Thị trường hàng hóa tết: Giá cả ổn định, dồi dào nguồn cung

  • Cập nhật: Thứ tư, 21/2/2018 | 12:01:27 PM

YBĐT - Sau 1 tuần nghỉ tết Nguyên đán, người dân đã quay trở lại với nhịp sống thường ngày. Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018 được đánh giá diễn ra trong không khí vui tươi, phấn khởi. Thị trường hàng hóa tết năm nay khá phong phú, giá cả ổn định, đặc biệt không xảy ra hiện tượng khan hiếm hàng hóa.

Các mặt hàng tươi sống giá tăng nhẹ, sức mua chậm.
Các mặt hàng tươi sống giá tăng nhẹ, sức mua chậm.


Đã trở thành quy luật, thị trường hàng hóa cuối năm, nhất là cận Tết bao giờ cũng sôi động vì sức mua tăng cao, nguồn cung tập trung lớn, dễ tạo ra ách tắc trên khâu lưu thông và tỷ lệ thuận với nó là sự đầu cơ, chộp giật làm giá cả biến động… Chính vì vậy, ngay từ những tháng cuối năm 2017, các biện pháp bình ổn thị trường đã được các ngành chức năng trong tỉnh, nhất là ngành công thương đặc biệt chú trọng.
 
Việc phân nhóm các loại hàng và dự báo mức cung cầu, phân tích các yếu tố tác động, các giải pháp kiểm soát và kiềm chế được tỉnh trực tiếp chỉ đạo. Nhờ vậy, cả hệ thống quản lý và người tiêu dùng đã khá chủ động ứng phó với diễn biến thị trường.
 
Điều đáng nói là, năm nay nhiều cơ quan, đơn vị đã "giải ngân” sớm nguồn tiền phục vụ chi tiêu tết đặc biệt là đối tượng hưu trí, người hưởng trợ cấp bảo hiểm xã hội được lĩnh 2 tháng lương vào ngay đầu kỳ lương của tháng 2 nên việc mua sắm được khởi động sớm. Tính đến ngày 23 tháng Chạp, sức mua đã nhộn nhịp kéo dài hết ngày 30 tết.
 
Các mặt hàng công nghệ phẩm, thực phẩm chế biến, bánh, mứt, kẹo, hàng thời trang... đã được người tiêu dùng mua sắm từ trước. Tại các trung tâm thương mại, cửa hàng, đại lý lớn lượng hàng hoá dồi dào, sức mua tăng 30-35% so ngày thường nhưng giá cả ổn định.
 
Đối với nhóm hàng công nghệ phẩm chế biến thì giá ổn định do nguồn cung lớn, mẫu mã bao bì chất lượng hàng Việt Nam sản xuất có sự tiến bộ vượt trội so với tết Đinh Dậu 2017 và các năm trước. Giá cả nhìn chung không có biến động bất thường.
 
Một số mặt hàng thực phẩm tươi sống do nhu cầu tiêu dùng của người dân tăng cao nên giá tại một số chợ tăng so với ngày thường do yếu tố tâm lý, tập trung chủ yếu ở nhóm thịt bò, thịt lợn, thịt gà, giò với mức tăng phổ biến khoảng 10- 20%; Giá rau, củ ổn định, một số chợ giảm do thời tiết nắng, ấm nên nguồn cung dồi dào. Tuy nhiên thị trường hoa, cây cảnh như đào, quất, hoa Ly giảm mạnh vào các ngày cận tết ngày 29, 30.

Từ ngày mùng 2 tết, một số cửa hàng, chợ trên địa bàn tỉnh mở cửa kinh doanh trở lại, giá hàng hóa thiết yếu sau Tết cũng không có biến động lớn. Theo khảo sát của phóng viên, trái với quy luật sau tết thường tăng giá đối với các mặt hàng thực phẩm tươi sống, rau quả, năm nay, thị trường khá ổn định, nguồn cung dồi dào đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân.
 
Các mặt hàng thực phẩm tươi sống như: thịt bò, cá có tăng nhẹ như: thịt bò loại A tăng từ 250.000/kg lên 270.000 - 300.000 đồng/kg; riêng thịt lợn như: mông sấn, thăn, vai, ba chỉ giá vẫn giữ nguyên từ 60 -  70.000 đồng/kg còn xương sườn, nội tạng tăng cao gấp 1,5 lần do nhu cầu tăng mạnh; mặt hàng thủy sản có tăng nhưng không đáng kể, cá trắm cỏ loại to từ 3kg trở lên tăng 5 - 10.000 đồng/kg, cá chép tăng 5.000 đồng/kg, cá rô phi đơn tính to giá vẫn giữ nguyên so với trước tết.
 
