Nuôi bồ câu Pháp - hướng đi mới

  • Cập nhật: Thứ sáu, 27/6/2014 | 2:52:07 PM

YBĐT - Trong những năm gần đây, phong trào chăn nuôi trên địa bàn thành phố Yên Bái phát triển khá mạnh, đa dạng về mô hình và cho hiệu quả kinh tế khá cao. Một trong số đó là mô hình nuôi chim bồ câu Pháp của hộ gia đình bà Phan Thị Tân ở thôn 3, xã Văn Phú.

Sau lần tình cờ xem một chương trình nông nghiệp giới thiệu về mô hình nuôi chim bồ câu trên Đài Truyền hình Việt Nam, nhận thấy đây là mô hình mới, có nhiều triển vọng và có thể làm giàu nên bà Tân đã quyết định nuôi thử nghiệm 50 cặp chim bồ câu mua tại Trung tâm Nghiên cứu Gia cầm Thụy Phương, Từ Liêm, Hà Nội. Thời gian đầu mới nuôi, bà cũng rất lo vì thông thường chim bồ câu được nuôi thả tự do, tự kiếm mồi, tự xây tổ, sự can thiệp của con người là rất ít thì nay nuôi trong chuồng không biết có thích nghi được không.

Mặt khác, với khí hậu địa phương nóng, ẩm, mưa nhiều nên bà sợ không phù hợp với chim bồ câu giống ngoại này. Thế nhưng sau hơn 2 năm, bà Tân đã xây dựng được một mô hình nuôi chim bồ câu khá hoàn chỉnh với 100 cặp bồ câu đang sinh sản. Ban đầu, khi mới nuôi, bà chủ yếu bán bồ câu giống cho các hộ chăn nuôi khác trên địa bàn thành phố.

Khi mô hình được nhân rộng, bà đã kết hợp vừa nhân giống vừa nuôi chim thịt cung cấp cho các nhà hàng, khách sạn lớn có nhu cầu. Bà Tân chia sẻ: “Nuôi bồ câu không khó, đặc tính của chim là loài động vật hoang dã, chỉ cần một không gian chuồng trại thoáng mát, ánh sáng đầy đủ, sạch sẽ và cung cấp nguồn thức ăn đầy đủ, mỗi ngày cho ăn 2 lần vào buổi sáng và chiều, nguồn nước uống sạch sẽ là có thể nuôi được. Còn dịch bệnh đối với bồ câu thì từ ngày nuôi đến nay, tôi chưa thấy xuất hiện. Chim bồ câu khỏe mạnh, phát triển rất tốt, được thị trường ưa chuộng”.

Theo bà Tân, mô hình nuôi chim bồ câu ai cũng có thể nuôi được, hiệu quả kinh tế cao, đầu ra tiêu thụ rất lớn, thường gia đình bà không nuôi kịp để cung cấp cho thị trường. Phân của bồ câu được tận dụng bón cho cây trồng rất hiệu quả nên việc mở rộng mô hình sẽ giúp nông dân có cơ hội thoát nghèo và phát triển kinh tế là rất khả quan.

Chim bồ câu sinh sản rất nhanh, từ chim giống đến khi sinh sản được khoảng 2,5 - 3 tháng; mỗi lần bồ câu đẻ hai trứng, ấp khoảng 20 ngày là nở. Sau khi chim bồ câu nở được 10 ngày, người nuôi phải tiến hành bắt chim con ra khỏi ổ và chuyển vào ổ bên cạnh cho chim trống nuôi, làm như vậy để chim mái tiếp tục đẻ trứng. Như vậy, có thể thấy, quá trình sinh sản của chim bồ câu liên tục và khá nhanh, hiệu quả kinh tế mang lại cho người nuôi thấy rõ.

Với 100 cặp chim bồ câu ở độ tuổi đang sinh sản, mỗi tháng, gia đình bà thu về khoảng 45 cặp chim bồ câu giống. Nếu tính giá 1 cặp chim giống hiện bán trung bình 200.000 đồng thì bán 45 cặp sẽ thu về 9 triệu đồng. Giá thức ăn cho bồ câu (chủ yếu là ngô, lúa, cám trộn lẫn) vào khoảng 8.000 đồng trên 1kg, một ngày trung bình 100 cặp chim ăn hết 10 kg thức ăn, một tháng khoảng 3 tạ thì chi phí thức ăn chỉ hết khoảng 2,55 triệu đồng. Mỗi tháng, sau khi trừ đi các khoản chi phí nuôi dưỡng, chăm sóc, bà Tân cũng thu về từ 6 - 6,5 triệu đồng tiền lãi và đối với một người làm nghề nông thì đây là một thu nhập rất đáng kể.

Trong thời gian tới, bà Tân sẽ tiếp tục triển khai mở rộng mô hình này với một quy mô lớn hơn. Đồng thời, bà Tân cho biết sẽ sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm nuôi bồ câu của mình cho các hộ gia đình có ý định làm kinh tế theo mô hình này.

Lâu nay, bồ câu là loài chim thường được mọi người nuôi chủ yếu làm cảnh, còn nuôi bồ câu để làm kinh tế thì hẳn nhiều người chưa nghĩ tới. Thành công từ mô hình nuôi chim bồ câu Pháp của bà Phan Thị Tân đã mở ra hướng đi mới, góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người dân đồng thời cung cấp nguồn thực phẩm an toàn, có giá trị dinh dưỡng cao, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng.

Nguyễn Thanh Lâm

Các tin khác
Đóng bao gạo xuất khẩu tại Xí nghiệp chế biến lương thực số 2.

Theo một quan chức Chính phủ Philippines, chính phủ nước này vừa quyết định sẽ nhập thêm 200 tấn gạo của Việt Nam nhằm ổn định nguồn hàng dự trữ của Cơ quan lương thực quốc gia (NFA).

Nhiều hộ hội viên phụ nữ xã Minh Tiến có thu nhập cao từ trồng dưa hấu.

YBĐT - Từ những thửa ruộng quanh năm trồng lúa chỉ đủ ăn, bằng sự cần cù, chịu khó, nhiều hội viên phụ nữ xã Minh Tiến (Lục Yên) đã mạnh dạn thực hiện mô hình trồng cây dưa hấu không chỉ giúp thoát nghèo, có đời sống ổn định mà còn vươn lên làm giàu chính đáng.

Ảnh minh họa.

Cục Quản lý giá, Bộ Tài chính vừa có Công văn đôn đốc các địa phương tiếp tục triển khai thực hiện biện pháp bình ổn giá đối với sản phẩm sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi.

YBĐT - Đến thời điểm này, nhân dân trong huyện Trạm Tấu đã thu hoạch được 40% diện tích và cày bừa được trên 20% diện tích. Theo kế hoạch vụ mùa này, huyện sẽ gieo cấy 1.455 ha lúa, tăng 35 ha so với năm trước.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục