Sau vụ đao riềng mất giá: Những vấn đề đặt ra
- Cập nhật: Thứ ba, 11/3/2014 | 3:34:17 PM
YBĐT - Năm 2013, xã Quy Mông (Trấn Yên) trồng 55ha cây đao riềng, trong đó khoảng 40ha được trồng trên các diện tích đất soi bãi màu mỡ ven sông Hồng, còn lại trồng trên đất bạc màu, ít màu mỡ, ven suối hoặc đất vườn tạp.
Năm 2013, giá thu mua đao riềng xuống thấp, nhiều hộ dân chuyển sang trồng loại cây khác.
|
Sau một vụ thu hoạch giá đao riềng giảm, giá trị thu nhập trên một đơn vị diện tích chỉ bằng 1/3 so với năm trước thì hiện nay, nhiều hộ nông dân đang chuyển đổi sang các loại cây trồng khác như ngô, sắn, lạc, dâu tằm. Tuy nhiên, nhiều hộ dân ở thôn 1 và thôn 2 vẫn tiếp tục trồng với hi vọng giá đao củ, đao bột năm nay sẽ tăng cao trở lại.
Ba năm trước đây, gia đình bà Phạm Thị Tiến ở thôn 5 luôn coi cây đao riềng là loại cây đem lại thu nhập chính cho gia đình. Năm 2012, toàn bộ diện tích 3 sào đất soi bãi, gia đình trồng loại cây này. Mỗi năm, nhà cũng có thu nhập trên 15 triệu đồng từ bán đao củ. Đến năm 2013, cũng diện tích ấy, bà Tiến chỉ thu chưa đầy 5 triệu đồng bởi giá đao củ giảm thấp, đầu vụ bán được 500 đồng/kg, về sau chỉ bán được 300 đồng/kg, trừ chi phí và công lao động thì 3 sào đất đó coi như không cho thu nhập. Thất vọng vì giá thu mua thấp, năm nay, gia đình quyết định bỏ cây đao riềng để trồng lạc, ngô với mong muốn sẽ có nguồn thu nhập ổn định hơn.
Cũng giống như gia đình bà Tiến, nhiều hộ dân ở các thôn 3, thôn 4, thôn 5 xã Quy Mông - những địa bàn mới mở rộng diện tích trồng đao riềng năm nay đã quay lưng với loại cây trồng được coi là đem lại thu nhập chủ lực trong vài năm qua. Những năm trước, giá đao củ vào vụ thu hoạch luôn ổn định từ 1.200 - 1.300 đồng/kg, giá đao bột từ 13.000 - 15.000 đồng/kg. Khi đó, thương lái đến tận bãi đặt mua đao củ, các xưởng chế biến tinh bột sản xuất ra đến đâu bán hết đến đó.
Trái ngược hẳn, vụ thu hoạch năm 2013, giá đao củ lúc cao nhất là 700 - 800 đồng/kg, đến cuối vụ chỉ còn 300 đồng/kg. Đao củ thu hoạch chất thành đống chờ thương lái. Người nông dân với tâm lý “bỏ thì thương, vương thì tội”, không có nhân công phải đi thuê, cuối cùng bán được với giá rẻ như cho nên trừ các chi phí thuê người, tiền phân bón thì vẫn lỗ. Mặc dù vậy, nông dân vẫn phải thu hoạch để giải phóng đất.
Theo ông Hoàng Xuân Trường - Chủ tịch UBND xã Quy Mông: “Năm 2014, diện tích trồng đao riềng trên địa bàn xã Quy Mông sẽ giảm từ 15ha đến 20ha, nhân dân các thôn mới tham gia trồng thất vọng vì thu nhập thấp nên chuyển đổi cây trồng khác. Tuy nhiên, các hộ dân ở thôn 1 và thôn 2 đã gắn bó với cây đao riềng từ hàng chục năm nay vẫn tiếp tục trồng”.
Năm 2013, gia đình bà Tống Thị Trường ở thôn 2 đầu tư gần một triệu đồng mua giống và phân bón để trồng 6 sào đao riềng. Những năm trước, với diện tích này, gia đình có thu nhập trên 30 triệu đồng nhờ thu hoạch đao củ rồi thuê chế biến tinh bột đem bán. Nhưng năm 2013, bà Trường chỉ thu được 11 triệu đồng từ diện tích này.
Mặc dù vậy, trong năm 2014 này, gia đình vẫn tiếp tục trồng đao riềng trên toàn bộ diện tích soi bãi. Thêm nữa, bà còn trồng thử nghiệm giống đao mới để tăng năng suất. Tâm trạng vẫn chưa hết thất vọng sau vụ đao mất giá vừa qua song gia đình bà và các hộ dân trong thôn vẫn hi vọng vào một vụ thu hoạch mới giá cả sẽ khởi sắc.
Giá đao riềng rẻ như vừa qua có nhiều nguyên nhân, trong đó chủ yếu là đầu ra của sản phẩm này có nhiều biến động do nhiều địa phương ở các tỉnh phía Bắc đồng loạt trồng đao riềng nên sản lượng củ tăng nhiều. Ngoài ra còn có yếu tố giá bột tại các thị trường lớn như Hà Nội đều giảm, thậm chí có tình trạng ế bột từ năm 2012 nên giá mua củ đao riềng cũng phải giảm theo.
Trong những năm qua, xã Quy Mông đã xây dựng kế hoạch phát triển cây đao riềng theo hướng quy mô sản xuất hàng hóa và tạo vùng nguyên liệu lớn. Sau vụ đao mất giá năm 2013, việc vận động người dân mở rộng diện tích sẽ gặp khó khăn. Vì vậy, trong thời gian tới, chính quyền địa phương sẽ tiếp tục phối hợp với các ngành chức năng của tỉnh, của huyện để tập trung tăng cường hướng dẫn kỹ thuật, chuyển giao khoa học công nghệ, hỗ trợ các cơ sở sơ chế tinh bột đao ngay tại địa phương.
Đồng thời là triển khai xây dựng tổ hợp tác sản xuất miến đao, hướng tới xây dựng làng nghề có quy trình sản xuất khép kín, giảm phụ thuộc vào các cơ sở sản xuất miến ở ngoài tỉnh để tạo nguồn thu nhập ổn định, bền vững cho nhân dân.
Không riêng ở Quy Mông, năm 2013, người dân ở nhiều địa phương của Trấn Yên trồng đao riềng như Y Can, Minh Quân cũng lao đao vì giá thu mua thấp. Quanh năm “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời”, người nông dân chỉ mong cây đao được mùa bội thu nhưng khi được mùa thì lại mất giá, thường xuyên phải đối mặt với việc bị tư thương ép giá. Vì vậy, các địa phương cần phối hợp chặt chẽ với các ngành chức năng để tính toán, quy hoạch vùng nguyên liệu phù hợp, xây dựng các cơ sở chế biến hiện đại để người dân có nguồn thu nhập ổn định, tránh tình trạng người nông dân quay lưng với cây đao riềng.
Thanh Tiến
Các tin khác
Tiền gửi sau Tết vẫn dồi dào và vốn trên liên ngân hàng cũng dư thừa, đã khiến nhiều ngân hàng thương mại cổ phần tiếp tục giảm lãi suất huy động, đặc biệt ở kỳ hạn ngắn.
YBĐT - Trên cơ sở Đề án phát triển giao thông nông thôn (GTNT) tỉnh Yên Bái giai đoạn 2011 - 2015, thành phố Yên Bái đã tích cực tập trung triển khai chương trình kiên cố hóa đường GTNT trên địa bàn.
YBĐT - Năm 2013, Trung tâm Phát triển quỹ đất tỉnh Yên Bái đã kịp thời tham mưu cho tỉnh các giải pháp hợp lý nhằm tăng thu ngân sách từ đất. Tổng số tiền đấu giá quyền sử dụng đất, giao đất năm 2013 đạt 159,9 tỷ đồng, bằng 101,2% kế hoạch.