Cần công nhận thương binh, liệt sỹ khi tham gia phòng, chống thiên tai
- Cập nhật: Thứ tư, 21/11/2012 | 5:27:09 PM
YBĐT - Tiếp tục kỳ họp thứ 4, Quốc hội (QH) khóa XIII, sáng 21/11, các đại biểu thảo luận tại hội trường về dự án Luật Phòng, tránh & giảm nhẹ thiên tai. Trước đó, với đa số phiếu tán thành QH đã thông qua Nghị quyết về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do QH, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn.
|
Tại phiên thảo luận, các đại biểu nhất trí cao về sự cần thiết ban hành Luật Phòng, tránh giảm nhẹ thiên tai. Luật sẽ góp phần hoàn thiện hành lang pháp lý đối với hoạt động phòng ngừa, ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai, tăng cường quản lý Nhà nước, hiệu quả hoạt động phòng, chống thiên tai, góp phần phát triển bền vững kinh tế- xã hội bảo đảm an ninh- quốc phòng.
Tuy nhiên, đa số các đại biểu đề nghị lấy tên luật là “Luật Phòng, chống thiên tai” vì tên gọi này ngắn gọn, đầy đủ, bao quát toàn diện các vấn đề trong hoạt động phòng, chống thiên tai; đồng thời phản ánh và khái quát được những nét chung nhất về bản chất, nội hàm và mục đích của việc ban hành Luật.
Các đại biểu cho rằng, dự thảo luật cần bổ sung một số quy định trong nguyên tắc cơ bản phòng, chống thiên tai đó là phải xác định rõ nguyên tắc “Nhà nước phải có trách nhiệm chính trong phòng, chống thiên tai và việc “bảo đảm tính mạng của người dân” phải là nguyên tắc hàng đầu. Coi đây là kim chỉ nam để tiến hành xây dựng luật.
Về nguồn lực cho hoạt động phòng, chống thiên tai, một số ý kiến đề nghị quy định lực lượng vũ trang là lực lượng nòng cốt trong việc phòng ngừa, ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai; làm rõ thế nào là “lực lượng chuyên nghiệp”, “bán chuyên nghiệp” để thuận tiện cho việc huy động, sử dụng lực lượng này và để tiến tới phải có một lực lượng chủ lực, chuyên nghiệp và mạnh.
Về nguồn ngân sách dành cho phòng tránh giảm nhẹ thiên tai, đa số ý kiến đại biểu cho rằng, phải khẳng định ngân sách nhà nước là chủ đạo trong cơ cấu nguồn lực tài chính cho phòng, chống thiên tai. Đầu tư cho phòng, chống thiên tai là đầu tư phát triển và việc đầu tư này phải đúng, đủ và kịp thời. Đồng thời các đại biểu cũng đề nghị cần quy định rõ về nguồn tài chính hàng năm cho phòng, chống thiên tai và việc phân bổ nguồn ngân sách cho hoạt động phòng, chống thiên tai từ Trung ương đến địa phương.
Tại phiên thảo luận có ý kiến đại biểu đề nghị, cần quy định việc công nhận thương binh, liệt sỹ khi tham gia phòng, chống thiên tai phù hợp với pháp luật về người có công với cách mạng. Luật cũng phải quy định rõ cơ quan chịu trách nhiệm đối với việc nghiên cứu, đưa ra những dự báo xác thực về tình hình thiên tai và phải chịu trách nhiệm trước những cảnh báo, dự báo, đánh giá mà mình đưa ra.
Không nên có lực lượng riêng chống khủng bố
Chiều cùng ngày, QH tiến hành biểu quyết và thông qua Luật Thủ đô. Tiếp đó, QH thảo luận tại hội trường về Luật Phòng, chống khủng bố.
Thảo luận về luật này, các đại biểu cho rằng không cần phải xây dựng một lực lượng riêng chống khủng bố mà trên thực tế, công an và quân đội hiện đang có lực lượng này rồi. Về khái niệm khủng bố và liệt kê các hành vi khủng bố, đại biểu cho rằng hoạt động khủng bố sẽ bao gồm các hành vi trong bộ luật hình sự quy định, nhưng với động cơ để phục vụ mục tiêu chính trị như gây sức ép cho nhà nước, phá hoại quan hệ quốc tế…
Một số ý kiến khác đề nghị mở rộng hành vi khủng bố trong cả các lĩnh vực ma túy, chống tham nhũng chứ không chỉ có an ninh, chính trị.
Nhiều ý kiến cho rằng, dự thảo Luật phòng, chống khủng bố cơ bản phù hợp với Hiến pháp và pháp luật hiện hành. Tuy nhiên, còn một số quy định chưa bảo đảm tính thống nhất với một số luật, pháp lệnh. Theo đó, các đại biểu đề nghị ban soạn thảo cần rà soát, cân nhắc kỹ để vừa bảo đảm tính thống nhất trong hệ thống pháp luật vừa tạo cơ sở pháp lý cần thiết cho công tác phòng, chống khủng bố trong tình hình hiện nay.
Có ý kiến cho rằng, từ trước tới nay nước ta chưa gặp phải khủng bố quốc tế, do đó phải quy định thận trọng trong hợp tác quốc tế việc chống khủng bố trên cơ sở đảm bảo vững chắc độc lập, chủ quyền lãnh thổ của đất nước.
Cũng theo ý kiến đại biểu, trong dự thảo luật có một số quy định về khái niệm khủng bố, biện pháp phòng ngừa khủng bố, biện pháp chống khủng bố, tổ chức hoạt động phòng, chống khủng bố, quyền hạn của Ban chỉ đạo phòng, chống khủng bố, quyền hạn của lực lượng chuyên trách thực hiện chống khủng bố, của người chỉ huy chống khủng bố chưa thống nhất với một số quy định trong luật hiện hành như: Bộ luật tố tụng hình sự, Luật quốc phòng, Luật an ninh quốc gia, Luật trưng mua, trưng dụng tài sản, Pháp lệnh tình trạng khẩn cấp...
Huy Văn
Các tin khác
YBĐT - Đồng chí Phạm Duy Cường - Chủ tịch UBND tỉnh đi kiểm tra tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển KT - XH năm 2012 tại huyện Trấn Yên/ Đại hội Công đoàn viên chức tỉnh Yên Bái lần thứ V nhiệm kì 2013 - 2018 đã diễn ra thành công/ Ban ATGT tỉnh Yên Bái đã phối hợp với Ban ATGT thành phố tổ chức lễ tưởng niệm các nạn nhân tử vong vì TNGT... và một số thông tin khác.
YBĐT - Phát huy vai trò của cơ quan dân cử, trong những năm qua, Hội đồng nhân dân (HĐND) xã Nga Quán (Trấn Yên) đã hoạt động hiệu quả, đặc biệt trong hoạt động giám sát, quyết định những vấn đề quan trọng của địa phương.
Sáng 21/11, 95,18% đại biểu Quốc hội đã tán thành thông qua Nghị quyết của Quốc hội về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn.
YBĐT - Chất vấn và trả lời chất vấn là một trong những nội dung quan trọng của mỗi kỳ họp hội đồng nhân dân (HĐND) luôn được cử tri quan tâm.