Cộng đồng cùng giữ rừng ở An Bình
- Cập nhật: Thứ tư, 26/7/2017 | 11:02:10 AM
YBĐT - Gần chục năm nay, hơn 641 ha rừng phòng hộ đang được người dân xã An Bình, huyện Văn Yên quản lý và bảo vệ tốt, không còn tình trạng lấn chiếm, chặt phá rừng bừa bãi. Kết quả này có được từ khi rừng được giao cho cộng đồng thôn, bản quản lý.
Xã An Bình, huyện Văn Yên có trên 711 ha rừng, trong đó có 641 ha rừng phòng hộ, còn lại là rừng tự nhiên sản xuất. Rừng ở đây từ bao đời nay đã cho người dân bao nguồn lợi và cung cấp nước tưới phục vụ sản xuất nông nghiệp.
Tuy nhiên, do diện tích rừng nằm giáp ranh với nhiều xã như: Khánh Hòa, Trúc Lâu (Lục Yên), Lâm Giang (Văn Yên), địa hình đi lại khó khăn, trong khi đó rừng lại chỉ được giao cho một vài nhóm hộ, dẫn đến rừng thường xuyên bị “chảy máu”. Năm 2007, có 641 ha rừng phòng hộ được giao cho cộng đồng 2 thôn: Khe Trang và Khe Dòng, xã An Bình quản lý. Trong đó, thôn Khe Trang có 217 hộ với hơn 1.000 nhân khẩu được giao quản lý và bảo vệ 409,3 ha rừng.
Từ khi rừng được giao cho cộng đồng thôn, mọi người đã cùng nhau giữ rừng để hưởng những lợi ích từ rừng. Bà con ai cũng hiểu, có rừng là có nguồn nước để trồng cấy, có nhiều sản vật dưới tán rừng để khai thác. Để giữ rừng, người dân đã xây dựng được quy ước bảo vệ và phát triển rừng trong cộng đồng, ký cam kết thực hiện quy ước với từng hộ.
Anh Chương Văn Vĩnh - Tổ trưởng Tổ quản lý bảo vệ rừng thôn Khe Trang cho biết: “Khác với giao khoán quản lý bảo vệ rừng của nhiều năm trước, giờ đây toàn bộ diện tích rừng được giao cho cộng đồng thôn bản quản lý nên bà con ai cũng có trách nhiệm với rừng”. Không chỉ diện tích rừng ở Khe Trang, mà 232 ha rừng cộng đồng ở Khe Dòng cũng được quản lý nghiêm ngặt.
Anh Vi Văn Bảo ở thôn Khe Dòng cho biết: “Nếu không có cộng đồng thôn quản lý thì rừng ở đây bị xóa sổ lâu rồi. Để quản lý bảo vệ rừng, thôn thành lập các nhóm thường xuyên tuần tra, kiểm soát. Người nào vào rừng không được sự cho phép của cộng đồng thôn sẽ bị xử phạt. Số tiền xử phạt vi phạm được nộp quỹ phát triển và bảo vệ rừng của thôn. Những hộ nghèo, đặc biệt khó khăn, gia đình chính sách được phép khai thác gỗ, củi và các lâm sản phụ nhưng phải theo kế hoạch và chỉ được lấy gỗ khi có nhu cầu làm nhà với điều kiện phải được nhân dân trong bản, chính quyền đồng ý”.
Ông Lê Cao Tấn - Phó Chủ tịch UBND xã An Bình cho biết: “Từ khi giao rừng cho cộng đồng quản lý, bên cạnh việc tuyên truyền cho người dân hiểu về việc phải bảo vệ rừng, Ban Quản lý rừng cộng đồng các thôn thành lập các nhóm bảo vệ rừng với 27 thành viên thường xuyên tuần tra, kiểm soát rừng. Các nhóm bảo vệ rừng còn phối hợp với xã, cán bộ kiểm lâm địa bàn tổ chức tuyên truyền, vận động người dân thực hiện tốt việc quản lý, bảo vệ rừng; từ đó, tạo chuyển biến trong người dân về ý thức bảo vệ rừng. Nhờ vậy, rừng cộng đồng được quản lý nghiêm ngặt, không còn tình trạng chặt phá, rừng bừa bãi”.
Việc giao rừng cho cộng đồng quản lý đã phát huy hiệu quả. Tuy nhiên, rừng ở An Bình chủ yếu là rừng giang nên người dân được hưởng lợi từ rừng còn hạn chế. Để rừng cộng đồng phát triển bền vững, cần có chính sách hỗ trợ cộng đồng xây dựng mô hình tăng thu nhập từ rừng như: trồng cây dưới tán rừng, xây dựng các mô hình nông lâm kết hợp để cộng đồng được hưởng lợi từ giữ rừng, góp phần nâng cao đời sống của người dân.
Văn Thông
Các tin khác
Ngày 25-7, Bộ Nông nghệp- Phát triển nông thôn (NN-PTNT) cho biết, Thủ tướng Chính phủ vừa ký ban hành các quyết định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức của Tổng cục Thủy lợi và Tổng cục Phòng chống thiên tai.
YBĐT - Là tỉnh miền núi, nhưng Yên Bái lại có lợi thể để nuôi trồng thủy sản với tổng diện tích trên 32.000 ha mặt nước; trong đó, có 26.000 ha đủ điều kiện để phát triển chăn nuôi thủy sản. Phát huy thế mạnh này, hàng năm tỉnh đã quan tâm chỉ đạo đầu tư phát triển thủy sản, ban hành các cơ chế chính sách hỗ trợ về giống, hạ tầng, tín dụng qua hệ thống ngân hàng, cho thuê mặt nước để người dân, doanh nghiệp nuôi trồng thủy sản.
YBĐT - Thời điểm 30/6/2017, Chi cục Thuế thị xã Nghĩa Lộ quản lý thuế đối với 1.379 cá nhân kinh doanh (CNKD) trong tổng số 2.106 CNKD, bằng 65,4%.
YBĐT - Do ảnh hưởng của hoàn lưu cơn bão số 2 xảy ra từ ngày 16-18/7, thêm vào đó ngày 22/7, lũ thượng nguồn sông Hồng dâng nhanh lên mức báo động 3 gây thiệt hại nặng nề đối với và sản xuất nông nghiệp của Trấn Yên.