Không phải địa phương nằm trong mắt bão, tâm bão, nhưng cứ mỗi mùa mưa bão qua đi là người dân Yên Bái lại phải hứng chịu những tàn phá nặng nề của thiên tai.
Tính riêng năm 2017, trên địa bàn toàn tỉnh xảy ra 21 đợt thiên tai, 8/9 huyện, thị bị ảnh hưởng nặng nề. Mưa bão đã làm 37 người chết, 16 người mất tích, 33 người bị thương; 3.649 ngôi nhà bị thiệt hại, trên 2.346 ha lúa và trên 1.113 ha rau, màu bị ảnh hưởng; hàng trăm công trình giao thông, thủy lợi bị phá hỏng; tổng giá trị thiệt hại trên 1.855 tỷ đồng. Rõ ràng, hậu quả mà thiên tai, bão lũ để lại là quá nặng nề.
Vẫn biết thiên tai luôn đột biến, cực đoan, thất thường nhưng chúng ta có thể phòng chống, giảm thiểu thiệt hại về người và của. Phòng tránh, giảm nhẹ thiên tai là một nhân tố bảo đảm cho sự tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững.
Mùa mưa bão 2018 đã bắt đầu, theo dự báo của Trung tâm Dự báo Khí tượng - Thủy văn Trung ương sẽ có nhiều diễn biến phức tạp, bất thường, ngày càng cực đoan, số cơn bão đổ bộ vào nước ta có khả năng bằng và nhiều hơn năm 2017.
Để hạn chế thấp nhất thiệt hại về người và tài sản trong mùa mưa bão năm 2018, công việc trước tiên là xây dựng kế hoạch đảm bảo an toàn sinh mạng và tài sản cho nhân dân.
Trước mắt, các huyện, thị, thành phố, các xã, phường, thôn, bản phải rà soát toàn bộ phương án đối phó với thiên tai trên địa bàn, chuẩn bị các mặt theo phương châm 4 tại chỗ (chỉ huy tại chỗ, hậu cần tại chỗ, lực lượng tại chỗ và phương tiện tại chỗ) để chủ động đối phó với mọi tình huống xảy ra. Tiến hành đôn đốc và kiểm tra đến từng hộ dân để có sự chuẩn bị thật thiết thực, cụ thể và bổ khuyết kịp thời.
Bên cạnh đó, cần đẩy nhanh tiến độ xây dựng các khu tái định cư và tiến hành di dân trong vùng nguy hiểm đến nơi an toàn. Xây dựng các thiết bị đo mưa và các mốc cảnh báo lũ quét một cách hiệu quả. Triển khai các biện pháp, giải pháp phòng, tránh, ứng phó hiệu quả trước, trong và sau thiên tai xảy ra.
Từ đúc kết kinh nghiệm thực tiễn qua nhiều năm, mỗi địa phương cần xây dựng phương án phòng chống cho sát với thực tế. Chẳng hạn, vùng cao thường xảy ra lũ quét, lũ ống, sạt lở đất đá các cấp chính quyền cần đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền, đồng thời đến tận nhà, rà tận thôn để hướng dẫn di dời dân ra khỏi vùng nguy hiểm. Tổ chức ứng trực 24/24 giờ và theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết.
Chú trọng công tác huấn luyện nâng cao kỹ năng thực hành tìm kiếm cứu nạn, kỹ năng vận hành trang thiết bị phục vụ tìm kiếm cứu nạn cho lực lượng tại chỗ. Trong sản xuất nông nghiệp, tập trung chăm sóc lúa, hoa màu, đặc biệt với diện tích lúa xuân bà con hãy thực hiện với phương châm "xanh nhà hơn già đồng".
Song song với đó, các địa phương ra quân, tổ chức giải phóng, khơi thông cống, rãnh, sông, suối đảm bảo dòng chảy thông suốt.
Về lâu dài, trong phát triển kinh tế - xã hội phải gắn chặt với bảo vệ và cải thiện môi trường, đảm bảo sự hài hòa giữa môi trường nhân tạo với môi trường thiên nhiên. Phòng tránh và hạn chế tác động xấu của thiên tai, sự biến động khí hậu bất lợi với sự chủ động, chắc chắn sẽ làm giảm thiểu tổn hại thiên tai; tuy nhiên, cần phải có sự hành động cụ thể của các cấp và của mỗi người dân trong mùa mưa bão.
Ngọc Trúc