Bản Mù đã sáng

  • Cập nhật: Thứ tư, 25/12/2013 | 2:42:11 PM

YBĐT - Bản Mù - chỉ nghe cái tên thôi đã thấy có gì đó xa xôi, mịt mùng. Ấy vậy mà có lên với mảnh đất vùng cao này mới cảm nhận hết những sắc màu của một cuộc sống mới đang khởi sắc từ chính những đổi thay trong nếp nghĩ, cách làm của đồng bào Mông nơi đây.

Bản Mù nay không còn tình trạng độc canh cây lúa.
Bản Mù nay không còn tình trạng độc canh cây lúa.

Cũng như nhiều xã vùng cao khó khăn của huyện Trạm Tấu, người Mông ở Bản Mù nhiều đời đã quen với tập quán sản xuất nương rẫy. Dường như khí hậu riêng có ở nơi đất trời quanh năm mây mù bao phủ này đã ban tặng cho Bản Mù một điều kiện thuận lợi để phát triển những cây trồng đặc sản. Đặc biệt, xem việc bảo vệ rừng là điều kiện đảm bảo cho sự sống còn của chính mình, những người Mông sinh sống trên đất Bản Mù đã biết sử dụng hiệu quả đất nương đồi được giao để cấy trồng mà không còn phải lệ thuộc tất cả vào tự nhiên như tổ tiên mình. Mấy năm nay, cây ý dĩ đã bám rễ trên những mảnh nương khô hạn, đem về nguồn thu không thua kém gì hạt thóc, hạt ngô cho người Mông nơi này.

Từ chỗ tự phát, hiện toàn xã đã trồng được gần 20ha cây ý dĩ. Theo những người Mông ở đây, cây ý dĩ dễ trồng, giá bán cũng không thấp: 10.000 đồng/kg hạt tươi, còn phơi khô thì giá bán cao hơn. Lái buôn ở Phù Yên, Bắc Yên, Sơn La sang mua chứ bà con chưa có máy bóc hạt nên chủ yếu vẫn đem bán hoặc nghiền bột để chăn nuôi lợn.

Nhà Mùa A Dủa là một trong những hộ khá ở bản Mông Si. Gia đình anh ngoài làm ruộng nước, trồng ngô thì năm nào cũng trồng ý dĩ. Theo vợ chồng A Dủa thì “Cây ý dĩ chưa làm ra để ăn được những bán thì rất được tiền. Một năm, nhà cũng thu được vài chục bao. Thóc, ngô làm ra thì để ăn, để chăn nuôi, không lo thiếu đói nữa, còn ý dĩ làm ra thì bán để lấy tiền nên năm nào cũng trồng”.

Nhìn ngôi nhà lịa gỗ vững chãi của vợ chồng Mùa A Dủa, tính sơ sơ cũng tới vài trăm triệu đồng. Hỏi chuyện trẻ tuổi thế mà làm được ngôi nhà to vậy, A Dủa cười: “Mình trẻ thì phải chịu khó làm ăn thôi. Cái nhà này phải chuẩn bị lấy gỗ mất 3, 4 năm đấy. Tiền công thuê thợ mộc ở bản Thái Tú Lệ lên làm cho cũng mất hơn 100 triệu đồng rồi. Có vay ngân hàng một ít tiền, còn thì bán mấy con trâu đi là đủ. Trẻ không đẻ nhiều, chỉ hai đứa thôi vì mình có con trai rồi. Nhiều nhà trẻ thì trẻ đấy nhưng nó vẫn đẻ nhiều lắm nên khổ, cái gì cũng không có...”.

Nghe chuyện A Dủa kể, tôi thấy vui vui. Thì ra, chính sách dân số của Đảng và Nhà nước đã thấm vào nhận thức của lớp trẻ dù rằng cái quan niệm về con trai, con gái của đồng bào người Mông sinh sống trên rẻo cao này còn khá lạc hậu. Cũng chính bởi tạo được bước chuyển lớn trong tư tưởng, nhận thức mà đến nay, Bản Mù đã cơ bản trừ được con “ma đói” khi mà những nương đồi nơi đây vụ nối vụ dệt mùa vàng no ấm.

 

Vợ chồng Mùa A Dủa kiểm lại số thóc dự trữ trong nhà.