Năm nay, trong điều kiện thời tiết ấm áp, các loại rau, củ quả đều sinh trưởng, phát triển tốt và cho thu hoạch đồng loạt, vì vậy, lượng rau, củ quả tương đối dồi dào, không xảy ra sự biến động về giá, không có hiện tượng "hét giá”, đẩy giá lên cao. 
 
Cụ thể: rau cải bắp, su hào 10.000 -12.000 đồng/kg, cà chua 20 - 25.000 đồng/kg, các loại rau cải cúc, xà lách, súp lơ giá vẫn ổn định so với trước tết. Theo các tiểu thương tại chợ Yên Thịnh, thành phố Yên Bái, sau tết năm nay giá thực phẩm không tăng nhưng sức mua của người dân rất chậm.
 
Bà Nguyễn Thị Liên, tiểu thương bán cá tại chợ Yên Thịnh, thành phố Yên Bái cho biết: "Tôi mở hàng từ mùng 3 tết, giá các loại cá có tăng nhưng tăng rất ít nhưng người mua rất ít, ngồi cả ngày mới bán được vài chục cân. Chủ yếu lọc cá rô phi bán cho các quán bún ăn sáng, chứ dân mua về ăn ít lắm”.

Ngay sau kỳ nghỉ tết kéo dài 7 ngày, người dân đã quay trở lại với nhịp sống thường ngày. Mặc dù chưa thực sự sôi động, song thị trường hàng hóa cũng đã bắt đầu nhộn nhịp trở lại ngay từ sáng 21/2 (tức ngày mùng 6 tết Nguyên đán Mậu Tuất). Dự kiến thời gian tới, khi hàng mua tích trữ trong dân đã cạn, hơn nữa mùa lễ hội diễn ra nhiều ở hầu khắp các địa phương trong tỉnh… sức tiêu thụ hàng hóa sẽ tiếp tục tăng.
 
Vì vậy, để góp phần ổn định giá cả hàng hóa trong thời gian tới, Sở Công Thương đã chỉ đạo các đơn vị sản xuất kinh doanh trong tỉnh tiếp tục bảo đảm đủ nguồn hàng cung ứng cho nhân dân trong mùa lễ hội để không xảy ra hiện tượng khan hàng, sốt giá. Chỉ đạo Chi cục Quản lý thị trường tỉnh tiếp tục phối hợp với các cơ quan chức năng liên quan, chỉ đạo các tổ, đội quản lý thị trường tại cơ sở bám sát địa bàn, tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát, phát hiện và xử lý kịp thời tình trạng tăng giá, ép giá… nhằm bảo đảm quyền lợi người tiêu dùng.

Hồng Duyên

Các tin khác
Nông dân huyện Văn Chấn ra đồng cấy lúa xuân ngay sau tết Nguyên đán.

YBĐT - Không khí vui xuân đón tết chưa lắng xuống nhưng những người nông dân Văn Chấn đã tranh thủ ra đồng lao động sản xuất. Năm nay, thời tiết rét đậm, rét hại đã ảnh hưởng đến sản xuất vụ đông xuân, với quyết tâm giành thắng lợi, ngay từ những ngày đầu năm, nhân dân Văn Chấn đã hăng hái ra đồng để sản xuất kịp thời vụ...

YBĐT - Sáng 21/2, (tức mùng 6 Tết), tại đường dẫn lên cầu Tuần Quán, thành phố Yên Bái đã phát động Tết trồng cây "Đời đời nhớ ơn Bác Hồ” xuân Mậu Tuất - 2018.

YBĐT - Con đường về bản Nả Háng B dốc tiếp dốc như chạm mây. Nhà văn hóa của bản khang trang nằm giữa khu đất bằng phẳng hoàn thành tháng Tư năm 2017 là công trình chào mừng 60 năm thành lập huyện Mù Cang Chải.

Bản đồ chuỗi thực phẩm an toàn.

Để phát triển chuỗi thực phẩm an toàn, đến nay, các địa phương trên cả nước đã xây dựng được 764 chuỗi cung ứng.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục