Trấn Yên mở hướng phát triển bền vững nghề dâu tằm

  • Cập nhật: Thứ năm, 6/9/2018 | 7:56:39 AM

YBĐT - Đó là tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp liên kết với các hộ trồng dâu nuôi tằm sản xuất theo chuỗi giá trị để nâng cao chất lượng sản phẩm kén tằm, tạo thu nhập bền vững cho người dân.

Cán bộ kỹ thuật của Công ty Dâu tằm tơ miền Bắc (thứ 2, bên trái) hướng dẫn kỹ thuật nuôi tằm cho các hộ dân ở xã Tân Đồng.
Cán bộ kỹ thuật của Công ty Dâu tằm tơ miền Bắc (thứ 2, bên trái) hướng dẫn kỹ thuật nuôi tằm cho các hộ dân ở xã Tân Đồng.

Gia đình anh Nguyễn Mạnh Hùng ở thôn 2, xã Tân Đồng, Trấn Yên đã hơn chục năm gắn bó với nghề dâu tằm nhưng chủ yếu nuôi theo kinh nghiệm và bán kén cho các thương lái nhỏ lẻ nên chưa mang lại hiệu quả kinh tế cao.
 
Đầu năm 2018, được sự hỗ trợ của huyện và doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm, anh Hùng mạnh dạn chuyển đổi từ nuôi tằm thương phẩm sang nuôi tằm con để cung cấp giống cho bà con trong xã và các vùng lân cận.
 
Để đáp ứng các yêu cầu nuôi tằm giống, anh Hùng đã đầu tư 400 triệu đồng để làm nhà nuôi và được Công ty cổ phần Dâu tằm tơ miền Bắc hỗ trợ thêm gần 400 triệu đồng tiền khay nuôi, con giống và hướng dẫn kỹ thuật nuôi tằm con.
 
Anh Nguyễn Mạnh Hùng cho biết: "Sau khi ký hợp đồng liên kết với doanh nghiệp thì gia đình rất yên tâm về đầu ra, giá cả sản phẩm. Đặc biệt, được cán bộ kỹ thuật của Công ty trực tiếp hướng dẫn kỹ thuật nuôi từ cách băng tằm, san tằm, khử trùng, vệ sinh, cách cho tằm ăn, đến  cách  trồng và hái lá dâu nên năng suất và sản lượng tăng trông thấy”.

Nghề trồng dâu nuôi tằm được phát triển  trên địa  bàn huyện Trấn Yên từ năm 2000, nhưng chủ yếu được bà con nuôi thủ công và theo kinh nghiệm. Việc đầu tư, ứng dụng kỹ thuật vào thâm canh chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh trên cây dâu còn hạn chế, chưa đồng bộ, nên sản lượng và chất lượng lá dâu chưa cao.
 
Trong nuôi tằm, đa số các hộ chưa thực hiện tốt yêu cầu kỹ thuật về vệ sinh phòng bệnh, đặc biệt đối với các hộ nuôi tằm con còn chạy theo lợi nhuận trước mắt, không cách ly giữa các lứa nuôi nên có nguy cơ tiềm ẩn dịch bệnh trong chăn nuôi.
 
Bên cạnh đó các hộ nuôi tằm lớn chưa tính toán kỹ sản lượng lá dâu của gia đình, mua số lượng tằm lớn về nuôi, dẫn tới nuôi tằm lớn kéo dài chu kỳ kinh doanh. Cùng với đó, các hộ nuôi tằm sử dụng né tre cho tằm làm kén nên chất lượng kén tằm thấp.
 
Để đưa nghề trồng dâu nuôi tằm phát triển thành làng nghề  bền vững, trên cơ sở của Đề án phát triển dâu tằm tơ huyện Trấn Yên đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2025, huyện Trấn Yên đã tạo điều kiện cho Công ty cổ phần Dâu tằm tơ miền Bắc liên kết với các hộ nuôi tằm từ khâu trồng dâu, nuôi tằm, thu mua sản phẩm kén tằm và xây dựng nhà máy ươm tơ, dệt lụa tạo sản phẩm đặc trưng cho huyện trong những năm tới.
 
Với gần 400 ha dâu được trồng tập  trung ở 3 xã Việt Thành, Báo Đáp, Tân Đồng, nếu được trồng, chăm sóc và thâm canh theo đúng quy trình kỹ thuật, thì việc cung cấp tằm giống cũng như nuôi tằm con và tằm thương phẩm cho đến thu mua kén cho người dân huyện Trấn Yên sẽ được Công ty cổ phần Dâu tằm tơ miền Bắc bao tiêu hết.
 
Hiện nay, Công ty đang thu mua kén tằm với giá thấp nhất từ 100.000 đồng - 120.000 đồng/kg kén. Công ty đã lựa chọn 200 hộ dân, trong đó có 7 hộ nuôi tằm con được hỗ trợ giống kỹ thuật chăn nuôi, phòng trừ dịch bệnh, vật tư, dụng cụ nuôi tằm và bao tiêu toàn bộ sản phẩm.
 
Ông Vũ Văn Thanh - Giám đốc Công ty cổ phần Dâu tằm tơ miền Bắc cho biết: "Công ty sẽ chú trọng công nghệ chế biến, tiến tới xây dựng Nhà máy ươm tơ tự động, thiết bị đồng bộ để chế biến kén tạo ra sản phẩm tơ, lụa có giá trị cao. Giai đoạn 2018 - 2020 phấn đấu xây dựng 1 nhà máy ươm tơ tự động tại xã Tân Đồng với công suất 200 tấn tơ/năm, tiêu chuẩn tơ đạt cấp 2A trở lên”. 

Sự liên kết chặt chẽ giữa doanh nghiệp đầu tư vào chế biến sản phẩm kén tằm trên địa bàn huyện Trấn Yên với người nông dân không chỉ góp phần tiêu thụ ổn định bền vững và nâng cao giá trị hiệu quả sản xuất từ trồng dâu nuôi tằm, mà còn đưa nghề trồng dâu nuôi tằm trở thành sản phẩm đặc trưng của huyện theo đúng mục tiêu Nghị quyết chuyên đề về chương trình phát triển kinh tế nông nghiệp trọng điểm giai đoạn 2016 - 2020.

Hồng Duyên

Các tin khác
Mạng đường bộ cao tốc quốc gia bảo đảm kết nối các trung tâm kinh tế trọng điểm.

Mạng đường bộ cao tốc Việt Nam đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 sẽ gồm 21 tuyến với tổng chiều dài 6.411 km.

Ông Nghiêm Công Thành (đứng giữa) trao đổi kinh nghiệm trồng bưởi Diễn với lãnh đạo Hội Nông dân xã Minh Quân.

YBĐT - Hiện, xã có 4 xưởng chế biến gỗ rừng trồng, 5 xưởng chế biến chè tạo việc làm thường xuyên cho trên 300 lao động.  

Cán bộ Chi cục Thuế huyện Yên Bình triển khai nhiệm vụ thu nợ thuế những tháng cuối năm 2018.

YBĐT - Thời gian qua, công tác quản lý nợ và cưỡng chế nợ thuế luôn được ngành thuế tỉnh Yên Bái đặc biệt quan tâm. 

Thủ tướng chỉ thị triển khai giải pháp phát triển sản xuất, thúc đẩy xuất khẩu. (Ảnh minh họa)

Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương cải cách thể chế, đơn giản hóa thủ tục hành chính, cắt giảm chi phí, loại bỏ những nút thắt, rào cản đối với xuất khẩu. 

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục