Thu nhập cao từ trồng rau

  • Cập nhật: Thứ sáu, 8/12/2017 | 7:56:24 AM

YBĐT - Thị trấn Yên Thế, huyện Lục Yên có truyền thống thâm canh rau màu hiệu quả và từ lâu vụ đông đã trở thành vụ sản xuất chính. Những năm gần đây, việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng có hiệu quả trên đất ruộng đã mang lại cho người dân nơi đây nguồn thu nhập ổn định.

Nông dân thị trấn Yên Thế thu hoạch khoai tây vụ đông.
Nông dân thị trấn Yên Thế thu hoạch khoai tây vụ đông.

Thăm vườn rau vụ đông của gia đình anh Phạm Trường Giang, thôn Thoóc Phưa là một trong những hộ tiên phong trong việc trồng các loại rau vụ đông ở thị trấn Yên Thế mới thấy sự đa dạng của các loại rau mùa đông. Anh Giang cho biết: từ năm 2003, gia đình bắt đầu trồng thử rau vụ đông. Do được chăm sóc tốt và ít sử dụng thuốc bảo vệ thực vật nên khi đem bán được rất nhiều người tin dùng.
 
Trước hiệu quả từ trồng rau, hàng năm gia đình anh thường xuyên duy trì hơn 2 mẫu đất, chủ động nước tưới để trồng các loại rau xanh và trừ hết chi phí, mỗi vụ đông gia đình anh thu được 50 đến 60 triệu đồng. Anh Giang cho biết thêm: "Trước đây, gia đình tôi chỉ trồng lúa 2 vụ và vụ đông không sản xuất. Qua học hỏi, gia đình đã tiến hành trồng cây rau vụ đông và qua nhiều năm thấy hiệu quả kinh tế hơn hẳn so với những cây trồng khác”.

Trên cánh đồng rau thôn Thoóc Phưa, ông Phạm Quang Vững - người đã nhiều năm gắn bó với cây rau cũng cho biết: trồng rau là một nghề chính của người dân thị trấn Yên Thế. Hơn nữa, đây cũng là loại cây trồng ngắn ngày nên dễ quay vòng thời gian sử dụng đất. Nhiều hộ nhờ trồng rau mà có cuộc sống khá giả. Có những thời điểm rau cải có giá từ 8.000 - 10.000 đồng/kg và cao điểm lên đến 15.000 đồng/kg. Một năm, gia đình ông Vững trồng 2 mẫu rau các loại và cho thu nhập trên 100 triệu đồng. Riêng vụ đông, trừ chi phí cũng giúp ông thu về trên dưới 60 triệu đồng. Khi rau màu được thu hoạch thì thương lái về tận ruộng thu mua.
 
Ông Vững chia sẻ: "Gia đình tôi trồng rau từ gần 20 năm nay. Tôi thấy công việc này đòi hỏi người làm rau phải cần cù, chịu khó, nhất là làm tốt việc phòng chống sâu bệnh cho rau. Từ nhiều năm nay, trồng rau đã giúp đời sống gia đình tôi ngày càng ổn định hơn”.

Thị trấn Yên Thế hiện có gần 140 ha đất sản xuất nông nghiệp. Những năm trước đây, diện tích đất canh tác 2 vụ chỉ được 50% và vụ đông gần như bỏ ngỏ.
 
Trước thực tế đó, UBND thị trấn đã tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng; đồng thời, quan tâm đầu tư xây dựng hệ thống kênh mương thủy lợi để phục vụ nhu cầu tưới tiêu cho sản xuất.
 
Ngoài ra, còn chủ động phối hợp với các phòng chuyên môn của huyện tổ chức các lớp tập huấn chuyển giao khoa học, kỹ thuật, tín chấp với Ngân hàng Chính sách xã hội huyện để tạo điều kiện cho nhân dân có vốn để sản xuất. Từ đó, giúp người dân đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng, mùa vụ, tăng nhanh vòng quay của đất.
 
Đến nay, người dân đã canh tác được cả 3 vụ, trong đó vụ mùa và vụ xuân gieo trồng đạt 100% diện tích; riêng vụ đông được khoảng trên 50 ha, chủ yếu là cây rau màu các loại. Từ diện tích này, hàng năm tạo ra nguồn thu cho người dân trên 6 tỷ đồng, tập trung nhiều ở các thôn: Đồng Phú, Thoóc Phưa, tổ dân phố 9, tổ 12…

Ông Hoàng Sơn Trường - Phó Chủ tịch UBND thị trấn Yên Thế cho biết: "Nhiều năm qua, sản xuất rau ở thị trấn Yên Thế được bà con các thôn, tổ dân phố mạnh dạn đầu tư sản xuất, đặc biệt là trong vụ 3 với mô hình rau giống và rau thương phẩm đã giúp cho bà con tăng thu nhập rõ rệt. Nhiều hộ khá giả nhờ trồng rau và đóng góp đáng kể vào quá trình phát triển kinh tế, xã hội của thị trấn”.

Có thể khẳng định, việc chuyển dịch cơ cấu các loại rau màu vụ đông ở thị trấn Yên Thế, huyện Lục Yên đã đem lại những kết quả quan trọng trong phát triển kinh tế; đồng thời, thể hiện những bước đi đúng đắn của cấp ủy, chính quyền thị trấn trong xóa đói giảm nghèo bền vững và góp phần đẩy nhanh tiến độ xây dựng nông thôn mới trên địa bàn.        
                                                                           
Khắc Điệp - Tuấn Viên

Các tin khác

YBĐT - Năm 2017, thị xã Nghĩa Lộ đón và phục vụ 65.000 lượt khách du lịch, tăng 12% so với năm 2016. Trong năm, thị xã đẩy mạnh quảng bá, thu hút đầu tư phát triển du lịch, tạo mọi điều kiện thuận lợi về môi trường kinh doanh, đầu tư cho các doanh nghiệp, hộ kinh doanh thương mại, dịch vụ trên địa bàn phát triển.

YBĐT - Trận mưa lũ đầu tháng 10 vừa qua, Văn Chấn bị thiệt hại nặng nề về người và tài sản. Trong đó có 45 nhà bị sập, cuốn trôi hoàn toàn, 140 nhà phải di dời khẩn cấp... Để giúp người dân sớm ổn định cuộc sống sau lũ quét , các địa phương vùng thiên tai của huyện Văn Chấn đang tích cực triển khai làm nhà giúp dân.

Chuồng trại tạm bợ và xiêu vẹo, rách nát như thế này ở xã Nậm Mười thì không thể chống rét được cho trâu, bò.

YBĐT - Đáng mừng, Nậm Mười là một trong những xã có đàn trâu lớn nhất huyện song điều đáng lo là mùa đông 2017 - 2018 được dự báo sẽ có những đợt rét đậm, rét hại kéo dài, nhiệt độ xuống thấp kỷ lục. 

YBĐT - Vụ đông xuân 2016 - 2017, xã Púng Luông, huyện Mù Cang Chải lần đầu tiên trồng 8 ha lúa mì ở 5 bản: Nả Háng Tâu 3 ha, Háng Cơ Bua 2 ha, Mí Háng Tủa Chử 1 ha, Đề Chua A 1 ha, Đề Chua B 1 ha.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục