Miền Trung cấp tập chống dịch cúm gia cầm
- Cập nhật: Thứ bảy, 22/2/2014 | 9:48:10 AM
Các tỉnh thành miền Trung đang cấp tập bổ sung vaccine tiêm phòng cúm gia cầm (A/H5N1) cho ngành thú y tiêm phòng cho gia cầm để hạn chế dịch lây lan. Trong khi đó, dù vừa được tiêm phòng nhưng gia cầm vẫn chết khiến ngành thú y lo lắng, còn người dân thì đứng ngồi không yên.
Lực lượng thú y huyện Đức Phổ (Quảng Ngãi) tiêm phòng cúm A/H5N1 trên vịt.
|
Tiêm phòng cũng chết
Ngày 19-2, cán bộ thú y huyện Đức Phổ (Quảng Ngãi) tiến hành tiêm phòng chống dịch cúm gia cầm (cúm A/H5N1) cho 108 con vịt nuôi (60 ngày tuổi) của 2 ông Lê Đức Điều và Trần Văn Giỏi. Tuy nhiên, khi vừa tiêm phòng xong thì số vịt này… giãy chết. Ông Điều hốt hoảng chạy lên báo chính quyền địa phương. Ông Bùi Văn Chuyên, Phó Chủ tịch UBND xã Phổ Cường, tức tốc chạy đến nhưng cũng… bất lực đứng nhìn số vịt thi nhau chết. Hỏi sao thú y vừa tiêm xong mà vịt vẫn chết, ông Chuyên bảo do bị sốc thuốc khi tiêm! “Trường hợp này vẫn được hỗ trợ, xã sẽ làm văn bản đề nghị huyện hỗ trợ cho ông Điềm và ông Giỏi vì vịt bị chết ngay sau khi tiêm phòng dịch cúm. Mà nếu không chết vì sốc thuốc thì trước sau cũng bị tiêu hủy vì nằm trong vùng dịch” - ông Chuyên nói.
Kể từ trường hợp gia cầm bị dịch cúm đầu tiên được phát hiện từ sau tết cổ truyền đến nay, trên địa bàn huyện Đức Phổ đã phát hiện 4 ổ dịch cúm A/H5N1 tại các xã: Phổ Cường, Phổ Hòa, Phổ Văn và Phổ Vinh.
Trở lại nhà ông Trần Ngọc Liền ở xã Phổ Cường, nơi ổ dịch A/H5N1 xuất hiện đầu tiên. Ông Liền nuôi 1.865 con vịt siêu thịt đã qua 35 ngày tuổi, đạt trọng lượng gần 2kg/con. Ngày 4-2, ông phát hiện vịt chết hàng loạt nên vội báo với nhân viên thú y và chính quyền xã. Đơn vị chức năng đã tiến hành tiêu hủy khoảng 700 con vịt chết và gửi mẫu đến Cơ quan Thú y vùng 4 xét nghiệm với kết luận dương tính với vi rút cúm A/H5N1. Nhắc đến vịt, ông Liền ngậm ngùi: “Sắp đến ngày xuất chuồng rồi mà vịt ngã bệnh, nhiễm dịch. Mất đứt hơn 100 triệu đồng chứ ít đâu. Vay tiền chăn nuôi, giờ vịt chết lại mang nợ”. Tuy nhiên, theo ông Bùi Văn Chuyên, ngoài ông Liền thiệt hại nặng còn có hộ ông Lê Văn Hiếu ở thôn Nga Mân với hơn 1.000 con, trị giá cũng gần cả trăm triệu đồng.
Những tưởng cúm chỉ xuất hiện trên vịt, một tuần sau khi dịch bùng phát, lại tiếp tục phát hiện trên 300 con gà của ông Huỳnh Tốt ở xã Phổ Văn. Đàn gà của ông Tốt có 450 con, 3 tháng tuổi, mỗi con nặng trên 1,5kg. Ông Tốt bảo ngay từ đầu tháng 2 đã thấy một số gà cứ gật gù, sau rồi chết rải rác. Cao điểm là giữa tháng 2, khi 150 con trong đàn chết, ông mới báo với lực lượng chức năng tiêu hủy và lấy mẫu bệnh phẩm gửi xét nghiệm với kết luận nhiễm cúm. Chưa dừng lại ở đó, cúm tiếp tục xuất hiện trên đàn gà 900 con của ông Lê Văn Huệ ở xã Phổ Hòa. Ông Huệ bảo đàn gà của ông đã nuôi hơn 3 tháng và chuẩn bị xuất bán, mỗi con nặng từ 2 – 2,5kg. Vậy mà phút chốc trắng tay, nợ nần.
Từ Đức Phổ, cúm gia cầm tiếp tục tấn công đến huyện Sơn Tịnh rồi lan ra huyện Nghĩa Hành khiến ngành thú y địa phương này cấp tập phân bổ vaccine để tiêm phòng. Tuy nhiên, điều khiến ngành thú y và các hộ chăn nuôi cảm thấy lạ là đối tượng mà virus cúm A/H5N1 tấn công lần này phần lớn là gà, chứ không phải vịt. Trong 6 ổ dịch cúm được phát hiện ở Quảng Ngãi thì có 4 ổ trên gà với gần 2.200 con bị chết và tiêu hủy. Điều này gây lo lắng cho người chăn nuôi vì gà là đối tượng không nằm trong diện được tiêm phòng của ngành thú y?
Gia cầm bị nhiễm bệnh được đem đi chôn tại Đức Phổ, Quảng Ngãi. Ảnh: HÀ MINH |
Thiếu vaccine tiêm phòng
Giữa tháng 2, tại huyện Triệu Phong (tỉnh Quảng Trị), cúm gia cầm cũng đã bắt đầu xuất hiện trên đàn vịt 21 ngày tuổi, với số lượng hơn 3.200 con của ông Trương Ngãi (xã Triệu Độ). Qua kiểm tra và lấy mẫu xét nghiệm, cơ quan thú y đã kết luận đàn vịt của gia đình ông đã bị nhiễm dịch cúm H5N1. Để tránh sự lây lan và bùng phát dịch trên diện rộng, gia đình ông đã phối hợp với chính quyền địa phương, cơ quan chức năng tiến hành tiêu hủy đàn vịt. Hiện nay trên địa bàn xã Triệu Độ có tổng đàn gia cầm trên 12.000 con và là địa phương phát triển mạnh về chăn nuôi, chủ yếu là chăn nuôi vịt đàn.
Ông Hồ Văn Hồng, Phó Chủ tịch UBND xã Triệu Độ, cho biết: “Chính quyền địa phương và các ban, ngành đã tập trung tiêu độc, khử trùng và khoanh vùng dịch bệnh để khống chế, tránh sự bùng phát và lây lan trên diện rộng. Bên cạnh đó, tăng cường biện pháp tuyên truyền vận động người dân tuân thủ nghiêm ngặt các quy định của nhà nước, không được giết mổ, tiêu thụ, vận chuyển gia cầm trong vùng dịch bệnh”.
Điều đáng lo ngại là Quảng Trị nằm trên tuyến hành lang kinh tế Đông - Tây, có cửa khẩu quốc tế Lao Bảo, cửa khẩu quốc gia La Lay, quốc lộ 1A và quốc lộ 9 đi qua nên nguy cơ bùng phát dịch bệnh là rất cao. Tuy nhiên, theo Chi cục Thú y tỉnh này, nguồn vaccine dự phòng năm 2013 đã sử dụng hết, đang thiếu vaccine tiêm phòng cho đàn gia cầm. Hiện trên địa bàn có khoảng 1,8 triệu gia cầm, nhu cầu tiêm phòng dịch xấp xỉ 2 triệu liều nhưng mới chỉ có 65.000 liều đã được sử dụng và số gia cầm còn lại chưa được tiêm vì vaccine đã hết.
Trong khi đó, tỉnh Thừa Thiên - Huế dù chưa xảy ra trường hợp mắc cúm A/H5N1 và H7N9 trên người và gia cầm nhưng các ngành chức năng của tỉnh này vẫn cảnh giác cao độ, kiểm tra gắt gao các phương tiện vận chuyển gia cầm tại các chốt đề phòng gia cầm nhiễm bệnh “lọt” vào nội thị.
(Theo SGGP)
Các tin khác
Xăng tăng 300 đồng/lít, dầu diesel tăng 240 đồng/lít, dầu hỏa tăng 230 đồng/lít, dầu ma dút tăng 200 đồng/kg. Đó là mức tăng giá được Tập đoàn xăng dầu VN áp dụng từ 20g tối nay 21-2, ngay sau khi được văn bản của Bộ Tài chính về điều hành giá xăng dầu.
YBĐT - Ngày 21/2/2014, Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Yên Bái đã tổ chức Hội nghị tổng kết công tác năm 2013 và kỷ niệm 3 năm ngày thành lập. Đồng chí Tạ Văn Long- Uỷ viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Yên Bái dự và chỉ đạo hội nghị.
YBĐT - Trước những nguy cơ tiềm ẩn nhiều khả năng phát sinh dịch cúm gia cầm, huyện Lục Yên (Yên Bái) đang tích cực triển khai các biện pháp phòng chống dịch bệnh, bảo vệ tốt nhất cho đàn gia cầm của địa phương.
YBĐT - Từ nguồn vốn Dự án Giảm nghèo giai đoạn 2, huyện Trấn Yên (Yên Bái) đã triển khai thực hiện 65 tiểu dự án tại 7 xã, tổng trị giá trên 3 tỷ 600 triệu đồng và gần 700 hộ dân được hưởng lợi. Các tiểu dự án chủ yếu đầu tư hỗ trợ phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm...