Nậm Lành tập trung phát triển chăn nuôi đại gia súc
- Cập nhật: Thứ tư, 7/10/2015 | 4:24:52 PM
YênBái - YBĐT - Những năm gần đây, cùng với chuyển đổi mạnh mẽ cơ cấu cây trồng, Đảng bộ, chính quyền xã Nậm Lành, huyện Văn Chấn đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo nhân dân đẩy mạnh phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm qua đó góp phần xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân.
Đàn trâu, bò của xã Nậm Lành hiện phát triển tương đối ổn định.
|
Ông Trần Văn Quý - Chủ tịch UBND xã cho biết: “Là xã vùng sâu đặc biệt khó khăn, địa hình đồi núi, đất trồng lúa ít nên nguồn thu chính chỉ nhờ vào chăn nuôi gia súc, gia cầm và trồng cây lâm nghiệp. Thực hiện chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, cấp ủy chính quyền xã đã tập trung chỉ đạo nhân dân phát triển chăn nuôi đồng thời chuyển mạnh diện tích rừng kém hiệu quả sang trồng cây cao su.
Xác định lợi thế là có nhiều bãi chăn thả rộng, thức ăn tự nhiên phong phú đặc biệt là ý thức của người dân đã có những chuyển biến tích cực trong việc phát triển chăn nuôi, xã đã vận động nhân dân tập trung phát triển các mô hình chăn nuôi cho hiệu quả kinh tế cao. Nhiều hộ trước đây chỉ coi chăn nuôi là nghề phụ, lấy sức kéo thì nay đã chú tâm vào phát triển chăn nuôi quy mô lớn hơn”.
Gia đình ông Mùa A Sử, thôn Ngọn Lành trước đây chỉ nuôi từ 1 - 2 con trâu để làm sức kéo, mấy năm gần đây, nhận thấy nuôi trâu có hiệu quả kinh tế nên gia đình ông đã mạnh dạn đầu tư vốn để phát triển đàn trâu. Nhờ có kinh nghiệm trong chăn nuôi cũng như tích cực ứng dụng khoa học kỹ thuật vào chăm sóc đàn trâu mà gia đình ông đã có thu nhập khá từ chăn nuôi. Hiện tại, đàn trâu bò của gia đình ông có 20 con, trị giá vài trăm triệu đồng.
Gia đình ông Bàn Tiến Trình thôn Tà Lành cũng vậy. Với lợi thế có bãi chăn thả rộng nhờ việc nhận chăm sóc, khoanh nuôi diện tích cao su nên gia đình ông đã mạnh dạn vay tiền để tập trung nuôi trâu bò. Giờ đàn trâu của gia đình ông Trình đã có 10 con, dự định trong năm tới ông tiếp tục nhân đàn để mở rộng mô hình chăn nuôi. Trước mắt, để đảm bảo nguồn thức ăn cho trâu bò nhất là vào những ngày mùa đông giá rét, gia đình ông Trình đã cải tạo một số diện tích soi bãi trồng cỏ voi. Hay gia đình ông Mùa A Páo, thôn Ngọn Lành cũng vậy, từng là hộ nghèo nhất nhì của thôn, từ khi tập trung vào phát triển chăn nuôi trâu bò cuộc sống gia đình ông cũng khá lên trông thấy.
Chỉ vào ngôi nhà gỗ khang trang và những vật dụng sinh hoạt đắt tiền ông Páo cho biết tất cả là nhờ nuôi trâu mà có. Với 10 con trâu, gia đình ông đangtích cực chăm sóc, phòng bệnh theo đúng kỹ thuật được hướng dẫn để đàn trâu phát triển tốt và tiếp tục nhân đàn, coi đây là hướng phát triển kinh tế lâu dài, ổn định. Không riêng gì gia đình ông Sử, ông Trình, ông Páo phát triển kinh tế từ nuôi trâu, mà nhiều hộ gia đình khác trong xã cũng đang tích cực phát triển đàn trâu bò với số lượng từ 10 - 20 con. Vì thế, đàn gia súc của cả xã phát triển tương đối ổn định với tổng số 4.089 con.
Để đảm bảo người dân phát triển chăn nuôi hiệu quả, xã đã tích cực phối hợp với Trung tâm Dạy nghề huyện mở các lớp dạy nghề, chuyển giao kỹ thuật chăn nuôi; làm tốt công tác tuyên truyền, hướng nông dân phát triển chăn nuôi theo hướng hàng hóa, đặc biệt là làm tốt công tác tiêm phòng định kỳ, lựa chọn giống có chất lượng để duy trì ổn định và bảo vệ đàn vật nuôi hiệu quả.
Nhờ đẩy mạnh phát triển chăn nuôi, những năm vừa qua ở Nậm Lành đã xuất hiện nhiều hộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi cấp xã, huyện. Từ những kết quả đã đạt được, bình quân, mỗi năm toàn xã giảm được 50 hộ nghèo, kết quả rà soát hộ nghèo năm 2014 của xã giảm từ 44,33% đầu năm 2014 xuống còn 38,59% cuối năm 2014.
Thanh Tân
Các tin khác
YBĐT – Sáng 7/10, UBND tỉnh Yên Bái làm việc với đại diện Công ty TNHH Nippon Zoki Việt Nam về việc đầu tư Dự án chăn nuôi, chế biến thỏ công nghệ cao tại xã Thượng Bằng La, huyện Văn Chấn.
Chiều 6/10, Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên-Huế phối hợp với Jestar Pacific Airlines tổ chức buổi họp báo giới thiệu đường bay mới "Huế-Đà Lạt và ngược lại".
Đa số người tham gia tại các hội thảo về đề án nghiên cứu cải tiến cơ cấu biểu giá điện đều đồng tình với phương án rút gọn từ 6 bậc xuống còn 3-4 bậc giá điện. Phương án này được cho là ít nhược điểm nhất và tác động tăng giá thấp nhất đối với các đối tượng tiêu thụ điện ít và trung bình.
Phí kiểm dịch lợn thịt cao nhất là 1.000 đồng/con còn phí kiểm soát giết mổ sẽ phụ thuộc công suất của cơ sở giết mổ.