Còn nhớ trước năm 2004, cả xã chỉ có khoảng 7hađất ruộng nước,mỗi năm chỉ chuyên canh được1 vụ "lúa trời", không được chăm bón nên năng suất thấp. Ngoài lúa, dân bản trồng thêm được vụ ngô nhưng cũng chỉ đủ để... nấu rượu. Tỷ lệ hộ đói nghèo trong xã có thời điểm lên tới 90%. Mỗi năm, cấp trên phải trợ cấp cho địa phương 40, 50 tấn gạo cứu đói. Cái cách mà cán bộ khuyến nông huyện, xã làm theo kiểu cầm tay chỉ việc đã giúp người dân quen dần với phương thức kỹ thuật canh tác ruộng nước.

Đến nay, diện tích ruộng nước của toàn xã đã tăng lên trên 500ha, tổng sản lượng lương thực có hạt đạt gần 3.000 tấn, lương thực bình quân đạt trên 600kg/người/năm. Ruộng nước 2 vụ đã đem lại cuộc sống đủ đầy hơn cho người Mông ở Bản Mù. Bên cạnh diện tích ruộng nước hai vụ, xã vẫn còn trên 70ha lúa nương nhưng đây chủ yếu là diện tích gieo trồng giống lúa nếp cẩm đặc sản cho giá trị kinh tế cao được đồng bào duy trì canh tác từ rất nhiều năm nay.

Chủ tịch UBND xã Sùng A Lù chia sẻ: “Đối với sản xuất ruộng hai vụ, xã có thuận lợi là mấy năm trở lại đây được Nhà nước đầu tư xây dựng hệ thống kênh mương thủy lợi kiên cố, người dân được chuyển giao kiến thức khoa học kỹ thuật, biết thâm canh tăng vụ, không chỉ độc canh cây lúa như trước. Đặc biệt, từ khi xã có con đường bê tông đến trung tâm thì việc đi lại, giao lưu, buôn bán hàng hóa của người dân địa phương với các vùng lân cận được mở mang. Kinh tế vì thế cũng được kích thích phát triển”.   

ản Mù hôm nay đã khác trước. Điện lưới quốc gia đã thắp sáng 3/8 thôn, bản khu vực trung tâm xã. Cuộc sống của đồng bào Mông nơi đây đang từng ngày thay da đổi thịt. Con đường bê tông dài hơn 10km đã nối gần những bản người Mông xa xôi với phố thị hiện đại, văn minh. Dẫu còn lắm khó khăn bởi trên 75% số hộ dân vẫn trong diện hộ nghèo nhưng bắt đầu từ sự đổi mới trong tư duy phát triển kinh tế của mỗi người dân cùng sự năng động của Đảng ủy, chính quyền cơ sở, cuộc sống mới trên rẻo cao này mỗi ngày thêm khởi sắc.

Phạm Minh

Các tin khác
Tổ thu gom rác thải ở Trái Hút tích cực làm sạch môi trường.

YBĐT - Những năm qua, Đảng bộ, chính quyền xã An Bình, huyện Văn Yên (Yên Bái) đã xây dựng kế hoạch, đề ra giải pháp thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững quốc phòng - an ninh và duy trì mức tăng trưởng kinh tế trên 14%/năm theo Nghị quyết Đảng bộ xã nhiệm kỳ 2010 - 2015 đề ra.

Liên Bộ Công Thương-Tài chính đã ban hành Thông tư liên tịch số 32/2013/TTLT-BCT-BTC hướng dẫn giao, nhận và hoàn trả vốn đầu tư tài sản lưới điện hạ áp nông thôn.

Làm đường giao thông nông thôn ở thôn Phú Thịnh (Yên Bình).

YBĐT - Để phấn đấu hoàn thành bê tông hóa các tuyến đường giao thông nông thôn theo kế hoạch đã đăng ký, huyện Yên Bình đã chỉ đạo các xã tranh thủ thời tiết thuận lợi đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình.

Việc in tiền có mệnh giá nhỏ gây lãng phí rất lớn cho xã hội, vì chi phí in một đồng tiền mệnh giá nhỏ thường cao hơn so với mệnh giá của chính đồng tiền đó.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục