Cây ngô cho niềm tin mới

  • Cập nhật: Thứ sáu, 18/10/2013 | 8:57:21 AM

YBĐT - Lù A Phủ ở bản Háng Bia Ha A, xã Khao Mang (Mù Cang Chải) phấn khởi khoe rằng: “Nhờ đưa cây ngô vào trồng thay lúa nương mà nhiều gia đình đã khấm khá hơn. Rồi đây, cuộc sống di cư theo những mùa lúa nương chỉ còn là trong ký ức”...

Đồng chí Ngô Thanh Giang (ngoài cùng bên trái) - Bí thư Huyện ủy Mù Cang Chải kiểm tra sự phát triển của cây ngô ở xã Lao Chải.
Đồng chí Ngô Thanh Giang (ngoài cùng bên trái) - Bí thư Huyện ủy Mù Cang Chải kiểm tra sự phát triển của cây ngô ở xã Lao Chải.

Thay da đổi thịt nhờ ngô

 Tháng mười, chúng tôi vượt qua màn sương trắng đục phủ đèo Khau Phạ để đắm mình vào sắc vàng của nắng, của nấc thang vàng như những phím đàn piano lên tới tận trời xanh của vùng cao Mù Cang Chải. Anh bạn đồng nghiệp đi cùng bảo rằng: “Lên vùng cao, cứ nhìn thấy những khoảng núi đồi màu xanh, màu vàng là biết đồng bào mình ấm cái bụng”.

Tài tình thật, nhìn vào màu sắc của những quả đồi, mảnh nương mà biết được bồ thóc của đồng bào! Không có nhiều kinh nghiệm nhưng tôi cũng đã phần nào cảm nhận được cuộc sống no ấm của đồng bào qua nét mặt vui tươi, qua hình ảnh những bao thóc chất đầy nhà và những bắp ngô lai vàng ruộm treo trên vách.

Đối với một huyện vùng cao như Mù Cang Chải, vấn đề đảm bảo an ninh lương thực luôn được đặt lên hàng đầu. Không lo sao được khi mà tổng diện tích lúa chưa đầy 2.580ha, trong đó diện tích lúa nương mộ chiếm trên một nghìn héc-ta cùng với tập quán sản xuất một vụ đã ăn sâu vào tiềm thức, người dân chưa ý thức được tầm quan trọng của việc tăng vụ trên diện tích đất canh tác của chính gia đình mình.

Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Mù Cang Chải - đồng chí Phạm Tiến Lâm cho biết: “Chuyển đổi diện tích lúa nương sang trồng ngô là một chủ trương trúng và đúng của Ban Thường vụ Huyện ủy. Sản xuất lúa nương, năng suất đạt kịch trần cũng chỉ đem về 1,2 tấn/ha, trong khi đưa cây ngô vào trồng trên đất nương rẫy, một héc-ta đem về cho đồng bào trung bình 35 tạ. Nhẩm tính thì hiệu quả cũng gấp 3 lần sản xuất lúa nương. Năm tới, chủ trương của huyện sẽ tiếp tục chuyển đổi nốt diện tích lúa nương mộ sang trồng ngô, quyết tâm xóa sạch diện tích lúa nương mộ”.

Trước thực trạng đó, việc thay đổi tập quán canh tác của người dân theo hướng tăng vụ, kết hợp áp dụng các biện pháp khoa học kỹ thuật để tăng năng suất, sản lượng và hiệu quả kinh tế trên một đơn vị diện tích luôn là vấn đề mà Đảng bộ, chính quyền huyện trăn trở. Ban Thường vụ Huyện ủy Mù Cang Chải đã có chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi nhằm tạo bước chuyển dịch mạnh mẽ trong phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa, tăng thu nhập cho người dân.

Cụ thể là chuyển đổi diện tích lúa nương năng suất thấp sang trồng ngô, góp phần đảm bảo an ninh lương thực trên địa bàn. Không ít khó khăn nhưng với quyết tâm cao, vụ ngô vừa qua được coi là “cuộc cách mạng” trên đất nương rẫy khi lần đầu tiên Mù Cang Chải đưa vào trồng 740ha ngô thay diện tích lúa nương kém hiệu quả.

Nhờ trồng ngô, nhiều hộ dân đang có niềm tin thoát nghèo vững chắc. Chung vui với cán bộ và nhân dân huyện, chúng tôi về xã Khao Mang - địa phương dẫn đầu về việc thực hiện tăng vụ và chuyển đổi ngô trên đất lúa nương.

Trưởng bản Háng Bla Ha A - Lù A Phủ khoe: “Bản mình nay khác rồi, từ khi đưa cây ngô vào thay diện tích lúa nương, nhiều gia đình khấm khá lắm! Cán bộ về điều tra thống kê, năng suất bình quân đạt trên 35 tạ/ha. Nhiều hộ dân trong bản sẽ không còn chịu đói kinh niên như trước”. Bản Háng Bla Ha A cách trung tâm xã Khao Mang 8km. Bản có 116 hộ dân, là một trong những bản khó khăn của xã do ở đây, ruộng bậc thang chỉ làm được 1 vụ nên tỷ lệ hộ nghèo chiếm trên 60%. Thực hiện chủ trương của huyện, xã đã chỉ đạo nhân dân đưa cây ngô vào gieo trồng trên đất nương rẫy.

Nhờ tích cực vận động, tuyên truyền nên người dân đã hiểu được lợi ích của trồng ngô cùng với sự đầu tư giống, phân bón của Nhà nước, người dân trong bản cũng đã tích cực trồng ngô. Vụ ngô vừa rồi, cả bản đưa vào gieo trồng được 11,5ha ngô trên đất nương rẫy. Với nhiều gia đình nơi đây, ngô bây giờ không chỉ là nguồn lương thực mỗi khi giáp hạt mà đã trở thành hàng hóa. Vào thăm gia đình Lù Vảng Lờ, chúng tôi thấy những bắp ngô vàng xuộm treo lúc lỉu trên gác nhà.

Vảng Lờ phấn khởi: “Nhờ cán bộ trong xã vận động trồng ngô thay diện tích lúa nương và nhận hỗ trợ giống, phân bón nên vừa rồi, gia đình chuyển đổi được 0,6ha trồng ngô”.

Lù Vảng Lờ cho biết thêm, có những hộ khác ở bản còn trồng được nhiều hơn thế. Như hộ Lù A Phủ trồng gần 1ha ngô, thu về trên 35 tấn hay hộ Cứ A Lềnh cũng trồng được 0,15ha ngô. Có được kết quả này là nhờ có Nhà nước, có cán bộ, đảng viên giúp, năm sau các gia đình sẽ trồng nhiều ngô hơn nữa. Rõ ràng với 740ha ngô đồi năm qua đã cho thu trên 2.400 tấn ngô hạt, đem về cho người dân Mù Cang Chải 140 tỷ đồng - một con số mang nhiều ý nghĩa.

 

Đồng bào Mông Mù Cang Chải thu hoạch ngô.

Ngô chưa lên nương, đảng viên chưa về

Bí thư Đảng ủy xã Khao Mang - đồng chí Lê Ngọc Minh cho biết: “Cây ngô đồi đã góp phần tăng sản lượng lương thực và thu nhập trên một đơn vị diện tích, góp phần ổn định đời sống của người dân, ngăn chặn phá rừng làm nương rẫy. Người Mông ngày càng vững tin vào sự lãnh đạo của Đảng của Nhà nước. Trong năm tới, xã tiếp tục chuyển đổi nốt 50ha diện tích lúa nương sang trồng ngô”.

Nói thì dễ vậy nhưng để đưa cây ngô vào sản xuất thay diện tích lúa nương là câu chuyện dài kỳ bởi tập quán sản xuất du canh đã ăn sâu vào tâm thức người dân.

Chủ tịch UBND xã Khao Mang - đồng chí Giàng A Vàng cho biết: “Lúc đầu đưa cây ngô vào trồng thay diện tích lúa nương, bà con chưa muốn làm theo vì chưa biết hiệu quả thế nào, liệu trồng ngô có cho hiệu quả như làm lúa nương không. Tư tưởng của bà con là thấy hiệu quả mới làm, chính vì vậy, Đảng bộ, chính quyền xã đã ra Nghị quyết chuyên đề trồng ngô trên diện tích nương rẫy. Các đồng chí lãnh đạo xã trực tiếp chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể xuống các bản vận động đồng bào trồng ngô với khẩu hiệu: “Ngô chưa lên nương, đảng viên chưa về”.

Bên cạnh đó là có chính sách kịp thời: hỗ trợ 100% lượng giống cho toàn bộ diện tích chuyển đổi; hỗ trợ phân bón vô cơ cho các hộ tham gia chuyển đổi diện tích trồng lúa nương sang trồng ngô với định mức 2 triệu đồng/ha. Huyện cũng đã thành lập các tổ công tác thường xuyên xuống cơ sở, kịp thời phối hợp với cấp ủy, chính quyền các địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, đặc biệt phải làm cho cán bộ, đảng viên thông suốt về tư tưởng và đảng viên phải gương mẫu đi đầu để nhân dân học tập, làm theo. Cán bộ kỹ thuật và khuyến nông viên cơ sở đã thường xuyên kiểm tra, theo dõi, hướng dẫn bà con thực hiện kỹ thuật trồng, chăm sóc ngô. Với quyết tâm cao như vậy, vụ ngô hè thu vừa qua, toàn huyện đưa vào gieo trồng được gần 740ha ngô.

Ông Vàng A Sua - Bí thư Chi bộ bản Khao Mang bảo: “Khai thông tư tưởng cho người dân là chuyện không đơn giản. Để bà con nghe và làm theo thì mình phải tuyên truyền cho bà con hiểu được. Muốn bà con hiểu thì mình là cán bộ, đảng viên phải hiểu, phải biết làm rồi nắm lấy tay, chỉ ra từng việc cụ thể cho dân làm. Lúc đầu, bà con mình chưa tin, chưa làm theo đâu nhưng nhờ tuyên truyền và cán bộ xuống tận nơi cùng làm, người dân nhìn vào đấy làm theo. Đến nay, thôn cũng chuyển đổi được hơn 5,2ha ruộng nương sang trồng ngô”.

Lên Mù Cang Chải để nghe, để gặp những cán bộ, những người dân mới thấy vấn đề đảm bảo an ninh lương thực đối huyện vùng cao này còn nhiều gian nan. Tuy nhiên, công cuộc chuyển đổi cây ngô trên đất nương rẫy sẽ mở ra hướng đi mới cho sản xuất nông nghiệp. Tin rằng một ngày không xa, bản làng của đồng bào Mông sẽ thêm trù phú khi cây ngô không chỉ góp phần đảm bảo an ninh lương thực mà còn trở thành sản phẩm hàng hóa.

Văn Thông

Các tin khác

Bộ Tài chính vừa có văn bản gửi các cục thuế địa phương yêu cầu tổ chức kiểm tra, thanh tra thuế đối với toàn bộ doanh nghiệp (DN) rủi ro cao về thuế ở các khâu kinh doanh (trung gian).

Ảnh minh họa.

Bộ Tài chính vừa ban hành Thông tư số 139/2013/TT-BTC quy định thủ tục hải quan đối với xăng dầu xuất khẩu, nhập khẩu, tạm nhập tái xuất, chuyển khẩu; nguyên liệu nhập khẩu để sản xuất và pha chế xăng dầu; nguyên liệu nhập khẩu để gia công xuất khẩu xăng dầu.

YBĐT - Sau gần một năm đi vào hoạt động, Dự án Giảm nghèo huyện Mù Cang Chải (Yên Bái) đã tạo cơ hội cho nhiều hộ nghèo của bản Tà Sung, xã Chế Tạo có điều kiện chăn nuôi dê và đã có nhiều gia đình chuẩn bị có nguồn thu từ các tiểu dự án này.

Ảnh minh họa.

Sáng nay 17/10, giá vàng SJC tăng 20.000-30.000 đồng mỗi lượng so với chốt phiên trước, thương hiệu này đang đắt hơn thế giới 4,5 triệu đồng/lượng.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục