Vượt ra "lũy tre làng"
- Cập nhật: Thứ tư, 21/10/2015 | 2:44:13 PM
YênBái - YBĐT - Chúng tôi về Đông An (Văn Yên) khi cái nắng đầu thu như dát vàng lên những cánh đồng màu trù phú được đắp bồi bởi phù sa của dòng sông Hồng khoáng đạt. Đông An hôm nay đang chuyển mình, vượt ra khỏi những tư duy xưa cũ trong phát triển kinh tế. Càng mừng hơn khi trên 350 lao động của địa phương đã và đang tham gia vào các thị trường lao động quốc tế, chủ yếu là Đài Loan, Hàn Quốc và một số quốc gia khác như Nhật Bản, Malaysia..., đưa Đông An trở thành một trong những địa phương dẫn đầu huyện về xuất khẩu lao động.
Gia đình bà Nguyễn Thị Huệ hiện có 4 người tham gia xuất khẩu lao động.
|
Đặt chân đến mỗi làng quê trên mảnh đất này, cảm nhận cuộc sống đang từng ngày thay da đổi thịt khi tuyến đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai chạy qua địa phận của xã đang được đưa vào khai thác, mở ra cho địa phương cơ hội phát triển. Đã có thêm những ngành nghề, cơ sở sản xuất mới; trong đó, có cả những doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào địa bàn. Cơ hội tìm kiếm việc làm, nâng cao thu nhập đối với lao động nông nhàn ở địa phương không còn quá khó. Thế nhưng ở Đông An, hướng lao động ra thị trường ngoài nước vẫn đang là một trong những giải pháp thoát nghèo được không ít gia đình lựa chọn đầu tư.
Phó chủ tịch UBND xã Lê Hữu Quang cho biết: "Xu thế được nhiều lao động trẻ nông thôn địa phương hướng đến chính là thị trường lao động ở các nước trong khu vực Đông Nam Á bởi yêu cầu công việc và trình độ tay nghề đối với lao động làm công ở các nước này đòi hỏi không quá cao. Lao động phổ thông có trình độ văn hóa, có sức khỏe và đủ tuổi là đã có thể đáp ứng được nhu cầu tuyển dụng. Tính đến thời điểm này, xã đang có khoảng trên 350 người tham gia vào thị trường lao động các nước: Đài Loan, Nhật Bản, Hàn Quốc, Malayxia. Hầu hết lao động địa phương tham gia xuất khẩu lao động đều có việc làm và thu nhập ổn định. Đây là thành công lớn của địa phương khi chỉ tiêu xuất khẩu lao động hàng năm đều đạt và vượt cao so với kế hoạch đề ra. Năm 2015, tính đến thời điểm này, xã đã có 16 lao động đi xuất khẩu, vượt 60% chỉ tiêu kế hoạch đề ra".
Cùng cán bộ xã đến thôn Đức An - hiện là thôn có số người tham gia xuất khẩu lao động nhiều nhất xã với trên 30 lao động. Trưởng thôn Trần Văn Xuyến phấn khởi bộc bạch: "Mặc dù số vốn đầu tư ban đầu cho 1 lao động đi xuất khẩu là tương đối lớn, trung bình từ 120 - 150 triệu đồng tùy nước nhưng hầu hết những người tham gia xuất khẩu lao động trong xã đều có việc làm và thu nhập ổn định, chưa có trường hợp nào bị trả về nước trước thời hạn. Bởi vậy, chỉ sau từ 1 - 1,5 năm, họ đã trả được hết nợ vay ngân hàng và tích lũy được vốn liếng. Làm nông nghiệp ở địa phương vài năm không thể tích lũy được số tiền một, hai trăm triệu đồng nhưng đi xuất khẩu lao động quãng chừng 3 đến 5 năm trở về đã có lưng vốn kha khá để gây dựng kinh tế gia đình; mặt khác lại biết thêm nghề". Được biết, hiện tại, hai người con trai của ông cũng đang tham gia lao động tại Hàn Quốc và Nhật Bản, mức thu nhập trung bình khoảng 30 triệu đồng/tháng.
Ở thôn Đức An, số gia đình có 2 người tham gia xuất khẩu lao động không còn là hiếm. Gia đình có số thành viên tham gia xuất khẩu lao động nhiều nhất xã hiện nay là gia đình bà Nguyễn Thị Huệ có tới 4 người tham gia vào thị trường lao động của Đài Loan gồm: con dâu, con trai và 2 con gái. Bà Huệ chia sẻ: "Phải nói thật là từ khi Nhà nước có chương trình vay vốn ưu đãi đối với người tham gia xuất khẩu lao động, chúng tôi mới có cơ hội đầu tư cho con cái đi làm ăn ở nước ngoài. Trước đây, muốn cho con đi xuất khẩu lao động nhưng tiền không có, đi vay ngoài lãi suất cao nên đành chịu. Năm 2008, vợ chồng tôi vay mượn được hơn 100 triệu đồng cho đứa con gái lớn đi trước. Công việc làm ăn bên Đài Loan ổn định và thu nhập khá cao, trung bình mỗi tháng cháu gửi về nhà từ 10 - 15 triệu đồng. Năm 2011, cô con gái út thi đại học không đỗ nên cũng quyết tâm học tiếng để sang Đài Loan làm công nhân. Dịp này, con bé về Việt Nam làm thủ tục để kết hôn với người Đài Loan, là quản đốc phân xưởng cùng làm việc tại công ty. Anh trai và chị dâu nó chờ thủ tục làm xong là cũng đi Đài Loan lao động. Vẫn biết đi làm ăn xa vất vả nhưng còn có chút lưng vốn tích lũy để phát triển kinh tế sau này...".
Trò chuyện với Nguyễn Thị Nga - con gái út của bà Huệ, Nga cho hay, hiện cô đang làm việc cho một công ty chuyên sản xuất linh kiện điện tử của Đài Loan. Có khoảng 1.000 người Việt đang làm việc tại công ty này, trong đó cùng làm việc với Nga có 6 lao động khác cũng là người xã Đông An. Công việc đều nên thu nhập của công nhân trong Công ty khá ổn định, trung bình khoảng 15 triệu đồng/tháng.
Chia sẻ kinh nghiệm và cách làm của địa phương, ông Lê Hữu Quang cho rằng: "Quan trọng nhất trong xuất khẩu lao động là lựa chọn được đúng những công ty tuyển dụng lao động có uy tín để tư vấn, hướng nghiệp cho người lao động khi tham gia vào thị trường lao động quốc tế; tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân khi lựa chọn công ty tuyển dụng, tránh được những rủi ro và tổn thất kinh tế không đáng có; đặc biệt cảnh giác với công ty tuyển dụng lao động nhỏ lẻ, hoạt động không thông qua chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng. Nhiều năm qua, xã đã phối hợp rất tốt với Công ty TNHH Thái Nguyên Bitamex và Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 8 Hà Nội trong việc tuyển dụng và xuất khẩu lao động. Đến thời điểm này, xã chưa có trường hợp lao động đi xuất khẩu sai địa chỉ hoặc không có việc làm...".
Thực tế, nhìn vào lượng tiền mà các lao động xuất khẩu gửi về cho gia đình - chiếm gần 20% tổng thu nhập của địa phương, có thể thấy, xuất khẩu lao động ở Đông An đang là một hướng đi đúng và hiệu quả, là động lực quan trọng để lao động trẻ nông thôn tự tin vượt ra "lũy tre làng" để vươn ra thị trường lao động ngoài nước, đóng góp tích cực xây dựng quê hương.
Chị Nguyễn Thị Nga - thôn Đức An, xã Đông An, huyện Văn Yên:
|
Minh Thúy
Các tin khác
YBĐT - Màu xanh của cây ngô đông và rau màu các loại đã dần phủ kín khắp đồng đất. Sáng sáng, chiều chiều, nông dân bận rộn thăm đồng, chăm sóc cho cây ngô đông, cây rau tươi tốt...
Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải vừa có ý kiến chỉ đạo về việc xử lý hành vi vi phạm không tái nhập phương tiện vận tải đúng hạn đối với xe ô tô của Việt Nam qua biên giới giao nhận hàng hóa.
Nếu Dự án Luật Quản lý thuế được thông qua tại kỳ họp Quốc hội lần này, nhiều doanh nghiệp Nhà nước sẽ được xóa 1.300 tỷ đồng nợ thuế.
YBĐT - Ngày 20/10, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam tỉnh Yên Bái và Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh Yên Bái tổ chức sơ kết một năm Chương trình phối hợp công tác.