Hướng đi mới cho nghề nuôi cá ở Yên Bình
- Cập nhật: Thứ hai, 26/10/2015 | 10:45:01 AM
YênBái - YBĐT - Tận dụng những diện tích eo, ngách mặt nước trên hồ Thác Bà, một số hộ dân ở huyện Yên Bình đã mạnh dạn đầu tư mua lưới về quây để nuôi cá theo phương thức bán thâm canh. Cách làm này không chỉ giúp bà con có việc làm, thu nhập mà còn mở một hướng đi mới cho nghề nuôi cá trên hồ Thác Bà.
Cán bộ Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Yên Bình cùng các hộ dân kiểm tra cá giống trước khi đưa vào nuôi trên các eo, ngách hồ.
|
Nuôi cá lồng hơn 10 năm, những năm trước đây, gia đình ông Nguyễn Văn Bình, thôn Đào Kiều, xã Thịnh Hưng được nhiều người dân biết đến là hộ nuôi cá khá nhất của thôn. Từng là người lính, trở về với cuộc sống đời thường, phát huy phẩm chất bộ đội Cụ Hồ, ông Bình quyết không chịu đầu hàng khó khăn, xoay xở đủ nghề để kiếm sống song cuộc sống cũng không khá lên là mấy. Nhận thấy tiềm năng mặt nước hồ, năm 2002, ông đã mạnh dạn vay vốn để đầu tư nuôi cá lồng.
Sau hơn 10 năm nuôi cá lồng thấy hiệu quả kinh tế không cao, năm 2013, qua tìm hiểu sách báo, ông thấy việc nuôi cá quây tại những khu vực eo ngách của hồ Thác Bà cho hiệu quả kinh tế cao hơn. Vậy là ông mạnh dạn đăng ký với Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện nhận đấu thầu 5,6 ha diện tích mặt nước hồ để quây lưới thả cá. Sau một năm thử nghiệm, hiệu quả kinh tế hơn hẳn việc nuôi cá lồng nên gia đình ông chuyên canh tập trung vào nuôi cá quây.
Theo chia sẻ của ông Bình, với diện tích 5,6 ha, nếu nuôi lồng chỉ được 5 lồng cá, đầu tư cho mỗi lồng mất khoảng 10 triệu đồng mà mỗi lồng cá chỉ sử dụng được 3 năm lại phải đóng lồng mới; chi phí đầu tư cao, nuôi gặp rủi ro lớn, phải nuôi ươm cá từ nhỏ đến khi trọng lượng khoảng 1 kg mới cho vào lồng. Hơn nữa, nuôi cá lồng tổn thất về thức ăn cũng lớn, thu nhập không cao, tốn nhiều công lao động.
Còn với việc nuôi cá quây lại đơn giản hơn nhiều mặc dù tiền đầu tư lưới, phao để quây lớn, gần 300 triệu đồng nhưng lưới tốt có thể dùng tới gần 20 năm. Nuôi theo hình thức quây có thể nuôi chuyên canh các loại cá, không tốn nhiều thức ăn, rủi ro thấp bởi cá ít bị bệnh, thu nhập cũng cao gấp 3 - 5 lần so với nuôi cá lồng. Năm đầu tiên nuôi thử nghiệm theo hình thức quây lưới, gia đình ông thu về gần 300 triệu đồng tiền cá. Nhờ nuôi cá, cuộc sống gia đình ông đã khá lên trông thấy.
Gia đình anh Nguyễn Khắc Thông, thôn An Lạc 3, xã Hán Đà cũng vậy. Sau nhiều năm bôn ba ngược xuôi để lập nghiệp rồi anh trở về quê hương. Sẵn có kinh nghiệm nuôi cá từ trước, anh Khoa đã chọn nghề nuôi cá quây trên eo ngách hồ Thác Bà. Anh đã mạnh dạn vay gần 200 triệu đồng từ Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện. Với diện tích nhận đấu thầu hơn 2 ha, sau 3 năm nuôi theo hình thức thâm canh, cuộc sống gia đình anh Thông đã có bát ăn, bát để.
Anh Thông cho biết, nuôi theo hình thức quây trên hồ Thác Bà cho hiệu quả kinh tế cao hơn nuôi lồng và nuôi trong ao rất nhiều. Nuôi theo hình thức đánh tỉa thả bù, với thời gian nuôi từ tháng 7 năm trước đến tháng 5 năm sau, khi nước hồ rút sẽ tiến hành kéo cá. Nếu với diện tích như thế này thì nuôi lồng hoặc nuôi ở ao chỉ thu được khoảng 30 triệu đồng, còn nuôi theo hình thức quây lưới mỗi năm có thể thu tới gần 200 triệu đồng. Sau 3 năm nuôi cá, gia đình anh đã trả hết tiền vay ngân hàng đồng thời có tiền để đầu tư mở rộng quy mô.
Gia đình ông Trần Văn Thịnh, thôn Mạ, xã Vĩnh Kiên sau nhiều năm nuôi cá lồng không hiệu quả đến năm 2014 chuyển sang nuôi cá bằng hình thức quây lưới. Ông đầu tư mua cá giống, tiền lưới quây và các trang thiết bị khác hết khoảng 100 triệu đồng.
Với diện tích 5 ha mặt nước, vụ thu hoạch đầu tiên đã cho lãi khoảng 200 triệu đồng. Vừa qua, ông Thịnh chỉ bán cá rô phi và cá chép nhưng đã thu được hơn 80 triệu đồng. Hiện, ông bán cá trắm với giá khoảng 60.000 đồng/kg, dự kiến sẽ thu về khoảng 200 triệu đồng. Ông Thịnh cho biết, nuôi cá bằng hình thức quây lưới vừa nhàn, cá lớn nhanh vừa cho hiệu quả kinh tế cao.
Kết quả cho thấy, việc phát triển nuôi cá trong eo, ngách trên mặt nước hồ cho năng suất trung bình khoảng 2,5 tấn/ha. Nhưng khi nuôi theo hình thức bán thâm canh, mật độ nuôi 0,5 - 0,8 con/m2 mặt nước và nuôi nhiều loại cá cùng lúc sẽ cho hiệu quả kinh tế cao hơn, cá ít bệnh, tận dụng nguồn thức ăn sẵn có.
Do cá được nuôi trong môi trường nước sạch nên được các thương lái ưa thích. Đây là tín hiệu vui cho người dân vùng hồ Thác Bà trong khai thác tiềm năng mặt nước.
Ông Hoàng Trung Kiên - Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Yên Bình trao đổi: "Từ mấy chục năm nay, người dân xung quanh vùng hồ chủ yếu đánh bắt tự nhiên. Do việc đánh bắt bằng nhiều loại ngư cụ, nhất là vó đèn - một kiểu đánh bắt tận diệt nên đã làm suy giảm rất nhanh lượng cá trên hồ. Để phát triển nghề nuôi trồng thuỷ sản, huyện cũng đã có nhiều chính sách như hỗ trợ nhân dân đóng lồng để nuôi cá. Hàng trăm hộ gia đình đã xây dựng các bè cá lồng nhưng số lượng không đáng là bao so với diện tích mặt hồ. Một số hộ tận dụng các ngách hồ giăng lưới nuôi cá nhưng với số lượng rất nhỏ, năng suất thấp".
"Sau khi khảo sát cho thấy, nhiều xã vùng ven hồ Thác Bà có đủ điều kiện để nuôi cá theo phương pháp quây lưới trong các ngách hồ với diện tích từ 200 - 500 ha là một tiềm năng rất lớn mà huyện Yên Bình chưa khai thác hết. Xây dựng mô hình nuôi cá quây lưới không chỉ hướng cho người dân vào sản xuất hàng hoá có hiệu quả kinh tế cao mà còn thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào vùng hồ Thác Bà" - Ông Kiên cho biết.
Diện tích được chọn xây dựng mô hình là 2,2 ha ở cốt nước 58 m, 0,85 ha ở cốt 46 m, bảo đảm cho việc nuôi cá khi mực nước hồ Thác Bà xuống thấp nhất trong mùa khô. Địa điểm triển khai dự án bảo đảm 3 yếu tố: không cản trở giao thông đường thuỷ; không làm biến dạng mặt nước hồ; không gây ô nhiễm môi trường. Lưới làm đăng chắn là loại tốt, có tuổi thọ 8 năm trở lên, được chôn dưới đáy hồ giữa hai hẻm đồi, chiều cao lưới 22 m, mắt lưới 2 cm, được ghim vào các thùng phi nhựa 220 lít, cứ 4 m có một phao. Các phao lưới được liên kết với nhau bằng dây dù có độ bền cao, chống chịu được gió bão và giữ cho các phao lưới lên xuống khi mực nước hồ dâng lên hay xuống theo từng mùa.
Trên cơ sở đó, năm 2014, đơn vị đã triển khai dự án khoa học "Xây dựng mô hình áp dụng tiến bộ kỹ thuật nuôi cá bằng biện pháp quây lưới trên ngách hồ Thác Bà" bằng nguồn vốn sự nghiệp khoa học của tỉnh và các nguồn vốn khác. Từ đây đã mở ra hướng đi mới trong việc nuôi trồng thuỷ sản cho các xã vùng ven hồ.
Đồng thời, hình thức nuôi này sẽ giảm đáng kể việc đánh bắt nguồn lợi tự nhiên trên hồ cũng như tạo việc làm, tăng thu nhập, xoá đói giảm nghèo cho người dân. Hơn nữa, nuôi theo hình thức này có thể thả được nhiều loại cá; tình hình dịch bệnh được khống chế, hầu như không có dịch bệnh xảy ra; bà con có thể tận dụng được nguồn thức ăn sẵn có, dồi dào ngay trong hồ Thác Bà.
Để hỗ trợ người dân nuôi cá quây tại các eo, ngách trên hồ Thác Bà, huyện đang triển khai một số chính sách theo Nghị quyết số 13 của HĐND tỉnh. Theo đó, huyện đã tiến hành thẩm định 12 hộ tại 5 xã, thị trấn gồm: Vĩnh Kiên, Hán Đà, Thịnh Hưng, Đại Đồng và thị trấn Yên Bình để thực hiện hỗ trợ 42 ha nuôi cá quây lưới với hình thức hỗ trợ cho mỗi hec-ta 10 triệu đồng và mỗi hộ không quá 50 triệu đồng.
Cùng với đó, đơn vị đã cử cán bộ kỹ thuật nuôi trồng thủy sản hướng dẫn bà con áp dụng hình thức nuôi bán thâm canh, nâng mật độ cá trên 1m2 mặt nước từ 0,5 - 0,8 con để tăng hiệu quả, năng suất. Thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục triển khai hiệu quả các chính sách hỗ trợ cho người dân để nhân rộng ra các xã vùng hồ, trong đó tập trung đầu tư con giống, lưới quây trên các eo, ngách và kết nối với thị trường tiêu thụ để bà con yên tâm sản xuất.
Đây là hướng đi mới, phù hợp, giúp người dân vùng hồ xóa đói giảm nghèo đồng thời đưa nghề nuôi trồng thủy sản trở thành mũi nhọn trong phát triển kinh tế của huyện Yên Bình.
Thanh Tân
Các tin khác
YBĐT - Công trình cầu Cướm, xã Thượng Bằng La do UBND huyện Văn Chấn làm chủ đầu tư được triển khai thi công từ năm 2011, dự kiến đến năm 2013 sẽ hoàn thành. Tuy nhiên, sau 4 năm thi công, công trình mới xây dựng được 2 trụ mố cầu.
YBĐT - Với diện tích đất lâm nghiệp trên 9.500 ha, xã Nậm Có, huyện Mù Cang Chải có trên 8.900 ha rừng gồm 7.597 ha rừng tự nhiên, 1.377 ha rừng trồng, 736 ha rừng chăm sóc hàng năm.
Văn phòng Chính phủ vừa có thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải tại Hội nghị trực tuyến đánh giá kết quả trồng rừng thay thế diện tích rừng chuyển sang mục đích sử dụng khác.
Từ năm 2007, các nước ASEAN đã bắt đầu ngồi lại với nhau bàn về “Thỏa thuận thừa nhận lẫn nhau về lao động du lịch trong ASEAN (MRA-TP)” nhằm tạo sự dịch chuyển tự do trong ASEAN của lao động du lịch ở một số nghề nhất định.