Tạo đà phát triển cho chăn nuôi nông hộ

  • Cập nhật: Thứ sáu, 18/7/2014 | 9:16:00 AM

YBĐT - Chăn nuôi hàng hóa có nhiều ưu điểm khi tạo ra khối lượng hàng hóa lớn, tập trung, dễ áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật. Tuy nhiên, hiện nay, chăn nuôi nông hộ vẫn chiếm tỷ trọng lớn. Nâng cao hiệu quả chăn nuôi nông hộ sẽ góp phần tạo đà phát triển cho ngành chăn nuôi nói chung.

Chăn nuôi nông hộ vẫn tiếp tục giữ vai trò quan trọng trong những năm tiếp theo.
Chăn nuôi nông hộ vẫn tiếp tục giữ vai trò quan trọng trong những năm tiếp theo.

Đối với Yên Bái, ngoài một số cơ sở chăn nuôi lớn thuộc Tổng công ty Hòa Bình Minh, Công ty TNHH Bình An, Công ty Cửu Long Vinashin và gần 600 cơ sở được hỗ trợ chăn nuôi theo hướng hàng hóa thì hàng vạn hộ chăn nuôi nhỏ vẫn giữ vai trò chủ lực trong việc tạo ra sản phẩm chăn nuôi phục vụ nhu cầu của thị trường. Nếu như mỗi năm, ngành chăn nuôi của tỉnh cung cấp 30.000 tấn thịt hơi, trên 52 triệu quả trứng các loại thì chăn nuôi trong các nông hộ cung cấp trên 70% sản lượng thịt, 80% sản phẩm trứng gia cầm cho thị trường.

Điều đó thể hiện vai trò quan trọng khó có thể thay thế trong ngày một ngày hai của hình thức chăn nuôi này. Loại hình chăn nuôi nông hộ có truyền thống lâu đời phù hợp với điều kiện kinh tế hộ gia đình tại nông thôn, chăn nuôi theo phương pháp tận dụng các phụ phẩm nông nghiệp, hình thức tự cung tự cấp hoặc "tiền bỏ ống". Chăn nuôi nông hộ hoàn toàn phù hợp với điều kiện chăn nuôi của địa phương, đặc biệt tại vùng cao, vùng đặc biệt khó khăn, người dân tự chủ động được con giống, không phải đầu tư cơ sở vật chất nhiều, góp phần đảm bảo việc làm, tăng thu nhập cho nông dân.

Tuy có vai trò quan trọng, tạo ra khối lượng sản phẩm lớn nhưng chăn nuôi theo hình thức nông hộ cũng vấp phải những khó khăn chung đã tồn tại từ lâu nay. Đầu tiên là vấn đề về con giống, các nông hộ phần lớn chưa được chú ý đầu tư giống mới, có năng suất cao mà chủ yếu là các giống lợn hai bề, gà ri, bò vàng, trâu ngố địa phương... Thức ăn tận dụng từ các phụ phẩm nông nghiệp, chưa tạo ra quá trình chuyên môn hóa trong chăn nuôi. Vì chăn nuôi nhỏ lẻ nên ý thức phòng chống dịch bệnh còn hạn chế, người dân chưa chủ động nên đây dễ là nơi bùng phát các ổ dịch như: cúm gia cầm, lở mồm long móng, tụ huyết trùng…

Ngoài ra, các hộ chăn nuôi hiện nay vẫn phải loay hoay tự tìm đầu ra tiêu thụ sản phẩm, phụ thuộc vào thị trường lúc lên lúc xuống. Lúc giá cao người nông dân tích cực tái đàn, lúc giá xuống nhiều hộ sẵn sàng bỏ trống chuồng đợi giá lên. Gia đình bà Phạm Thị An ở xã Yên Bình (Yên Bình) là một trong hàng vạn hộ chăn nuôi. Mỗi lứa, bà chỉ nuôi vài con lợn. Bà cho biết: "Nuôi lợn coi như thêm thắt vào kinh tế gia đình, tận dụng cám ngô, sắn nhà trồng được. Nếu lợn bán được giá, tôi sẽ nuôi nhiều lên, còn đợt nào giá lợn thấp quá thì chỉ nuôi một vài con thôi, lấy công làm lãi và giải quyết việc làm cho 1 lao động trong gia đình".

Chăn nuôi nông hộ vẫn tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong những năm tiếp theo. Vì vậy, đối với Yên Bái, ngoài chính sách hỗ trợ chăn nuôi hàng hóa, tỉnh đã có chính sách hỗ trợ cho các hộ chăn nuôi tại vùng cao, vùng đặc biệt khó khăn. Mỗi hộ chăn nuôi tại các địa phương này được hỗ trợ 1 triệu đồng cho 100 con gà hoặc 5 con lợn. Năm 2012, đã có 1.000 hộ và năm 2013 có 1.543 hộ được nhận hỗ trợ từ chính sách này.

Đặc biệt, vừa qua, Chính phủ xây dựng Dự thảo lấy ý kiến của các tỉnh, thành phố về chính sách hỗ trợ nâng cao hiệu quả chăn nuôi nông hộ giai đoạn 2014 - 2020. Nhà nước vẫn tiếp tục xác định vai trò quan trọng của chăn nuôi nông hộ, các chính sách này không phải là khuyến khích người dân đầu tư chăn nuôi nhỏ lẻ mà tạo đà cho chăn nuôi nông hộ đổi mới, phát triển theo hướng chuyên nghiệp, gia tăng các yếu tố công nghiệp nhằm tăng năng suất, hạ chi phí sản xuất, nâng cao hiệu quả kinh tế, đảm bảo an toàn dịch bệnh, vệ sinh thực phẩm và bảo vệ môi trường. Nếu Dự thảo được thông qua, người chăn nuôi sẽ được hỗ trợ về giống, thú y, trồng và sản xuất thức ăn chăn nuôi, môi trường và xây dựng chuồng trại chăn nuôi, hình thành chuỗi liên kết sản phẩm và xúc tiến thương mại, đào tạo và huấn luyện kỹ năng chăn nuôi cho nông dân...

Đối với một tỉnh miền núi nghèo như Yên Bái vẫn cần tiếp tục duy trì chăn nuôi nông hộ, nhất là tại những địa phương vùng cao, vùng khó khăn chưa thể đầu tư quy mô lớn để phát triển thành trang trại, gia trại lớn nhằm giải quyết vấn đề tiêu thụ tại chỗ cũng như góp phần tạo ra sản phẩm hàng hóa, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn khi đất đai dành cho sản xuất nông nghiệp ngày một bị thu hẹp.

Tuy nhiên, để chăn nuôi nông hộ phát triển theo hướng chuyên nghiệp, ngành nông nghiệp cần đẩy mạnh công tác phòng chống dịch bệnh trên đàn vật nuôi, tiêm phòng các loại vắc-xin đầy đủ; hệ thống khuyến nông cần hướng dẫn nông dân phương pháp chăn nuôi có hiệu quả, đưa các giống mới vào sản xuất, nâng cao năng suất và hiệu quả. Ngoài ra, cần tạo ra mối liên kết tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi cho nông dân, dự báo thị trường, ổn định giá cả, tạo đà phát triển cho chăn nuôi nông hộ.

 Hồng Khanh

Các tin khác

Ngày 17/7, Chủ tịch Ngân hàng Thế giới (World Bank) Jim Yong Kim sang thăm chính thức Việt Nam nhằm củng cố mối quan hệ đối tác.

Sáng nay 17/7, giá vàng đã đảo chiều đi lên sau một loạt phiên giảm giá. Tuy nhiên, khoảng cách chênh lệch giữa giá vàng “nội” và vàng “ngoại” vẫn giữ ở mức 3,5 triệu đồng/lượng.

Vào ngày 2/9 tới, Bộ Thương mại Mỹ sẽ chính thức ban hành lệnh áp thuế chống bán phá giá sản phẩm ống thép dẫn dầu nhập khẩu từ Việt Nam.

YBĐT - Thời điểm này, do ảnh hưởng của thời tiết nên trên hầu hết các diện tích lúa mùa của Thị xã Nghĩa Lộ đang có nguy cơ cao về mắc các loại sâu bệnh hại lúa, nhất là sâu cuốn lá. Để phòng trừ sâu bệnh, các phòng ban chuyên môn của thị xã đang cùng với bà con nông dân trên địa bàn tích cực thực hiện nhiều giải pháp nhằm bảo vệ diện tích lúa mùa.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục