Yên Bái: Điều chỉnh quy hoạch phát triển giao thông vận tải
- Cập nhật: Thứ năm, 27/4/2017 | 6:35:14 AM
YBĐT - Tại Kỳ họp thứ 5 - Hội đồng nhân dân (HĐND) tỉnh khóa XVIII, nhiệm kỳ 2016 - 2021 diễn ra vào trung tuần tháng 4 đã thông qua Nghị quyết về việc điều chỉnh Quy hoạch phát triển giao thông vận tải (GTVT) tỉnh Yên Bái giai đoạn 2016 - 2020 và tầm nhìn đến năm 2030.
Trong 5 năm qua, giai đoạn (2010 - 2015) tỉnh đã tập trung huy động mọi nguồn lực đầu tư cho phát triển hạ tầng giao thông, với tổng giá trị các nguồn lực đầu tư là 5.830 tỷ đồng; trong đó nguồn vốn ngân sách trung ương là 1.778 tỷ đồng; vốn ngân sách địa phương là 2.908 tỷ đồng; vốn đầu tư giao thông nông thôn là 1.144 tỷ đồng.
Tỉnh đã tiến hành đầu tư nâng cấp, cải tạo các tuyến quốc lộ, gồm: quốc lộ 32, quốc lộ 37, quốc lộ 32C; mở mới, nâng cấp và cải tạo các tuyến đường tỉnh như: tuyến đường An Bình - Lâm Giang; đường Khánh Hòa - Yên Thế - Vĩnh Kiên; đường Mường La, tỉnh Sơn La đến Mù Cang Chải.
Đầu tư xây dựng và cải tạo, nâng cấp các tuyến đường đô thị được 78,4 km, nâng tổng số Km đường đô thị đến nay là trên 244 km, tăng 78,4 km so với năm 2010. Hoàn thành các dự án đường trung tâm Km 5 đi thị trấn Yên Bình; dự án chỉnh trang đô thị thành phố Yên Bái, thị xã Nghĩa Lộ; dự án đường tránh ngập thành phố Yên Bái.
Hiện đang triển khai thực hiện đầu tư dự án cầu Tuần Quán; dự án đường nối nút giao IC 12 đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai với xã Việt Hồng, huyện Trấn Yên; dự án chỉnh trang thành phố Yên Bái theo chương trình đô thị miền núi các tỉnh phía Bắc; đầu tư cải tạo, nâng cấp, mở mới được trên 2.150 km đường giao thông nông thôn…
Bên cạnh kết quả đạt được, công tác phát triển giao thông vận tải trên địa bàn tỉnh vẫn còn một số khó khăn, tồn tại, hạn chế nhất định, đó là các tuyến đường tỉnh hầu hết chỉ đạt tiêu chuẩn đường cấp V miền núi; một số tuyến đường theo quy hoạch chưa được đầu tư xây dựng như: đường Khánh Hòa - Văn Yên, đường Hưng Khánh - Đồng Khê; Đại lộ Nguyễn Thái Học - Tuy Lộc; đường Cầu Dài - Ngã tư Cao Lanh…; mạng lưới giao thông đường thủy chưa được đầu tư về luồng tuyến, kho bãi, thiết bị vận chuyển và nâng hạ; vận tải đường thủy nội địa và sông Hồng chủ yếu là lợi dụng các điều kiện tự nhiên.
Nguyên nhân do công tác xây dựng, thực hiện và quản lý quy hoạch còn chưa được quan tâm, chú trọng; việc đầu tư hệ thống hạ tầng giao thông thiếu đồng bộ; các nguồn lực ngoài ngân sách đầu tư cho hạ tầng giao thông chưa thực sự rõ nét...
Để thực hiện các mục tiêu phát triển GTVT giai đoạn 2016 - 2020, tỉnh điều chỉnh quy hoạch về đường bộ, vận tải hàng hóa, khối lượng vận chuyển dự kiến năm 2020 là 15 triệu tấn, tăng 57,15%, (so với năm 2010 là 6,428 triệu tấn), tốc độ tăng bình quân giai đoạn 2016 - 2020 đạt 12,3%/năm; vận tải hành khách, dự kiến vận chuyển năm 2020 là 18 triệu người, tăng 64,75% (so với năm 2010 là 6,344 triệu người), tốc độ tăng bình quân giai đoạn 2016 - 2020 là 13,4%/năm; vận tải hành khách công cộng đô thị, thu hút các thành phần kinh tế, các doanh nghiệp kinh doanh vận tải đến năm 2020 đầu tư xây dựng 3 tuyến xe buýt kết nối với thị trấn Cổ Phúc và huyện Yên Bình.
Chú trọng đầu tư khai thác đường thủy nội địa, khối lượng vận chuyển hàng hóa bằng đường thủy nội địa, liên tỉnh đến năm 2020 đạt 1,1 triệu tấn, tăng 72,18%; đầu tư phát triển phương tiện vận tải vỏ thép tự hành có trọng tải từ 50 tấn đến 500 tấn; khuyến khích thu hút dự án đầu tư, thành lập doanh nghiệp kinh doanh các dịch vụ vận tải, kho bãi và logistics.
Tỉnh sẽ tiếp tục quan tâm đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông, hoàn thiện nâng cấp các tuyến đường quốc lộ; ưu tiên đầu tư xây dựng mới một số tuyến đường kết nối các vùng trong tỉnh, các tỉnh trong khu vực với đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai như: tuyến đường Khánh Hòa - Văn Yên; đường nối quốc lộ 32 với đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai; đoạn Nghĩa Lộ - Mậu A…
Mở mới một số tuyến đường nội thị; đồng thời, nâng cấp và hoàn thiện hệ thống đường đô thị tại các trung tâm huyện, thị, thành phố và các cầu vượt sông Hồng theo quy hoạch; tập trung nguồn lực phát triển kết cấu hạ tầng giao thông nông thôn gắn với chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới; phấn đấu 100% đường huyện, đường xã đi lại được bốn mùa. Chú trọng đầu tư phát triển hệ thống giao thông đường thủy nội địa, đường sắt…
Tổng nhu cầu vốn đầu tư trong giai đoạn 2016 - 2020 là 11.211 tỷ đồng, bình quân là trên 2.802 tỷ đồng/năm; cơ cấu nguồn vốn huy động từ nguồn vốn ngân sách trung ương, vốn trái phiếu Chính phủ, vốn nước ngoài ODA, ADB…, vốn của các doanh nghiệp, tổ chức kinh tế, cá nhân là trên 8.436 tỷ đồng; vốn ngân sách tỉnh, nguồn vốn đóng góp của nhân dân và các nguồn vốn hợp pháp khác là trên 2. 774 tỷ đồng.
Về tầm nhìn phát triển GTVT đến năm 2030 tỉnh sẽ tiếp tục hoàn thiện, từng bước hiện đại hóa kết cấu hạ tầng giao thông nhằm nâng cao chất lượng khai thác, đảm bảo vận tải thông suốt toàn bộ mạng lưới đối nội, đối ngoại và đảm bảo quốc phòng, an ninh.
Tiếp tục đầu tư, nâng cấp hệ thống đường tỉnh đạt tiêu chuẩn đường cấp IV và đầu tư các dự án trọng điểm có sức lan tỏa lớn đảm bảo kết nối giữa các vùng trong tỉnh và các tỉnh lân cận với các tuyến cao tốc, các tuyến quốc lộ. Khai thác có hiệu quả các tuyến đường sắt, đường thủy nội địa; tiếp tục đầu tư phát triển giao thông đô thị và giao thông nông thôn.
Đức Toàn
Các tin khác
Theo Cục Thú y (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn), cả nước vừa ghi nhận thêm một ổ dịch cúm gia cầm mới H5N1 tại Cao Bằng.
Từ 25/4 - 15/6, Vietjet công bố chương trình độc đáo nhất từ trước đến nay “Hè bay Free, đi thỏa thích” với 1 triệu vé siêu tiết kiệm giá chỉ từ 0 đồng vào khung giờ vàng 12h – 14h.
YBĐT - Tính đến hết năm 2016, xã Yên Hợp (Văn Yên) đã hoàn thành 14 tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Để “cán đích” nông thôn mới đúng hẹn trong năm nay, ngay từ đầu năm, cả hệ thống chính trị đã quyết tâm cao cùng sự chung sức đồng lòng của nhân dân để hoàn thành nốt các tiêu chí còn lại.
Trước tình trạng gia tăng tai nạn giao thông tại các vị trí đường sắt giao cắt với đường bộ (đường ngang), Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (ĐSVN) cho biết, Bộ Giao thông vận tải (GT-VT) đã báo cáo Chính phủ để đề xuất xin nguồn vốn bảo đảm an toàn giao thông (ATGT) làm các cần chắn tự động để từ tự giác ý thức trở thành cưỡng bức đối với người tham gia giao thông.