Cần quy định Chủ tịch nước có quyền bổ nhiệm tất cả thẩm phán
- Cập nhật: Thứ năm, 27/12/2012 | 2:02:07 PM
Đây chỉ là một trong những kiến nghị hoàn thiện nội dung sửa đổi, bổ sung Hiến pháp 1992 tại cuộc Hội thảo mô hình tổng thể bộ máy nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam do Bộ Tư pháp tổ chức sáng 27.12, tại Hà Nội.
GS.TS Lê Hồng Hạnh, Viện trưởng Viện Khoa học Pháp lý của Bộ Tư pháp phát biểu đề dẫn tại Hội thảo.
|
Một trong những nội dung được nhiều đại biểu tập trung “mổ xẻ” nhất tại hội thảo này là sự phân công, phối hợp, kiểm soát quyền lực giữa các cơ quan lập pháp, hành pháp, tư pháp và định chế Chủ tịch nước.
Theo nhận xét của PGS.TS Nguyễn Minh Đoan (ĐH Luật Hà Nội), dự thảo Hiến pháp sửa đổi, bổ sung năm 1992 quy định “quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp và kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp” là phù hợp để có thể thực hiện được sự kiểm tra, giám sát các hoạt động lao động quyền lực, có thể hạn chế được sự lạm dụng quyền lực, bảo vệ được lợi ích hợp pháp của con người khỏi bị xâm hại từ phía quyền lực nhà nước.
Tuy nhiên, ông Đoan phát hiện trong các điều khác của Dự thảo Hiến pháp sửa đổi vẫn quy định Quốc hội (QH) là cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất; Chính phủ là cơ quan chấp hành của QH thì sẽ “làm cho cơ chế kiểm soát lẫn nhau giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp khó được thực hiện”.
Ông Đoan cho rằng, tất cả các cơ quan nhà nước, kể cả QH, đều phải bị giám sát, kiểm soát việc thực hiện quyền lực Nhà nước.
Muốn thực hiện được việc này đòi hỏi trong Hiến pháp phải xác định lại vị trí, tính chất của QH, Chính phủ và TAND, Viện KSND để các cơ quan nói trên có thể kiểm soát lẫn nhau trong việc thực hiện quyền lực Nhà nước”, ông bày tỏ quan điểm.
Đại biểu này cũng đồng thời kiến nghị trong Hiến pháp sửa đổi xác định rõ QH là cơ quan đại diện cao nhất của nhân dân, thực hiện quyền lập pháp; Chính phủ là cơ quan hành chính nhà nước cao nhất, thực hiện quyền hành pháp; TAND là cơ quan xét xử của nước CHXHCN Việt Nam, thực hiện quyền tư pháp. Các cơ quan nhà nước kiểm soát lẫn nhau và chịu sự kiểm soát của nhân dân trong việc thực hiện quyền lực Nhà nước.
Nhà nước, các cơ quan nhà nước, công chức, viên chức nhà nước chỉ được làm những gì mà pháp luật cho phép, tức nhân dân cho phép.
Nhấn mạnh “việc xác định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của TAND và Viện KSND phải được xem xét trong bối cảnh tổng thể về việc phân công các quyền lực Nhà nước, cơ chế cân bằng và kiểm soát các quyền lực đó”, TS. Luật sư Lưu Tiến Dũng (Công ty luật YKVN) cho rằng bản dự thảo Hiến pháp sửa đổi được trình lên kỳ họp QH vừa qua cho thấy “dường như vẫn còn lúng túng trong việc giải quyết bài toán cơ bản của kỳ sửa đổi Hiến pháp lần này, đó là vấn đề cân bằng và kiểm soát quyền lực Nhà nước”.
Theo ông Dũng, cần quy định QH có thẩm quyền bổ nhiệm, lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm và bãi nhiệm, miễn nhiệm các thành viên Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao - cơ quan cao nhất thực hiện quyền tư pháp.
Đối với thẩm phán TAND địa phương thì cần quy định HĐND có thẩm quyền lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm để đề nghị miễn nhiệm thẩm phán TAND địa phương.
Tương tự, cần quy định Ủy ban Thường vụ QH có quyền lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm để đề nghị miễn nhiệm Thẩm phán Tòa thượng thẩm.
Ngoài ra, luật sư này cũng đề nghị cần quy định Chủ tịch nước có thẩm quyền bổ nhiêm, miễn nhiệm và bãi nhiệm thẩm phán của tất cả tòa án các cấp chứ không nên để Chánh án TAND tối cao bổ nhiệm thẩm phán toà án địa phương như hiện nay.
Theo ông Dũng, quy định trên nhằm bảo đảm Chủ tịch nước với tư cách người đứng đầu Nhà nước trao quyền tư pháp cho thẩm phán - những người sẽ nhân danh Nhà nước thực thi công lý; đồng thời, bảo đảm việc nâng cao vị thế của thẩm phán, bảo đảm việc kiểm soát quyền lực của tư pháp bởi hành pháp và tránh sự khép kín trong công tác bổ nhiệm thẩm phán tòa án địa phương bởi Chánh án TAND tối cao - điều gây quan ngại cho sự độc lập xét xử của tòa án địa phương.
(Theo TNO)
Các tin khác
Nhân dịp ngài Shinzo Abe được Quốc hội Nhật Bản bầu làm Thủ tướng Nội các Nhật Bản, ngày 26/12, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã gửi điện mừng.
Trong 2 ngày 26- 27/12, tại Hà Nội, Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức Hội nghị toàn quốc học tập, quán triệt và triển khai thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6 (khóa XI) cho cán bộ chủ chốt và báo cáo viên trong cả nước. Đồng chí Lê Hồng Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư đến dự.
Từ ngày 1/1/2013 tới đây, sẽ có hàng loạt Luật có hiệu lực thi hành, trong đó đáng chú ý là Luật Biển Việt Nam, Luật Phòng Chống rửa tiền, Luật Giáo dục Đại học...
YBĐT - Thường trực Tỉnh ủy Yên Bái tổ chức hội nghị giao ban đánh giá tình hình hoạt động năm 2012, triển khai thực hiện nhiệm vụ kế hoạch năm 2013/ Chỉ thị UBND tỉnh Yên Bái về công tác phòng chống đói, rét, dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm trong vụ Đông Xuân 2012 - 2013... và một số thông tin trong nước, quốc tế khác