Đón chúng tôi bằng nụ cười tươi rói, Bí thư Đảng ủy xã Giàng A Lồng phấn khởi cho biết: "Năm 2017 đi qua, Đảng bộ chính quyền và nhân dân trong xã phấn khởi hơn bởi 18/18 chỉ tiêu đều hoàn thành và vượt mức kế hoạch đề ra.
Chúng tôi trở lại Pá Hu trong những ngày đầu xuân mới. Đây là xã đặc biệt khó khăn của huyện vùng cao Trạm Tấu. Những gì được chứng kiến hôm nay, đã khác xưa rất nhiều từ cơ sở hạ tầng đến cuộc sống người dân. Trong đó, một số chỉ tiêu đạt khá như: tổng sản lượng lương thực có hạt đạt trên 2.000 tấn, bằng 100,29% so với Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã nhiệm kỳ 2015 - 2020; lương thực bình quân đầu người đạt trên 974 kg/người/năm, bằng 101,49% chỉ tiêu; thu ngân sách xã đạt trên 17 triệu đồng, bằng 124,7% chỉ tiêu.
Số lao động được đào tạo nghề trong năm đạt 100% chỉ tiêu; tỷ lệ hộ nghèo giảm so với năm 2016 là 7,22%, bằng 134,9% chỉ tiêu; tỷ lệ học sinh hoàn thành cấp tiểu học, trung học cơ sở đạt 91,3%, bằng 109,5% so với chỉ tiêu; tỷ lệ hộ gia đình được xem truyền hình là 65 %, nghe Đài Tiếng nói Việt Nam là 90% đạt 100% chỉ tiêu; tỷ lệ hộ gia đình đạt chuẩn văn hóa (theo chuẩn mới) trên 36%, đạt 103,7% chỉ tiêu; tỷ lệ thôn, bản đạt tiêu chuẩn văn hóa (theo chuẩn mới) là 40 % đạt 100% chỉ tiêu”...
Trước đây, Pá Hu là xã nghèo nhất nhì huyện. Xã có 5 thôn bản thì cả 5 thôn bản đều khó khăn về đường sá đi lại. Trong đó, có những thôn bản cách trung tâm xã tới 20 km hầu hết là đi bộ đường rừng; không điện, không thông tin liên lạc, không có trường học nên cuộc sống của người dân trong xã đều khó khăn.
Đất canh tác nhiều, song chủ yếu là sản xuất được một vụ, vụ còn lại trồng lúa nương hoặc bỏ không; năng suất lúa thấp; bởi vậy, năm nào cũng có trên 80% số hộ dân đói giáp hạt, đứt bữa. Để giúp người dân thoát nghèo, huyện Trạm Tấu đã ban hành nghị quyết về việc chuyển đổi diện tích lúa nương kém hiệu quả sang trồng ngô đồi.
Vậy là, đầu năm 2013, với sự hỗ trợ kỹ thuật của cán bộ khuyến nông huyện, sự trợ giúp phân bón, giống của Nhà nước, trên 18 ha ngô đồi đã được thí điểm thành công ở thôn Pá Hu và đã tạo sự đột phá mới trong chuyển dịch cơ cấu cây trồng, mở ra hướng thoát nghèo cho xã.
Từ thành công này, mô hình ngô đồi đã được triển khai rộng ra các thôn bản khác, tạo ra một "cuộc cách mạng lớn” trong việc chuyển đổi cây trồng, vật nuôi của xã.
Cùng với Chương trình 135, Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, các chương trình hỗ trợ của Chính phủ, của tỉnh đầu tư về cơ sở hạ tầng, hỗ trợ vốn vay đã giúp Pá Hu bứt phá đi lên. Nhiều hộ dân được vay vốn đã mạnh dạn phát triển các mô hình kinh tế đồi rừng, chăn nuôi cho hiệu quả kinh tế cao.
"Pá Hu hôm nay đã khá hơn rồi! Trước tết đi kiểm tra, xuống thôn bản nào cũng thấy người dân mổ lợn ăn tết. Nhà nào khá thì mổ con to, nhà nào bình thường thì mổ con bé, có nhà khá hơn thì mổ trâu, mổ bò chung nhau nên tết vui lắm!” - Bí thư Đảng ủy xã Pá Hu phấn khởi cho biết thêm.
Đến các thôn bản tìm hiểu đời sống nhân dân, đâu đâu cũng bắt gặp không khí vui tươi, phấn khởi, tiếng nói cười ấm áp. Ghé thăm gia đình anh Thào A Mua, thôn Tà Tàu, chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng bởi mô hình phát triển kinh tế khá hiệu quả của anh.
Là thủ lĩnh Đoàn xã, với sức trẻ và khát vọng lập nghiệp, năm 2014 anh mạnh dạn vay 30 triệu đồng từ Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để mua đôi trâu về nuôi, kết hợp với kinh tế đồi rừng.
Nhờ vậy, cuộc sống gia đình anh đã khá lên trông thấy. Đến nay, đàn trâu của anh có hơn 10 con, hơn 3 ha đồi rừng và anh trở thành tấm gương tiêu biểu phát triển kinh tế của xã vùng cao này. Tết vừa qua, gia đình anh mổ hẳn một con trâu để ăn tết. Mô hình kinh tế tổng hợp của Giàng A Khu ở thôn Cang Dông cũng vậy.
Từng là hộ nghèo nhất nhì của thôn và ruộng nhiều, song chỉ canh tác một vụ nên năm nào nhà anh cũng lâm vào cảnh thiếu đói. Song, bằng ý chí và nghị lực, anh Khu đã chuyển đổi những diện tích lúa nương kém hiệu quả sang trồng ngô đồi và mạnh dạn vay tiền nuôi lợn "cắp nách".
Đến nay, đàn lợn của anh đã có 20 con. Mỗi năm anh vừa bán lợn giống, bán lợn thịt thu lãi bình quân trên 30 triệu đồng và đã trở thành hộ khá giả nhất trong thôn. Trong nhà anh Khu, chúng tôi thấy đủ cả ti vi, tủ lạnh, xe máy.
Anh Khu cho hay: "Nhờ cán bộ xã tuyên truyền, được vay vốn, tôi mạnh dạn tập trung phát triển kinh tế và vừa làm vừa học rồi cuộc sống cũng khá dần hơn. Trước đây, làm gì dám mơ đến chiếc xe máy! Giờ thì nhà ở cũng đã khang trang, đồ đạc sinh hoạt gia đình cũng đã đủ cả, chỉ tập trung lo cho con cái ăn học nữa thôi!”.
Thào A Lâu ở thôn Tà Tàu cũng vậy. Từ khi đường mở, cây ngô đồi đã đem lại hiệu quả kinh tế cao. Nhờ vậy, hơn 2 ha ngô đồi của anh đã giúp gia đình cất lại được ngôi nhà mới và mua được 4 con bò, 6 con dê về nuôi. Tết vừa qua, gia đình anh vui nhất vì được đón tết trong ngôi nhà mới, được cán bộ xã đến thăm tặng quà, bà con thôn bản đến chúc mừng rất đông.
Được trang bị kiến thức, được tiếp cận với các nguồn vốn vay ưu đãi, nhiều gia đình ở Pá Hu đã vươn lên phát triển kinh tế để thoát nghèo, điển hình như gia đình anh Thào A Tông, Sùng Tráng Thào ở thôn Km 16, Mùa Chờ Chử ở bản Háng Gàng, Thào A Súa ở bản Tà Tàu... với mô hình chăn nuôi kết hợp trồng rừng cho hiệu quả kinh tế cao.
Bên cạnh đó, bằng việc xác định đúng hướng đi và có sự đầu tư, cùng với việc nâng cao dân trí nên việc xóa nghèo tưởng như không thể trên vùng đất Pá Hu nay đã thành hiện thực.
Tạm biệt Pá Hu, đi trên con đường uốn lượn vắt ngang đỉnh núi bên những bản làng ngày càng no ấm, lòng tôi thấy lâng lâng một cảm xúc lạ thường. Xa xa phía chân đồi, những gia đình người Mông đang tất bật chăm sóc lúa xuân, tiếng cười nói, tiếng trẻ nhỏ học chữ vang khắp bản làng hòa lẫn trong gió xuân như những tín hiệu vui cho sức sống mới ở nơi non cao này.
Thanh Tân