Lục Yên tập trung chăm sóc lúa mùa

  • Cập nhật: Thứ tư, 15/8/2018 | 8:01:48 AM

YBĐT - Vụ mùa năm 2018, huyện Lục Yên gieo cấy trên 3.600 ha với cơ cấu giống 45% lúa lai và 55% lúa thuần; trong đó, có 500 ha lúa mùa sớm. Hiện nay, bà con đang tập trung thăm đồng và thực hiện các biện pháp chăm sóc lúa với mong muốn có một vụ mùa bội thu.

Cán bộ khuyến nông huyện Lục Yên kiểm tra tình hình sâu bệnh hại lúa tại xã Tân Lĩnh.
Cán bộ khuyến nông huyện Lục Yên kiểm tra tình hình sâu bệnh hại lúa tại xã Tân Lĩnh.

Do ảnh hưởng của các trận mưa bão cuối tháng 7, đầu tháng 8, nên những ngày này, trên các cánh đồng của huyện, nông dân đang tích cực nạo vét kênh mương, chăm sóc và bảo vệ lúa.
 
Theo bà Trịnh Thu Hiến - cán bộ địa chính kinh tế xã Tô Mậu, do chủ động làm đất, cây giống, gieo cấy và làm tốt công tác phòng trừ sâu, bệnh nên toàn bộ 74 ha lúa trên địa bàn xã đều phát triển tốt, đang trong giai đoạn làm đòng. Dù vậy, xã cũng như bà con vẫn rất thận trọng, tiếp tục theo dõi sát sao tình hình sinh trưởng, phát triển cũng như phòng trừ các loại sâu bệnh hại trên cây lúa.

Cũng như mọi năm, vụ mùa 2018, huyện Lục Yên đặc biệt coi trọng việc gieo cấy lúa đúng khung thời vụ, đúng lịch và coi đây là yếu tố quan trọng góp phần thắng lợi trong sản xuất vụ mùa cũng như là tiền đề tạo thắng lợi cho các vụ tiếp theo.
 
Trên cơ sở đó, các cơ quan nông nghiệp huyện phối hợp với các xã tổ chức các cuộc họp triển khai sản xuất vụ mùa, thông báo lịch gieo cấy trên hệ thống loa truyền thanh cũng như dán công khai tại hội trường các thôn, khu vực chợ, nơi tập trung đông dân cư để người dân nắm rõ ngày gieo mạ, ngày cấy, kỹ thuật chăm sóc, bón phân cho từng giai đoạn.

Thường xuyên cập nhật tiến độ thu hoạch lúa chiêm xuân, đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân với phương châm "xanh nhà hơn già đồng” để giải phóng quỹ đất, chuẩn bị sớm cho vụ mùa. Ngoài ra, huyện chỉ đạo các đơn vị cung ứng giống trên địa bàn chủ động phân phối giống đảm bảo nhanh chóng, đủ và đúng giống lúa.

Bên cạnh đó, huyện chỉ đạo sát sao công tác thủy lợi, tưới tiêu, kiểm tra lượng nước ở các phai, đập đầu mối; chủ động máy bơm để bơm nước vào các xứ đồng cao; huy động nhân dân tu sửa, khơi thông hệ thống kênh mương thủy lợi.
 
Ông Hoàng Văn Số - Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Lục Yên cho biết: "Toàn huyện hiện có 348 công trình thủy lợi lớn nhỏ, 6 trạm bơm nước thủy lợi, 588 km kênh mương nội đồng, đảm bảo tưới cho trên 3.800 ha đất nông nghiệp; trong đó, có 349 km đã được kiên cố hóa, đạt trên 59% nên toàn bộ diện tích lúa mùa trên địa bàn huyện đều đủ nước sản xuất, đảm bảo cho lúa sinh trưởng và phát triển”.

Được biết, vụ mùa năm 2018, huyện Lục Yên gieo cấy được trên 3.600 ha lúa, với cơ cấu giống 45% lúa lai và 55% lúa thuần; trong đó, có 500 ha lúa mùa sớm, thực hiện mô hình "cánh đồng một giống” ở xã Vĩnh Lạc với diện tích 11 ha; tại xã Khánh Thiện gieo trồng một số giống lúa hàng hóa chất lượng cao như giống lúa nếp, lúa J02 và TBJ3 với diện tích tập trung trên 30 ha nhằm tạo ra sản phẩm lúa hàng hóa chất lượng cao.
 
Đến nay, toàn bộ diện tích lúa mùa đều sinh trưởng và phát triển tốt, không xuất hiện sâu bệnh trên diện rộng, diện tích lúa cấy ở trà 1 đang trong giai đoạn làm đòng còn lúa cấy ở trà 2 đang trong giai đoạn đẻ nhánh, phân hóa đòng.
 
Tuy nhiên, thời gian qua, trên địa bàn có mưa lớn kéo dài gây ngập úng khoảng 20 ha lúa mùa, chủ yếu tập trung ở xã Tô Mậu và xã Tân Lĩnh. Cùng với đó, thời tiết mưa, nắng thất thường là điều kiện phát sinh một số sâu bệnh. Do vậy, công tác chăm sóc, phòng chống sâu bệnh hại trên cây lúa cần tiếp tục được ngành nông nghiệp và bà con nông dân quan tâm thực hiện.
 
Hùng Cường

Các tin khác
Nông dân huyện Văn Chấn thu hái chè.

YBĐT - Huyện Văn Chấn có diện tích chè lớn nhất tỉnh với trên 4.600 ha; trong đó, diện tích chè lai 2.200 ha, chè trung du 1.100 ha, chè shan 1.300 ha. Để nâng cao năng suất, chất lượng vùng chè, những năm qua, huyện đã chú trọng cải tạo, thay thế giống chè cũ bằng các giống chè mới.

Lãnh đạo xã Tú Lệ động viên nhân dân khôi phục sản xuất.

YBĐT - Đầu tháng 8, thung lũng Tú Lệ, huyện Văn Chấn vẫn mưa rả rích. Sốt ruột vì nhiều diện tích đất bị bồi lấp chưa khôi phục được, nhiều hộ dân vẫn ra đồng làm đất trồng ngô và gieo sạ những chân ruộng mới khôi phục.

Nhờ nuôi ong mật, gia đình ông Trần Xuân Trường ở thôn Trực Bình 2, xã Minh Bảo có thu nhập trên 100 triệu đồng mỗi năm.

YBĐT - Xã Minh Bảo, thành phố Yên Bái có diện tích rừng lớn, nên việc nuôi ong lấy mật đã trở thành nghề tăng thu nhập, góp phần phát triển kinh tế địa phương. Ông Trần Xuân Trường là một trong những hộ nuôi ong lâu năm và có nhiều đõ ong nhất ở thôn Trực Bình 2.

Nông nghiệp, nông dân, nông thôn đang có những chuyển biến lớn, tích cực tạo đà cho việc phát triển kinh tế - xã hội bền vững ở nông thôn.

Thực tế triển khai đã khẳng định tính đúng đắn của Nghị quyết số 26 của Đảng về nông nghiệp, nông dân, nông thôn.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục