Mũi nhọn phát triển
- Cập nhật: Thứ hai, 4/11/2013 | 8:42:24 AM
YBĐT - Nằm ở trung tâm huyện lỵ, có quốc lộ 32 nối liền tỉnh Lai Châu, tỉnh Lào Cai với thị xã Nghĩa Lộ, thành phố Yên Bái của tỉnh nên việc thông thương, trao đổi hàng hóa ở thị trấn Mù Cang Chải tương đối thuận lợi.
Nhà anh Lương Văn Tư thường xuyên có khách du lịch nước ngoài đến nghỉ.
|
Bên cạnh đó, Mù Cang Chải còn nổi tiếng với danh thắng quốc gia ruộng bậc thang, hàng năm thu hút hàng nghìn lượt khách du lịch trong và ngoài nước nên ngành thương mại - dịch vụ càng có điều kiện phát triển.
Phát huy lợi thế là địa phương quanh năm có số lượng khách du lịch đến đông, thị trấn đẩy mạnh phát triển dịch vụ nhà hàng ăn uống, nhà nghỉ, đảm bảo phục vụ tốt nhu cầu của du khách. Nắm bắt nhu cầu của khách du lịch thích sinh hoạt cộng đồng, về với thiên nhiên, khám phá phong tục tập quán của người dân địa phương nên hiện nay, thị trấn đang dần hình thành khu du lịch cộng đồng tại bản Kim Nọi với 100% đồng bào là người dân tộc Thái. Để có khu du dịch cộng đồng thân thiện, thu hút khách du lịch, thị trấn thường xuyên tuyên truyền, vận động người dân giữ gìn vệ sinh môi trường, cảnh quan sạch sẽ. Hiện nay, trong bản có trên 10 hộ làm dịch vụ ăn, nghỉ tại nhà, trong đó có 6 hộ thường xuyên có khách.
Gia đình anh Lương Văn Tư là hộ đầu tiên trong bản làm dịch vụ này. Gia đình anh ký hợp đồng với một công ty du lịch tại Hà Nội là nơi lưu trú cho khách du lịch từ 3 năm qua với chất lượng phục vụ tốt từ ăn uống đến ngủ, nghỉ. Bình quân 1 tháng, gia đình anh đón 6 - 7 đoàn khách, vào mùa du lịch như tháng 3, 4, 10, 11 thì lúc nào cũng kín khách. Theo tính toán của anh, ngoài tiền hợp đồng mỗi tháng công ty trả 1,5 triệu đồng cộng với mỗi khách du lịch cho thu nhập 50.000 đồng/người/đêm thì mỗi tháng cho thu nhập từ 3 đến 5 triệu đồng.
Ông Daniel Le Marié, một du khách người Pháp cho biết: "Tôi đã đến Việt Nam rất nhiều lần. Tôi rất thích ở đây vì thật dễ chịu, người dân thân thiện, phục vụ chu đáo. Tôi đi thăm quan quanh bản và thích giao lưu với người dân, tìm hiểu phong tục tập quán nhưng nếu người dân mặc trang phục truyền thống thì đẹp hơn nhiều".
Ông Phạm Xuân Thanh - Phó chủ tịch UBND thị trấn Mù Cang Chải cho biết: "Với 30ha diện tích lúa nước, trong đó diện tích 2 vụ trên 15ha và chủ yếu tập trung ở khu vực bản Thái là tổ 9, 10 nên phát triển thương mại - dịch vụ có ý nghĩa rất quan trọng trong việc xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương. Trên cơ sở đó, hàng năm, thị trấn đều tạo mọi điều kiện thuận lợi cho việc phát triển thương mại - dịch vụ từ tuyên truyền, vận động các tổ chức, cá nhân đến tạo điều kiện về mặt bằng, thủ tục hồ sơ đến tín chấp vay vốn".
Trong 9 tháng của năm nay, thông qua các tổ chức hội nhận ủy thác của Ngân hàng Chính sách - Xã hội huyện cho hội viên và nhân dân vay vốn phục vụ cho sản xuất, kinh doanh, giải quyết việc làm… với tổng dư nợ 10 tỷ 540 triệu đồng. Với những giải pháp tích cực đó, ngành thương mại - dịch vụ của thị trấn đang dần giữ vai trò chủ đạo trong phát triển kinh tế. Đến nay, thị trấn có 25 doanh nghiệp, hợp tác xã, 134 hộ kinh doanh trong lĩnh vực thương mại - dịch vụ luôn hoạt động ổn định với các mặt hàng tiêu dùng, đáp ứng nhu cầu thị trường trên địa bàn.
Hiện nay, ngành thương mại - dịch vụ đã chiếm tới trên 50% tỷ trọng cơ cấu kinh tế của địa phương; mức lưu chuyển hàng hóa trong 9 tháng qua đạt trên 20 tỷ đồng, kinh doanh dịch vụ - thương mại đạt 9 tỷ đồng. Những con số đó cho thấy, phát triển thương mại - dịch vụ là hướng đi đúng trong phát triển kinh tế của thị trấn.
Để du lịch, thương mại thực sự trở mũi nhọn trong phát triển kinh tế của thị trấn Mù Cang Chải và giúp người dân xóa đói giảm nghèo, tiến tới làm giàu, các cấp chính quyền địa phương cần xem xét giải quyết những tồn tại, khó khăn như: phát triển thương mại nhỏ lẻ; thiếu mặt bằng để mở rộng sản xuất, kinh doanh; khu vực chợ Mù Cang Chải đã quá tải nhưng chưa được đầu tư, mở rộng; phát triển du lịch còn thiếu sự gắn kết với các công ty du lịch; vấn đề vệ sinh môi trường tại khu vực trung tâm và khu dân cư hai bên suối...
P.V
Các tin khác
Trong 10 tháng đầu năm nay, đã có 52 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư mới tại Việt Nam.
8 vùng này phục vụ cho việc phát triển dược liệu thành ngành sản xuất hàng hoá theo quy hoạch tổng thể phát triển dược liệu...
Bộ Công Thương đã ban hành Thông tư Quy định nội dung, trình tự lập, thẩm định và phê duyệt thiết kế xây dựng công trình nhà máy điện hạt nhân.
Tính Kiên Giang chuẩn bị khởi công xây tuyến cáp ngầm xuyên biển dài 56 km đưa điện lưới quốc gia từ Hà Tiên ra đảo Phú Quốc. Đây là công trình cáp ngầm xuyên biển lớn nhất Đông Nam Á