Đề án phát triển cây tre măng Bát độ ở Lục Yên: Nhanh chóng tháo gỡ các “nút thắt”
- Cập nhật: Thứ sáu, 23/9/2016 | 1:36:09 PM
YBĐT - Qua thực tế ở Động Quan, huyện Lục Yên sẽ chuyển bớt một số diện tích trồng tre măng Bát độ sang các xã khác để có thể bảo đảm hoàn thành kế hoạch Đề án trong các năm tiếp theo và đến hết cả giai đoạn 2016 - 2020 trồng mới 1.100 ha trên địa bàn toàn huyện.
Bà Nguyễn Thị Đôi ở thôn 9, xã Động Quan đã chuẩn bị xong 2 ha đất đồi để trồng tre măng Bát độ theo kế hoạch đăng ký từ đầu năm 2016.
|
Thực hiện Chương trình hỗ trợ phát triển sản xuất theo Quyết định số 250/QĐ-UBND ngày 19/2/2016 của UBND tỉnh Yên Bái về việc phê duyệt kinh phí thực hiện chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh Yên Bái năm 2016, UBND huyện Lục Yên đã ban hành Quyết định số 183/QĐ-UBND ngày 1/3/2016 về việc phê duyệt kinh phí thực hiện chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản huyện Lục Yên năm 2016. Trong đó, Đề án Phát triển cây tre măng Bát độ với diện tích 50 ha, kinh phí 150 triệu đồng được UBND huyện giao cho UBND xã Động Quan thực hiện. Tuy nhiên, Đề án này năm nay không hoàn thành kế hoạch.
Thực tế ở Động Quan
12 năm về trước, cây tre măng Bát độ đã chính thức “có mặt” ở địa phương theo thông tin từ đồng chí Lương Thanh Tập - Chủ tịch UBND xã Động Quan. Tre măng Bát độ lúc đó thật lạ lẫm với người dân nơi này khi Hội Cựu chiến binh xã thực hiện một dự án trồng 10 ha tre măng bằng giống khô của Trung Quốc. Năm 2012 rồi năm 2013, Bát độ tiếp tục trở lại địa phương một cách quy mô hơn là 30 ha rồi 100 ha thông qua các chương trình khác nhau. Vì không ít lý do, nay cây tre măng Bát độ của các chương trình, dự án đó chỉ còn lại khoảng 28 ha ở các thôn: 3, 5, 10, 11, 12.
Suốt quãng thời gian qua, khó khăn thực tế là ý thức cũng như mối quan tâm của người dân chưa thật sự mặn mà đối với cây măng tre Bát độ. Đời sống kinh tế của người dân còn chật vật nên họ mong có loại cây cho thu nhanh mà thời gian được thu hoạch măng tre Bát độ phải là 3 năm sau khi trồng. Hơn nữa, đã 12 năm tồn tại nhưng xã không có một mô hình nào cho thu nhập cao từ cây tre măng này.
Mặt khác, quá trình thu gom giống, vận chuyển, về tới các gia đình từ nơi cung cấp giống là xã Kiên Thành, huyện Trấn Yên cần thời gian trong một tuần cũng phần nào ảnh hưởng đến chất lượng giống như: bị giập, trầy xước, củ khô mất nước cộng với kinh nghiệm của bà con chưa nhiều dẫn đến tỷ lệ cây sống chưa cao. Ngoài ra còn có các yếu tố khác ảnh hưởng trực tiếp do thiếu kinh nghiệm chăm sóc trong thời kỳ đầu, để cây thiếu nước; rất khó bảo vệ trước tình trạng thả rông gia súc đã phá cây măng tre vì chủ yếu được trồng trên đồi.
Năm 2016, UBND huyện Lục Yên giao xã Động Quan triển khai trồng mới 50 ha tre măng Bát độ. Theo đó, đối tượng hỗ trợ là hộ gia đình tham gia trồng mới tre măng Bát độ tập trung với diện tích từ 0,5 ha trở lên; mức hỗ trợ là 3 triệu đồng/ha. Ngay sau khi nhận kế hoạch, Động Quan đã kiện toàn Ban Chỉ đạo trồng măng tre Bát độ xã; xây dựng kế hoạch thực hiện; tuyên truyền về chủ trương, chính sách hỗ trợ của tỉnh; họp thôn để tuyên truyền, vận động nhân dân đăng ký thực hiện: rà soát lại quỹ đất.
Tuy nhiên, nhân dân chỉ đăng ký 7,9 ha trên tổng số 50 ha kế hoạch giao. Nguyên nhân diện tích đăng ký đạt thấp theo đồng chí Lương Thanh Tập - Chủ tịch UBND xã Động Quan là: “Quỹ đất chưa có do hiện nay, các hộ gia đình đang trồng các loại cây lâm nghiệp nhưng chưa đến thời kỳ thu hoạch. Về chính sách hỗ trợ 3 triệu đồng/ha, nếu so với giá giống thực tế, cước vận chuyển, công đào hố, phát dọn, phân bón... thì người dân tham gia trồng mới còn gặp nhiều khó khăn. Hiệu quả kinh tế mang lại từ măng tre Bát độ chưa cao nên bà con cũng chần chừ, ngại ngần. Khó nữa là người dân luôn chạy theo phong trào, thấy cây quế cho thu nhập cao nên chỉ muốn trồng quế”.
Vậy đối với việc thực hiện 7,9 ha trồng mới tre măng Bát độ mà nhân dân đã đăng ký thì sao? Có nhiều lý do khiến diện tích này cũng không thể thực hiện được. Đầu tiên là hướng dẫn của các ngành chức năng liên quan chưa kịp thời, khi có thông báo giá cây giống thì đã hết thời gian trồng vụ xuân, mật độ cây trồng không thống nhất. Báo giá thấp hơn giá thực tế trên thị trường, chưa kể chi phí vận chuyển về đến tận xã cũng đã “đội” thêm chừng 1.000 đồng mỗi củ giống.
Trong khi đó, yêu cầu kỹ thuật cây giống tre măng Bát độ phải là giống củ mà nếu trồng bằng củ thì chỉ trồng được vụ xuân. Một vấn đề nữa, với yêu cầu kỹ thuật về giống thì chỉ có thể tìm mua tại xã Kiên Thành, huyện Trấn Yên nhưng khả năng cung ứng của cơ sở này cũng cần có thời gian nhất định. Mật độ trồng theo Hướng dẫn số 60/HDLN-NN-KHĐT-TC ngày 28/1/2016 của Liên sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn - Kế hoạch và Đầu tư - Tài chính quy định phải bảo đảm 830 cây/ha. Tính toán thực tế giữa báo giá và mật độ cây thì chắc chắn riêng việc bảo đảm số cây giống trồng trên mỗi héc-ta, người dân sẽ phải bù thêm chi phí. Sau này, mật độ cây được điều chỉnh từ 500 cây đến 830 cây/ha và báo giá cũng được điều chỉnh nhưng đã không còn kịp thời vụ năm 2016.
Tháo gỡ các “nút thắt”
Đồng chí Lương Thanh Tập (bên trái) - Chủ tịch UBND xã Động Quan thăm đồi tre măng Bát độ của bà Đặng Thị Tói ở thôn 10.
Từ thực tế tại xã Động Quan cho thấy, 7,9 ha tre măng Bát độ đã đăng ký trồng mới trong năm 2016 của người dân không thực hiện được cũng như với kế hoạch trồng mới 50 ha của Đề án là không hoàn thành. Đồng chí Hoàng Văn Số - Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Lục Yên đánh giá: “Nếu xét về các yếu tố khách quan thì khó khăn nhất trong quá trình triển khai thực hiện Đề án phát triển cây tre măng Bát độ năm 2016 trên địa bàn huyện Lục Yên chính là không chủ động được nguồn giống. Theo yêu cầu kỹ thuật về giống thì chỉ có cơ sở cung ứng tại xã Kiên Thành, huyện Trấn Yên mới bảo đảm các quy định. Cũng theo yêu cầu đó thì củ giống Bát độ chỉ có thể trồng vào vụ xuân mà nếu trồng kịp vào vụ xuân 2016 thì đã phải có sự chuẩn bị từ cuối năm 2015. Mật độ cây giống tuy đã có điều chỉnh nhưng thời điểm đó cũng đã hết khung thời vụ của năm. Nói tới mật độ cây giống cho mỗi héc-ta bởi liên quan chặt chẽ đến mức hỗ trợ 3 triệu đồng/ha vì nếu số lượng cây lớn, báo giá lại có sự chênh lệch so với thị trường thì đương nhiên tiền hỗ trợ chưa thể đủ cho phần mua cây giống. Phải tính đến thực tế, bà con chưa nhiệt tình trong khi lại còn phải bù chi phí mua giống thì đã khó sẽ càng khó hơn”.
Vì vậy, ngày 22/8/2016, UBND huyện Lục Yên đã có Tờ trình số 1201/TTr-UBND đề nghị chuyển nguồn kinh phí hỗ trợ trồng tre măng Bát độ năm 2016 sang thực hiện năm 2017. Theo đó, UBND huyện Lục Yên đề nghị Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh xem xét trình UBND tỉnh Yên Bái điều chỉnh kinh phí hỗ trợ trồng tre măng Bát độ năm 2016 trên địa bàn huyện sang thực hiện năm 2017.
Như vậy, có nhiều vấn đề cần tháo gỡ một cách đồng bộ. Theo ông Hoàng Văn Số thì khó khăn nào lớn nhất sẽ tìm cách tháo gỡ đầu tiên. Về yếu tố giống, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện tiếp tục liên hệ tìm nguồn giống ngay từ bây giờ để kịp khung lịch trồng vụ xuân 2017. Mặt khác, để có thể chủ động nguồn giống bảo đảm chất lượng tại cơ sở, huyện đề nghị Chi cục Lâm nghiệp tỉnh xem xét và cho phép trồng tre măng Bát độ bằng cành chiết bởi cành chiết trồng được cả vụ xuân và vụ thu trong năm.
Qua thực tế ở Động Quan, huyện Lục Yên sẽ chuyển bớt một số diện tích trồng tre măng Bát độ sang các xã khác để có thể bảo đảm hoàn thành kế hoạch Đề án trong các năm tiếp theo và đến hết cả giai đoạn 2016 - 2020 trồng mới 1.100 ha trên địa bàn toàn huyện. Một mặt vẫn tiếp tục phát triển vùng tre măng Bát độ tập trung ở 7 xã dọc quốc lộ 70 do có điều kiện khách quan thuận lợi, huyện chú trọng đến các xã khác thuận lợi về quỹ đất, đã có diện tích dù nhỏ nhưng có hiệu quả kinh tế. Địa phương cũng sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân tham gia thực hiện Đề án bên cạnh việc xây dựng các mô hình điểm cho thu nhập cao từ măng tre Bát độ. Điều này hết sức quan trọng bởi sẽ giải quyết một vấn đề đặt ra từ Động Quan là người dân thích trồng quế hơn trồng tre măng Bát độ vì cho rằng trồng quế không phải chăm sóc nhiều lại còn cho thu nhập cao.
Công tác tuyên truyền phải làm rõ việc nếu trồng tre măng Bát độ thì 3 năm sau đã được thu, thu nhập cũng không hề nhỏ trong khi nếu trồng cây quế thì khoảng chục năm mới được thu. Mặt khác, quá trình tiêu thụ sản phẩm khá thuận lợi bởi thị trường còn rất rộng lớn, Công ty TNHH Vạn Đạt đã đặt vấn đề bao tiêu nhưng do không đủ sản lượng nên họ cũng đành bỏ ngỏ. Nỗ lực bảo đảm hoàn thành Đề án cũng như bảo đảm việc quy hoạch phát triển các đề án khác trên địa bàn huyện, thật sự rất cần những giải pháp đồng bộ từ các ngành chức năng liên quan, phù hợp với thực tế cơ sở để người dân đồng thuận, tích cực hưởng ứng và đem lại lợi ích thiết thực, lâu dài, bền vững cho chính cuộc sống của mỗi người dân.
Nguyễn Thơm
Các tin khác
YBĐT - Ngày 23/9, huyện Văn Yên tổ chức Lễ công bố Quyết định đạt chuẩn nông thôn mới năm 2016 của UBND tỉnh cho xã Đông Cuông. Đây là xã thứ 3 trên địa bàn huyện Văn Yên và xã thứ 9 của tỉnh Yên Bái được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới.
Thái Nguyên mỗi năm tăng ít nhất 15% số lượng doanh nghiệp, Vĩnh Phúc giảm 30 - 40% thời gian giải quyết thủ tục hành chính, Lào Cai không đình công và bãi công...
YBĐT - Ông Đỗ Chí Chung - Chánh Văn phòng Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc (VEC) cho biết, VEC vừa có thông báo đối với 13 chủ phương tiện lưu thông trên tuyến cao tốc Nội Bài - Lào Cai cố tình gian lận cước phí.
YBĐT - Bám sát sự chỉ đạo của Huyện ủy, HĐND, UBND huyện Văn Yên, với tinh thần đoàn kết cùng với chủ trương đúng đắn, cách làm sáng tạo, phù hợp, xã Đông Cuông đã trở thành địa phương thứ ba của huyện Văn Yên hoàn thành 19/19 tiêu chí trong Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Sáng nay 23/9, Đông Cuông đã chính thức đón nhận quyết định của tỉnh công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới.