Văn Yên sản xuất thành công lúa giống Chiêm Hương

  • Cập nhật: Thứ năm, 26/9/2013 | 8:47:59 AM

YBĐT - Giống do Văn Yên sản xuất đều đạt chuẩn từ tỷ lệ nảy mầm, độ thuần và khử lẫn cao, đạt tiêu chuẩn và quy định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam. Sản xuất lúa giống Chiêm Hương tiến bộ là phù hợp với chỉ đạo sản xuất chung chuyển dần từ lúa lai sang giống lúa thuần chất lượng cao trong sản xuất hiện nay.

Trong sản xuất nông nghiệp, giống là một trong những yếu tố cơ bản tạo nên  năng suất và chất lượng sản phẩm, tăng hiệu quả sản xuất của người nông dân. Tuy nhiên, nguồn giống trên địa bàn tỉnh Yên Bái chủ yếu mua qua các công ty giống và các “lái buôn”, giá thành cao lại không chủ động được mùa vụ. Chủ động nguồn giống, giống chất lượng, nhất là giống lúa thuần, sau nhiều năm thử nghiệm, đến vụ mùa 2013, nông dân xã Đại Phác (Văn Yên) đã sản xuất thành công giống lúa thuần Chiêm Hương.

Trong một vài năm trở lại đây, đời sống kinh tế - xã hội ngày càng phát triển, mức sống người dân ngày càng được nâng cao, nhất là người dân nông thôn đã và đang có bước phát triển khá đồng đều. Trước đây, nông dân sản xuất để lấy lương thực nhưng nay, lương thực đã đảm bảo. Giống lúa lai luôn là lựa chọn số một của nhà nông thì nay, diện tích gieo cấy đã giảm còn 50% - 60%, còn lại được gieo cấy bằng các giống lúa thuần chất lượng cao để làm hàng hóa đáp ứng nhu cầu thị trường.

Tuy nhiên, trong sản xuất, mỗi khi đến mùa vụ, nông dân lại gặp khó khăn trong việc mua giống lúa thuần tốt, chất lượng. Chủ động giống cho sản xuất, từ nhiều vụ nay, huyện Văn Yên đã tích cực chuyển giao hướng dẫn và trực tiếp chỉ đạo cùng nhân dân sản xuất giống lúa thuần Chiêm Hương chất lượng cao.

 Đặc biệt, trong vụ mùa 2013, Phòng Nông nghiệp & Phát triển nông thôn huyện cùng Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp xã Đại Phác và 48 hộ dân sản xuất giống lúa Chiêm Hương siêu nguyên chủng để cho ra giống xác nhận I, xác nhận II với quy mô 15ha. Quy trình sản xuất giống được áp dụng một cách nghiêm ngặt, từ khâu chọn đất, làm đất, ngâm ủ giống, cấy, bón phân, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh và thu hoạch đến bảo quản sau thu hoạch. Chẳng hạn như khâu làm đất được cày, bừa kỹ trước cấy 25 - 30 ngày, sau đó bón lót 10 - 15kg phân chuồng hoai mục, 0,5kg lân cho 10m2 đất mặt luống mạ; gieo mạ dày, mật độ 0,1 - 0,2kg hạt/m2. Khi cấy bón 400 - 450kg phân chuồng/sào, 10kg đạm, 20kg lân, 5 - 6kg Kali.

Cách bón, bón lót phân chuồng, bón thúc lần 1 khi lúa bén rễ hồi xanh đạm và Kali, bón thúc lần 2 khi lúa phân đòng (lúa tròn mình đứng cái). Mật độ cấy từ 45 - 50 khóm/m2, hàng cách hàng 20cm, cây cách cây 9cm, cấy 1 - 2 dảnh/khóm, cấy nông tay, thẳng hàng. Thường xuyên khử lẫn nhưng tập trung vào 4 thời kỳ: trên ruộng mạ, khi lúa đẻ nhánh, khi lúa phơi màu và khi lúa chín đỏ đuôi. Ngoài ra, chăm sóc, làm cỏ, bón phân, phòng trừ sâu bệnh, tưới tiêu... áp dụng như sản xuất lúa đại trà. Qua thu hoạch, năng suất đều đạt trên 60 tạ/ha, sản lượng thu đạt 90 tấn giống lúa Chiêm Hương xác nhận I, xác nhận II. Số giống này đã làm tăng thêm hiệu quả sản xuất cho người dân trên 130 triệu đồng và giải quyết việc làm, thu nhập cho hàng chục hộ nông dân.

