Trong tập đoàn cây lâm nghiệp đã và đang trồng của tỉnh thì quế là cây có giá trị kinh tế cao vì cho thu hoạch cả lá, cành, vỏ, thân, gốc rễ. Hiện, toàn tỉnh có trên 56.522 ha quế ở 6 huyện, thị, thành phố; bình quân mỗi năm thu nhập trên 800 tỷ đồng.
Quế đã, đang là cây xóa đói, giảm nghèo, làm giàu ở nhiều địa phương. Tuy nhiên, việc phát triển quá nóng các nhà máy, cơ sở chế biến quế, tinh dầu quế (TDQ) sẽ gây những hệ luỵ khó lường.
Qua thống kê từ các địa phương: huyện Văn Yên có 40.018 ha quế, Văn Chấn 4.560 ha, Lục Yên 1.291,6 ha, Yên Bình 369 ha, Trấn Yên 10.266 ha, thành phố Yên Bái trên 17,3 ha. Cứ trồng sau 3 đến 5 năm, người trồng quế đã có thu nhập từ tỉa thưa. Bình quân 1 ha quế chu kỳ 5 năm cho thu nhập 27 triệu đồng/ha/năm; nếu chu kỳ kinh doanh từ 10 năm trở lên cho thu nhập khoảng 50 triệu đồng/ha/năm, cao gấp 3 đến 4 lần so với trồng keo, bạch đàn.
Hàng năm, toàn tỉnh khai thác khoảng trên 2.500 ha (khai thác trắng), sản lượng vỏ khô ước đạt 20.000 tấn; 62.500 tấn cành, lá và 87.500 m3 gỗ quế. Sản lượng khai thác vỏ quế khô (tính riêng với quế ở độ 13 - 15 năm tuổi) đạt từ 6 - 8 tấn/ha. Sản lượng tận thu cành, lá bình quân sau khai thác đưa vào chưng cất TDQ từ 20 - 25 tấn/ha.
Sản lượng gỗ quế tận thu sản phẩm sau khai thác từ 30 - 40 m3/ha. Trước đây, người trồng quế chỉ khai thác lấy vỏ và gỗ là chính, cành, lá gần như bỏ đi. Khoảng gần chục năm trở lại đây, người dân sau khi bóc vỏ quế đã phân loại sản phẩm (A, B, C) vận chuyển đến cơ sở thu mua, chế biến; gỗ quế bán cho cơ sở chế biến gỗ; cành, lá bán cho các cơ sở chưng cất TDQ.
Phần cành lá trước đây bỏ đi thì nay mỗi năm tỉa cây, tỉa cành và sau khai thác cũng đạt trên 62.500 tấn, với giá bán 2,1 triệu đồng/tấn, mỗi năm cho thu trên 131 tỷ đồng.
Hiệu quả kinh tế từ cây quế là rất lớn trong phát triển kinh tế - xã hội, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Để phát huy tiềm năng, thế mạnh này, tỉnh đã xây dựng Đề án phát triển cây quế giai đoạn 2016 - 2020, với mục tiêu duy trì 56.500 ha quế hiện có, trồng mới 19.500 ha. Diện tích chuyển đổi cơ cấu cây trồng lâm nghiệp và cây trồng khác có giá trị kinh tế thấp của vùng quy hoạch sang trồng quế tại 5 huyện: Yên Bình, Trấn Yên, Văn Yên, Văn Chấn, Lục Yên.
Phấn đấu đến năm 2020, hình thành vùng quế ổn định 76.000 ha. Song song với phát triển vùng nguyên liệu quế, các nhà máy chế biến vỏ quế, TDQ, chế biến gỗ quế cũng phát triển mạnh mẽ. Toàn tỉnh hiện có trên 50 doanh nghiệp, cơ sở thu mua, chế biến vỏ quế và trên 200 cơ sở lớn nhỏ chưng cất TDQ, hàng trăm cơ sở chế biến gỗ rừng trồng có nhu cầu thu mua gỗ quế.
Việc phát triển các nhà máy chế biến, chưng cất TDQ là cần thiết, không chỉ chế biến nâng cao giá trị sản phẩm quế mà còn tạo việc làm, thu nhập cho người dân trồng quế, công nhân chế biến và tăng thu ngân sách.
Về nguyên lý thì việc xây dựng nhà máy chế biến quế vỏ, TDQ không chỉ tiêu thụ sản phẩm cho nông dân mà còn mang tính cạnh tranh cao và càng cạnh tranh thì càng phát triển. Tuy nhiên, việc phát triển quá nhiều nhà máy, cơ sở chế biến sẽ đem đến hệ luỵ khôn lường như tình trạng tranh mua, tranh bán, đẩy giá thu mua lên cao không quan tâm đến chất lượng, người dân thấy giá cao nên khai thác non, tỉa cành lá một cách triệt để khiến quế sinh trưởng kém; cây sinh khối kém; chất lượng quế vỏ kém, hàm lượng tinh dầu giảm...
Cùng đó, các doanh nghiệp đầu tư nhà xưởng, máy móc cũng không có nguyên liệu nên lãng phí đầu tư, công nhân thiếu việc làm.
Ông Nguyễn Minh Hiệp - Phó Giám đốc Công ty TNHH Minh Nghĩa cho biết, Công ty chỉ sản xuất đạt 30 - 40% công suất máy móc, mỗi năm nghỉ từ 4 - 6 tháng vì không có nguyên liệu chế biến TDQ và nhiều công ty khác cũng tương tự vậy.
Từ những thực tế đó, để sản xuất kinh doanh hiệu quả, cần đánh giá, rà soát quy hoạch, quy hoạch các nhà máy, cơ sở chế biến phù hợp với vùng nguyên liệu, nhất là cơ sở chế biến TDQ. Có nhiều ý kiến cho rằng, không nên cấp phép, mở mới, mở rộng cơ sở chế biến TDQ để bảo vệ vùng nguyên liệu, chất lượng, thương hiệu quế nói chung và TDQ Yên Bái nói riêng.
Cùng đó, các doanh nghiệp, nông dân không vì ham lợi mà khai thác cành lá quế quá mức, gây ảnh hưởng tới sinh trưởng làm giảm sinh khối, chất lượng vỏ, tinh dầu. UBND tỉnh, ngành nông nghiệp, các ngành chức năng cần có cơ chế phù hợp hỗ trợ doanh nghiệp chế biến quế nâng cấp dây chuyền công nghệ để sản xuất ra sản phẩm đạt tiêu chuẩn xuất khẩu trực tiếp, nâng cao giá trị sản phẩm.
Thanh Phúc