Hướng tới mục tiêu 350 tỷ đồng

  • Cập nhật: Thứ sáu, 9/10/2015 | 9:48:43 AM

YênBái - YBĐT - Ước tính mỗi năm, vụ đông mang về cho nhà nông Yên Bái từ trên 200 - 300 tỷ đồng.

Nông dân Mường Lò ra quân trồng ngô đông trên đất hai vụ lúa chào mừng thành công Đại hội Đảng lần thứ XVIII. (Ảnh: Hoài Văn)
Nông dân Mường Lò ra quân trồng ngô đông trên đất hai vụ lúa chào mừng thành công Đại hội Đảng lần thứ XVIII. (Ảnh: Hoài Văn)

Để tăng giá trị thu nhập trên diện tích đất canh tác, những năm qua, tỉnh Yên Bái luôn chú trọng phát triển cây vụ đông trên đất hai vụ lúa. Vụ đông năm nay, toàn tỉnh phấn đấu sản xuất 10.000 ha, nâng giá trị sản xuất vụ đông đạt hơn 350 tỷ đồng, giá trị thu nhập bình quân đạt 35 triệu đồng/ha.

Sản xuất vụ đông được coi là mắt xích quan trọng trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, tăng thu nhập cho nông dân. Theo ước tính của ngành nông nghiệp, mỗi năm, vụ đông mang về cho nhà nông Yên Bái từ trên 200 - 300 tỷ đồng. Những năm qua, tỉnh luôn chú trọng phát triển cây vụ đông, cụ thể hàng năm luôn phát động phong trào sản xuất cây vụ đông cùng với ban hành cơ chế hỗ trợ cho nông dân sản xuất cây vụ đông. Vụ đông năm 2014, toàn tỉnh đưa vào gieo cấy 10.000ha cây vụ đông,  trong đó có hơn 6.000 ha sản xuất trên đất 2 vụ lúa, giá trị đạt 30 triệu đồng/ha. Kinh nghiệm cho thấy, để sản xuất vụ đông giành thắng lợi chính là sự quyết tâm vào cuộc của các cấp chính quyền. Các địa phương cần xây dựng kế hoạch sát với thực tế và xây dựng chính sách hỗ trợ ngay từ đầu năm.

Nhiều năm nay, huyện Văn Chấn luôn là địa phương đi đầu trong sản xuất cây vụ đông. Khi cánh đồng cây vụ đông ở nhiều địa phương còn chưa bén rễ, trên cánh đồng Mường Lò, huyện Văn Chấn đã xanh ngát, trải dài tầm mắt bởi cây ngô và các loại rau, đậu. Sở dĩ sản xuất vụ đông thu hút được nông dân như vậy là do lợi nhuận của cây trồng vụ đông gấp nhiều lần trồng lúa.

Bà Nguyễn Thị Thúy, xã Phù Nham phấn khởi cho biết: "Trồng cây vụ đông tuy vất vả nhưng bù lại có thu nhập khá. Một sào ruộng cấy 2 vụ lúa cũng chỉ bảo đảm lương thực cho gia đình, lợi nhuận không đáng kể nhưng 1 sào ruộng trồng cà chua, gia đình tôi thu hơn 10 triệu đồng. So với cấy lúa, cây vụ đông đã giúp cho nhiều hộ dân có của ăn, của để". Theo thống kê của ngành nông nghiệp từ năm 2010 đến nay, diện tích cây vụ đông của huyện Văn Chấn tăng dần theo các năm. Nếu năm 2010, diện tích ngô đông của toàn huyện là 1.253ha thì năm 2014, toàn huyện trồng được 1.700ha. Đặc biệt, ngoài sản xuất ngô đông truyền thống, những năm qua, huyện mở rộng diện tích trồng cà chua với diện tích khoảng 50ha tập trung ở Phù Nham, Sơn A, Sơn Thịnh với năng suất bình quân đạt 45 tấn/ha. Với giá thị trường từ 4.000 đồng - 5.000 đồng/kg, mỗi héc-ta trồng cà chua cũng mang về trên 160 triệu đồng.

Nông dân Văn Chấn trồng cà chua cho thu nhập cao.

Hiệu quả từ sản xuất vụ đông đã thấy rõ nhưng từ năm 2010 đến nay, diện tích sản xuất vụ đông giảm dần theo các năm. Chỉ tính riêng cây ngô đông, năm 2010, toàn tỉnh trồng được 6.744ha thì vụ đông năm 2014 trồng được 5.956ha. Nguyên nhân do thời tiết diễn biến bất thường làm cho lúa vụ mùa sớm kéo dài thời gian sinh trưởng, không kịp trồng ngô nên diện tích trồng ngô đông trên đất ruộng 2 vụ lúa giảm dần. Thời vụ trồng khoai lang nghiêm ngặt, nông dân lại chưa chủ động được giống dễ trồng nên không hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch. Đối với cây khoai tây, tuy chi phí đầu vào lớn, cho năng suất cao song chưa tìm được đầu ra ổn định cho sản phẩm nên không mở rộng được diện tích. Các loại cây rau màu tuy dễ làm, năng suất cao nhưng thu hoạch ồ ạt cùng một lúc, bán trên thị trường tự do, chưa xây dựng được chuỗi giá trị sản phẩm nên giá thành rẻ, hiệu quả thấp.

Có thể nói, trong sản xuất cây vụ đông, khó khăn lớn nhất là điều kiện thời tiết và lịch thời vụ. Do đó, để sản xuất vụ đông hoàn thành mục tiêu đề ra, tỉnh yêu cầu các ngành, tổ chức đoàn thể tích cực tuyên truyền, động viên nông dân đẩy nhanh tiến độ thu hoạch lúa mùa, làm đất. Riêng đối với cây ngô trên đất hai lúa cần gieo trồng xong trước ngày 5/10, nếu làm bầu sẽ kết thúc vào ngày 15/10; đối với các giống khoai lang, khoai tây, rau củ quả sẽ được triển khai từ ngày 15/10 đến 15/11.

Cùng với đó, tỉnh đề ra nhiều giải pháp thúc đẩy chương trình cây vụ đông như chuyển đổi cơ cấu giống và thời vụ, tạo quỹ đất và thời gian để mở rộng diện tích trên chân đất hai vụ lúa. Khuyến khích nông dân sản xuất cây vụ đông, tỉnh tiếp tục ban hành các cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất với tổng kinh phí trên 2,1 tỷ đồng. Hệ thống khuyến nông tăng cường mở các lớp tập huấn hướng dẫn kỹ thuật làm bầu ngô, kỹ thuật làm đất cho nông dân. Tuy nhiên, yếu tố quyết định để sản xuất vụ đông giành thắng lợi vẫn là lợi nhuận. Nếu không có lợi nhuận thì dù có khuyến khích mạnh mẽ đến mấy cũng khó thu hút được nông dân tham gia. Đã đến lúc cần thay đổi tư duy làm ăn manh mún, phụ thuộc quá nhiều vào điều kiện thời tiết, thay vào đó là chủ động ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, mở rộng cơ cấu cây trồng vụ đông, tăng cường đưa cây trồng có giá trị cao vào sản xuất, khuyến khích thu hút doanh nghiệp đầu tư sản xuất, tìm kiếm thị trường, bao tiêu sản phẩm cho nông dân.

Văn Thông

Các tin khác

Chính phủ vừa giao Bộ trưởng Bộ Tài chính thừa ủy quyền Thủ tướng Chính phủ, thay mặt Chính phủ, báo cáo Quốc hội cho phép triển khai đa dạng kỳ hạn phát hành trái phiếu chính phủ

Giao diện chính của website thương mại thủy sản Việt Nam tại địa chỉ: www.mekongfishmarket.com.

Hiệp hội Cá tra Việt Nam chính thức ra mắt website thương mại thủy sản Việt Nam nhằm thông tin về doanh nghiệp, sản phẩm…

Cán bộ Ban quản lý rừng phòng hộ Mù Cang Chải hướng dẫn đồng bào Mông sử dụng giống sơn tra trồng dưới tán rừng phòng hộ.

YBĐT - Trong những năm qua, được Nhà nước hỗ trợ, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc huyện Mù Cang Chải đã nỗ lực vươn lên giành nhiều kết quả trong sản xuất nông lâm nghiệp. Diện tích, năng suất và sản lượng nuôi trồng đã có bước phát triển vượt bậc góp phần đảm bảo an ninh lương thực trên địa bàn huyện. Một số sản phẩm nông lâm nghiệp đã trở thành hàng hóa như: sơn tra, thảo quả, gà đen, lợn địa phương… đã nâng cao thu nhập cho người dân trong huyện.

Lãnh đạo xã Mồ Dề phấn khởi trước mô hình chăn nuôi dê hiệu quả của các hộ dân trên địa bàn.

YBĐT- Xác định lấy nông - lâm nghiệp và phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm là hướng đi chính trong phát triển kinh tế, thời gian qua, các hộ dân trong xã Mồ Dề, huyện Mù Cang Chải đã nỗ lực khắc phục mọi khó khăn, tích cực thâm canh tăng vụ, chuyển đổi cơ cấu cây trồng bằng việc đưa giống mới vào sản xuất. Nhờ đó, diện tích, năng suất và sản lượng lương thực của xã tăng lên đáng kể.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục