Yên Bình tập trung chăm sóc lúa đông xuân

  • Cập nhật: Thứ hai, 31/3/2014 | 3:51:19 PM

YBĐT - Đặc biệt, thực hiện công tác phòng trừ sâu bệnh hại lúa, ngành nông nghiệp huyện đã duy trì tốt công tác dự báo, tham mưu chỉ đạo phòng trừ kịp thời khi sâu bệnh đạt tới ngưỡng gây hại, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do sâu bệnh gây ra.

Cán bộ Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Yên Bình kiểm tra quá trình sinh trưởng và phát triển của lúa đông xuân.
Cán bộ Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Yên Bình kiểm tra quá trình sinh trưởng và phát triển của lúa đông xuân.

Những ngày này, nhà nông huyện Yên Bình tích cực thăm đồng, chủ động phòng chống sâu bệnh cho cây lúa. Bà Ngô Thị Thế ở thôn 7, xã Phú Thịnh cho biết: "Vụ xuân này, gia đình tôi  cấy 4 sào lúa, chủ yếu bằng các giống lúa ngắn ngày. Hồi đầu vụ, thời tiết khá thuận lợi, cây lúa sinh trưởng và phát triển tốt nhưng hơn tháng nay, trời mưa suốt nên cây lúa chậm phát triển, đã vậy gần đây xuất hiện ốc bươu vàng hại lúa nhưng do thường xuyên kiểm tra đồng ruộng nên gia đình diệt trừ kịp thời. Hơn tuần nay, tôi thường xuyên kiểm tra đồng ruộng, phát hiện sớm và phòng trừ kịp thời sâu bệnh không để ảnh hưởng đến năng suất".

Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Yên Bình, vụ đông xuân này, toàn huyện đưa vào gieo cấy trên 2.000ha lúa đông xuân với các giống chủ lực là giống lúa ngắn ngày như: HT1, Chiêm Hương, Khang Dân, Việt Lai 20, lúa Thái Bình, Nhị Ưu 838… Thời tiết đầu vụ tương đối thuận lợi, nắng ấm vào thời điểm trước Tết Nguyên đán cùng với sự chuẩn bị khá tốt các điều kiện phục vụ sản xuất như: làm đất, lấy nước, chuẩn bị giống, vật tư, phân bón đã giúp nông dân đẩy nhanh tiến độ gieo cấy, chăm sóc nên hầu hết diện tích được gieo cấy trước tết.

Tuy nhiên, sau tết, thời tiết rét đậm rét hại kéo dài đã làm chết trên 70ha. Khắc phục diện tích lúa chết rét, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện đã cử cán bộ phối hợp với các xã đôn đốc nhân dân khẩn trương gieo cấy lại bằng các giống lúa ngắn ngày, làm mạ khay để rút ngắn thời gian, nhờ đó toàn bộ diện tích gieo cấy xong trước ngày 5/3/2014.

Đảm bảo nước tưới tiêu hợp lý cho cây lúa phát triển, huyện chỉ đạo các đơn vị liên quan phối hợp chặt chẽ trong việc cung cấp điện, bơm nước kịp thời theo yêu cầu sản xuất, không để ruộng bị hạn. Các xã, thị trấn căn cứ vào điều kiện thực tế đơn vị mình chủ động tích trữ và điều tiết nước hợp lý theo yêu cầu sinh trưởng, tạo điều kiện cho cây lúa đẻ nhánh sớm, đẻ nhánh tập trung, đạt số rảnh hữu hiệu cao. Ngoài ra, Phòng còn tổ chức trên 100 lớp tập huấn cho nông dân hướng dẫn kỹ thuật trong các khâu từ ngâm ủ hạt giống, làm mạ đến phòng chống rét cho mạ, chăm sóc lúa, cách phòng chống sâu bệnh trên lúa.

Đặc biệt, thực hiện công tác phòng trừ sâu bệnh hại lúa, ngành nông nghiệp huyện đã duy trì tốt công tác dự báo, tham mưu chỉ đạo phòng trừ kịp thời khi sâu bệnh đạt tới ngưỡng gây hại, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do sâu bệnh gây ra. Cũng theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện, thời gian vừa qua, trên đồng ruộng chỉ xuất hiện lẻ tẻ hiện tượng ốc bươu vàng hại lúa với mật độ trung bình 1 con/m2. Các loại sâu hại hoa màu khác như: sâu xanh, bọ nhảy, bệnh rệp muội, sâu vẽ bùa, sâu non bướm phượng đã xuất hiện và gây hại rải rác với mức độ nhẹ.

Tuy nhiên, theo dự báo của ngành nông nghiệp, với điều kiện thời tiết nắng mưa xen kẽ như hiện nay, sâu bệnh hại lúa và cây màu lại có điều kiện phát triển. Đặc biệt là bệnh đạo ôn sẽ tiếp tục gây hại trên các trà lúa (nếu thời tiết ấm, độ ẩm không khí cao và có mưa nhỏ), cao điểm của bệnh vào cuối tháng 3 đến giữa tháng 4; bệnh rầy nâu, rầy lưng trắng, ruồi, bọ trĩ, bệnh khô vằn, chuột hại mạnh ở giai đoạn đứng cái làm đòng. Ngoài ra, nông dân cần lưu ý sâu cuốn lá, sâu đục thân, bệnh nghẹt rễ, bệnh đốm sọc vi khuẩn, bọ xít đen, bệnh bạc lá... gây hại rải rác.

Để vụ đông xuân đạt năng suất cao, từ nay đến cuối vụ Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Yên Bình tiếp tục chỉ đạo nhân dân tập trung chăm sóc tốt cây lúa, làm tốt công tác dự báo tình hình sâu bệnh và phát hiện sớm, xử lý kịp thời khi có sâu bệnh xuất hiện; chuẩn bị tốt khâu tưới tiêu cho cây trồng của ngành chức năng. Nông dân nên thường xuyên kiểm tra đồng ruộng, phát hiện sớm và phòng trừ sâu bệnh kịp thời.

Các địa phương cần tăng cường tuyên truyền, vận động, hướng dẫn người dân nhận biết từng đối tượng sâu bệnh và biện pháp phòng trừ; chủ động nguồn thuốc bảo vệ thực vật phòng khi có dịch xảy ra; tránh tình trạng chủ quan, để sâu bệnh lây lan trên diện rộng, gây ảnh hưởng đến chất lượng và năng suất lúa đông xuân.

 Văn Thông

Các tin khác
Khách hàng đang giao dịch vàng miếng tại hệ thống DOJI.

Mở cửa ngày giao dịch cuối tháng ba (31/3), giá bán vàng SJC được các doanh nghiệp trong nước niêm yết ở mức 35.59 triệu đồng/lượng. Tính trong tháng Ba, thương hiệu này giảm tới 800.000 đồng mỗi lượng.

YBĐT - Thời gian này, do thời tiết mưa nhiều, âm u, không có nắng nên trên khắp cánh đồng các xã: Liễu Đô, Minh Xuân, Hoàng Thắng, Mai Sơn… nông dân huyện Lục Yên (Yên Bái) tích cực thăm đồng vì đây là thời điểm thuận lợi cho các loại sâu bệnh hại cây lúa.

Theo Tổng cục Thống kê, tổng mức hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 3 ước tính đạt 233,1 nghìn tỷ đồng, tăng 2% so với tháng trước và tăng 10,1% so với cùng kỳ năm trước.

Tổng Cty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) cho biết, gói thầu xây lắp A7 qua huyện Văn Bàn, Bảo Yên (Lào Cai) thuộc Dự án cao tốc Nội Bài - Lào Cai sẽ được đưa vào khai thác tạm từ ngày 1/4 tới.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục