Yên Bình tạo đột phá trong công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp

  • Cập nhật: Thứ hai, 26/9/2016 | 7:12:23 AM

YBĐT - Những năm gần đây, huyện Yên Bình đã triển khai thực hiện tốt chủ trương, chính sách thu hút đầu tư của tỉnh mời gọi các công ty, doanh nghiệp, các tổ chức trong nước và nước ngoài đầu tư vào lĩnh vực sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp (CNTTCN) với nhiều ngành nghề khác nhau. Đồng thời, huyện đã tập trung mọi nguồn lực để phát triển CNTTCN đạt giá trị năm sau cao hơn năm trước, đưa sản xuất CNTTCN trở thành khâu đột phá trong phát triển kinh tế.

Công nhân, Công ty cổ phần Yên Thành đóng gói các sản phẩm măng khô xuất khẩu.
Công nhân, Công ty cổ phần Yên Thành đóng gói các sản phẩm măng khô xuất khẩu.

Đồng chí Nguyễn Văn Trọng - Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Yên Bình cho biết: “Trong giai đoạn 2011 - 2015, huyện luôn chú trọng tuyên truyền trên các kênh thông tin khác nhau để mời gọi, thu hút đầu tư sản xuất CNTTCN vào địa bàn. Khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư vào sản xuất CNTTCN để tăng nhanh giá trị sản xuất CNTTCN. Đặc biệt, huyện đã chú trọng vào một số lĩnh vực có thế mạnh như: sản xuất chế biến lâm sản, khai thác khoáng sản và sản xuất vật liệu xây dựng… Vì vậy, sản xuất CNTTCN của huyện tiếp tục ổn định và có bước phát triển; giá trị sản xuất CNTTCN trên địa bàn trong giai đoạn này tăng bình quân hàng năm là 8,8%; sản xuất CNTTCN đã đóng góp rất quan trọng trong phát triển kinh tế của huyện”.

Nhằm khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư vào phát triển CNTTCN nói riêng và phát triển kinh tế - xã hội của huyện nói chung, Yên Bình đã triển khai thực hiện tốt Nghị quyết số: 17-NQ/TU của Tỉnh ủy Yên Bái về phát triển công nghiệp giai đoạn 2011 – 2015; Nghị quyết số: 04-NQ/BCH của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện về tăng cường thu hút đầu tư phát triển kinh tế - xã hội huyện Yên Bình giai đoạn 2011 – 2015.

Trong đó, lĩnh vực CNTTCN đã kêu gọi các tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng cụm công nghiệp Mông Sơn; cụm công nghiệp Thịnh Hưng; duy trì và phát triển một số ngành công nghiệp chủ lực là sản xuất vật liệu xây dựng, sản xuất điện. Tập trung thu hút nguồn lực đầu tư vào công nghiệp khai thác, chế biến khoáng sản và sản xuất vật liệu xây dựng; xây dựng nhà máy chế biến nông - lâm sản; đầu tư vào ngành công nghiệp dệt may…

Hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp về thủ tục đất đai, giải phóng mặt bằng, đảm bảo an ninh trật tự, tạo môi trường thuận lợi thu hút các thành phần kinh tế đầu tư vào sản xuất CNTTCN. Cùng với việc ban hành các chính sách thu hút đầu tư, huyện đã củng cố, sắp xếp các loại hình doanh nghiệp, đổi mới công nghệ, nâng hiệu quả sản xuất kinh doanh. Toàn huyện hiện có trên 170 doanh nghiệp, hợp tác xã.

Trong những năm qua, đã thực hiện chuyển đổi và thành lập mới 23 HTX và 17 doanh nghiệp hoạt động sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực khai thác, chế biến khoáng sản, chè, tinh bột sắn, chế biến gỗ rừng trồng, xây dựng cơ bản, giao thông, điện nước…

Qua triển khai thực hiện các chính sách của tỉnh, huyện về thu hút đầu tư vào lĩnh vực sản xuất CNTTCN, sản xuất CNTTCN của huyện trong những năm gần đây có bước phát triển khá nhanh. Hai nhà máy xi măng đã đầu tư đổi mới công nghệ, nâng cao sản lượng xi măng từ 1,032 triệu tấn năm 2011 lên 1,2 triệu tấn năm 2015; sản xuất bột cacbonatcanxi hàng năm đạt  285.000 tấn; chè khô 3.200 tấn, gỗ xẻ 80.000 m3

Đặc biệt, do làm tốt công tác thu hút đầu tư nên huyện đã kêu gọi được hai nhà đầu tư nước ngoài vào đầu tư cơ sở hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp Thịnh Hưng và đã đầu tư xây dựng nhà máy may xuất khẩu tại đây với công suất 1,5 triệu sản phẩm/năm đã đi vào hoạt được gần hai năm, góp phần tăng giá trị sản xuất CNTTCN của huyện. Lĩnh vực chế biến nông - lâm sản cũng được huyện quan tâm khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư phát triển sản xuất.

Ông Trần Duy Hưng - Phó Giám đốc Công ty cổ phần Yên Thành trao đổi: “Được sự quan tâm, tạo điều kiện của cơ quan chuyên môn của huyện Yên Bình và của tỉnh hướng dẫn tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc về thủ tục hành chính thành lập doanh nghiệp, thủ tục thuê đất… tháng 7 năm 2005, Công ty cổ phần Yên Thành được thành lập trên cơ sở mua lại tài sản, đất đai của Công ty Yên Thành, ngành nghề kinh doanh: thu mua, chế biến, xuất khẩu măng tre Bát độ; thu mua chế biến gỗ rừng trồng; trồng rừng, sản xuất giống cây lâm nghiệp...”.

Khi mới thành lập, diện tích đất của Công ty chỉ có 6.200 m2 nên việc bố trí lắp đặt máy móc phục vụ cho sản xuất gặp nhiều khó khăn. Song, được sự quan tâm của huyện, Công ty cổ phần Yên Thành đã vượt qua những khó khăn, đầu tư lắp đặt dây chuyền chế biến măng tre Bát độ, chế biến gỗ rừng trồng hợp lý trong quỹ đất của Công ty để sản xuất. Đồng thời, huyện đã nhanh chóng giải quyết tranh chấp đất giữa một số hộ dân với Công ty để Công ty xây dựng vùng nguyên liệu.

Những tác động tích cực, kịp thời của huyện đã giúp cho Công ty cổ phần Yên Thành xây dựng được vùng nguyên liệu 157 ha tre măng Bát độ tại các xã Đại Đồng, Tân Hương, Yên Thành, Xuân Lai thuộc huyện Yên Bình. Sau đó, Công ty tiếp tục liên kết với các hộ dân ở xã: Minh Tiến, Liễu Đô, An Phú, Vĩnh Lạc, Mường Lai, huyện Lục Yên trồng được 350 ha tre măng Bát độ; ký kết thu mua sản phẩm măng tươi cho nhân dân; chế biến các sản phẩm măng khô xuất khẩu sang Đài Loan và Nhật Bản.

Sự giúp đỡ của các ngành chức năng huyện Yên Bình đã tạo điều kiện cho một công ty “non trẻ”, tự lực cánh sinh phát triển sản xuất, ăn nên làm ra và mua thêm được gần 4 ha đất ở tổ 3, thị trấn Yên Bình, mở rộng sản xuất, góp phần đáng kể vào giá trị sản xuất CNTTCN của huyện.

Năm 2015, Công ty cổ phần Yên Thành thu mua 2.000 tấn măng tươi, chế biến xuất khẩu trên 311 tấn măng khô, doanh thu đạt 54 tỷ đồng, trong đó doanh thu xuất khẩu măng tre Bát độ đạt 36 tỷ đồng, nộp ngân sách Nhà nước 536 triệu đồng. Trong 8 tháng năm 2016, Công ty thu mua 1.200 tấn măng tươi, chế biến xuất khẩu 176 tấn măng khô, doanh thu đạt 38 tỷ đồng, trong đó doanh thu xuất khẩu măng khô đạt 26 tỷ, nộp ngân sách Nhà nước 720 triệu đồng…

Công nhân, Công ty cổ phần Xi măng và Khoáng sản Yên Bái vận chuyển sản phẩm bột cacbonatcanxi đi tiêu thụ.

Trong những năm qua, huyện Yên Bình đã triển khai thực hiện tốt nghị quyết của tỉnh, của huyện và các chính sách thu hút đầu tư về phát triển CNTTCN, thu hút được nhiều thành phần kinh tế đầu tư vào địa bàn sản xuất CNTTCN với nhiều ngành nghề, lĩnh vực khác nhau, nâng giá trị sản xuất CNTTCN của huyện năm sau cao hơn năm trước. Giá trị sản xuất CNTTCN năm 2015 của huyện đạt trên 1.930 tỷ đồng, tăng bình quân 8,8%/năm; giá trị sản xuất CNTTCN 9 tháng, năm 2016 của huyện đạt trên 2.028 tỷ đồng.

Phát huy những kết quả đã đạt được, trong giai đoạn 2015 - 2020, huyện tiếp tục tập trung mọi nguồn lực để phát triển CNTTCN, thu hút các thành phần kinh tế trong và ngoài nước đầu tư vào sản xuất CNTTCN, phấn đấu đến năm 2020, giá trị sản xuất CNTTCN trên địa bàn huyện đạt 3.200 tỷ đồng. Đầu năm 2016, Công ty TNHH Một thành viên Đá trắng Bảo Lai có trụ sở tại xã Liễu Đô, huyện Lục Yên đã đầu tư xây dựng Nhà máy Sản xuất chế biến Đá vôi trắng tại xã Thịnh Hưng, huyện Yên Bình, tổng vốn đầu tư khoảng 1.320 tỷ đồng, dự kiến trong quý IV, năm 2016 hoàn thành đưa vào hoạt động sản xuất đá xẻ tự nhiên; quý I, năm 2018 hoàn thành đưa vào sản xuất đá Chipform, bột đá siêu mịn, đá Block nhân tạo, đá xẻ nhân tạo.

Hiện nay, các ngành chức năng của huyện đang phối hợp với các nhà đầu tư chuẩn bị giải phóng mặt bằng để đầu tư 2 dự án chế biến gỗ rừng trồng công nghệ MDF tại tổ 18, thị trấn Yên Bình và xã Vĩnh Kiên, với số vốn đầu tư của mỗi dự án khoảng trên 40 tỷ đồng… Đó là tín hiệu vui trong thu hút đầu tư của huyện để đạt được mục tiêu giá trị sản xuất CNTTCN mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXII, nhiệm kỳ 2015 - 2020 đã đề ra.

Minh Hằng

Các tin khác
Nông dân Văn Chấn tích cực thu hoạch lúa mùa.

YBĐT - Với phương châm “sáng lúa, chiều ngô”, những ngày cuối tháng 9, nông dân trong tỉnh đang tích cực thu lúa mùa và sản xuất vụ đông. Tính đến ngày 22/9, toàn tỉnh đã thu hoạch 30% diện tích lúa mùa sớm, năng suất ước đạt bình quân 47 tạ/ha. 

10 xã trên địa bàn huyện được thực hiện Đề án phát triển giao thông nông thôn. Ảnh MQ

YBĐT - Năm 2016, huyện Yên Bình triển khai đầu tư xây dựng 27 công trình giao thông (2 công trình chuyển tiếp năm 2015), khởi công mới 25 công trình.

Thị trường ôtô Việt Nam cuối năm nay vì thế cũng được vọng sẽ đón nhận số lượng mẫu xe mới đông đảo chưa từng có.

Thị trường ôtô Việt Nam chuẩn bị bước vào mùa sôi động cuối năm. Đây là giai đoạn mà sức mua ôtô thường có tỷ lệ tăng trưởng mạnh mẽ và cũng được coi là “mùa” xe mới.

Thủ tướng Chính phủ vừa ký Quyết định mở rộng Khu kinh tế cửa khẩu Lào Cai, tỉnh Lào Cai.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục