàn phương hướng nhiệm vụ 6 tháng cuối năm.