Văn Yên thúc đẩy sản xuất nông - lâm nghiệp
- Cập nhật: Thứ năm, 13/3/2014 | 2:42:03 PM
YBĐT - Năm 2014, để hoàn thành các chỉ tiêu sản xuất nông lâm nghiệp đã đề ra, huyện Văn Yên đã xác định nhiều giải pháp cụ thể. Đó là quy hoạch vùng sản xuất lúa, ngô hàng hóa, vùng quế, sắn theo hướng ổn định về diện tích, gắn với chế biến và tiêu thụ sản phẩm.
Với diện tích lúa tập trung, huyện Văn Yên chỉ đạo đảm bảo cơ cấu giống với vùng cao cấy 60% giống lúa thuần, 40% giống lúa lai; ở vùng thấp 30% lúa lai, 70% lúa thuần.
Ảnh: Đồng chí Doãn Văn Thủy trao đổi với bà con nông dân về cơ cấu giống.
|
Theo đó, huyện tiếp tục thực hiện tốt cơ chế, chính sách hỗ trợ nông - lâm nghiệp, duy trì diện tích lúa, ngô và các cây trồng khác trên địa bàn huyện; quy hoạch vùng sản xuất lúa ngô hàng hóa, vùng quế, sắn theo hướng ổn định về diện tích, gắn với chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Đồng thời tìm hiểu và liên kết thị trường, tận dụng thế mạnh về đất, tìm những loại cây trồng có giá trị kinh tế cao, phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng của địa phương đưa vào thâm canh sản xuất.
Bên cạnh đó, đẩy mạnh phát triển chăn nuôi, tập trung các giải pháp tăng nhanh số lượng đàn trâu, bò, lợn; hỗ trợ các địa phương nằm trong vùng quy hoạch khôi phục, phát triển đàn gia súc, khuyến khích các hộ chăn nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa, chăn nuôi tập trung và bán tập trung; chú trọng phát triển các mô hình chăn nuôi cho giá trị kinh tế cao như: ba ba, cá chiên lồng, cá quất, thỏ, nhím, rúi.
Ông Doãn Văn Thủy - Phó chủ tịch UBND huyện Văn Yên cho biết: Đối với diện tích lúa tập trung, huyện chỉ đạo đảm bảo cơ cấu giống: vùng cao cấy 60% lúa thuần, 40% lúa lai để đảm bảo an ninh lương thực, vùng thấp lúa lai 30%, lúa thuần 70% để có sản phẩm hàng hóa, trong đó, tập trung vào giống lúa Chiêm Hương nhằm giữ thương hiệu lúa “Chiêm Hương Đại - Phú - An”; hướng dẫn nhân dân tuân thủ lịch thời vụ do ngành nông nghiệp đã đề ra, vùng tập trung thâm canh thực hiện cấy lúa xuân sớm - mùa sớm để làm cây vụ đông 2014 trên 1.000 ha có thu nhập trên 100 triệu đồng/ha năm.
Cùng đó, chú trọng các khâu, biện pháp kỹ thuật trong trồng lúa như biện pháp thâm canh cải tiến SRI, phòng trừ dịch hại tổng hợp IPM, tưới tiêu khoa học, bón phân cân đối để đạt năng suất 55 tạ/ha đối với vùng thấp, 50 tạ/ha ở vùng cao, tiếp tục sản xuất giống lúa Chiêm Hương tại xã Đại Phác, đảm bảo chủ động cung ứng giống cho nông dân... - ông Thủy cho biết thêm.
Về cây ngô, ngành nông nghiệp huyện sẽ phối hợp với UBND các xã, tiếp tục chỉ đạo, khuyến khích nhân dân tăng diện tích gieo trồng, chuyển dần một phần diện tích trồng sắn sang chuyên trồng ngô, các xã vùng cao tận dụng diện tích ruộng 1 vụ, không đủ nước trồng lúa xuân sang trồng ngô, thực hiện tốt kế hoạch trồng ngô đông trên đất 2 vụ lúa, tăng tỷ lệ cơ cấu giống ngô lai đưa vào gieo trồng, áp dụng các biện pháp thâm canh như: bón phân cân đối, phòng trừ sâu bệnh, các xã vùng cao vận động nhân dân bón phân cho ngô để đạt năng suất bình quân 36 tạ/ha, tạo vùng sản xuất hàng hóa.
Đối với cây sắn, ổn định diện tích theo qui hoạch, áp dụng các biện pháp canh tác bền vững như: bón phân, trồng cây trên đỉnh đồi, trồng băng cỏ hoặc cây cốt khí theo đường đồng mức, trồng xen đậu đỗ, san gạt đường băng hoặc xếp băng cành sắn theo đường băng bảo vệ đất, chống xói mòn giữ độ phì cho đất đảm bảo canh tác lâu dài. Các loại cây trồng khác ổn định diện tích, năng suất và sản lượng nhằm phát huy lợi thế của từng vùng.
Năm 2014, Văn Yên phấn đấu tổng sản lượng lương thực có hạt đạt 50.250 tấn, trong đó: thóc trên 30.313 tấn, ngô trên 19.936 tấn, sắn 6.500 ha, khoai lang 300 ha, đậu tương 135 ha, lạc 162 ha, mía 380 ha, chè 315 ha; tổng đàn trâu 19.500 con, bò 1.000 con, lợn 89.600 con; tập trung sản xuất vụ đông xuân với 2.794 ha lúa, 3.395 ha ngô, trồng 6.500 ha sắn, trồng rừng vụ xuân 1.800 ha. |
Trên lĩnh vực phát triển thủy sản là chủ động phối hợp với UBND các xã, thị trấn hướng dẫn nhân dân cải tạo các ao, hồ, áp dụng các biện pháp thâm canh, sử dụng kỹ thuật nuôi phù hợp, ngăn ngừa dịch bệnh để tăng sản lượng thủy sản, chuẩn bị giống đảm bảo chất lượng phục vụ nhân dân nuôi trồng, khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư vào nuôi cá lồng trên sông và hồ.
Bên cạnh đó, tiếp tục nâng cao chất lượng quản lý Nhà nước về nông nghiệp, Văn Yên tăng cường đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng cán bộ làm công tác khuyến nông, khuyến lâm, cán bộ kỹ thuật nông - lâm - thủy sản, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, phối hợp với UBND các xã tăng cường công tác quản lý về giống, thức ăn, vật tư, phân bón thuốc bảo vệ thực vật phục vụ sản xuất, thực hiện tốt công tác thủy lợi, tập trung phối hợp với các cấp chính quyền địa phương rà soát, đánh giá thực trạng công trình thủy lợi, đầu tư nâng cấp, sửa chữa các công trình thủy lợi hư hỏng, tiếp tục củng cố ban quản lý thủy nông các xã, chủ động tuyên truyền cho nhân dân phòng chống giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai gây ra, tạo các điều kiện thuận lợi nhất phục vụ sản xuất và bảo vệ sản xuất.
Cũng theo ông Doãn Văn Thủy, năm 2014, huyện Văn Yên sẽ tập trung làm tốt công tác bảo vệ diện tích rừng tự nhiên hiện có với 16.000 ha rừng đặc dụng, 20.000 ha rừng phòng hộ và 23.000 ha rừng tự nhiên sản xuất, thông qua tăng cường tuyên truyền Luật Bảo vệ và Phát triển rừng đến các chủ rừng và toàn thể nhân dân, kiện toàn Ban chỉ đạo những vấn đề cấp bách về bảo vệ và phát triển rừng từ huyện đến cơ sở, củng cố các tổ, đội bảo vệ rừng, rà soát lại các hợp đồng giao khoán bảo vệ rừng của các hộ, nhóm hộ, tiếp tục thực hiện giao bảo vệ rừng tự nhiên cho cộng đồng dân cư.
Đồng thời tăng cường công tác kiểm soát, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm như: làm nương, khai thác, vận chuyển, buôn bán lâm sản trái phép; thực hiện tốt công tác phòng cháy, chữa cháy rừng (PCCCR), chỉ đạo các xã xây dựng phương án PCCCR sát với thực tế cơ sở, đồng thời phương án đó phải được tuyên truyền rộng rãi trong nhân dân. Từ đó, phát huy sức mạnh toàn dân trong PCCCR theo phương châm “4 tại chỗ”, khuyến khích phát huy vai trò của những người có uy tín trong cộng đồng, đồng thời phát huy tác động tích cực của các hương ước, quy ước của cộng đồng thôn, bản trong bảo vệ và phát triển rừng.
Bên cạnh đó, Văn Yên tiếp tục thực hiện Đề án giao rừng, cho thuê rừng gắn với giao đất, cho thuê đất cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp; đẩy mạnh công tác trồng rừng, chủ yếu là quế, keo, bồ đề. Các xã vùng quế gồm 8 xã: Đại Sơn, Viễn Sơn, Mỏ Vàng, Nà Hẩu, Phong Dụ Thượng, Phong Dụ Hạ, Xuân Tầm và xã Châu Quế Hạ thực hiện tốt qui trình trồng và chăm sóc quế nhất là khâu chọn giống để đảm bảo thương hiệu quế Văn Yên.
Bên cạnh đó, làm tốt công tác quản lý giống đưa vào trồng rừng, giống phải có nguồn gốc rõ ràng, nhất là giống quế đưa vào ươm trồng phải có nguồn gốc từ các vườn quế tại các xã vùng quế, phát huy tốt hiệu quả của các cây quế giống đã được tuyển chọn bảo tồn tại các xã để làm giống. Giải pháp quan trọng nhất đó là tuyên truyền cho mọi người dân quí rừng như chính tài sản của mình và phát triển rừng để ổn định cuộc sống.
Mạnh Cường
Các tin khác
YBĐT - Ngày 13/3, tại Trung tâm Hội nghị tỉnh Yên Bái, Sở Tài nguyên và Môi trường đã phối hợp với Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam tổ chức Hội nghị tập huấn tuyên truyền, phổ biến các văn bản quy phạm pháp luật về khoáng sản.
YBĐT - Chiều ngày 12/3, Sở Kế hoạch và Đầu tư tổ chức Hội nghị Tổng kết Quy chế phối hợp giữa Sở Kế hoạch và Đầu tư với Công an tỉnh Yên Bái.
YBĐT - Nếu như những vụ xuân trước, cánh đồng đã được phủ kín bằng cây lạc thì năm nay, bà con thôn Làng Mường, xã Vĩnh Lạc (Lục Yên) lại trồng xuống đó những cây ớt. Theo đánh giá của cơ quan chuyên môn, điều kiện nông hóa, thổ nhưỡng ở đây rất tốt, tốt hơn gấp nhiều lần so với vùng chuyên canh ớt ở tỉnh Vĩnh Phúc.
Đây là thông tin bà Phùng Lý Hà – Phó ga Hà Nội cung cấp vào chiều 12.3 về kế hoạch bán vé tàu hỏa dịp 30.4 – 1.5 và chớm hè 2014.