Vấn đề lớn hơn là với số giống xác nhận I, II để nông dân trong vùng Dự án sẽ tăng tỷ lệ dùng giống tốt trong sản xuất, qua đó làm tăng sản lượng lương thực, hình thành dần thói quen sử dụng giống tốt trong sản xuất, góp phần ổn định kinh tế - xã hội và an ninh - quốc phòng.

Ông Khổng Giang Lam -Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện cho biết: “Sản xuất giống lúa thuần nông hộ có một ưu thế lớn là giá thành sản phẩm rất thấp, tỷ lệ quy đổi cứ 1kg thóc giống nguyên chủng, xác nhận đổi được 1,2kg thóc thịt và giá giống rẻ hơn so với thị trường là 7.000 đồng/kg giống. Mặt khác, sản phẩm giống lúa thuần sản xuất ra theo Dự án nhằm phục vụ chủ yếu cho nông dân trong xã Dự án và các xã phụ cận, tiến tới cung ứng cho toàn huyện và các địa phương khác”.

Giống do Văn Yên sản xuất đều đạt chuẩn từ tỷ lệ nảy mầm, độ thuần và khử lẫn cao, đạt tiêu chuẩn và quy định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam. Sản xuất lúa giống Chiêm Hương tiến bộ là phù hợp với chỉ đạo sản xuất chung chuyển dần từ lúa lai sang giống lúa thuần chất lượng cao trong sản xuất hiện nay.

Thực tế, xã Đại Phác có điều kiện tự nhiên rất thuận lợi để phát triển giống lúa thuần chất lượng cao, nhất là giống lúa Chiêm Hương đã trở thành đặc sản của vùng, được người tiêu dùng ưa chuộng là nhờ gạo trắng thơm, chất lượng tốt, hạt gạo trong, dài, tỷ lệ bạc bụng thấp; khi nấu cơm thơm, ăn dẻo và ngon. Đây cũng là giống lúa có khả năng cạnh tranh cao trên thị trường tiêu thụ lương thực trong và ngoài nước.

Năm 2014 và những năm tiếp theo, huyện Văn Yên tiếp tục đưa vào sản xuất lúa giống Chiêm Hương xác nhận I, xác nhận II và từng bước mở rộng diện tích, đáp ứng nhu cầu giống cho nông dân trong vùng.

Ngọc Trúc

Các tin khác

Dự thảo Luật Nhà ở sửa đổi nghiêm cấm sử dụng nhà ở vào các mục đích như: kinh doanh gas; vật liệu gây cháy, nổ; kinh doanh vũ trường; quán bar; nhà nghỉ...

YBĐT - Mô hình canh tác lúa cải tiến SRI được Trạm Bảo vệ thực vật huyện Lục Yên (Yên Bái) triển khai ứng dụng thí điểm năm 2012 với giống lúa được chọn là Nghi Hương 2308. Vụ mùa năm 2013, đơn vị đã tiến hành mở rộng tại ba xã: Lâm Thượng, Tân Lĩnh, Minh Xuân có tổng diện tích 15ha, 76 hộ tham gia.

YBĐT - Với diện tích 4.200ha, Văn Chấn là huyện có diện tích chè lớn nhất các địa phương của tỉnh Yên Bái. Những năm qua, nhờ chăm sóc tốt, áp dụng các biện pháp kỹ thuật, tập trung cải tạo diện tích chè già cỗi, sản lượng chè búp tươi toàn huyện đã vượt con số 40.000 tấn.

Người dân xã Đại Minh tự giác nộp thuế theo kỳ hạn.

YBĐT - Ông Trần Văn Quang - Chủ tịch UBND xã Đại Minh cho biết: "Đến thời điểm này, Đại Minh đã cơ bản hoàn thành các chỉ tiêu kế hoạch Nhà nước năm 2013 trên tất cả các lĩnh vực. Đặc biệt, trong công tác thu ngân sách, địa phương đã thu vượt gần 70% kế hoạch giao".

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục