Chăn nuôi theo tiêu chuẩn VietGAP: Còn nhiều trở ngại

  • Cập nhật: Thứ tư, 20/8/2014 | 2:50:29 PM

YBĐT - VietGAP là một tiêu chuẩn tự nguyện để thực hành sản xuất nông nghiệp tốt ở Việt Nam. Trong khi nhiều tỉnh, thành khác đã áp dụng chăn nuôi theo VietGAP từ lâu thì tại Yên Bái vẫn chưa có cơ sở nào áp dụng theo tiêu chuẩn này.

Trang trại nuôi lợn nái sinh sản của bà Đinh Thị Tuyết xã Minh Bảo, thành phố Yên Bái.
Trang trại nuôi lợn nái sinh sản của bà Đinh Thị Tuyết xã Minh Bảo, thành phố Yên Bái.

Chăn nuôi theo tiêu chuẩn VietGAP sẽ có nhiều cái lợi. Đầu tiên là tạo ra sản phẩm an toàn và chất lượng. Sản phẩm dễ dàng được lưu thông trên thị trường khi có chứng nhận làm giấy thông hành tiêu thụ tại các siêu thị, thậm chí xuất khẩu ra nước ngoài, vào các thị trường khó tính vì đủ điều kiện an toàn vệ sinh thực phẩm. Bản thân người tiêu dùng trong nước cũng sẽ được sử dụng những sản phẩm an toàn, không còn phải lo ngại trước một loạt thông tin trứng gà giả, gà lậu, lợn sử dụng chất tạo nạc… do các trang trại chăn nuôi tập trung và được giám sát chặt chẽ. Ngoài ra, chăn nuôi theo tiêu chuẩn VietGAP sẽ giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường.

Tại Yên Bái, cách đây 2 năm, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh đã tổ chức một hội nghị nhằm giới thiệu đến những hộ chăn nuôi trong tỉnh quy trình VietGAP. Tuy nhiên, đến nay, chưa hộ nông dân nào đăng ký tham gia. Quy trình VietGAP trong chăn nuôi hiện áp dụng cho chăn nuôi lợn, gà, ong mật và bò sữa. Khi các hộ chăn nuôi đăng ký làm theo quy trình này, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ hướng dẫn các phương pháp để thực hiện hoàn thiện dần 16 tiêu chí. Giấy chứng nhận sẽ do một tổ chức đủ năng lực thẩm định được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ủy quyền cấp.

Trang trại chăn nuôi của bà Đinh Thị Tuyết ở xã Minh Bảo (thành phố Yên Bái) rộng 6.000m2 với khu nuôi lợn nái và lợn thịt tách biệt. Hiện trang trại của bà có trên 200 con lợn nái và 2.000 con lợn thịt. Mỗi con lợn nái hay mỗi lứa lợn thịt cùng tuổi được nhốt riêng một ô chuồng. Ngoài gần 10 lao động lo dọn dẹp, vệ sinh, cho ăn uống, trang trại còn có riêng một bác sỹ thú y chăm sóc sức khỏe cho đàn lợn. Nếu nhìn vào các tiêu chí trong chăn nuôi VietGAP, trang trại của bà Tuyết đã bảo đảm điều kiện chuồng trại, con giống có nguồn gốc rõ ràng, thức ăn bảo đảm.

Tuy nhiên, chặng đường để xây dựng trang trại với quy mô lớn theo tiêu chuẩn VietGAP vẫn còn rất xa xôi. Bà Tuyết cho biết: “Tôi cũng đã được tham gia những hội nghị lớn về chăn nuôi của các tỉnh phía Bắc rồi tham quan những trang trại chăn nuôi theo đúng tiêu chuẩn VietGAP. Nhưng để làm được như họ cần rất nhiều thời gian, công sức, sự chuyên nghiệp và vốn đầu tư lớn”.

Những khó khăn mà bà Tuyết gặp phải cũng là khó khăn chung của nhiều hộ chăn nuôi nếu muốn áp dụng VietGAP. Chưa kể đến những vấn đề cần giải quyết về hồ sơ, thủ tục xác nhận nguồn gốc con giống, thức ăn, đầu tư đồng bộ về chuồng trại, xử lý chất thải... Ngay đến việc đơn giản như viết nhật ký chăn nuôi hàng ngày, mỗi ngày cho vật nuôi ăn liều lượng bao nhiêu, tiêm phòng vào thời điểm nào, vật nuôi có biểu hiện gì bất thường đã đủ khiến cho nhiều người chăn nuôi cảm thấy ngại.

Bên cạnh đó, việc chăn nuôi nhỏ lẻ hiện nay vẫn được thị trường chấp nhận hay nói cách khác, dù chăn nuôi không theo tiêu chuẩn nào nhưng nông dân Yên Bái vẫn bán được sản phẩm phục vụ nhu cầu tiêu dùng tại chỗ và bán ra các tỉnh ngoài như Hà Nội, Lào Cai, Vĩnh Phúc…

Trong khi đó, chăn nuôi theo quy trình VietGAP, người chăn nuôi chịu mức chi phí đầu tư cao hơn gấp nhiều lần do phải làm tốt công tác bảo vệ môi trường, tiêm phòng cho vật nuôi… mà giá bán chưa hẳn đã cao hơn. Tất cả những khó khăn này đang cản trở con đường đến với VietGAP của người chăn nuôi Yên Bái.

Chăn nuôi theo tiêu chuẩn VietGAP là giải pháp cho chăn nuôi phát triển bền vững. Vì vậy, tỉnh cần có chính sách hỗ trợ, khuyến khích nông dân áp dụng. Trước mắt, có thể xây dựng thí điểm trên mô hình để người dân đến tham quan, học tập, rút kinh nghiệm, áp dụng vào thực tiễn chăn nuôi của gia đình. Trong chăn nuôi cũng cần có liên kết với các doanh nghiệp; có chính sách ưu đãi, khuyến khích các doanh nghiệp trong việc xây dựng hệ thống tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi, đặc biệt là sản phẩm chăn nuôi an toàn.

Ngoài ra, ngành nông nghiệp cần quy hoạch được vùng chăn nuôi tập trung theo hướng an toàn; xây dựng các lò giết mổ tập trung; tăng cường tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng và có chính sách hỗ trợ tập huấn sâu rộng đến người tiêu dùng và người sản xuất để nông dân hiểu biết rõ ràng, cụ thể hơn về thực hành sản xuất nông nghiệp tốt, về tiêu chuẩn VietGAP.

Hồng Khanh   

Các tin khác

Sáng nay (20/8), giá vàng trong nước giảm phiên thứ 3 liên tiếp cùng vàng thế giới, đẩy giá về mức thấp nhất trong hơn 2 tháng trở lại đây. Điều này được lý giải do USD và chứng khoán đi lên, trong khi đó tỷ giá USD cũng giảm nhẹ.

Nhân dân xã Nậm Lành thu hoạch quế.

YBĐT - Phát huy thế mạnh kinh tế đồi rừng, những năm qua, đồng bào các dân tộc vùng cao Văn Chấn đã phát triển nhiều loại cây trồng có giá trị, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Diện tích chưa thể sánh với Văn Yên - quê hương loài cậy đặc sản này, song bước đầu, quế là cây dược liệu quan trọng đã và đang mang lại nguồn thu nhập chủ yếu, giúp nâng cao đời sống, xóa đói giảm nghèo cho bà con nơi đây.

Quản lý nhà nước tốt nhằm tạo thuận lợi cho doanh nghiệp đầu tư, kinh doanh.

Ngày 19-8, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã chủ trì cuộc họp Thường trực Chính phủ với các bộ, ngành thảo luận và cho ý kiến vào báo cáo rà soát, xây dựng danh mục ngành, nghề cấm đầu tư, kinh doanh; danh mục ngành, nghề đầu tư, kinh doanh có điều kiện; và danh mục ngành, nghề, địa bàn ưu đãi đầu tư theo quy định của dự thảo Luật Đầu tư (sửa đổi) và dự thảo Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) sẽ trình Quốc hội vào kỳ họp tới.

Theo tin từ Bộ Tài chính ngày 19.8, Bộ vừa có văn bản trả lời kiến nghị của Hiệp hội Vận tải ô tô VN về việc ban hành cơ chế chính sách thuế nhập khẩu phù hợp để giá ô tô ngang bằng giá các nước trong khu vực.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục