Thiết thực giếng nước tự chảy ở Sùng Đô
- Cập nhật: Thứ hai, 24/4/2017 | 11:45:09 AM
YBĐT - Giống như nhiều trường vùng cao khác, Trường Tiểu học và Trung học cơ sở (TH&THCS) Sùng Đô (Văn Chấn) cũng không tránh khỏi tình trạng thiếu nước sinh hoạt, nhất là từ tháng 10 năm trước đến tháng 5 năm sau.
Giếng nước tự chảy đã đảm bảo nguồn nước sạch cho học sinh Trường TH&THCS Sùng Đô.
|
Trường được xây dựng trên địa hình núi cao, sườn dốc, cắt xẻ, lại cách xa nguồn nước. Trong những năm trước đây, nhà trường đã lắp một đường ống dẫn nước từ trên núi cao cách 3.400m về trường dùng để sinh hoạt nhưng do khoảng cách quá xa, quá võng nên áp lực nước lớn và không ổn định gây ra vỡ ống thường xuyên khi mưa lũ và ngược lại nước cạn kiệt vào mùa khô.
Thầy cô giáo và học sinh phải thường xuyên đi sửa, đào, đắp, nối lại đường ống nhưng vẫn không có nước dùng. Mặt khác, do lấy từ bề mặt rừng với nhiều lá cây mục, các chất hóa sinh, nấm mốc, phân trâu bò… nên nguồn nước này không đảm bảo an toàn vệ sinh.
Những khó khăn về nguồn nước sinh hoạt đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống sinh hoạt và học tập của hơn 40 cán bộ, giáo viên, nhân viên và gần 600 học sinh, đặc biệt là hơn 100 học sinh bán trú của nhà trường.
Và cũng chính từ thực tế này đã thôi thúc nhóm các thầy, cô giáo của nhà trường gồm: thầy Nguyễn Văn Kiểm, Hoàng Đình Tuyền, Lê Quang Vinh và cô Hoàng Thị Thuận trăn trở tìm giải pháp đưa nguồn nước sạch về nhà trường sao cho thuận tiện nhất.
Thầy Nguyễn Văn Kiểm khi đó là Phó Hiệu Trưởng nhà trường cho biết: "Từ thực tế khó khăn về nguồn nước hàng ngày của nhà trường, chúng tôi đã tiến hành khảo sát thực địa nguồn nước và đưa ra các giải pháp giả định như sử dụng nguồn nước lần, nước suối, nước mưa, nước ngầm".
"Sau khi so sánh lợi ích kinh tế, tính chất bền vững, tính chất tác động đến môi trường sống… chúng tôi thấy giải pháp đào giếng bên sườn núi cao, núi trọc, tự chảy để lấy nước về nhà trường là giải pháp tối ưu và đã quyết định triển khai thực hiện" - thầy Kiểm nói.
Nhóm các thầy, cô giáo đã tiến hành khảo sát thực địa trên vùng đồi núi trọc cây bụi có khe suối nhỏ cắt xẻ, có độ cao tương đương với sân trường - nơi cần sử dụng nước. Giếng được đào vào mùa khô vì mùa này mực nước ngầm xuống thấp nhất và ít nhất. Như vậy, sẽ bảo đảm lượng nước cung cấp cho cả năm nếu mùa này đủ nước.
Do kinh phí của nhà trường và của xã còn hạn chế nên các thầy cô đã huy động nguồn xã hội hóa từ cán bộ giáo viên, nhân viên trong nhà trường, đồng thời nhận được sự ủng hộ lớn từ một số tổ chức từ thiện và ngày công lao động của phụ huynh học sinh tham gia đào giếng.
Nhóm các thầy cô đã tính toán kích thước giếng đào để bảo đảm mỗi ngày khai thác được 36 khối nước sinh hoạt. Với khối lượng này, đảm bảo cho 150 học sinh bán trú được sử dụng 20 lít/ngày, còn lại 6.000 lít dùng để uống cho học sinh và thầy cô trên lớp.
Để đảm bảo không bị sạt lở, sụt mất giếng và giữ được nguồn nước vệ sinh, thành giếng được xây từ dưới đáy lên bằng gạch đỏ, đáy giếng được đổ một lớp cát dầy 30 cm, miệng giếng có nắp bảo vệ. Giếng còn được dựng hàng rào bảo vệ xung quanh.
Thầy Nguyễn Văn Kiểm cho biết thêm: "Chúng tôi áp dụng nguyên lý bình thông nhau để dẫn nước về và phân phối nước đến các địa điểm cần dùng. Để tăng áp lực nước khi chảy từ giếng đẩy về, chúng tôi đã thực hiện biện pháp giảm dần tiết diện ống dẫn để tăng áp lực nước đẩy lên cao. Tất nhiên khi lắp đường ống từ giếng về, nước chưa thể tự chảy được ngay cả khi hai mực nước bằng nhau. Vì vậy, chúng tôi đã tạo một đường ống thông với giếng và đổ nước ngược lại giếng, khi nước đã được nối liền với giếng, áp suất đã đủ, chúng tôi mở đường ống tại vị trí có độ cao gần bằng mực nước giếng, tự khắc nước giếng sẽ chảy về do nguyên lý bình thông nhau.
"Với điều kiện thành ống kín, không rách vỡ, dù đường dẫn ống cách 300-400 m với địa hình lên xuống gập ghềnh… nước vẫn chảy về bình thường hàng ngày khi mở vòi ở nơi cần dùng" - thầy Kiểm chia sẻ.
Hơn một năm nay, từ khi giếng được đưa vào sử dụng, thầy và trò Trường TH&THCS Sùng Đô hoàn toàn chủ động được nguồn nước sạch sinh hoạt trong bất cứ hoàn cảnh nào, ngay cả khi mưa bão, lũ, mất điện khéo dài. Không những vậy, qua thực tế thực hiện và sử dụng giếng nước còn cho thấy hiệu quả trên nhiều lĩnh vực.
Theo nhóm tác giả của giải pháp giếng nước này, ta hoàn toàn có thể điều tiết được lượng nước sử dụng nhiều hay ít. Việc xây dựng giếng nước này còn mang lại hiệu quả kinh tế như tiết kiệm chi phí xây dựng, tiết p tiền điện khi không phải dùng máy bơm.
Đồng thời, việc sử dụng giếng đào không gây lãng phí nguồn nước do được kiểm soát mức độ tiêu thụ, không phải chặt cây rừng để mở đường ống dẫn nước, góp phần bảo vệ rừng, bảo vệ nguồn nước.
Đặc biệt, nó là minh chứng thực tế để làm thay đổi tư duy của đồng bào vùng cao trong sử dụng nguồn nước. Vốn trước nay bà con vùng cao chỉ quen sử dụng nguồn nước dẫn theo mương máng vừa không ổn định vừa không bảo đảm vệ sinh. Giếng nước này giúp bà con làm quen với mô hình khai thác nước hoàn toàn mới để có nguồn nước sạch phục vụ sinh hoạt.
Thầy Nguyễn Văn Kiểm khẳng định: "Theo chúng tôi, giải pháp này có thể áp dụng cho tất cả các xã vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số trong huyện, trong tỉnh và cả nước khi nơi đó có những điều kiện tương đồng như địa phương chúng tôi để có thể giải quyết tương đối triệt để nạn khan hiếm nước sạch ở vùng cao".
Được biết, giải pháp “Khai thác nước giếng trên núi cao, tự chảy để phục vụ sinh hoạt cho đồng bào miền núi" của nhóm các thầy cô Trường TH&THCS Sùng Đô đã đạt giải khuyến khích tại Hội thi Sáng tạo khoa học kỹ thuật tỉnh Yên Bái lần thứ VII (2015 - 2016).
Hạnh Quyên
Các tin khác
YBĐT - Huyện thường xuyên thông tin kinh tế, xã hội, giới thiệu tiềm năng thế mạnh của huyện tới các doanh nghiệp. Đồng thời, cùng doanh nghiệp thường xuyên tháo gỡ những khó khăn trong sản xuất kinh doanh; giải quyết kịp thời các thủ tục hành chính
Ngành chế biến gỗ đã có hơn 1 thập niên phát triển đầy ấn tượng. Từ 219 triệu USD giá trị kim ngạch xuất khẩu năm 2000 lên 7 tỷ USD vào năm 2016.
Lực lượng quản lý thị trường trong cả nước đã phạt vi phạm hành chính 8,4 tỷ đồng, tiền bán hàng tịch thu là 1,4 tỷ đồng.
Bộ Nông nghiệp- Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đã có chỉ thị yêu cầu các địa phương triển khai nhiều biện pháp nhằm đảm bảo an toàn cho hệ thống hồ chứa nước thuỷ lợi.